Cuộc
khởi nghĩa Tây Sơn là một cuộc đấu tranh xã hội rộng lớn và mãnh liệt nhất
trong thời phong kiến lúc bấy giờ. Cuộc khởi nghĩa lúc đầu chỉ phát sinh ở Đàng
Trong, rồi bắt đầu lan rộng ra, sau đó biến thành một phong trào đấu tranh trên
phạm vi cả nước. Lực lượng quần chúng nhân dân tham gia tích cức bằng nhiều
hình thức khác nhau từ gia nhập nghĩa binh đến tiếp tế lương thực, vây bắt quân
giặc,…chính vì như vậy đã góp phần quyết định vào thắng lợi của phong trào. Từ
một cuộc khởi nghĩa của tầng lớp xã hội nông dân bất bình trước chế độ cai trị
hà khắc của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong từ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, về sau
do các thế lực phòng kiến cấu kết với nước ngoài đem quân xâm lược vào trong nước,
vì vậy mà cuộc khởi nghĩa đã chuyển thành một phong trào đấu tranh dân tộc nhằm
bảo vệ đất nước, giải phóng đất nước. Dựa vào lòng yêu nước của nhân dân và
mong muốn thoát khỏi chế độ cai trị hà khắc của họ nên anh em Tây Sơn đã giương
cao ngọn cờ dân tộc, tập hợp được lực lượng đông đảo từ mọi người tầng lớp nhân
dân yêu nước, phá tan được âm mưu xâm lược của quân Xiêm và quân Thanh, xóa bỏ
chế độ cai trị trước đó. Trước những thắng lợi to lớn của phong trào Tây Sơn đã
có những đóng góp to lớn trong lịch sử nước nhà. Trong đó, có nhiệm vụ độc lập dân tộc.
Phong
trào nông dân Tây Sơn có đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ độc lập dân tộc
trước sự xâm lược của quân Xiêm và quân Thanh với âm mưu bành chướng lãnh thổ.
Trước
hết là việc quân Tây Sơn đánh tan âm mưu xâm lược của quân Xiêm. Sự kiện này bắt
đầu từ việc quân Xiêm mang quân sang xâm lược nước ta do sự cầu viện của Nguyễn
Ánh trước thất bại do những đòn tiến công của quân Tây Sơn.
Tháng
2/1784, Nguyễn Ánh sang Xiêm theo lời mời của vua Xiêm. Đến tháng 3/1784, Nguyễn
Ánh đến thành Vọng Các (Xiêm). Tại đây, Nguyễn Ánh đã cầu viện vua Xiêm đem
quân đánh Tây Sơn, cứu giúp mình. Vốn có âm mưu bành chướng từ trước nên nhân
cơ hội này, quân Xiêm thực hiện cuộc tấn công xâm lược nước ta.
Tháng
6/1784, vua Xiêm sai cháu là Chiêu Sương và Chiêu Tăng đem hai vạn thủy binh và
300 chiến thuyền, bộ binh gồm 3 vạn do Lục Côn, Sa Uyển, Chao Thủy Biện chỉ
huy, theo hai đường thủy, bộ cùng với quân Nguyễn Ánh tiến đánh Gia Định[1].
Với
tổng số quân mà tướng Xiêm mang qua nước ta hơn 4 vạn, còn chưa kể số quân bản
bộ của Nguyễn Ánh. Trước sự chênh lệch về lực lượng như vậy, nhưng quân đội Tây
Sơn vẫn anh dũng đấu tranh dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ.
Từ
sau khi nhận được tin báo quân Xiêm đang hoành hành ở Gia Định, Nguyễn Huệ được
lệnh cầm quân tiến vào giành lại đất Gia Định. Khoảng đầu tháng Giêng năm 1785,
thủy quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến vào đóng ở Mỹ Tho. Bấy giờ quân
Xiêm đang đóng ở Sa Đéc, chuẩn bị tiến đánh thành Mỹ Tho và Gia Định. Sau khi
nghiên cứu tình hình, Nguyễn Huệ quyết định chọn khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến
Xoài Mút làm trận địa quyết chiến với giặc.
Mờ
sáng ngày 20 tháng giêng năm 1785, Nguyễn Huệ dùng mưu nhữ quân địch vào trận địa
mai phục, cánh quân ở Xoài Mút có nhiệm vụ chặn đánh quân giặc đang thuận dòng
tiến xuống. Do các tướng Xiêm chủ quan, cậy ưu thế và quân số, đã huy động tất
cả quân thủy bộ đuổi theo quân Tây Sơn. Khi quân Xiêm – Nguyễn lọt vào trận địa
mai phục thì cánh quân ở Rạch Gầm có nhiệm vụ khóa đuôi quân giặc. Trên bờ từ Rạch
Gầm đến Xoài Mút, Nguyễn Huệ cho bố trí thuyền lửa, bè lửa để khi quân Xiêm –
Nguyễn bị chặn ở cù lao Thới Sơn – Xoài Mút và ùn tắt lại, đồng thời lợi dụng
nước thủy triều lên cao đã lao vào đốt cháy chiến thuyền giặc. Tất cả chiến
thuyền của địch đều bị đánh tan, gần 4 vạn quân Xiêm bị chết, chỉ còn lại vài
nghìn tên còn sống sót theo đường bộ vượt qua Chân Lạp trốn về nước.
Như
vây, nhờ sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, mà quân Tây Sơn giành được những chiến thắng
lớn, tiêu biểu là chiến thắng ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Đây được xem là một
trong những trận thủy chiến lớn và lững lẫy của dân tộc ta trong lịch sử chống
giặc ngoại xâm. Chỉ với một ngày, với lực lượng có 2 vạn quân mà Tây Sơn đã
đánh tan hơn 5 vạn quân Xiêm – Nguyễn. Trận thắng này đã giải phóng được vùng đất
Gia Định thoát khỏi ách chiếm đóng của quân Xiêm, đập tan âm mưu xâm lược và
can thiệp nước ta của triều đình Xiêm. Qua đó, thể hiện tinh thần chiến đấu
ngoan cường, mưu trí của quân đội Tây Sơn, cùng với sự ủng hộ của nhân dân Gia
Định dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ. Với chiến thắng này, phong trào
Tây Sơn trở thành phong trào quật khởi của cả dân tộc, mà tính dân tộc ở đây
càng được phát huy rực rỡ trong cuộc đại phá quân Thanh xâm lược. Từ đây, nói
theo cách nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì “quân đội nông dân đã chuyển hóa một cách kì diệu và tự nhiên thành
quân đội dân tộc”[2].
Đồng thời cũng đập tan vĩnh viễn mưu đồ bành trướng của vua Xiêm đối với vùng đất
phía Nam của đất nước ta cuối thế kỷ XVIII.
Tiếp
theo việc đánh tan quân xâm lược Xiêm là sự kiện vua Quang Trung lãnh đạo quân
đội Tây Sơn đánh tan âm mưu xâm chiếm lãnh thổ Đại Việt của quân xâm lược Mãn
Thanh.
Nhân
cơ hội, năm 1788, sau khi chính quyền vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài bị lật đổ,
Lê Chiêu Thống cho người sang Quảng Tây để cầu xin sự giúp đỡ từ nhà Thanh. Vua
Thanh quyết định đem quân sang đánh chiếm nước ta. Sau hơn 300 năm không xâm phạm
bờ cõi Đại Việt kể từ sau thất bại tại Chi Lăng, Xương Giang và Đông Quan của đội
quân xâm lược Minh vào đầu thế kỷ XV, giai cấp phong kiến thống trị phương Bắc,
lần này lại tiến hành âm mưu xâm lược lớn đối với nước ta.
Trước
hành động bán nước của vua tôi Lê Chiêu Thống và sự xâm lược của quân Thanh đã
làm cho vận mệnh của cả dân tộc bị đe dọa. Từ đây mà mâu thuẫn giữa nhân dân với
quân giặc xâm lược và bè lũ tay sai nổi lên hàng đầu.
Sau
khi Lê Chiêu Thống cho người sang cầu cứu nhà Thanh, vua Thanh sai Tôn Sĩ Nghị
chỉ huy 29 vạn quân tiến đánh nước ta. Vào tháng 11/1788, quân Thanh chia làm bốn
đạo quân, ồ ạt tiến vào Đại Việt. Trước khi xuất quân, vua Càng Long vạch ra rõ
phương hướng chiến lược. Đó là lợi dụng mâu thuẫn giữa phong kiến nhà Lê với
Tây Sơn, hỏng dễ dàng chiếm lấy nước ta. Với sự chuẩn bị một cách thận trọng
cùng với một bản kế hoạch tỉ mỉ đã chứng tỏ quyết tâm xâm lược của nhà Thành đối
với nước ta là rất lớn với âm mưu hết sức thâm độc và nguy hiểm.
Trước
tình cảnh như vậy, cùng dưới sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, ngày 25 tháng
Một năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là
Quang Trung, tự làm tướng cầm đại binh chia quân theo hai đường thủy, bộ kéo ra
Bắc để diệt trừ quân giặc.
Ngày
29 tháng Một, vua Quang Trung dừng chân ở Nghệ An để bổ sung thêm lực lượng. Đến
ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15/1/1789), đại quân Tây Sơn tập kết ở Tam Điệp
– Biện Sơn. Sau khi xem xét tình hình, vua Quang Trung quyết định mở một cuộc tấn
công lớn với chiến lược thần tốc, nhằm tiêu diệt nhanh chóng và triệt để toàn bộ
lực lượng địch. Sau khi vua Quang Trung cắt cử tướng tá thành 5 đạo quân gồm: Quân chủ lực, Tiền quân, Hậu quân, Tả quân,
Hữu quân. Ông cho tất cả tướng sĩ ăn Tết Nguyên đán trước và hẹn sang xuân,
đến ngày mồng 7, sẽ vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng chiến thắng. Dưới sự chỉ huy
của vua Quang Trung, toàn bộ quân sĩ rầm rập lên đường ra Bắc.
Chỉ
trong khoảng 5 ngày đêm, từ đêm 30 Tết đến chiều mồng 5 Tết, năm Kỷ Dậu (tức
đêm 25/1/1788 đến chiều 30/1/1789), quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Quang Trung đã dành chiến thắng vang
dội ở Ngọc Hồi - Đống Đa tiến vào Thăng Long, đánh tan khoảng 29 vạn quân Thanh và bè lũ ra khỏi đất
nước, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng kinh thành Thăng Long, giải phóng đất nước,
đánh dấu một chiến công vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc
Việt Nam thời trung đại. Thắng lợi vang dội của chiến dịch đại phá quân Thanh là kết quả của tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân
sĩ, sự tham gia ủng hộ tích cực của nhân dân và tài chỉ huy quân sự của Quang
Trung.
Trong trận đánh này, nhờ sự vận dụng tài tình, độc đáo về chiến lược và chiến thuật
của Quang Trung mà đã phát huy cao tinh thần yêu nước của nhân dân, ý chí quyết
chiến chiến thắng của quân sĩ. Ngoài ra, ông cũng nắm vững thời cơ, triệt để lợi
dụng mọi nhân tố bất ngờ để tổ chức một chiến dịch phản công quyết liệt và
nhanh chóng làm nên chiến thắng ở trận Ngọc Hồi – Đống Đa. Với chiến công này
thì Quang Trung được xem là một nhà quân sự thiên tài ở giai đoạn cuối thế kỷ
XVIII.
Thắng
lợi của chiến dịch địa phá quân Thanh có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn trong lịch
sử dân tộc. Vì không những giải phóng được đất nước, giữ vững được nền độc lập
dân tộc, mà còn đập tan âm mưu xâm lược của các nước phương Bắc.
Qua
hai chiến thắng trong việc chống quân Xiêm và đại phá quân Thanh, nghĩa quân
Tây Sơn đã có thấy được tinh thần kiên cường, ý chí quyết chiến trong từng trận
đánh, mặc dù có sự tương quan chênh lệch lực lượng lớn nhưng không làm thụt lùi
ý chí chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn. Trải qua từng trận đánh, quân Tây Sơn
ngày càng trưởng thành hơn, từ những người nông dân không biết gì về chiến đấu
đã trở thành lực lượng nghĩa quân hùng hậu, có khả năng đương đầu với khó khăn.
Đồng thời, cho thấy được khả năng quân sự tài giỏi của Quang Trung ở từng thời
điểm. Việc đánh thắng và đuổi quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ nước ta, bảo vệ nền
độc lập dân tộc trược sự xâm lăng của ngoại xâm là một trong những đóng góp
quan trọng của phong trào Tây Sơn đối với nhiệm vụ dân tộc.
Phong
trào Tây Sơn ngoài việc đóng góp trong việc bảo vệ lãnh thổ khỏi sự xâm lăng của
giặc phương Bắc còn có đóng góp trong việc lật đổ tập đoàn phong kiến họ Nguyễn
ở Đàng Trong và Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, đưa đến việc thống nhất đất nước về mặt
lãnh thổ.
Sau
khi nghĩa quân được thành lập, việc đầu tiên họ thực hiện việc lật đổ chính quyền
họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Năm
1771, ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa và lập căn cứ ở Tây Sơn thượng đạo.
Buổi ban đầu dưới ngọn cờ Tây Sơn, đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham
gia, vốn đang bất bình trước chính quyền Đàng Trong. Vì vậy mà anh em nhà Tây
Sơn tiến quân vào Nam tiến hành khởi nghĩa, với mục tiêu lúc đầu là tiêu diệt
Trương Phúc Loan, nêu khẩu hiệu “giận Quốc
phó đem lòng bội bạc, nên Tây Sơn xướng nghĩa Cần Vương”[3]
để phân hóa nội bộ kẻ thù đồng thời nêu cao khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” và sau đó tiến tới lật đổ
chính quyền chúa Nguyễn. Từ căn cứ Tây Sơn, các đạo nghĩa quân đã tiến về xuôi,
giải phóng các làng xã. Một số giáo sĩ phương Tây chứng kiến những hoạt động của
nghĩa quân lúc bấy giờ đã ghi lại như sau: “Ban
ngày xuống các chợ, kẻ thì đeo gươm, người thì mang cung tên, có người thì mang
súng…Người ta gọi họ là giặc nhân đức đối với người nghèo…Họ giết những xã trưởng
phản động, tịch thu giấy tờ, sổ sách thuế khóa do nhà vua và quan lại đặt ra rồi
đem đốt ở nơi công cộng.”[4]
Vào
thời điểm năm 1773, lực lượng nghĩa quân thực hiện việc đánh chiếm phủ Quy
Nhơn, mà tập trung chủ yếu vào việc đấu tranh chống vào bọn quan lại, địa chủ
nhất là những người tham nhũng, hà khắc và hủy bỏ sổ sách thuế khóa, tuyên bố
tha thuế cho dân chúng. Sau khi hạ xong thành Quy Nhơn, nghĩa quân thừa thắng
tiến ra phía Bắc chiếm phủ Quảng Ngãi và tiến vào phía Nam giải phóng phủ Phú
Yên. Vì vậy, những nơi phong trào đi qua thì chính quyền bị đánh đổ, nhân dân
được giải phóng khỏi chế độ tô thuế nặng nề của chúa Nguyễn và tệ nạn tham
nhũng của bọn quan lại. Lúc này, cuộc khởi nghĩa đã phát triển thành một phong
trào đấu tranh vũ trang rộng lớn kết hợp sức mạnh của nghĩa quân cùng với sự nổi
dậy hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân bị áp bức và những người bất
bình trước chế độ của vua quan chúa Nguyễn. Nghĩa quân nhanh chóng giải phóng
các làng ấp rồi tiến lên giải phóng các huyện, đánh sập từng mảng của chính quyền
chúa Nguyễn. Như vậy, trong vòng hai năm, cuối năm 1774, nghĩa quân Tây Sơn đã
làm chủ một khu vực rộng lớn từ Quảng Nam đến Bình Thuận, rồi tiếp tục tấn công
vào căn cứ cuối cùng của quân Nguyễn ở Gia Định.
Từ
năm 1776 đến 1783, nghĩa quân Tây Sơn đã 5 lần đánh bật chúa Nguyễn ra khỏi đất
liền, buộc chúa Nguyễn phải trống tranh trong các hải đảo và cuối cùng phải bỏ
nước trốn sang sống lưu vong trên đất Xiêm La (Thái Lan). Dẫn đến việc sau này
Nguyễn Ánh phản bội dân tộc, cầu cứu và dẫn đường cho quân Xiêm sang xâm chiếm
đất Gia Định. Nhưng việc nghĩa quân Tây Sơn làm chủ được thành Gia Định, đồng
thời cũng giải phóng được hầu hết đất đai của Đàng Trong, đã đánh dấu sự sụp đổ
chính quyền chúa Nguyễn tồn tại hơn 200 năm ở vùng đất này, mang lại thành công
bước đầu trong việc thống nhất lãnh thổ của nghĩa quân Tây Sơn, mặc dù dẫn đến
hệ lụy bị quân Xiêm mang quân sang xâm lược.
Sau
khi đánh đuổi được quân Nguyễn ra khỏi Đàng Trong và đánh tan quân xâm lược
Xiêm, thì tình hình ở Đàng Ngoài ngày càng khó khăn. Tại Phú Xuân, quan quân
nhà Trịnh lộng quyền, kiêu căng, ức hiếp dân chúng, gây nên sự bất bình giữa
nhân dân với chính quyền Trịnh ở Thuận Hóa. Về phía Tây Sơn, sau khi đánh bại
chúa Nguyễn, đánh tan quân xâm lược Xiêm ở phía Nam, thì cơ hội đánh chiếm Thuận
Hóa xuất hiện. Nhân lúc tình hình Đàng Ngoài bị khủng hoảng như vậy, nghĩa quân
Tây Sơn bắt đầu tiến ra Bắc để lật đổ chính quyền vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng
Ngoài.
Tháng
5/1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy chia thành 2 đường thủy bộ đánh ra Phú
Xuân, nhanh chóng hạ được thành rồi tiến ra tận sông Gianh. Chỉ trong mấy ngày,
cả vùng đất Thuận Hóa từ Phú Xuân ra đến sông Gianh đều lọt vào tay của quân
Tây Sơn. Đang trên đà thắng lợi, Nguyễn Huệ quyết định tấn công ra Bắc. Quyết định
này của ông có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, biểu thị nguyện vọng, ý chí và
tình cảm thống nhất mạnh mẽ của nhân dân cả nước.
Tháng
6/1786, bằng chiến thuật “thần tốc”, quân
Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đánh đâu thắng lợi đến đó,
đã làm chủ được Nghệ An, Thanh Hóa và Vị Hoàng. Sáu ngày sau, đạo quân chủ lực
do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy theo 2 đường thủy bộ, phối hợp với đạo tiên
phong, đánh bại quân Trịnh ở vùng Nam Hà rồi tiến về Thăng Long. Trên đường tiến
quân, Nguyễn Huệ đã phát hịch “phù Lê, diệt
Trịnh”để phân hóa hàng ngũ kẻ thù và kêu gọi nhân dân nổi dậy hưởng ứng. Vì
lúc này, người dân ở Đàng Ngoài vẫn còn luyến tiếc cho triều đình nhà Lê.
Ngày
26/6/1786, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào Thăng Long. Chỉ trong vòng một tháng, dưới
sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Bắc Hà,
quân Tây Sơn đã lật nhào nền thống trị của họ Trịnh xây dựng gần 300 năm trên đất
Đàng Ngoài, chấm dứt vài trò của chúa Trịnh ở Kinh thành Thăng Long. Sau khi
vào Thăng Long, Nguyễn Huệ đã giao lại chính quyền cho vua Lê Hiển Tông và thi
hành một số biện pháp nhằm nhanh chóng lập lại trật tự trên đất Bắc Hà.
Sau
khi kết thúc vai trò của chúa Trịnh, Nguyễn Huệ trao lại quyền hành cho vua Lê
Hiển Tông và được vua phong cho làm
Nguyên soái phù chính dực vận Uy quốc công, ban cho đất Nghệ An và gả con
gái út là công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Sau khi hoàn thành mọi việc, Nguyễn
Huệ rút quân vào Nam. Tuy nhiên, tình hình Bắc Hà sau đó lại lâm vào cảnh rối
loạn. Nạn đói hoành hành, nhân dân cực khổ, vua Lê Chiêu Thống – cháu nội của
vua Lê Hiển Tông kế vị, bất lực trong việc chống chọi lại với thế lực họ Trịnh
do Trịnh Bồng đứng đầu.
Do
thấy vua Lê Chiêu Thống bạt nhược, Trịnh Bồng liền nổi dậy gây biến, định lập lại
chế độ vua Lê chúa Trịnh. Trước tình hình đó, vua Lê Chiêu Thống buộc phải
phong vương cho Trịnh Bồng nhưng vẫn muốn tìm mọi cách chế ngự thế lực của họ
Trịnh nên đã mời Nguyễn Hữu Chỉnh về giúp sức diệt họ Trịnh. Nhưng Nguyễn Hữu
Chỉnh ngày càng lộng hành, âm mưu chống lại Tây Sơn, mong muốn chiếm lấy Nghệ
An, đắp lũy Hoành Sơn, lấy sông Gianh làm giới hạn, lập lại cục diện Nam – Bắc
như xưa.
Trước
tình hình đó, mà sau khi giải quyết được cuộc vây hãm của Nguyễn Nhạc. Cuối năm
1787, Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm ra Bắc để tiêu diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng
ngay sau đó, Vũ Văn Nhậm cũng lại chuyên quyền và nuôi mưu đồ phản trắc, định lập
thành một giang sơn riêng. Nên đến tháng 4/1788, Nguyễn Huệ buộc phải kéo quân
ra lại Thăng Long lần thứ hai, trừng trị Vũ Văn Nhậm và một lần nữa lập lại trật
tự trên đất Bắc Hà.
Sau
khi đánh đổ chính quyền nhà Lê, lập lại trật tự trên đất Bắc Hà, tháng 5/1788,
Nguyễn Huệ triệu tập các đại thần văn võ nhà Lê, sắp đặt quan chức và cải tổ bộ
máy chính quyền ở Bắc Hà.
Sau
ba cuộc Bắc tiến, quân Tây Sơn đã lần lượt lật đổ chính quyền quyền phong kiến
của chúa Trịnh , vua Lê, làm chủ được vùng đất ở Đàng Ngoài.
Như
vậy, sau 17 năm (1771 – 1788), kể từ khi cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Quy Nhơn,
phong trào nông dân Tây Sơn đã tiêu diệt được hoàn toàn các thế lực phong kiến
Nguyễn, Trịnh – Lê chia cắt đất nước hơn hai thế kỷ, gây nên cảnh nội chiến
tương tàn. Phong trào nông dân Tây Sơn đã thủ tiêu những trở ngại căn bản, khôi
phục lại quốc gia thống nhất trên phạm vi rộng lớn từ Bắc Hà vào Gia Định. Xuất
phát điểm từ cuộc đấu tranh giai cấp ở thời kỳ khủng hoảng của chế độ phong kiến,
sau khi đánh bại 5 vạn quân Xiêm (1785), phong trào Tây Sơn có thêm những yếu tố
mới của phong trào cứu quốc, phong trào dân tộc, có khả năng đoàn kết rộng rãi
các tầng lớp nhân dân nhằm đập tan âm mưu xâm lược của lực lượng bán nước và cướp
nước.
Ngoài
ra, giới hạn sông Gianh được dựng lên đã tạo nên sự cản trở cho hoạt động giao
lưu kinh tế khiến cho nền kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân rời vào cảnh
cực khổ. Vì vậy, thắng lợi của phong trào Tây Sơn sau khi lật đổ chính quyền
chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chính quyền Lê – Trịnh ở Đàng Ngoài, phá bỏ ranh giới
sông Gianh chia cắt đất nước đã giải quyết được một trở ngại lớn trong việc thống
nhất đất nước và tạo tiền đề để khôi phục lại quốc gia thống nhất.
Tóm
lại, phong trào nông dân
Tây Sơn đã xóa bỏ nền thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở
Đàng Ngoài chấm dứt tình trạng cát cứ phong kiến mở đường cho quá trình thống
nhất đất nước sau nhiều thời kỳ bị chia cắt. Phong trào nông dân Tây Sơn từ một
cuộc khởi nghĩa nông dân giống như bao cuộc khởi nghĩa nông dân khác trước đó
đã trở thành một cuộc chiến tranh nông dân lan rộng trên phạm vi toàn bộ lãnh
thổ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Có thể nói rằng, việc lật
đổ chính quyền chúa Nguyễn và Lê – Trịnh, phá bỏ ranh giới sông Gianh của nghĩa
quân Tây Sơn có hai ý nghĩa hết sức lớn lao. Một là xóa bỏ biên giới sông Gianh
chia cắt đất nước từ rất lâu dài trước đó, mở ra một trong những cơ sở quan trọng
cho việc thống nhất quốc gia này. Hai là chấm dứt ách thống trị thối nát của họ
Trịnh và sự bạt nhược của chính quyền nhà Lê, tức là tiêu diệt trở lực lớn nhất
của xã hội Đàng Ngoài.
[1] Trần
Thi Vinh (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam tập 4 – từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII,
Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Tr.356
[2]
Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam – Danh tướng trong chiến tranh nông dân
thế kỷ XVIII và phong trào Tây Sơn tập 3, Nhà xuất bản Thời Đại, Tr.150
[3] Huỳnh
Công Bá, Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Tr.855
[4] Huỳnh
Công Bá, Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Tr.856
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.