Công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Việt Nam

Khi cuộc khởi nghĩa, phong trào kháng Pháp đến khi phong trào Cần Vương thất bại, các phong trào dần lắng dần, thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa. Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất và lần thứ hai đã làm thay đổi tính chất kinh tế - xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, tính chất thuộc địa nửa phong kiến. Về vấn đề công cuộc khai thác thuộc địa, có một số vấn đề cần bàn như về thời gian, quá trình tiến hành, nhất là về thời gian.
Ga Hà Nội nhìn từ bên ngoài
Nguồn: 
cadasa.vn

THỜI GIAN CỦA CÔNG CUỘC KHAI THÁC THUỘC ĐỊA CỦA THỰC DÂN PHÁP Ở ĐÔNG DƯƠNG
Trương Thị Thùy Linh
Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã lên kế hoạch và chuẩn bị cho công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Do hoàn cảnh quốc tế và tình hình ở Đông Dương trong thời gian từ 1897 đến 1945 có nhiều biến động nên đã làm cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương bị gián đoạn. Vì thế, công cuộc khai thác này của thực dân Pháp được chia làm hai giai đoạn: cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất bắt đầu vào năm 1897, kết thúc năm 1914 và cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai bắt đầu vào năm 1919, kết thúc năm 1929.
Sở dĩ năm 1897 là thời điểm mà thực dân Pháp chọn để bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương là vì cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp mới dập tắt được các cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Việt Nam căn bản hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam bằng quân sự và đặt xong bộ máy thống trị tại Việt Nam. Thực dân Pháp đã có thời kỳ tạm thời hòa bình sau hàng chục năm chiến tranh, chúng đã yên tâm bước bước vào khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Do đó, sự thất bại của phong trào Cần Vương vào năm 1896 đã đưa phong trào khởi nghĩa của nhân dân ta đi vào bế tắc, từ đó tạo điều kiện cho Pháp làm chủ Việt Nam, biến Đông Dương nói chung và cả Việt Nam nói riêng thành thuộc địa của mình.
Sau khi có được thuộc địa, Pháp thực hiện chế độ cai trị bằng quân sự và thiệt lập bộ máy thống trị tại Việt Nam. Chính sách nhất quán của Pháp ở Đông Dương là chính sách “Chia để trị”. Từ đó, Đông Dương trở thành một Liên bang được thành lập theo sắc lệnh ngày 17/10/1887 gồm bốn xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Camboge. Nhưng sự lộng quyền của các quan cai trị, đặc biệt là ở Nam kỳ đã làm cho Pháp cần một bộ máy cai trị dân sự chặt chẽ, thống nhất hơn. Qua điều đó, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành chuẩn bị cho công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương vào năm 1897 để thiết lập lại bộ máy cai trị nhất quán và chặt chẽ. Ngoài ra, tình hình kinh tế của nước Pháp vào cuối thế kỷ XIX đang dần tụt hậu. Ưu thế của Pháp dần bị mất trước sự vươn lên của Đức và Mỹ là do hậu quả của cuộc chiến tranh 1870 – 1871, do tình trạng hạn chế của thị trường nội địa, do sự nghèo nàn nguyên liệu như phải nhập cảng than, sắt,… Vì thế, Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương vào năm 1897 để khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nguồn nhân công giá rẻ đem về phục vụ cho sự phát triển của đế quốc. Công cuộc khai thác thuộc địa lần một của thực dân Pháp ở Đông Dương bắt đầu năm 1897 và kéo dài tới năm 1914 phải tạm ngừng vì chiến tranh thế giới xảy ra năm 1914. Nhờ công cuộc khai thác thuộc địa lần một này mà nền kinh tế của Pháp có tiến bộ đáng kể về ngành khai mỏ, luyện kim và thương nghiệp. Nổi bật là năm 1908 38 tỉ phrang được xuất khẩu, số vốn xuất khẩu lên 50 – 60 tỉ vào năm 1914, tổng số lãi do vốn xuất khẩu năm 1913 lên tới 2,3 tỉ phăng.
Thực dân Pháp tiếp tục tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai vào năm 1919 là vì sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918), Pháp tuy là nước thắng trận nhưng lại là một trong những nước bị tổn thất nặng nề nhất là về kinh tế và tài chính, lâm vào tình trạng khủng hoảng về mọi mặt. Chiến tranh đã tàn phá hàng loạt các nhà máy, cầu cống, đường xá và làng mạc trên khắp nước Pháp. Các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp bị đình trệ, hoạt động thương mại bị giảm sút nghiêm trọng, nợ nước ngoài tăng lên. Các khoản đầu tư vào nước Nga mất trắng, đồng phrang mất giá,… Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng trong thế giới tư bản chủ nghĩa sau chiến tranh càng gây khó khăn cho nền kinh tế của Pháp. Pháp trở thành con nợ lớn trước hết là của Mỹ. Vị thế cường quốc trong hệ thống tư bản chủ nghĩa của Pháp bị suy giảm nghiêm trọng. Vì thế, chính phủ Pháp một mặt tìm cách thúc đẩy sản xuất trong nước, mặt khác tăng cường đầu tư, khai thác các nước thuộc địa, để bù đắp lại những thiệt hại do chiến tranh gây ra, khôi phục lại nền kinh tế, củng cố lại địa vị trong thế giới tư bản chủ nghĩa và phát triển vươn lên khẳng định vị thế của mình. Bên cạnh đó, trong số các thuộc địa của Pháp, Đông Dương được chú ý nhiều nhất vì đây là thuộc địa giàu có, nguồn nhân công đông đảo với nhiều khả năng tiềm tàng. Đặc biệt là sau chiến tranh thế giới thứ nhất, nhu cầu về nguyên liệu (cao su), nhiên liệu (than đá)… rất cao và đó cũng là ngành thu lợi nhuận cao và Pháp có thể khai thác những tài nguyên này ở thuộc địa Đông Dương, mang về phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế đế quốc. Ngoài ra, giai đoạn trước thế chiến thứ nhất, Pháp chỉ mới xâm lược và bình định Đông Dương. Đến đầu thế kỷ XX, công cuộc này mới hoàn thành và bước vào thời kỳ xây dựng hệ thống bốc lột ở Đông Dương. Vì thế, sau chiến tranh, Pháp bắt tay vào việc tăng cường bóc lột Đông Dương cũng là lẽ tự nhiên. Chính vì vậy, năm 1919 Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương với quy mô và đầu tư lớn hơn cuộc khai thác lần một. Nhưng đến năm 1929 xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã buộc Pháp kết thúc công cuộc khai thác thuộc địa này ở Đông Dương.
Chính vì vậy, công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX đã gây ra sự chuyển biến về kinh tế, phân hóa xã hội Việt Nam và ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào yêu nước ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX.
Tài liệu tham khảo:
ü  Nguyễn Thế Anh, 2008, Việt Nam thời Pháp đô hộ, Văn học, HCM
ü  Hà Minh Hồng, 2005, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1858 – 1975), ĐHQG TPHCM
ü  Phan Khoang, 1971, Việt Nam Pháp thuộc sử 1862 – 1945, Tủ sách Sử học Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản, SG
ü  Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, nxb Giáo dục Việt Nam

THỰC DÂN PHÁP THỰC HIỆN CÔNG CUỘC KHAI THÁC THUỘC ĐỊA LÚC NÀO?
Nguyễn Thị Hoa
Với sự thất bại của những cuộc vũ trang của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã có thời kỳ tạm thời hòa bình sau hàng chục năm chiến tranh hao binh tổn tướng, tiêu tốn nhiều tiền bạc cho chiến tranh, cùng với đó, Pháp đã kí với triều đình Nguyễn hàng loạt những hiệp ước có lợi cho chúng từ đó chúng yên tâm bước vào khai thác thuộc địa Đông Dương. Tháng 12/1986, đại diện giới tư bản tài chính Pháp là Paul Doumer đã sang Đông Dương làm quan toàn quyền xứ này. Ngày 22/3/1897, một dự án “Chương trình hành động” đã được Pháp khởi động. có thể nói Pháp đã bắt đầu hành động cho công cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương.
Thực chất, từ khi kí hiệp ước Versailles (1787), sau đó 70 năm đến khi thành lập đến năm lập Hội đồng Nam kỳ (1857), tư bản Pháp đã tìm đủ mọi cách để mở cửa Việt Nam. Chúng đã từng bước can thiệp vào nội tình đất nước, khiêu khích bằng quân sự, đưa ra yêu sách tự do truyền đạo, tự do buôn bán, đưa ra chiêu bài ngoại giao hữu hảo, tìm nguyên cớ cho cuộc chiến tranh. Đó thực chất chỉ là quá trình chuẩn bị của tư bản Pháp trong việc thực hiện âm mưu chiến lược: muốn thôn tính Việt Nam, biến Việt Nam thành thuộc địa và căn cứ ở Viễn Đông, nhất là ở miền Nam Trung Quốc, nhằm giành giật thị trường với tư bản Anh và các tư bản khác ở khu vực béo bở này.
Và khi đã tìm được nguyên cớ cho cuộc chiến tranh của mình (lấy cớ triều đình Huế không nhận quốc thư, làm nhục quốc thể nước Pháp và bênh vực đạo Thiên Chúa đang bị khủng bố ở Việt Nam) Pháp thực hiện công cuộc chiến tranh xâm lược hòng biến Việt Nam là thuộc địa. Có thể nói, triều đình nhà Nguyễn đã tạo thời cơ cho chúng chuẩn bị từng bước để thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa của mình. Vì sau những hiệp ước giữa triều đình  nhà Nguyễn với thực dân Pháp, chúng ta thấy rõ việc triều đình nhà Nguyễn từ bỏ những lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân, nhún nhường trước quân Pháp, đặc biệt là sau hiệp ước Hac-mang (1883) triều đình phong kiến nhà Nguyễn không những tự mình làm mất đi sự độc lập của một chính quyền nhà nước phong kiến mà qua đó còn thể hiện sự phản bội trắng trợn của triều đình phong kiến và bè lũ vua tôi nhà Nguyễn với lợi ích của dân tộc.
Công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp được thực hiện sau khi đã tạm thời bình định được những cuộc khởi nghĩa vũ trang tức là đầu thế kỉ XX nhưng thực chất, quá trình chuẩn bị cho công cuộc đó phải tính từ khi Pháp nổ phát súng đầu tiên vào Đà Nẵng để xâm lược Việt Nam.
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa khiến cho nhu cầu về thị trường ngày càng lớn, các nước tư bản ráo riết thâu tóm càng nhiều thuộc địa càng tốt, những công cuộc khai thác thuộc địa liên tục được tiến hành, có quy mô và kế hoạch rõ ràng, chi tiết, nhằm vắt kiệt tài nguyên của các nước thuộc địa đem về cho chính quốc, làm giàu cho chính quốc. Chính vì thế, đến đầu thế kỉ XX, thực dân pháp đã tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa có quy mô hơn tại Việt Nam. Rõ ràng, công cuộc chuẩn bị cho việc biến Việt Nam thành thuộc địa để khai thác đã được chuẩn bị từ rất lâu, chuẩn bị từng bước rất cẩn thận và hết sức chu toàn nhưng tại sao mãi đến đầu thế kỉ XX mới được thực hiện?
+ Khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam, nhìn thấy những âm mưu đen tối của bọn chúng, nhân dân trong cả nước đã nổi dậy đấu tranh. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa liên tục được nổ ra, những tổn thất nặng nề khiến Pháp phải vài phần e dè. Ngoài ra tư bản Pháp vừa thất bại trong chính cuộc chiến tranh Pháp – Phổ, một phần lãnh thổ đã mất đi, khiến cho tình hình trong nước cũng không khả quan. Chính điều này buộc giới chính trị của Pháp phải đề phòng, không dám đánh chiếm những thuộc địa ở xa vừa tốn kém vừa nguy hiểm. Những nhà cầm quyền của Pháp cũng phải dè dặt khi đối mặt với những đề nghị của Đuypuy. Tuy nhiên, chính sự thờ ơ của triều đình cùng những sai lầm trong hàng loạt cuộc khởi nghĩa đã tạo ra những cơ hội để thực dân Pháp liên tục đàn áp những cuộc khởi nghĩa vũ trang. Mãi đến tận cuối thế kỉ thứ XIX, khi đã tạm thời đàn áp được những cuộc khởi nghĩa vũ trang, Pháp mới dần dành thời gian cho công cuộc khai thác.
+ Có thể nói, sau khi tạm thời bình định được những cuộc khởi nghĩa vũ trang, Pháp cũng không khá hơn Việt Nam là bao nhiêu, khi mang những tổn thất nặng nề về lực lượng, tiền của đầu tư cho cuộc chiến tranh. Chính vì thế, Pháp cũng phải dành thời gian cho việc phục hồi sau chiến tranh.
+ Mặt khác, sau những hiệp ước được kí giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn, Pháp đã dần tiến dần vào bộ máy chính trị của nhà Nguyễn. Nhất là sau khi hiệp ước Hac-mang đươc kí kết. Những hiệp ước trước đó về cơ bản chỉ là cho quân Pháp một phần quyền lực cai quản trong đất nước, tuy nhiên, sau hiệp ước Hac-mang, thì thực chất quyền đối nội, đối ngoại của triều đình đã phụ thuộc vào Pháp và do Pháp quyết định (ví như: “tại Huế sẽ đặt chức Khâm sứ để thay mặt Chính phủ Pháp, viên này có quyền gặp nhà vua bất kì lúc nào nếu xét ra cần thiết (khoản II), phụ trách việc thuế quan (các khoản 12, 13, 17, 18, 19), mọi việc giao thiệp của Việt Nam với nước ngoài – kể cả Trung Quốc – cũng do Pháp nắm (khoản 1)….”-  trích Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập II , Đinh Xuân Lâm, NXB Giáo Dục). Vì vậy, thực chất hiệp ước 1883 đã chính thức chấm dứt sự tồn tại của triều đình phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập. Tuy vẫn còn tồn tại trên hình thức nhưng triều đình phong kiến chỉ còn là tay sai cho Pháp. Pháp từng bước thiết lập bộ máy cai trị chặt chẽ trên đất Việt Nam. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị tấn công toàn lãnh thổ. Chúng gấp rút củng cố bộ máy cai trị đàn áp từ trên xuống dưới – một bộ máy cai trị mang tính độc tài quân sự của bọn sĩ quan hiếu chiến và tham bạo. Và khi Le Myre de Vilers sang làm thống đốc Nam Kì năm 1879 chấm dứt thời kì độc tài quân sự kéo dài suốt 20 năm (1859-1879) của bọn đô đốc, đã chú ý củng cố Nam Kì về mọi mặt để biến Nam Kì thành bàn đạp cho Pháp tiến ra Bắc. Bằng một số thủ đoạn cải cách bịp bợm về chính trị và tư pháp, như thành lập Hội đồng Quản Hạt Nam kì, đặt bộ máy tư pháp riêng ở các tỉnh và Sài Gòn. Trên cơ sở liên kết chặt chẽ các tầng lớp trên trong xã hội, thực dân Pháp đã củng cố thêm một bước quyền thống trị thực dân để dễ trấn áp quần chúng hơn. Thực dân Pháp nuôi tham vọng biến triều đình từng bước trở thành bộ máy cai trị để bọn chúng sai khiến. Tham vọng đó không ngừng được thực hiện, cho đến khi chúng thành công trong việc đàn áp những cuộc khởi nghĩa vũ trang (về mặt quân sự) thì việc xây dựng bộ máy cai trị của chúng trên đất Việt Nam cũng đã dần được hoàn thiện. Ngày 22/3/1897, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã gửi cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp dự án “chương trình hoạt động” trong đó gồm 7 điều khoản để thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa một cách toàn vẹn nhất của Pháp tại Việt Nam:
“1. Tổ chức một chính phủ chung cho toàn Đông Dương và tổ chức bộ máy cai trị hành chính riêng cho từng xứ thuộc liên bang.
2. Sửa đổi lại chế độ tài chính, thiết lập một hệ thống thuế khóa mới sao cho phù hợp với yêu cầu của ngân sách, nhưng phải dựa trên cơ sở xã hội cụ thể, và phải chú ý khai thác những phong tục tập quán của dân Đông Dương
3. Chú ý xây dựng thiết bị to lớn cho Đông Dương, như xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ, sông đào, bến cảng… những thứ cần thiết cho việc khai thác.
4. Đẩy mạnh nền sản xuất và thương mại bằng việc phát triển công cuộc thực dân của người Pháp và lao động của người bản xứ.
5. Bảo đảm phòng thủ Đông Dương bằng việc thiết lập những căn cứ của hải quân và phải tổ chức quân đội và hạm đội cho thật vững mạnh.
6. Hoàn thành công cuộc bình định xứ Bắc kỳ, bảo đảm an ninh vùng biên giới Bắc kỳ.
7. Khuếch trương ảnh hưởng của nước Pháp, mở rộng quyền lợi của nước pháp ở vùng Viễn Đông, nhất là ở các nước lân cận.” (trích Đại Cương Lịch sử Việt Nam, tập II, Đinh Xuân Lâm, NXB Giáo Dục).
Có thể nói, chương trình khai thác của Paul Doumer để thi hành ở Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam, có mục đích tối thương là biến gấp Đông Dương thành thuộc địa khai khẩn bậc nhất, bảo đảm siêu lợi nhuận cao nhất cho đế quốc Pháp. Sênô (Jean Chesneaux) trong cuốn Đóng góp vào lịch sử dân tộc Việt Nam đã đánh giá cao Paul Doumer: “Chính ông đã đưa chế độ thuộc địa từ giai đoạn kinh nghiệm chủ nghĩa hầu như “thủ công" sang giai đoạn tồ chức hệ thống. Chính ông đã tạo dựng bộ máy thống nhất về bóc lột tài chính và đàn áp chính trị trong thực tế sẽ được duy trì nguyên vẹn đến tận 1945”.
Như vậy, Pháp cần phải đàn áp được những phong trào đấu tranh vũ trang của ta vào cuối thế kỉ thứ XIX đầu thế kỉ XX, hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam bằng quân sự và đặt xong bộ máy cai trị tại Việt Nam thì thực dân Pháp mới bắt đầu tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa của mình. Nếu như Pháp thực hiện luôn công cuộc khai thác thuộc địa sau khi đánh chiếm thành công nước ta thì có thể công cuộc khai thác sẽ không đạt được mục đích. Không có một bộ máy cai trị với những chính sách bịp bợm, liệu Pháp có thể dễ dàng trấn áp quần chúng? Không thể bình định được những cuộc khởi nghĩa, thì liệu Pháp có đủ lực lượng và của cải để có thể tiến hành công cuộc khai thác của mình? Tất nhiên là không. Một nước tư bản thực dân như Pháp sẽ nhìn rõ những điểm mình cần làm trước khi thực hiện công cuộc khai thác của mình.  Mặc dù mang lại những cải cách to lớn về nhiều mặt, song vẫn có những tồn tại mặt hại song song mặt lợi trong thời kì Pháp thuộc. Mặc dù vậy, công cuộc khai thác này chỉ tiến hành được 7 năm thì phải dừng lại vì chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ ở Châu Âu.
Tài liệu tham khảo:
ü  Lịch sử việt nam cận hiện đại (1858 – 1975), Hà Minh Hồng, ĐHQGTPHCM, 2005.
ü  Việt - Nam thời Pháp đô - hộ, Nguyễn Thế Anh, Thạc sĩ sử học, trưởng ban sử học đại học Văn khoa Saigon, tủ sách sử địa học, Lửa Thiêng xuất bản, 1970.
ü  Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập II , Đinh Xuân Lâm, NXB Giáo Dục.
ü  Internet.

CÔNG CUỘC KHAI THÁC THUỘC ĐỊA CÓ GIÁN ĐOẠN HAY KHÔNG?
Trần Hoàng
1. Công cuộc khai thác có liên tục hay gián đoạn?
Công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp không được tiến hành một cách liên tục, mà nó được tiến hành trong hai thời kì 1897 – 1914 và 1919 - 1929. Nó bị gián đoạn khoảng 5 năm.
Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất được tiến hành từ năm 1897 và kết thúc năm 1914. Nó được bắt đầu khi tình hình trong nước ta đã tạm ổn, các phong trào chống Pháp dần dần lắng xuống, nhất là sự thất bại của phong trào Cần Vương. Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Pháp lao vào vòng chiến nên không còn tập trung khai thác thuộc địa nữa, chỉ đề ra những chính sách phục vụ thời chiến mà thôi. Pháp tăng cường bóc lột nhân lực, vật lực của nhân dân ta. Do đó công cuộc khai thác thuộc dịa lần thứ nhất kết thúc.
Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai được tiến hành năm 1919, khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Pháp tiến hành khai thác thuộc địa để phục vụ khôi phục chính quốc sau mấy năm chiến tranh. Và nó kết thúc khi trên thế giới có một cuộc khủng hoảng lớn ảnh hưởng đến các quốc gia trên thế giới. Do đó, công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai kết thúc, và từ đó không xuất hiện công cuộc khai thác thuộc địa nào. Từ đó, những Pháp chỉ đề ra những chính sách cai trị chứ không tiến hành công cuộc khai thác nào vì tình hình thế giới không cho phép Pháp làm điều đó.
2. Có sự khác nhau về các chính sách thuộc địa – các quan Toàn quyền đối với các vấn đề ở Đông Dương không?
Ngay từ khi biến vùng đất Nam Kỳ thành thuộc địa, thực dân Pháp đã đưa ra những chính sách cai trị chung ở vùng đất này, cũng như những vùng Bắc Kỳ và Trung Kỳ sau này. Nhưng họ không thống nhất quan điểm, hình thành nên hai chính sách cơ bản là đồng hóa và liên hiệp. Dó là sự khác nhau về các chính sách thuộc địa.
Chính sách đồng hóa là “các thuộc địa không thể phát triển với tư cách là những cơ chế độc lập, mà chỉ là những phần phụ thuộc của mẫu quốc mà thôi, nghĩa là phải có một sự thống nhất càng ngày càng chặt chẽ giữa mẫu quốc và thuộc địa”[2]. Tuy nhiên, cũng chính chính sách này cũng có nhiều điều tranh cãi, đó là đồng nhất về pháp chế, hay là nó hướng cải thiện xã hội và đời sống của dân chúng thuộc địa, biến người biến xứ thành công dân của Pháp quốc.
Chính sách liên hiệp “sự phối hợp giữa các chủng tộc và các thể chế sẽ có lợi cho cả hai bên, và bao hàm sự tôn trọng các phong tục tập quán, sự cai trị gián tiếp, sự phát  triển tinh thần và kĩ thuật sẽ làm cho thuộc địa trở thành những lợi khí thế lực và ảnh hưởng. Chính sách thực dân chỉ có thể được biện chính nếu nó đưa tới hạnh phúc tới cho cả thuộc địa lẫn mẫu quốc. Sự thống trị không thể được áp dụng và duy trì ngược với ý muốn của các dân tộc.”[2] Tuy nhiên, sự liên kết này thường là sự liên kết giữa chính quốc và các kiều Pháp.
Cho dù, hai chính sách thuộc địa được đưa ra, nhưng Toàn quyền Đông Dương là người có thực quyền thực sự ở Đông Dương và đã đưa những chính sách cụ thể. Có thể thấy Pháp đã áp dụng công thức “rất nhiều phụ thuộc, rất ít tự trị, một chút đồng hóa”. Theo đó, chính sách đồng hóa được Pháp áp dụng ở xứ Nam Kỳ (xứ thuộc địa); còn chính sách liên hiệp được áp dụng ở xứ Bắc Kỳ (xứ nửa bảo hộ) và xứ Trung Kỳ (xứ bảo hộ). Nhưng có khi cụm từ “bảo hộ” hay “nửa bảo hộ” chỉ còn trên lý thuyết, các quan Toàn quyền Đông Dương buộc triều đình chấp nhận sự cai trị hoàn toàn.
“Sau Paul Doumer, đường lối cai trị cỉa chính phủ bảo hộ trên đất Việt Nam cũng không phải là một chính sách mạch lạc, liên tục, mà là một sự luân phiên giữa những giai đoạn tương đối tự do và những giai đoạn đàn áp, dưới ảnh hưởng của các biến cố bên ngoài và các sự bạo động nghị viện ở Pháp”. Trải qua, các quan Toàn quyền Đông Dương, các chính sách dù có thay đổi, nhưng nó luôn có sự chống đối của các đối tượng mà nó áp dụng.
Tài liệu tham khảo
ü  Hà Minh Hồng Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1858 - 1975). - Hồ Chí MIinh : Đại học quốc gia, 2005.
ü  Nuyễn Thế Anh Việt Nam thời Pháp đô hộ. - Hồ Chí Minh : NXB. Văn học, 2008.

Nhận xét

  1. Bài viết đầy đủ và dễ hiểu. Cảm ơn các tác giả đã khai sáng niềm đam mê sử cho em!

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.