Hội nghị Chính trị đặc biệt (năm 1964) - điểm hội tụ sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Trước nguy cơ phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ quyết định đẩy mạnh hoạt động quân sự trên chiến trường miền Nam; đồng thời, triển khai Kế hoạch 34A1 nhằm phá hoại, khiêu khích và phô trương sức mạnh Mỹ trước khi mở rộng phạm vi chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Biết trước âm mưu và hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, ngày 27-3-1964, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng ý chí quyết tâm chống Mỹ, cứu nước. Dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu chính thức (và trên 500 đại biểu dự thính của Thủ đô) là những nhà cách mạng lão thành, những người tiêu biểu cho các ngành, các giới, đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua, trí thức tiến bộ và nhân sĩ yêu nước đại diện cho hơn 30 triệu đồng bào các dân tộc trong cả nước biểu thị sự đoàn kết, nhất trí xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, thể hiện quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, vượt trước thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị Báo cáo Chính trị hết sức công phu, tỉ mỉ. Người điểm lại những thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Nam - Bắc trong 10 năm đấu tranh và xây dựng; khơi dậy truyền thống đánh giặc ngoại xâm của tổ tiên. Đồng thời, vạch rõ âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, tăng cường phá hoại, khiêu khích miền Bắc của đế quốc Mỹ, nêu rõ quyết tâm xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Người khẳng định rõ quan điểm chiến lược của Đảng: miền Bắc là căn cứ địa - hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn. Bởi vậy, miền Bắc phải dành nhiều sức người, sức của chi viện cho cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam và gấp rút tăng cường tiềm lực quốc phòng, triển khai thế trận sẵn sàng chiến đấu. Trên cơ sở những nhận định khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “...nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại”; kêu gọi “mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”2. Đồng thời, đề ra 06 nhiệm vụ trước mắt cho cách mạng hai miền. Một là, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết cần đoàn kết hơn nữa. Mọi người hãy nêu cao chí khí phấn đấu, tinh thần cách mạng, không sợ gian khổ khó khăn, phát huy ý thức làm chủ tập thể, dám nghĩ, dám làm, hăng hái vươn lên làm tròn nhiệm vụ, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm nay và kế hoạch 05 năm lần thứ nhất. Hai là, làm tốt cuộc vận động “cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp”; cuộc vận động “3 xây, 3 chống” trong công nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân. Phải đẩy mạnh phong trào đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế và văn hóa miền núi. Ra sức thi đua yêu nước, phát triển tốt các tổ, đội lao động XHCN và các hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến. Ba là, tăng cường không ngừng chính quyền nhân dân. Nghiêm chỉnh thực hiện dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ địch. Triệt để chấp hành mọi chế độ và pháp luật của Nhà nước. Cần tiến hành tốt cuộc bầu cử Quốc hội khóa III sắp tới. Phải củng cố lực lượng quốc phòng, giữ gìn trật tự trị an, luôn cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi hoạt động khiêu khích và phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng. Bốn là, phải hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Mỗi người phải hăng hái lao động và công tác, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Năm là, phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, giữ và phát triển tình hữu nghị với các nước XHCN anh em; hết lòng ủng hộ phong trào giải phóng của các dân tộc; đoàn kết với giai cấp công nhân và nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc do Mỹ cầm đầu, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Dưới sự điều hành tài tình, linh hoạt và sáng tạo, nhưng cũng hết sức khiêm tốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Chính trị đặc biệt đã phát huy dân chủ, mọi người đều hăng hái tham gia ý kiến trên nhiều lĩnh vực, với nhiều hình thức, biện pháp, thậm chí cả cách làm cụ thể,... góp phần vào thành công của Hội nghị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Lời Bác tại Hội nghị Chính trị đặc biệt đã thực sự trở thành mệnh lệnh chỉ đạo hành động cách mạng đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ở hai miền Nam - Bắc.
Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương với tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, ngày 28-3-1964, Hội nghị Chính trị đặc biệt đã khép lại, song tinh thần, sức sống của nó đã lan tỏa khắp các vùng miền, từ công trường đến nông trường, nhà máy, xí nghiệp ở miền Bắc và chiến trường miền Nam,... Ngay sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai” ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng miền Nam. Ngày 04-4-1964, Quốc hội ra Nghị quyết về kết quả của Hội nghị Chính trị đặc biệt và kêu gọi toàn thể đồng bào hãy phát huy cao độ truyền thống anh hùng của nhân dân ta, sẵn sàng hy sinh, phấn đấu vì quyền lợi tối cao của dân tộc, đập tan mọi âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới. Theo đó, các phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở tất cả các cấp, các ngành, như: “Ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Đại Phong” trong nông nghiệp, “Duyên Hải” trong công nghiệp, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong phụ nữ,… Cùng với đó, xuất hiện nhiều khẩu hiệu hành động “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Vững tay búa, chắc tay súng” trên khắp ruộng đồng, nông trường, nhà máy, xí nghiệp, công trường,… ở miền Bắc - minh chứng sống động về sự đồng thuận của toàn dân tộc đối với nhiệm vụ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hội nghị Chính trị đặc biệt đã tạo động lực để toàn quân gấp rút triển khai, thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh về việc chuyển một bộ phận lực lượng vũ trang, trong đó Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển “từ trạng thái thời bình sang trạng thái có tính chất thời chiến”; Kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu về xây dựng hệ thống phòng không ba thứ quân, biện pháp phòng tránh, sơ tán để bảo vệ tài sản, tính mạng nhân dân. Thế trận phòng không của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đã nhanh chóng được hình thành trên khắp các địa bàn từ thành phố đến nông thôn. Bên cạnh đó, lực lượng Hải quân cũng khẩn trương thiết lập hệ thống phòng thủ bờ biển ở khắp các tỉnh ven biển. Như vậy, miền Bắc đã thiết lập được thế trận trên không, trên biển, ven biển vững chắc, hiểm hóc, liên hoàn, nhiều tầng, nhiều lớp sẵn sàng đón đánh Không quân và Hải quân Mỹ. Đúng như dự đoán của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 02 và 05-8-1964, Mỹ đã sử dụng Hải quân và Không quân đánh phá miền Bắc. Do được chuẩn bị chu đáo cả về thế trận và lực lượng, nên quân và dân miền Bắc đã đánh thắng ngay từ trận đầu, bắn rơi 08, bị thương 02 máy bay Mỹ tại cửa Hội, cảng sông Gianh, Bãi Cháy, Lạch Trường, bắt sống 01 phi công. Thiệt hại nặng ngay trong lần xuất quân đầu tiên đã thực sự gây bất ngờ, choáng váng cho không lực Mỹ. Chiến công này là kết quả, hiệu ứng tiếp nối của Hội nghị Chính trị đặc biệt, minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện sinh động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố bảo đảm vững chắc cho quân và dân miền Bắc giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ.
Để tăng cường sức mạnh cho nhân dân miền Nam đánh Mỹ, bên cạnh việc thường xuyên đẩy mạnh tăng gia, lao động sản xuất để tạo ra nguồn của cải vật chất, quân dân miền Bắc còn thực hiện khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, một khối lượng lớn hàng hóa từ hậu phương miền Bắc đã được vận chuyển qua hai tuyến vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn và vượt Biển (riêng tuyến vận tải Trường Sơn đã chuyển được 4.000 tấn trong năm 1964) vào miền Nam, đáp ứng nhu cầu cơ bản cho chiến trường. Để đáp ứng nhiệm vụ Quân đội, năm 1964, toàn miền Bắc đã có khoảng 190.000 thanh niên gia nhập Quân đội, được biên chế thành 09 sư đoàn bộ binh và một số đơn vị binh chủng, được huấn luyện cơ bản và trang bị đầy đủ, sẵn sàng lên đường khi chiến trường yêu cầu. Ngay trong năm 1964, một số đơn vị cấp tiểu đoàn, trung đoàn trang bị mạnh đã nối tiếp nhau vượt Trường Sơn vào bổ sung cho các hướng chiến trường. Ngoài ra, hàng ngàn thanh niên từ các ruộng đồng, nông trường, nhà máy, xí nghiệp ở miền Bắc tham gia mở đường, vận chuyển hàng hóa phục vụ cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Mặc dù, những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, miền Bắc còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhân dân miền Bắc đã chắt chiu, dành dụm để chi viện kịp thời cho miền Nam đánh Mỹ. Điều đó thể hiện tình cảm máu thịt, đoàn kết keo sơn của hai miền Nam – Bắc không gì có thể chia cắt được. Ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát bằng cụm từ sinh động: “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do, độc lập”.
Đáp lại lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt và nhận được sự chi viện tích cực, kịp thời từ Hậu phương lớn miền Bắc, đồng bào miền Nam mà nòng cốt là Quân giải phóng miền Nam đã được tăng cường sức mạnh đáng kể cả về vũ khí, trang bị và con người. Đó không chỉ là nguồn sức mạnh vật chất, mà hơn thế, là sự hòa quyện cốt cách, bản lĩnh và ý chí của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc, tôi luyện qua hàng ngàn năm lịch sử, nguồn sức mạnh vô địch để chiến thắng quân thù. Hiệu ứng là, chỉ sau 04 ngày Mỹ sử dụng Không quân chính thức mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Quân giải phóng Khu 5 đã làm nên chiến thắng Kỳ Sanh (09-8-1964); tiếp đó là những trận đánh mãi khắc ghi vào lịch sử, như: Bầu Bàng (11-1964), Khách sạn Brinh, An Lão và Bình Giã (12-1964),… đã chính thức đẩy chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đến chỗ phá sản; đồng thời, tạo đà vững chắc cho phong trào cách mạng miền Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới, to lớn hơn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tròn nửa thế kỷ nhìn lại sự kiện Hội nghị Chính trị đặc biệt (27-3-1964 – 27-3-2014), chúng ta càng thấy rõ hơn tài thao lược của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là sự tiếp nối và vận dụng sáng tạo nghệ thuật tổ chức và điều hành chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của tổ tiên lên một tầm cao mới. Những bài học kinh nghiệm mà Hội nghị để lại vẫn giữ nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
NGUYỄN HUY THỤC
____________
____________
1 - Kế hoạch 34A: Kế hoạch hoạt động quân sự không công khai của Mỹ chống Việt Nam dân chủ cộng hòa, do Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Na-ma-ra và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đề xướng, Tổng thống Giôn-xơn phê chuẩn thi hành từ ngày 01-02-1964.
2 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 278.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.