Các khái niệm về "hội quán", "miếu" và "chùa"

Trước tiên cần phải tiếp cận một cách phổ quát về khái niệm của ba định nghĩa “hội quán” – “miếu” – “chùa”, trên cơ sở đó mới có thể làm rõ chức năng của chúng.


Một hội quán ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nguồn: nghiencuulichsu.com
1. Có thể hiểu một cách đơn giản nhất, chùa () là cơ sở tôn giáo phục vụ mục đích tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Có thể xem chùa là một sản phẩm vật chất của Phật giáo trong tiến trình hình thành và phát triển. Trong bài viết này, tác giả chỉ là đưa ra khái niệm một cách tổng quan nhất; bởi vì trong Phật giáo, sự biến động trong lịch sử phát triển đã kéo theo sự phân chia các tông phái khác nhau và ở mỗi nhánh phát triển đó, ngôi chùa (hiểu ở cấp độ chung nhất là cơ sở thờ tự của Phật giáo) lại được xây dựng và có nhiều cách gọi khác nhau. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào lý giải chúng. Mặt khác, vì là cơ sở đại diện cho một tôn giáo (Phật giáo) mà do đó, đối tượng thờ cúng chính của các ngôi chùa là Đức Phật Thích Ca – người đã khai sáng là Phật giáo. Tuy nhiên như đã đề cập, vì sự phân tách thành nhiều tông phái khác nhau mà do đó, trong chùa thường có sự phối thờ (hoặc không) thêm các vị Bồ Tát, La hán và các vị thần khác. Song suy cho cùng thì Phật Thích Ca vẫn là đối tượng chính được thờ cúng trong một ngôi chùa.
2. Thứ hai, về khái niệm “miếu” (),nếu chùa là cơ sở tôn giáo thì miếu lại là cơ sở tín ngưỡng, mang đậm tính dân gian. Vì là cơ sở tín ngưỡng dân gian mà do đó, trong miếu thường thờ thì đối tượng thờ cúng chính rất đa dạng, có thể là một vị nhân thần (là một nhân vật lịch sử, một nhân vật truyền thuyết) hoặc là một người vô danh (Cô, cậu, bà, …) nhưng có tác động đến yếu tố tâm linh của người dân bản địa nên được phụng thờ.
Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu khi phân loại các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng thường phân cấp đình lớn hơn đền, đền lớn hơn miếu, miếu lớn hơn miễu. Song, theo quan điểm của tác giả, tùy góc độ phân loại mà ta mới có thể nhận định sự phân chia như vậy là không có cơ sở khoa học hay không. Bởi vì thứ nhất, việc phân chia này phải căn cứ vào bản chất của công trình là thờ ai ? Thứ hai, nếu tiếp cận thử cách phân chia cơ sở thờ tự của cộng đồng người Hoa thì không có khái niệm phân biệt đình, đền hay miếu mà tất cả đều được gọi bằng “miếu” (). Thành hoàng thường được thờ trong đình, đền thường thờ Thánh, … song suy cho cùng thì dù là Thành hoàng hay Thánh thì họ tuyệt đại đa số cũng đều là những vị nhân thần mà thôi.Thứ ba, “Đối với người Việt, vị thần cai quản từ kinh đô xuống phủ huyện đến làng xã đều gọi là thần Thành Hoàng, tất nhiên thứ bậc khác nhau. Còn đối với Trung Quốc, thần Thành Hoàng chỉ có từ kinh đô xuống phủ huyện. Riêng xã thôn chỉ có Phước Đức Chánh Thần, tức thần Thổ Địa” .
3. Cuối cùng, “hội quán” là gì ? Nếu chùa và miếu là những cơ sở mang đậm màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng thì hội quán lại mang những sắc thái của một tổ chức xã hội thu nhỏ và chỉ có ở cộng đồng người Hoa. Đó là cách nhìn nhận từ bản chất của các tổ chức này. Một bên là tổ chức tôn giáo, phục vụ nhu cầu tâm linh; một bên là tổ chức xã hội (thu nhỏ), phục vụ nhu cầu gắn kết các cá nhân trong một cộng đồng với nhau. Quay lại một chút về lịch sử hình thành của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, ta thấy rất rõ một chi tiết là những người Hoa này đến Việt Nam vì chịu tác động từ những biến động xã hội to lớn tại Trung Hoa lúc bấy giờ, đó chính là sự thay đổi chế độ cầm quyền, nhà Minh bị lật độ bởi người Mãn Thanh. Những người thuộc nhà Minh vì không chịu khuất phục trước người Mãn Thanh nên đã di dân khỏi Trung Quốc và tìm ngày “phản Thanh phục Minh”. Ra đi trong tình hình xã hội rối ren như vậy, khi đến một vùng đất mới, nhu cầu tập trung đồng hương lại là một nhu cầu vô cùng bức bách của cộng đồng người Hoa. Do đó, có thể xem những hội quán của người Hoa ở Việt Nam chính là sản phẩm của một quá trình lịch sử.
4. Các tiêu chí để phân biệt
Cơ sở
Tiêu chí
Chùa
Miếu
Hội quán
Nguyên nhân hình thành
Đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương.
Đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương.
Đáp ứng nhu cầu quy tụ, tập hợp những người Hoa chung Bang (ngôn ngữ).
Chức năng
Cơ sở thờ tự của Phật giáo
Cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian
Là trụ sở hành chính – đồng hương – liên lạc.
Địa bàn phân bố
Rộng khắp trên địa bàn thành phố
Rộng khắp trên địa bàn thành phố
Chủ yếu tại những nơi tập trung đông người Hoa sinh sống.
Kiến trúc và quy mô công trình
Thường theo dạng chữ Nhất, Nhị, Tam, Đinh, Công, Nội công ngoại quốc, … quy mô có thể lớn hoặc nhỏ.
Kiến trúc đa dạng, có thể phỏng theo kiến trúc của các ngôi chùa, quy mô có thể lớn hoặc nhỏ
Thường theo dạng hình ống, tương tự kiểu nhà ở Hội An; quy mô khá lớn.
Đối tượng thờ phụng
Phật Thích Ca (hoặc có thêm Bồ Tát, La Hán, các vị thần…), tùy thuộc vào các chi phái khác nhau
Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân và phối thờ với nhiều vị thiên và nhiên thần khác


Đối tượng tham gia
Bất kể mọi dân tộc, tầng lớp xã hội đều có thể viếng
Không kể mọi dân tộc, tầng lớp xã hội đều có thể viếng
Cộng đồng các nhóm người Hoa.




Nhận xét