Lê Văn Hưu và các bài học lịch sử

Trong lịch sử sử học Việt Nam, triều Trần được đánh giá là triều đại khai phá, mở đường và xác lập nền sử học đầu tiên của chế độ phong kiến Việt Nam. Trước Trần, các triều đại Đinh, Lê, Lý có thể đã có những sử quan ghi chép thực lục công việc triều đình, nhưng một tác phẩm mô tả lịch sử dân tộc thì chưa xuất hiện. Ta biết rằng Trung Quốc, từ Kinh xuân thu của Khổng Tử ghi chép việc của nước Lỗ đến Sử ký của Tư Mã Thiên mô tả lịch sử Trung Hoa từ lúc khởi thuỷ là quãng thời gian 500 năm.


Vì sao thời Trần bắt đầu có những tác phẩm sử học? Các nhà nghiên cứu còn chưa lý giải thấu đáo vấn đề này nhưng chắc chắn rằng, nền sử học Trần ra đời đã có sự tác động bởi nhu cầu tìm hiểu những bài học về phép trị nước của một vương triều đang phát triển mạnh mẽ với xu hướng tập quyền, bởi Nho giáo, nền tảng tư tưởng của chế độ phong kiến đang lấn át Phật giáo và bởi tinh thần tự tôn dân tộc được dâng cao.
Thời Trần không có nhiều tác phẩm sử học nhưng lại có hầu hết những thể loại của sử học phong kiến. Theo trình tự thời gian xuất hiện, có thể thống kê tác phẩm như sau:
- Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, hoàn thành năm 1272.
- Trung hưng thực lục, viết năm 1289.
An Nam chí lược của Lê Tắc, hoàn thành năm 1333.
- Đại Biệt sử lược, viết trong đời vua Trần Phế Đế (1377 – 1388).
- Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc, viết cuối thời Trần.
- Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc, viết cuối thời Trần.
Trong các tác phẩm trên, đóng vai trò quan trọng nhất cho việc hình thành một nền sử học là tác phẩm Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu.
Lê Văn Hưu (1230 – 1322) đỗ Bảng nhãn năm 1247. Năm 1253 ông giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viên giám tu, sau đó được vua Trần Thái Tông sai biên soạn quốc sử. Năm 1272 bộ Đại Việt sử kí hoàn thành gồm 30 quyển, dâng lên vua và được ban khen., Bộ sách này hiện nay không còn nhưng nội dung cơ bản của sách đã được nhà sử họ đời Lê là Ngô Sĩ Liên chép lại trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư. Căn cứ vào Đại Việt sử kí toàn thư có thể hình dung phần viết của Lê Văn Hưu bao gồm từ Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) năm 207 trước công nguyên đến Lý Chiêu Hoàng năm 1224 và chia làm 15 kỷ. Trong mỗi kỷ, Lê Văn Hưu chép “sự tích các triều đại” và “việc” của các triều đại theo thể biên niên. Trong Đại Việt sử ký toàn thưcòn giữ được 30 lời bình sử của Lê Văn Hưu (với tiêu đều “Lê Văn Hưu nói”). Có lẽ những phần viết này, các sử gia đời sau không sửa chữa bổ sung, vì thế đây được coi là những sử liệu quan trọng nhất để đánh giá Lê Văn Hưu. Hình thức bình luận lịch sử đã xuất hiện trong Sử kí của Tư Mã Thiên. Trong Sử kí, Tư Mã Thiên bình luận tất cả các nhân vật được mô tả trong tác phẩm. Nhưng trong Đại Việt sử kí, Lê Văn Hưu chỉ có 30 lời bình rải rác trong 15 kỷ với khoảng thời gian gần 1500 năm. Vì vậy, chắc chắn là các sự kiện và nhân vật được bình là những điểm nhấn quan trọng trong mô tả lịch sử của Lê Văn Hưu.
Đọc 30 lời bình sử của Lê Văn Hưu, ta thấy nổi lên ở đây là những bài học lịch sử, đó là những bài học quan trọng gắn liền với sự thịnh, suy, mất của một quốc gia. Có thể đề cập tới 3 bài học lớn sau đây:
1. Bài học về “Lễ”
Lê Văn Hưu chịu ảnh hưởng của Nho giáo, ông phê phán Phật giáo và cho rằng cần phải lấy giáo lý của đạo Nho làm tiêu chuẩn đạo đức, Nho đạo chính là sử đạo. Trong hầu hết các trường hợp, lời bình luận phê phán của ông dựa theo tiêu chí của Nho giáo, rõ ràng nhất là những tấm gương về “lễ”. Lê Văn Hưu đã thấy rõ, lễ là trật tự xã hội, xã hội sẽ rối loạn nếu không có lễ. Vua càng cần biết lễ và làm theo lễ. Vua không có lễ thì không trị được nước và sẽ là một tai hoạ cho quốc gia. Có tới 8/30 lời bình sử của Lê Văn Hưu phê phán sự không biết lễ của các bậc quân vương. Đó là các trường hợp sau:
- Phê phán Đinh Tiên Hoàng lập một lúc 5 hoàng hậu (xưa nay chỉ lập hoàng hậu một người, đứng đầu nội cung, chủ việc nội trị).
- Phê Lê Ngoạ Triều đặt thuỵ hiệu cho cha là Đại Hành Hoàng đế (đây là tên vua cha khi còn sống).
- Phê Lý Thái Tổ đã xưng đế mà lại truy phong cho cha là Hiển Khánh vương (cần một danh hiệu cao quý hơn).
- Phê Lý Thánh Tông bắt các quan gọi mình là “Triều đình” (lẽ xưa nay, thiên tử tự xưng là Trẫm, bề tôi gọi vua là Bệ hạ).
- Phê Lý Thái Tông nhận tám chữ của bề tôi rằng: Kim dũng, Ngân sinh, Nùng bình, Phiên phục (đó là sự xen chắp giữa tên đồ vật và tên man di).
- Phê Lý Thần Tông để tang vua cha chưa đến một tháng đã bỏ áo thổ (lệ thường là 3 năm),
- Phê Lý Thần Tông qui công đánh giặc cho Phật và đạo, đi các chùa quán lạy tạ mà không uý lạo tướng sĩ.
- Phê Lý Thần Tông (con nuôi Lý Nhân Tông) phong cho cha đẻ làm Thái thượng hoàng, mẹ đẻ làm Hoàng thái hậu.
Vì sao một số vị vua không có lễ? Lê Văn Hưu đưa ra mấy lý do: không có học; học không đến nơi đến chốn; tuổi còn quá trẻ; không có bề tôi thấu hiểu Nho học bên cạnh; bầy tôi không can ngăn.
Hệ quả: làm rối loạn kỷ cương phép nước thậm chí dẫn đến mất ngôi, mất nước hoặt là trở thành một tiền lệ xấu cho đời sau.
2. Bài học dùng người
Đã có 3 lần trong khi bình sử, Lê Văn Hưu than rằng: “Bề tôi nho học chẳng thấy ai giúp, có thể nói trong triều không có người vậy”. Nhưng cũng có 6 lần ông chỉ ra tai hoạ khi các bậc quân vương không biết dùng người.
Trường hợp thứ nhất: Tiền Ngô vương (Ngô Quyền) khi bệnh nặng di chúc cho Dương Tam Kha giúp đỡ con trưởng là Xương Ngập nối ngôi. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi. Sau này Xương Văn (con thứ) lấy lại ngôi (hậu Ngô vương) nhưng không trị tội Tam Kha nuôi mầm phản loạn. Lê Văn Hưu viết: “Hậu Ngô vương không trị tội là vì ơn riêng nuôi dưỡng mà không gia hình, lại ban cho thực ấp, há chẳng lầm to hay sao” (1).
Trường hợp thứ hai: Lê Đại Hành không chọn người kế vị từ trước nên sau khi mất, các con tranh giành đánh giết lẫn nhau đến nỗi mất ngôi, mất nước. Lê Văn Hưu bình rằng: “không phải là sự bất hạnh của nhà Lê, lỗi ở Đại Hành không sớm đặt Thái tử” (2).
Trường hợp thứ ba: Một số vua nhà Lý không lập Hoàng thái tử trước, chỉ đến khi đau ốm nặng mới chọn một người trong số các con để nối nghiệp. Điều đó thường dẫn đến sự tranh giành ngôi vị sau khi vua mất. Lê Văn Hưu khuyên rằng: “Người có nước nhà nên lấy đó làm răn” (3).
Trường hợp thứ tư: Nùng Chí Cao làm phản, Lý Thái Tông bắt được không giết mà lại phong tước Thái bảo. Nùng Chí Cao tiếp tục phản nghịch gây tai hoạ. Lê Văn Hưu phê rằng: “Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ nhặt của nhà Phật mà quên mất cái nghĩa lớn của người làm vua” (4).
Trường hợp thứ năm: Đỗ Anh Vũ (Triều vua Lý Anh Tông) cậy thế Đỗ Thái hậu lộng hành trong triều. Vua quan bắt được nhưng không trị tội, bỏ qua mọi lời khuyên, dung túng cho Anh Vũ. Anh Vũ nhân thế tiếp tục làm càn, gây nhiều tai hoạ. Lê Văn Hưu bình: “Thế là nuôi hổ để hoạ cho đời sau vậy” (5).
Trường hợp thứ sáu: Lý Anh Tông sai Lý Mông đem 5.000 quân sĩ đưa Ung Minh Tạ Điệp về làm vua Chiêm Thành bị Chế Bì La Bút giết. Chế Bì La Bút xưng vua. Lý Anh Tông không hỏi tội lại thừa nhận quyền hợp pháp của vị vua mới khiến cho Chiêm Thành và Chân Lạp liền năm vào cướp một lộ Nghệ An. Lê Văn Hưu cho là: “mối hại không kể xiết thực là do Anh Tông khởi mối vậy” (6).
3. Tự tôn dân tộc, bài học lớn của lịch sử
Lê Văn Hưu là sử gia có ý thức dân tộc mạnh mẽ, nhiều lời bình sử của ông thấm đẫm tinh thần tự tôn dân tộc. Đó là lòng tự hào về sự trường tồn của dân tộc Việt, là sự đề cao khí phách các anh hùng dân tộc Việt, là cách đặt vị trí dân tộc sánh ngang với các đế chế Trung Hoa hùng mạnh. Đây chính là cội nguồn tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc Việt vượt qua nhiều thử thách hiểm nghèo.
Lê Văn Hưu đã chứng minh rằng: 1/ Nước Việt luôn có những nhân tài kiệt xuất; 2/ Nước Việt có vị trí độc lập và sánh ngang với cac đế chế phương Bắc; 3/ Nước Việt từng đánh thắng và làm kinh hoàng quân tướng phương Bắc. Những lời bình sử sau đây của ông cho thấy điều đó:
- Bình về Trưng Trắc, Trưng Nhị: Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà hô một tiếng mà các quân Cửu Nhân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế nước Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương (7).
- Bình về Đinh Tiên Hoàng: Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đỗi… có lẽ trời vì nước Việt ta mà lại sinh ra bậc thánh triết để tiếp nối quốc thống của Triệu vương chăng (8).
- Bình về Ngô Quyền: Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới hợp của nước Việt mà đánh tan được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Thao, mở nước, xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một lần nổi giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi đế để đổi niên hiệu nhưng chính thống của nước Việt ta, Ngô hầu đã nối được (9).
- Bình về Lê Đại Hành: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được (10).
Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử kí trong bối cảnh quốc gia Đại Việt đang đứng trước nguy cơ xâm lược lần thứ hai của đế chế Nguyên – Mông. Trần Thái Tông, vị vua giao trọng trách viết sử cho đại thủ bút Lê Văn Hưu hẳn là muốn tìm trong lịch sử những bài học kinh nghiệm để củng cố quyền lực, giữ vững ổn định vương triều và động viên sức mạnh của cả quốc gia cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Đại Việt sử kí hoàn thành năm 1272 thì năm 1285 kháng chiến chống Nguyên – Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai bùng nổ. Chắc chắn là những bài học lịch sử mà Lê Văn Hưu đúc rút trong Đại Việt sử kí đã góp phần làm cho vương triều Trần có được “Vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức”, lập nên kỳ tích chống ngoại xâm có một không hai trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.
1/ Đại Việt sử kí toàn thư (Toàn thư), Tập I, Nxb KHXH, H. 1998, tr 206.
2/ Toàn thư, Sđ, tr 232
3/ Toàn thư, Sđ, tr 250
4/ Toàn thư, Sđ, tr 265
5/ Toàn thư, Sđ, tr 319
6/ Toàn thư, Sđ, tr 321
7/ Toàn thư, Sđ, tr 157
8/ Toàn thư, Sđ, tr 211
9/ Toàn thư, Sđ, tr 204
10/ Toàn thư, Sđ, tr 221
Tác giả bài viết: Hoàng Hồng

Nhận xét