Trong việc viết sử, phê phán thẳng thắn, khách quan là một tinh thần vừa khó vừa quan trọng. Làm được điều ấy đòi hỏi phải có sự trung thực và tính can trường.
Trong kho tàng sử liệu hiếm hoi của dân tộc ta, bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là một báu vật vô giá. Sự vô giá của bộ sử này ở nhiều khía cạnh, nhưng trong đó có một khía cạnh quan trọng, đó là thái độ phê phán thẳng thắn, trung thực và nghiêm khắc của người chép sử. Về Đinh Tiên Hoàng, ngoài việc ca ngợi công đức, tài năng của ông, đến phần nhược điểm Lê Văn Hưu không ngại ngần hạ bút phê phán: “Đinh Tiên Hoàng không kê cứu cổ học, mà bầy tôi đương thời lại không có ai biết giúp sửa cho đúng, để đến nỗi chìm đắm trong tình riêng, cùng lập 5 hoàng hậu. Sau hai triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt chước làm theo, ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy”.
Khi Lê Đại Hành thay nhà Đinh lên làm vua, công lao được sử thần xưng tụng: “Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự…”. Nhưng sự phê phán cũng không phải nhẹ khi xảy ra chuyện Lê Đại Hành đã lập vợ của Đinh Tiên Hoàng làm vợ mình. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn…”
Đến Lý Công Uẩn, người khởi nghiệp cho vương triều Lý cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi ca ngợi công đức của Lý Thái Tổ là ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, khoan thứ nhân từ… Lê Văn Hưu cũng thẳng thắn chỉ ra các nhược điểm như: “chưa dựng tông miếu, đàn xã tắc mà đã lập tám trăm chùa ở phủ Thiên Đức”. Còn Ngô Sĩ Liên thì phê phán: “Chưa làm sáng chính học, lại ưa thích dị đoan, bị lụy vì chuyện đó”. Tới Lý Phật Mã sự phê phán còn nhẹ nhàng hơn: “Người quân tử còn lấy việc khoe khoang thái quá để chê trách vua chưa hiền”. Còn Lý Thánh Tông lại bị “soi” ở khía cạnh khác, vung phí công sức và của cải của dân: “… nhọc sức dân xây tháp Báo Thiên, phí của dân dựng cung Dâm Đàm, đó là chỗ kém”. Sang tới Lý Anh Tông những hạn chế thuộc về bản chất vẫn bị đem ra lên án: “… không phân biệt được kẻ gian tà, hình phạt không sáng suốt…”. Khi chép về Trần Thái Tông, ông vua mở đầu cho triều đại Trần, các sử gia cũng thẳng thắn, khách quan đánh giá về ưu điểm và nhược điểm. “Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương” nhưng rồi cũng không quên phê phán nhược điểm của vua là để cho: “… quy hoạch việc nước đều do Trần Thủ Độ làm và chốn buồng the cũng có điều hổ thẹn”. Đến Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần, người chính thức dựng triều Trần cũng bị quở trách nghiêm khắc vì hành vi giết Huệ Tông và cướp vợ của ông ta. Sử thần Ngô Sĩ Liên hạ bút một cách quyết liệt: “Thủ Độ coi việc đó là hết lòng trung, lo việc nước, nhưng biết đâu thiên hạ đời sau đều chỉ mặt gọi là giặc giết vua, huống chi lại còn làm thói chó lợn”. Trần Anh Tông cũng không tránh khỏi con mắt phán xét khắt khe của sử gia: “Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới chỗ thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. Song tụ họp nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân dựng gác Ánh Vân, thì chẳng phải là tỳ vết nhỏ trong đức lớn đó sao?”
Lê Thái Tổ, tức Lê Lợi, người khởi binh đánh đuổi giặc Minh, khai sáng triều Lê, được sử gia đánh giá là vị vua có mưu kế xa rộng, mở mang cơ nghiệp nhưng kèm theo đó là nhược điểm chết người: “… đa nghi, hiếu sát”. Chỉ rõ nhược điểm ấy của vua Lê Lợi là chính xác bởi vì trên thực tế quả là ông đã sát hại rất nhiều những cộng sự quan trọng của mình cũng như đã sai chém Tư mã Lê Lai, chém Lưu Nhân Chú, ruồng bỏ Nguyễn Trãi.
Những lời phán xét đanh thép trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đúng sai còn phải bàn nhưng trước hết nó cho thấy được thái độ thẳng thắn của những người chép sử. Không có những lời lẽ đó, đời sau sẽ vượt qua dễ dàng các ranh giới đạo đức và không biết sợ dư luận. Việc nêu lên khuyết điểm, sai lầm của các bậc tiền nhân không làm hình ảnh họ bị méo đi, mà trái lại nó góp phần làm cho thế hệ sau thấy rõ hơn giá trị những thành quả mà họ có được. Các bậc đế vương cũng là con người, mà đã là con người thì ắt có sai lầm, khuyết điểm. Có sai lầm, khuyết điểm mà không bị chìm đắm, trái lại vẫn sáng giá, tồn tại với muôn năm thì còn quý hơn nhiều. Thời này rất cần tinh thần phê phán thẳng thắn, nghiêm khắc như trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
Theo CHUNGTA.COM
Đỗ Xuân Giang
(Sưu tầm)
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.