Phong trào giải phóng dân tộc qua nhiều thế hệ

Trong suốt tiến trình lịch sử cận đại Việt Nam (1858-1945) dân tộc ta đã phải sống dưới ách xâm lược và cai trị của thực dân Pháp suốt gần 100 năm. Nhưng tinh thần yêu nước là điều bất diệt, trải qua nhiều thế hệ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vẫn luôn diễn ra, thể hiện sự bất khuất của dân ta trước muôn vàn thủ đoạn của bọn thực dân. Bài viết này sẽ nhìn lại một cách tổng quát cả một quá trình đấu tranh hào hùng mà bi tráng ấy.

Ảnh minh họa
Khởi đầu từ phong trào yêu nước mang khuynh hướng phong kiến- phong trào Cần Vương. Đây được coi là sự kháng cự cuối cùng của triều đình phong kiến trước sự xâm lăng của thực dân Pháp. Với nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu ở Bắc và Trung kì dưới hình thức chủ yếu là bạo động vũ trang. Phong trào này diễn ra trong khoảng thời gian 1885-1896 kết thúc với cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng. Tuy thất bại nhưng phong trào để lại bài học sâu sắc cho thế hệ đi sau cũng như thể hiện tinh thần yêu nước của một bộ phận vua tôi nhà Nguyễn lúc bấy giờ.
Tiếp theo là những phong trào mang khuynh hướng dân chủ tư sản của những nhà cách mạng tiêu biểu Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Các phong trào yêu nước như Đông Du, Duy Tân, chống thuế Trung kỳ,… đều đã gây được tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Do ảnh hưởng của tư tưởng  dân chủ tư sản từ Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu nên đa phần các phong trào yêu nước thời kì này đều có nhiều nét tương đồng. Chỉ khác là kết hợp thêm nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, do con đường này không phù hợp với tình hình nước ta bấy giờ nên bằng cách này hay cách khác các phong trào của các sĩ phu yêu nước đều thất bại.
Sau khi những phong trào của sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20 thất bại, là phong trào của các tổ chức tiêu biểu mà mỗi tổ chức là một đường lối riêng như: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng, Việt Nam Quang Phục Hội, Việt Nam Quốc dân Đảng,…Thời kì đầu là sự ra đời và hoạt động dưới hình thức bạo động của Việt Nam Quang Phục Hội do Cường Để và Phan Bội Châu lãnh đạo. Sau đó các tổ chức kia lần lượt ra đời mà tiêu biểu là hai tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Nguyễn Ái Quốc và Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng đi theo con đường cách mạng tư sản và hoạt động vũ trang là chủ yếu. Chính vì những sai lầm về đường lối cũng như khâu tổ chức mà tổ chức này sớm đi vào lối mòn và mất dần tầm ảnh hưởng đặc biệt sau thất bại của khởi nghĩa Yên Bái. Còn Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên tổ chức các phong trào “vô sản hóa”, báo chí, tổ chức mở lớp huấn luyện cán bộ đi theo một con đường đúng đắn sớm giành được quyền ảnh hưởng to lớn ở trong nước. Sau khoảng thời gian của các tổ chức này, đến 1930 một hội nghị hợp nhất các Đảng lại thành  một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra.
Sau sự thống nhất các tổ chức thành một chính đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước  ta lúc này mới chính thức đi theo một con đường duy nhất- con đường cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, con đường giải phóng dân tộc diễn ra một cách thuận lợi hơn. Từ các phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh cho đến phong trào dân tộc dân chủ rồi phong trào cách mạng 1940-1945 cách mạng Việt Nam từng bước giành thắng lợi và đi đến ngày giành độc lập từ tay Pháp- Nhật.
Ngày 2/9/1945,  chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.(1)
Tóm lại, có thể thấy xuyên suốt thời cận đại của lịch sử nước nhà,  dân tộc Việt Nam đã không ngừng đấu tranh, không ngừng tìm tòi các con đường cứu nước mới. Trải qua nhiều thế hệ, những kinh nghiệm được tích lũy và rút ra, cách mạng nước ta đã tìm ra con đường cách mạng vô sản. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cách mạng đi từng bước đến thắng lợi, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
*CHÚ THÍCH:
(1): trích từ Lịch Sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XX, Lê Thành Khôi, sđd, tr.564.
*TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Việt Nam Vong quốc sử, Phan Bội Châu, Chương Thâu (dịch và chú thích), nxb.Văn hóa Thông tin, 2015.
2/Lịch sử Việt Nam, Lê Thành Khôi, nxb. Thế Giới, 2014.
3/ Phan Châu Trinh thân thế và sự nghiệp, Gs. Huỳnh Lý, nxb. Trẻ, 2002.
4/ Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 2, Đinh Xuân Lâm chủ biên, nxb Giáo Dục, năm 2000

5/ Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Nguyễn Thế Anh, nxb. Văn học, 2008.
-----------------
Đàm Minh Khôi

Nhận xét