Đặc trưng của văn hóa gốc nông nghiệp

Qua quá trình phát triển lâu dài của lịch sử Việt Nam cho thấy việc chế ngự thiên nhiên và chiến thắng địch họa là điều kiện sống còn và phát triển của dân tộc ta. Vừa dựng nước, vừa giữ nước là hai mặt cơ bản mật thiết gắn bó với nhau trong cuộc sống của con người Việt Nam. Đó là nội dung và đặc điểm nổi bật, xuyên suốt trong lịch sử nước ta từ xưa cho đến nay. Từ hai lĩnh vực nói trên, con thuyền quốc gia Việt Nam đã vượt qua bao thác ghềnh nguy hiểm, vận mệnh của Tổ quốc đã phải trải qua những bước thăng trầm, nhiều khi bị lầm than và tủi nhục, nhưng cũng lắm lúc rất dỗi chói lọi và vinh quang. Song dân tộc ta bao giờ cũng tỏ rõ ý chí vươn lên, tự cường tự lập của mình, thể hiện một sức sống phi thường và mãnh liệt. Con đường lịch sử gian nan và tiến trình phát triển đất nước hết sức éo le đã nhào nặn nên tâm hồn Việt Nam và đã có tác động sâu sắc lên nội dung, tính chất, đặc điểm của nền văn hóa Việt Nam.

Nguồn: tnmtcaobang.gov.vn
Cũng do nhu cầu trị thủy và chống ngoại xâm đã chi phối lên sự ra đời của nhà nước Việt Nam, khiến cho trong lòng xã hội đó có sự bảo lưu đậm đà những tàn dư của công xã nguyên thủy, đồng thời phương thức sản xuất Châu Á cũng đã ngự trị lâu dài. Ngay cả chế độ phong kiến ở Việt Nam cũng ra đời trên cơ sở bảo tồn và phong kiến hóa dần dần đối với kết cấu kinh tế - xã hội của phương thức sản xuất Châu Á. Sau đó, chế độ thực dân áp đặt trên đất nước ta cũng lại dung dưỡng quan hệ sản xuất phong kiến. Tình trạng đó dẫn đến hiện tượng "chồng xếp" trong quan hệ sản xuất, cùng với một cấu trúc lưỡng nguyên về xã hội, thể hiện ở sự cùng tồn tại và bổ sung cho nhau của hai thể chế: một nhà nước quân chủ tập quyền có xu hướng chuyên chế toàn trị, đứng ở trung tâm và bên trên một cộng đồng các làng xã có xu hướng tự trị, tự quản theo lối "phép vua thua lệ làng". Kết quả là nhà nước và làng xã thường thỏa hiệp với nhau, nhân nhượng lẫn nhau, khiến cho trên bình diện văn hóa cs sự cộng tồn và cân bằng giữa hai dòng văn hóa trong cùng một chế độ: dòng văn hóa quan liêu chính thống và dòng văn hóa dân gian phi chính thống, cũng như sự thâm nhập lẫn nhau giữa bộ phận văn hóa bình dân với bộ phận văn hóa bác học.
Văn hóa Việt Nam thuộc về loại hình văn hóa gốc nông nghiệp điển hình với những đặc trưng chủ yếu sau đây:
- Trong ứng xử với môi trường tự nhiên luôn có ý thức tôn trọng và sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn sùng thiên nhiên, thể hiện đức hiếu sinh.
- Vì sống bằng kinh tế nông nghiệp, nhất là nông nghiệp lúc nước, ở đó con người có sự phụ thuộc vào các hiện tượng tự nhiên (như trời, đất, nước, nắng, mưa...), nên trong nhận thức đã hình thành một lối tư duy tổng hợp, trọng quan hệ, trọng tình biện chứng, thiên về kinh nghiệm, trực giác, cảm tính và duy linh (linh cảm).
- Trong tổ chức cộng đồng, con người nông nghiệp ưa tổ chức xã hội theo nguyên tắc trọng tình, chuộng sự hòa thuận, tương trợ, quan tâm đến những láng giềng.
- Lối sống trọng tình đưa đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng Mẫu đề cao nguyên lý Mẹ.
- Nguyên tắc trọng tình cũng là cơ sở của tâm lí hiếu hòa, chuộng sự bình đẳng, dân chủ, đề cao tính cộng đồng, tính tập thể.
- Lối tư duy tổng hợp biện chứng, cộng với nguyên tắc trọng tình dẫn đến lối sống linh hoạt, luôn ứng biến cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
- Tư duy tổng hợp và phong cách linh hoạt của văn hóa nông nghiệp còn quy định thái độ dung hợp trong tiếp nhận các yếu tố khoan dung trong ứng xử, mềm dẻo trong đối phó.
- Tuy nhiên, mặt trái của tính linh hoạt và trọng tình là nó dẫn đến thái độ tùy tiện, coi thường tính nguyên tắc, ý thức tổ chức kỷ luật kém.
Văn minh nông nghiệp kéo dài đã làm chậm sự phát triển của tiến trình lịch sử Việt Nam, không tạo ra được những tiền đề và điều kiện để bức ra khỏi cái khung phong kiến phương Đông, làm hạn chế tính năng động, sáng tạo của con người Việt Nam và dẫn đến sự trì trệ của xã hội Việt Nam.
(Huỳnh Công Bá, Cội nguồn và bản sắc Văn hóa Việt Na, NXB. Thuận Hóa, 2012, tr.94-96)

Nhận xét