NHÌN CHUNG VỀ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA CÁC TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN VIỆT NAM

Từ xưa tới nay, Việt Nam luôn có một vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nên luôn là một nơi bị sự nhòm ngó của ngoại bang. Điều này khiến cho các triều đại Phong Kiến Việt Nam phải có một chính sách ngoại giao vừa cứng rắn vừa mềm dẻo.

Trong bài viết Đấu tranh quốc phong của các triều đại Phong kiến Việt Nam của TS Nguyễn Văn Quang và TS Nguyễn Văn Dũng trên trang web Biên Phòng Việt Nam đã đưa ra một số nhận xét tổng quát về chính sách đối ngoại của các triều đại Phong kiến Việt Nam.
Một là, giữ vững quan điểm độc lập tự chủ, lánh xa cuộc chiến “tranh bá đồ vương” của ngoại bang . Việt Nam là một dân tộc có truyền thống yêu chuộng hoà bình, muốn làm bạn với tất cả các nước, nhất là với các nước láng giềng. Bởi vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn nhất quán tư tưởng chỉ đạo là ưu tiên tạo dựng và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định đất nước, nhất là ở khu vực biên giới, để nhân dân có điều kiện tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là kế sách để xây dựng đất nước.
Khi đất nước còn ở thuở sơ khai, thế nước còn yếu, nhưng với tinh thần độc lập tự chủ cao, Vua Hùng đã khéo léo khước từ trước những lời lẽ dụ dỗ hết sức thâm độc của kẻ thù, tránh được một cuộc “tranh bá đồ vương” thời Xuân Thu (năm 722 - 479 TCN). Đó là vào  năm 505 - 465TCN, sau khi chiếm được nước Ngô, Việt Vương Câu Tiễn đã sai sứ xuống dụ vua Hùng thuần phục nhưng bị vua Hùng cự tuyệt. Sau này, đế quốc Nguyên Mông tuy là đội quân rất mạnh (đã chiếm một nửa châu Âu và phần lớn Trung Quốc), nhưng để tranh ngôi Đại Hán, một mặt chúng thực hiện kế sách hoà hoãn tạm thời bang giao, lôi kéo nước Đại Việt tham gia vào cuộc chiến nhằm tập trung lực lượng đánh chiếm Nam Tống; mặt khác, chúng vẫn do thám tình hình, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta khi có thời cơ. Nắm được ý đồ của địch, triều đình nhà Trần đã kiên quyết, khôn khéo khước từ những yêu sách vô lý và láo xược của chúng. Cùng với đó, vua tôi nhà Trần còn bí mật động viên toàn dân chuẩn bị tiềm lực quốc phòng sẵn sàng chống quân xâm lược.
Vì thế, các triều đại phong kiến Việt Nam không những đã giữ vững độc lập, tự chủ, không bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh do chúng phát động, mà còn nêu cao tinh thần đoàn kết,giúp đỡ nhân dân các nước láng giềng chống kẻ thù chung. Đó là những hoạt động quan trọng, xuyên suốt trong tư tưởng đấu tranh quốc phòng của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Hai là, đấu tranh loại trừ hoạt động quấy nhiễu nơi biên ải, ngăn chặn do thám quân sự; phô trương sức mạnh phòng bị.  Ngoài nhiệm vụ canh phòng ở khu vực biên giới, các triều đại phong kiến Việt Nam còn trực tiếp chỉ đạo các tù trưởng, tộc trưởng, nhất là nhân dân vùng biên chủ động nắm tình hình, tích cực giao lưu với nhân dân nước láng giềng, tạo mối quan hệ thân thiết. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với ngoại bang triệt phá các băng đảng, tổ chức phản loạn, chống lại triều đình, phá hoại cuộc sống yên bình nơi biên giới.
 Bằng sự kiên trì và thái độ kiên quyết đấu tranh, Lê Hoàn đã đập tan mưu đồ sử dụng bè đảng Văn Dũng, tụ tập, cướp phá, quấy rối ở vùng biên của nhà Tống, buộc nhà Tống phải nhượng bộ; không dám dung túng bọn đào vong Hoàng Khánh Tập khi chúng bỏ trốn sang Hoan Châu (năm 1003)… Nhà nước phong kiến Việt Nam còn ban hành nhiều quy định buộc người nước ngoài khi vào nước Đại Việt phải tuân theo, làm cơ sở để đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tình báo, gián điệp, bảo trợ cho các phần tử xấu chống phá; chủ động tuyển binh, luyện binh, duyệt binh, hành binh, phô diễn chiến cụ, phô trương sức mạnh phòng bị của đất nước trước sứ thần nước ngoài, đồng thời răn dạy bề tôi, quân, dân không gây hiềm khích, mắc mưu gây chiến của địch, giữ vững hòa bình. Có thể nói, đây là nội dung, tư tưởng và những hành động đấu tranh quốc phòng nổi bật ở thời tiền Lê, góp phần ngăn đe và triệt tiêu ý đồ xâm lược của ngoại bang.
Ba là,  chủ động đấu tranh với kẻ thù bằng hai hình thức: gián tiếp và trực tiếp để bảo vệ giang sơn xã tắc.  Việt Nam là một nước nhỏ, dân số ít, luôn bị phong kiến phương Bắc đè nén, xâm lấn và bắt cống nạp như một nước “chư hầu”. Để bảo vệ đất nước trong bối cảnh đó, nhà nước phong kiến Việt Nam rất coi trọng giáo dục lịch sử truyền thống, lòng yêu nước, lòng  tự trọng  dân tộc cho dân chúng; bồi dưỡng nâng cao kiến thức về văn hoá, địa lý, quân sự, quốc phòng, ngoại giao… cho quan chức triều đình, giúp họ có đủ khả năng để đấu tranh với địch trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, vừa giữ vững nguyên tắc đấu tranh kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa linh hoạt, uyển chuyển giải quyết dứt điểm từng vấn đề, không để phát sinh, phức tạp thêm tình hình mà vẫn giữ vững nguyên tắc, thánh chỉ của triều đình:  “Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vứt bỏ, ngươi kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian”... 
Bởi vậy, mỗi khi phong kiến phương Bắc lấn chiếm, cướp bóc hay chuẩn bị chiến tranh xâm lược, nhân dân ta ở các khu vực biên giới đã khôn khéo cất giấu tài sản, lương thực, phòng giữ, không gây chiến mắc mưu địch, còn triều đình thì gửi thư hỏi rõ nguyên do sự việc. Khi nguy cơ cuộc chiến đến gần, triều đình lại cử các cận thần tài giỏi đến trước “quân doanh”, thậm chí sang hẳn nước địch để trực tiếp đấu lý, tranh biện với chúng. Bằng những lời lẽ đối đáp cứng rắn, sắc sảo, Trần Khắc Trung đã làm giảm ý chí và tinh thần chiến đấu của quân xâm lược.
Bốn là, thi hành chính sách “nội đế ngoại vương”, “bang giao trên thế mạnh”, “bang giao phòng ngừa”.  Mặc dù phải chấp nhận sắc phong là vương nước Nam từ thời An Dương Vương, nhưng kể từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn, các hoàng đế nước ta đều nhất quán, kiên trì thực hiện chính sách “nội đế ngoại vương” để giữ “trong ấm ngoài êm”; đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo hai phương sách “bang giao trên thế mạnh”, “bang giao phòng ngừa”, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Trong quan hệ bang giao với nước ngoài, các triều đại phong kiến Việt Nam đã khéo léo dựa vào vận thế đất nước để có đối sách phù hợp. Khi thế nước đang lên, quốc phòng đang mạnh, lòng dân đang thuận, thì đấu tranh tỏ rõ khí phách “Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm. Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Khi đất nước đang trong thế yếu, thì các triều đại phong kiến Việt Nam lại khai thác thế mạnh của mình, đánh vào chỗ yếu - lòng tham của quan quân, vua chúa nước ngoài: trao trả dân tình xâm nhập qua biên giới, tù binh, chiến cụ bắt được sau các cuộc chiến, thậm chí còn dâng tặng báu vật…đòi lại đất đai, cương vực của Tổ tiên, góp phần giữ nguyên bờ cõi, xây dựng nền thái bình.
Có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta, bằng các chính sách phù hợp, các triều đại phong kiến Việt Nam đã vừa chủ động phòng ngừa, tiêu diệt được thù trong, vừa sẵn sàng đánh bại giặc ngoài, ngăn chặn các ý đồ xâm lược, buộc đối phương phải điều chỉnh đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng phù hợp, tôn trọng, hợp tác với ta. Qua đó, chúng ta kịp thời ngăn chặn những hành động phá hoại, giữ yên bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Như vậy,  hoạt động đấu tranh quốc phòng của nhà nước phong kiến Việt Nam đã tồn tại từ rất sớm trong lịch sử dân tộc, được tiến hành bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú, linh hoạt, khéo léo, đạt hiệu quả cao.
-----
#tm



Nhận xét