Vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
các phong trào yêu nước dưới ngọn cờ phong kiến ở nước ta dần đi vào kết thúc.
Sự thất bại của phong trào Cần Vương đã là dấu chấm hết. Và tới đây con đường cứu
nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản mới du nhập vào nước ta. Từ đó tạo thành
một trào lưu được hưởng ứng rộng rãi mà nổi bật là hai cái tên Phan Bội Châu,
Phan Châu Trinh. Ở đây, sẽ bàn về nguyên
nhân thất bại của con đường cứu nước mà Phan Bội Châu lựa chọn.
Thứ nhất, ngay từ đầu ông đã sai lầm về mặt
tư tưởng. Việc xác định kháng Pháp bằng cách dựa vào Nhật của ông là điểm sai
trọng yếu. Vì bản chất đế quốc mà Nhật sẽ bất chấp tất cả, bất chấp cả thứ tinh
thần châu Á mà ông tin Nhật sẽ tôn trọng. Rốt cuộc, cái mà đế quốc Nhật muốn
lúc đó là vấn đề bành trướng lãnh thổ hơn là tình bang giao với các nước lân
bang. Kết quả là, để có viện phí chi trả trong cuộc chiến Nga Nhật, Nhật đã phải
vay từ Pháp và chấp nhận yêu cầu tôn trọng các nước thuộc địa của Pháp mà Pháp
đưa ra. Từ đó, họ tiến hành trục xuất các thanh niên trong phong trào Đông Du về
nước, không chấp nhận thỉnh cầu giúp đỡ từ phía Phan Bội Châu. Những điều này
đã được các chí sĩ đương thời như Lương Khải Siêu, Phan Châu Trinh nhìn thấu,
nhưng Phan Bội Châu lại bị ánh hào quang của chiến thắng 1905 của Nhật Bản làm
lu mờ.
Sai lầm thứ hai trong con đường cứu nước
của Phan Bội Châu đó là việc chủ trương cứu nước bằng con đường bạo động. Tình
cảnh bấy giờ ở nước ta sau cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã đẩy
nhân dân ta vào chỗ mê muội, nghèo nàn, dốt nát. Nếu như chỉ độc một con đường
bạo động vũ trang mà hy vọng có thể cứu nước là hoàn toàn sai lầm. Bởi chính việc
thu phục nhân tâm, công cuộc “khai dân trí”, chấn hưng đất nước mà Phan Châu
Trinh từng nói đến mới là điều cần làm trước. Chỉ khi nào tập hợp được một lực
lượng to lớn là toàn thể nhân dân, trên dưới đồng lòng thì lúc đó, làm cách mạng
bằng con đường bạo động vũ trang mới nên tiến hành. Còn nếu chỉ bạo động xảy ra
lẻ tẻ ở một vài nơi, với sự ít ỏi về số lượng sẽ nhanh chóng bị dập tắt. Mà
tiêu biểu là sự đàn áp của thực dân Pháp lên những người làm hoạt động ám sát
trong hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội.
Sai lầm thứ ba của Phan Bội Châu đó là
việc chủ trương cứu nước bằng con đường dân chủ tư sản từ đó thiết lập nền cộng
hòa. Vì thời điểm đó, cuộc khai thác thuộc địa của thực dân pháp đã dần tạo ra
sự chuyển biến giai cấp. Đông đảo trong xã hội bấy giờ là giai cấp nông dân và
công nhân. Trong khi cuộc cách mạng này lại đem lại quyền lợi cho giai cấp
tư sản. Về cơ bản, nó chỉ tiếp tục thay
thế sự bóc lột từ giai cấp phong kiến qua giai cấp tư sản. Tinh thần dân chủ là
điểm tiến bộ lớn nhất trong con đường này.
Con đường cứu nước của Phan Bội Châu rốt
cuộc thất bại là vì những lý do cơ bản trên. Điểm tiến bộ là ông đã nhìn ra sự
lạc hậu và bảo thủ của chế độ phong kiến, việc cần thiết phải có một chế độ mới
mà ở đó quyền của nhân dân được đảm bảo. Ông cũng để lại cho thế hệ đi sau bài
học kinh nghiệm để cứu nước theo một con đường khác phù hợp hơn. Con đường cách
mạng vô sản mà người dẫn đầu không ai khác chính là Nguyễn Ái Quốc.
Danh
mục tài liệu tham khảo:
1/ Việt Nam Vong quốc sử,
Phan Bội Châu, Chương Thâu (dịch và chú thích), nxb.Văn hóa Thông tin, 2015.
2/Lịch sử Việt Nam, Lê
Thành Khôi, nxb. Thế Giới, 2014.
3/ Phan Châu Trinh thân
thế và sự nghiệp, Gs. Huỳnh Lý, nxb. Trẻ, 2002.
--------------
Đ.M.K
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.