Nho, Phật, Đạo giáo thời Nguyễn (1802 - 1884)

Triều Nguyễn được thành lập vào năm 1802 trong bối cảnh đất nước bị chia cắt sâu sắc. Theo dòng lịch sử, trong thế kỉ XVI- XVIII, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài với sự hiện diện của chúa Nguyễn và chúa Trịnh. Sau đó, khởi nghĩa Tây Sơn đã đánh tan các thế lực phong kiến cát cứ, xóa bỏ ranh giới sông Gianh, nhưng cũng nhiều nguyên nhân đất nước không thể thống nhất. Mãi đến năm 1802, đất nước mới thống nhất hoàn toàn dưới sự cai trị của Gia Long (hậu duệ chúa Nguyễn đánh thắng quân Tây Sơn), vương triều nhà Nguyễn được thành lập, đất nước thống nhất.

Văn hóa nước ta trong thời kì loạn lạc này cũng có nhiều biến đổi. Nho giáo tuy vẫn còn được các thế lực phong kiến sử dụng làm quốc giáo, nhưng vị trí độc tôn như thời Lê Sơ thì không thể còn. Bởi vì “Dân nghèo sống dưới sự áp bức bóc lột của thế lực phong kiến suy tàn không biết tìm cách gì mà thoát khỏi cảnh khổ (ngoài sự khởi nghĩa), đành phải cầu Thần cầu Phật giảng phúc giải họa”, “trong giai cấp thống trị, trước nguy cơ của chế độ phong kiến, người ta rất lo sợ nên cũng trông mong vào sự “cứu hộ cứu nạn” của Phật”[1]. Do đó, Phật giáo trong thời kì này phát triển so với thời Lê Sơ. Tuy nhiên, Phật giáo thời kì này chỉ cốt cầu cứu khỏi cảnh khổ hiện tại. Theo học giả Đào Duy Anh nhận xét, “nghề thầy chùa thầy cúng, phù thủy pháp sư rất phát triển. Trải qua những cuộc cơ cận loạn ly, một số trí thức thôn quê vào ở chùa để tìm chỗ dung thân yên ổn, trong khi đó, một số đông dân nghèo vào làm nô tỳ để kiếm ăn”, “Bài cung oán ngâm thể hiện bọn đại quí tộc Đường ngoài không đặt tin tưởng vào đạo trị quốc của nhà nho nữa mà quay sang tìm an ủi ở Phật giáo và Đạo giáo. Ở Đường Trong, bọn quí tộc cũng đua nhau làm chùa rất nhiều. Cơ hồ mỗi nhà đại quí tộc đều có một hai sở chùa riêng. Tình trạng suy đốn của Phật giáo Đường trong được bộc lộ rõ ràng trong truyện Sãi sãi”.

1. Những điều kiện để triều Nguyễn đưa Nho giáo trở thành tư tưởng độc tôn vào đầu thế kỉ XIX

Đến đầu thế kỉ XIX, Việt Nam đã xuất hiện và tồn tại rất nhiều hệ tư tưởng với những trường phái khác nhau, trong đó có bốn hệ tư tưởng lớn là Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo và một hệ tư tưởng mới được truyền vào là Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, cũng như các triều đình trước đây, triều Nguyễn vẫn sử dụng Nho giáo làm hệ tư tưởng chính nhưng vẫn tạo điều kiện cho các tôn giáo khác phát triển. Tại sao triều Nguyễn lại lựa chọn điều này thì đó là một vấn đề cần làm rõ và với mục đích xác định rõ hệ tư tưởng nào mới thật sự phù hợp với điều kiện đất nước lúc bấy giờ.
Ngược dòng lịch sử, vào thế kỉ XVI – XVIII là thời kì loạn lạc, đất nước bị chia cắt, nhân dân rơi vào lầm than do chiến tranh diễn ra liên miên. Trong khốn cùng như vậy, Nho giáo dần mất dần vị trí độc tôn dưới Lê Sơ của mình và sự khôi phục của Phật giáo và Đạo giáo cũng đã xuất hiện. Một hiện tượng mạnh mẽ đã xuất hiện và phát triển thêm một bước mới, đó là tam giáo đồng nguyên. Trong dân gian, mà nhất là tầng lớp trên của xã hội đã quan tâm như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, chúa Nguyễn,… Vì tình hình đất nước rối ren, khủng khoảng chế độ nên người ta thường hướng về chung một cái gì đó để quên đi sự đời hoặc làm cho xã hội phát triển. Có thể thấy, cứu vãn địa vị Nho giáo, mà Nho gia đang cố gắng tạo ra những gì mới mẻ, những gì tiến bộ. Phật và Đạo giáo cũng dần khôi phục địa vị của mình, nhằm đưa “chúng sanh” thoát khỏi “bể khổ” đương thời “tự tâm tu thân”. Nhưng trên thực tế, nhà cầm quyền lúc này vẫn luôn đưa Nho học lên cao, đề cao cái học, cái đạo làm người. Nhưng thời kì này, hai tôn giáo như Phật giáo và Đạo giáo cũng được khôi phục và được thừa nhận. Đời sống tư tưởng thời kì này rất phong phú và đa dạng vì tính hỗn hợp là rất cao.
Riêng đối với cách nhìn của triều Nguyễn, mà khởi đầu là Nguyễn Ánh (Gia Long). “Mặc dù không tuyên bố Nho giáo là hệ tư tưởng độc tôn nhưng trong suốt cuộc đời trị vì của mình, Gia Long luôn tuân thủ đường lối chính trị và các phép tắc lễ nghi của học thuyết Khổng tử, đồng thời từng bước xác lập vị trí độc tôn của Nho giáo trong đời sống tư tưởng, tôn giáo của dân tộc”[2]. Gia Long chọn Nho giáo làm chính thống như thời Lê Sơ, có thể thấy qua những lí do sau:
Thứ nhất, tuy Nho giáo đang trên con đường khủng hoảng mà biểu hiện rõ nhất là sự khủng hoảng về mặt nhà nước, sự chia cắt trong nước, lòng tin của nhân dân đối với chế độ bị xuống cấp, nhưng những vương triều, chính quyền cầm quyền trong thời kì này vẫn đề cao sự học, đề cao đạo làm người, đề cao mặt tích cực của Nho giáo. Các vương triều và chính quyền này điều sử dụng quan lại qua thi cử, tổ chức bộ máy quan lại, xây dựng cơ quan hành chính. Ngoài ra, các nhà cầm quyền sử dụng tư tưởng nhân trị của Nho giáo kết hợp với pháp trị của Pháp gia để quản lí xã hội, đời sống xã hội dần ổn định.
Thứ hai, tầng lớp nho sĩ vẫn chiếm số đông trong xã hội và xuất hiện những bậc hiền triết, tiếp thu và sáng tạo những đạo lí, nhân sinh của Phật giáo và Đạo giáo, bổ sung và làm cho Nho giáo có được những nội dung mới mẻ và phù hợp với thời cuộc. Những đạo đức Nho giáo không bao giờ phai mờ. Và việc tiến hành thống nhất văn hóa trong cả nước, chỉ có thể thông qua con đường giáo dục mà giáo dục là thuộc về vai trò không tách rời của Nho giáo.
Thứ ba, mặc dù hai tôn giáo Phật giáo và Đạo giáo đang dần phục hồi nhưng không còn phù hợp với thời cuộc, không còn khả năng nắm vị trí chính trị được như thời Lý – Trần xưa. Một phần vì Nho giáo đã ảnh hưởng lâu nay, một phần là tính chất của hai tôn giáo này không còn phù hợp, chỉ có thể mang đến cho con người một cuộc sống bình yên, một tinh thần để an ủi cho con người.
Thư tư, sự xuất hiện, du nhập của Thiên chúa giáo chưa đủ khả năng để làm thay đổi tư tưởng truyền thống lâu đời. Đồng thời, các vị vua đầu triều Nguyễn đã nhận thấy sự đe dọa từ các nước phương Tây cùng với tôn giáo của họ nên Nho giáo mới thật sự đủ sức để chống lại âm mưu của phương Tây.

2. Sự phục hồi Nho giáo và tạo điều kiện cho Phật giáo, Đạo giáo phát triển.

2.1. Sự phục hồi và độc tôn Nho giáo

Nho giáo là một học thuyết chính trị- xã hội ảnh hưởng sâu đậm đến chính sách cai trị của nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, sau khi đánh bại triều Tây Sơn, đất nước được thống nhất thì cũng chính là thời kỳ nhà Nguyễn củng cố quyền lực không chỉ bằng những biện pháp hành chính, mà cả về hệ tư tưởng mang tính ý thức hệ dựa trên nền tảng của Nho giáo nhằm thiết lập và duy trì trật tự xã hội. Ngầm với mục đích khẳng định vị thế và uy quyền của vương triều, vì lợi ích của tầng lớp quý tộc, nhà Nguyễn đã tìm đến Nho giáo như một công cụ đắc lực cho việc trị nước. Trong bối cảnh đó, Nhà Nguyễn ra sức chấn hưng Nho Giáo. Trong các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Nho Giáo Việt Nam giữ vai trò độc tôn trong xã hội, từ chính trị đến giáo dục.
Một số nội dung chủ yếu của công cuộc phục hồi Nho giáo của nhà Nguyễn. Thứ nhất là tiến hành thanh lọc đội ngũ Nho sĩ, phải nói ngay từ quá trình phát động và chỉ huy các cuộc chiến tranh chống Tây Sơn thì Gia Long đã thông qua các khoa thi Nho giáo để tuyển chọn những Nho sĩ có thực tài, có khả năng giải quyết các vấn đề lớn của xã hội bấy giờ. “Với Nguyễn Ánh, những người trúng tuyển ở các khoa thi này, tuy không nhiều nhưng lại là những hạt nhân có ý nghĩa chiến lược lâu dài nhất.”[3]. Thứ hai là tiến hành thống nhất chế độ giáo dục và thi cử Nho học chính quy trên phạm vi cả nước, đồng thời sửa đổi hệ thống học vị: vì trước thời Nguyễn, cũng là nền giáo dục Nho giáo nhưng giáo dục ở Đàng Ngoài và Đàng Trong có sự khác biệt, vì thế yêu cầu thống nhất chế độ giáo dục là việc tất yếu. Thứ ba là không ngừng nâng cao hoạt động của hai cơ quan đặc biệt là Quốc Tử Giám và Quốc Sử Quán. Mặc dù Quốc Tử Giám (Về mặt lịch sử, Quốc Tử Giám được thành lập vào năm 1076 dưới thời vua Lý Nhân Tông. Thời Nguyễn do kinh đô đặt tại Huế vì thế cơ quan Quốc Tử Giám cũng được lập ra tại Huế) chỉ dành riêng cho con em tôn thất đến học, nhưng nó có vai trò kích lệ việc học cũng như quá trình truyền bá và phục hưng Nho giáo lúc bấy giờ. Và Quốc Sử Quán, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn cũng như là lưu trữ tài liệu sử sách của nước nhà. Góp phần không nhỏ vào việc khích lệ các thế hệ Nho sĩ tham gia biên soạn sách.
Song song với việc tiến hành phục hồi Nho giáo, Nhà Nguyễn đã chủ trương độc tôn Nho giáo. Chủ trương này được biểu hiện cụ thể qua ý thức và hoạt động thực tiễn của các vị vua triều Nguyễn điển hình là Gia Long, Minh Mạng. Bắt đầu từ  vua Gia Long, vốn rất coi trọng hình luật,  vì thế ông  đã chỉ thị biên soạn bộ luật của triều Nguyễn gọi là Hoàng triều luật lệ hay còn gọi là Luật Gia Long. Việc làm luật dựa trên tinh thần đức trị (một trong những tư tưởng chính trị đề cao của Nho giáo) kết hợp với pháp trị. Và cũng từ đó thấy được tinh thần nhân đạo của nó.
Kế ngôi Gia Long là Minh Mạng một vị vua đã để lại nhiều bài học cho hậu thế. Có thể nói, xã hội Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng được xem là thịnh trị trên nhiều lĩnh vực. Bởi việc vận dụng tư tưởng chính trị của Nho giáo, trước hết, là sự vận dụng tư tưởng thiên mệnh, trong Đại Nam thực lục chính biên, có ghi lời vua Minh Mạng rằng: “Vua phải kính trời, bởi lẽ trời đối với vua cũng như vua đối với bầy tôi. Vua có điều xấu, trời sẽ giáng tai họa răn đe để cảnh báo; nếu vua biết hối cải sửa mình thì ban cho điều tốt. Bầy tôi có lỗi, vua phải giáng phạt để trừng trị; nếu bầy tôi biết hổ thẹn, cố gắng khắc phục lỗi thì liệu đó mà cất nhắc lên. Việc có khác, lẽ cũng chỉ là một”, tức người làm vua phải luôn tâm niệm sửa mình, làm những điều tốt đẹp cho dân. Bên cạnh sự vận dụng tư tưởng thiên mệnh, vua Minh Mạng còn vận dụng tư tưởng đức trị với ba quan điểm. Thứ nhất là ái dân, cứu giúp người dân khi hoạn nạn, đặc biệt là lo cho cái ăn, cái mặc của họ, giảm thuế khóa, trợ cấp cho những đối tượng đặc biệt, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân trước sự nhũng nhiễu của trộm cướp hay giới quan lại lạm quyền: “Nhân tình ai không muốn yên, há lại vui thích làm trộm cướp hay sao? Nhân tình trạng bị áp bức, không nơi kêu ca tố giác, cho nên tụ tập làm trộm cướp. Trẫm xem bản án của bộ Hình tâu lên, thấy có việc dân báo cáo trộm cướp mà viên chức giữ việc bắt bớ cho là hoang báo, thậm chí còn yêu sách của đút, sự tệ hại không thể nói xiết được. Dân mà không yên ổn làm ăn đến nỗi làm trộm cướp là lỗi tại viên chức vậy”[4], bên cạnh đó, thực hiện sai khiến dân đúng thời điểm và thực hiện chính sách tiết kiệm trên cả nước. Thứ hai là quan niệm về quan hệ vua - quan – dân tức là mối quan hệ vua gần với quan và quan gần với dân để tạo nên mối quan hệ tốt đẹp. Thứ ba là quan niệm về đề cao vai trò của giáo dục và cầu người hiền tài tức việc xây dựng đất nước cần phải có những người tài giỏi giúp sức mới thành công được. Muốn có những người tài giỏi thì cần mở rộng và cải cách giáo dục để đào tạo nhân tài, thông qua hệ thống khoa cử và khuyến khích tiến cử người tài trong xã hội. “Kẻ hiền tài là đồ dùng của quốc gia, khi chưa gặp thời, náu mình giấu tông tích, thì vua chúa làm sao mà biết được, cho nên ngoài việc khoa cử ra, còn cần có người đề cử, trẫm từ khi mới lên ngôi, gắng sức mưu đồ cho nước thịnh trị, rất muốn trong triều có nhiều kẻ sĩ đức hạnh tốt, mà không bỏ sót người hiền tài nào ở chốn thôn dã, để tô điểm sự nghiệp nhà vua dùng tiếng âm nhạc mà hóa dân trị nước”[5]. Chính bởi vì sự độc tôn Nho giáo mà vua Minh Mạng,có thái độ dứt khoát với Thiên Chúa giáo.
Như vậy, có thể nói, xuất phát từ thực tiễn đất nước  Nho giáo từng được độc tôn dưới triều Lê Sơ và cho đến khi nhà Nguyễn nắm quyền thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam, Nho giáo vẫn luôn luôn chiếm ưu thế hàng đầu trong đời sống văn hoá tinh thần của xã hội. Sự độc tôn Nho giáo dưới triều Nguyễn là tất yếu lịch sử.

2.2. Những điều kiện do triều Nguyễn tạo ra cho Phật giáo và Đạo giáo

Chùa Diệu Đế nằm bên bờ sông Đông Ba thuộc phường Phú Cát (thành phố Huế), là một trong ba ngôi Quốc tự dưới triều Nguyễn còn lại trên mảnh đất cố đô.

Bên cạnh việc độc tôn Nho giáo thì triều Nguyễn khác với triều Lê Sơ trước đây, đã tạo điều kiện cho Phật giáo và Đạo giáo phát triển. Trước hết là cuộc chấn hưng Phật giáo đã được tiến hành ngay từ buổi đầu của thời Gia Long nói riêng và các Hoàng đế đầu triều Nguyễn nói chung đã quy định về những điều kiện để được phép xuất gia và tu hành[6]. Cụ thể là chính sách Phật giáo thời Minh Mạng. Vua Minh Mạng quan điểm “Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, đạo Khổng Tử chỉ dạy luân thường là món dùng hằng ngày, song tóm lại, chung quy đều dạy người ta làm điều thiện mà thôi”, “Đối với đạo Phật, dạy người bằng thuyết họa phúc, báo ứng, ta không nên nhất khái cho là dị đoan”[7]. Chính bởi cách nhìn tích cực đó, mà trong thời gian trị vì vua Minh Mạng đã có nhiều chính sách quan tâm phát triển cơ sở thờ tự, quản lý chặt chẽ tăng sĩ, thực hiện chế độ bao cấp đối với các chùa công.
Thứ nhất, triều đình quan tâm đến phát triển cơ sở thờ tự. Triều Nguyễn đã cho xây dựng nhiều cơ sở chùa chiềng mới, đồng thời cho tu bổ, trùng tu những ngôi chùa cũ, vì theo Minh Mạng “những danh lam thắng tích ta không có quyền để chúng tàn rụi, mất hết dấu tích không lưu lại cho thế hệ mai sau”. Triều đình đã cho trùng tu chùa Thiên Tôn (Quảng Trị), Tam Thai (Quảng Nam), các chùa trên núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), dựng chùa Long Phước (Quảng Trị), chùa Thánh Duyên (Huế), chùa Giác Hoàng (Huế), chùa Vĩnh An (Quảng Nam), chùa Khải Tường (Gia Định,… Có chùa lại được vua Minh Mạng cho xây dựng từ sự cảm kích đối với một vị thiền sư chân tu. Trường hợp chùa Sắc tứ Bát Nhã ở Phú Yên là một ví dụ. Đến Thiệu Trị cũng đã thực hiện trùng tu các chùa như: Thiên Mụ, Hoàng Ân, Long Quang, Diệu Đế, bốn ngôi chùa này đều ở Huế,… Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều văn bia ở chùa cũng đã chứng minh được là ngoài sự tích cực của triều đình thì việc tu sửa và dựng mới chùa ở các vùng quê cũng phát triển. Do đó, chùa chiền dưới thời Minh Mạng, nhờ đó mà đã phát triển nhanh chóng, nhiều ngôi cổ tự có giá trị về mặt văn hóa lịch sử được trùng tu, bảo tồn, tránh được nguy cơ mai một do những tác động không mong muốn từ thời tiết và con người. Và có thể nói rằng: “ phần lớn các ngôi chùa đều được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn và những ngôi chùa nào được xây dựng trước đó, thì nhờ được trùng tu dưới thời Nguyễn mà tồn tại cho tới đến nay”[8].
Quốc tự là nơi truyền bá Phật giáo mang tính quốc gia, là những ngôi chùa do triều đình trực tiếp xây dựng, tái thiết và quản lí sử dụng. Vì vậy mà những ngôi chùa này có nhiều quan tâm và hậu đãi. Theo đó các Tăng sĩ ở Quốc tự được miễn thuế khóa, sưu dịch, được cấp lương bổng hằng tháng để chi dùng, cấp pháp phục, gạo muối,... Theo từng cấp bậc tăng sĩ mà chế độ phân chia nhiều ít khác nhau. Hành động trên cũng chính là sự thừa nhận và ủng hộ Phật giáo phát triển trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc. Đặc biệt, phần lớn Quốc tự ở ngay tại Kinh đô Huế - điển hình là chùa Thiên Mụ nơi có số đông dân chúng mến mộ Phật giáo. Từ đó, triều đình có thể thu phục được lòng dân, tạo được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân, góp phần ổn định đất nước.
Thứ hai, triều đình coi trọng nghi lễ Phật giáo. Ngoài việc chu cấp kinh phí cho việc trùng tu hoặc tôn tạo chùa chiền thì các Hoàng đế triều Nguyễn còn cấp kinh phí phục vụ cho các đại lễ trai đàn, sai quân lính tới để giúp mọi việc. Điển hình, “một số triều đình nhà Nguyễn, khi lên ngôi, ngoài việc tổ chức đại lễ đăng quang trong hoàng thành, còn tổ chức đại lễ trai đàn”[9]. Và trong các Lễ trai đàn, triều đình thường cho bắn “62 phát súng lệnh”, việc bắn súng lệnh trong Lễ trai đàn đã một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của nghi lễ này trong hoạt động lễ tiết của triều đình.
Thứ ba, triều đình xiết chặt mặt quản lí, có thể thấy rằng thái độ của triều Nguyễn đối với Phật giáo là rất cởi mở. Nhưng không phải chính vì sự cởi mở mà không chú trọng về mặt quản lý. Triều Nguyễn đã luôn thể hiện quyền lực thực sự của mình với bất cứ ai muốn lợi dụng thái độ cởi mở đối với Phật giáo để mưu lợi riêng. Chính vì thế dưới thời Minh Mạng hạn chế việc các tăng sĩ tham gia vào việc triều chính. Triều đình cũng có những quy định nghiêm khắc và cứng rắn đối với các trường hợp hoạt động mê tín trong Phật giáo.
Đối với Việt Nam, Phật giáo không chỉ đơn thuần là một tôn giáo mà nó còn là thành tố quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Việt từ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Và việc phát triển Phật giáo là một biện pháp tốt cho việc xây dựng và củng cố vương quyền. Bên cạnh chính sách độc tôn Nho giáo thì vua Minh Mạng đã thể hiện tính kế thừa và sáng tạo trong chính sách đối với Phật giáo xem Phật như một tư tưởng bổ sung cho Nho giáo.
Còn với Đạo giáo, triều đình cũng quy định về điều kiện được phép tu hành như: “Về độ tuổi, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt được các bậc chn tu xác nhận xác nhận, còn nói chung thì người muốn xuất gia tu hành (nhất là nam), phải từ năm mươi tuổi trở lên; Về ý nguyện, phải thực sự xuất phát từ lòng mộ đạo; Về tư cách, phải đảm bảo là người có thể giữ được đạo hạnh lâu bền trong suốt cả đời tu hành; Về hiểu biết, phải được trang bị các tri thức nhất định về giáo lí”[10]. Từ đó, chúng ta thấy rằng đội ngũ tu hành được thanh lọc, những kẻ lợi dụng đền miếu và Đạo quán để lẫn trốn sự truy đuổi của xã hội hoặc chối bỏ trách nhiệm và bổn phận của mình đều lần lượt bị buộc phải hoàn tục.Vị trí của các bậc chân tu dần dần được khẳng định và đề cao. Và cũng từ đây không gian và không khí tôn nghiêm của hầu hết các đền miếu và Đạo quán trên khắp cả nước cũng dần dần được khôi phục, nhiều giá trị triết lí của Đạo giáo lại tiếp tục có cơ hội để có thể thẩm thấu đến nhận thức của các tầng lớp xã hội, hàng loạt đền miếu và Đạo quán ở nhiều địa phương khác nhau đã được triều đình cho trùng tu, tồn tạo hoạc xây dựng thêm, có khi chu cấp toàn bộ hoặc một phần kinh phí để tiến hành.
Trong xã hội, có hai xu hướng tiếp cận các triết lí: giản dị hóa và thiết thực hóa các khái niệm hàm súc và uyên thâm. “Trong tình cảm cũng như nhận thức của xã hội, ngoài thế giới hiện hữu của con người còn có một thế giới siêu nhiên, đấy là ma quỷ và thánh thần. Với thế giới siêu nhiên đó, chỉ các Thầy cúng, các Pháp sư mà đặc biệt là những Đạo sĩ cao tay ấn mới có khả năng và có quyền được giao tiếp, thậm chỉ là còn có thể tham gia điều khiển. Chỉ họ mới có thể hô phong và hoán vũ, triệu thiên tướng và thúc thiên binh, trừ tà và yếm quỷ, diệt âm khí và khơi mạch đại cát cho thiên hạ”. Điều đáng nói ở đây, đức tín hiện hữu hiện mạnh mẽ. Xu hướng tuyệt đối hóa đức tin đã tạo cơ hội thuận lợi cho hiện tượng mê tín dị đoan phát triển mạnh mẽ. Triều đình còn phong sắc thần như Hạ Đẳng, Trung Đẳng, Thượng Đẳng với các kiêm hiệu.
Những đền miếu và Đạo quán tiêu biểu do triều đình trùng tu, tồn tạo hoặc xây dựng như: Đền Bạch Hổ (đền anh Cọp hay đền Ca Hổ) ở Quảng Ngãi, thờ thần là con Cợp trắng, tương truyền rất nhân từ với dân làng. Đền Thượng ở Ninh Bình, thờ Đinh Tiên Hoàng. Miếu Hỏa Thần ở Hà Nội, thờ Thần lửa,…
Dương Thị Giàu, Trần Hoàng, Võ Thị Thúy Quyên




[1], 2 Đào Duy Anh. (2013). Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỉ XIX. Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội, tr.449
[2] PGS.TS. Lê Thị Lan. (2015), Tư tưởng trị quốc của Gia Long. Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (97)-2015, tr.37.
[3] Nguyễn Khắc Thuần. (2007). Tiến trình Văn hóa Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỉ XIX. Hà Nội: NXB. GIáo dục, tr.871.
[4] Lê Cảnh Vững. (2012). Tư tưởng đề cao Nho giáo của vua Minh Mệnh trong trong Minh Mệnh chính yếu. Huế: Tạp chí khoa học, tập 72A, số 3, tr.273.
[5] Lê Cảnh Vững. (2012), tlđd, tr.279.
[6] Nguyễn Khắc Thuần. (2007), sđd, tr.944.
[8] Nguyễn Khắc Thuần. (2007), sđd, tr.947.
[9] Nguyễn Khắc Thuần. (2007), sđd, tr.945.
[10], Nguyễn Khắc Thuần. (2007), sđd, tr.991.

Nhận xét