Nguyên nhân dẫn đến sự hình thành “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

Kể từ khi Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” vào năm 2009, tình hình Biển Đông đã trở nên căng thẳng. Phản ứng của thế giới và của các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Từ ảnh hưởng của “đường lưỡi bò” 2009, Việt Nam đã có những nỗ lực, cố gắng trong việc giữ gìn chủ quyền và bảo vệ biển đảo trên cơ sở hòa bình, hợp tác và tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm kiềm chế xung đột, giải quyết thông qua đàm phán. Những nguyên nhân nào đưa đến sự hình thành "dường lưỡi bò" là câu hỏi được bài viết dưới đây trả lời. Hai nguyên nhân cơ bản được xác định là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

1. Nguyên nhân khách quan.
1.1 Biển Đông – phạm vi áp dụng “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Một trong số nguyên nhân khách quan dẫn đến sự hình thành “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đó là vị trí, vai trò đặc biệt của Biển đông. Đó là nơi mà Trung
Quốc áp dụng “đường lưỡi bò” từ khi công khai vào năm 2009 cho đến nay, là vùng biển mà Trung Quốc tranh chấp với các nước trong khu vực. Theo các nhà khoa học, biển và đại dương là “Lục địa xanh”, vì nó phủ kín 70 – 80% bề mặt trái đất và là nơi có nhiều nguyên liệu, khoáng vật khổng lồ, tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng, là nơi tiềm ẩn của mọi rối ren, tranh chấp. Vì đối với những nước lớn ở gần biển và đại dương có sức mạnh về kinh tế và quân sự, họ luôn khai thác nguồn tài nguyên biển để phát triển đất nước.
Biển Đông (tên quốc tế là the South China sea) nằm ở phía tây của rìa Thái Bình Dương, là một biển tương đối kín được bao bọc bởi đảo Đài Loan, quần đảo Philippines ở phía Đông, các đảo Indonesia (Borneo, Sumatra) và bán đảo Malaysia ở phía nam và đông nam, bán đảo Đông Dương ở phía tây và lục địa nam Trung Hoa ở phía bắc. Biển Đông có tọa độ 25010’ Bắc (bắc của Đảo Đài Loan và Thanh đảo Lục địa Trung Hoa) và tọa độ 3000’ Nam (Đảo Sumatra và Borneo). Biển Đông có diện tích khoảng 3400000km2, độ sâu trung bình khoảng 1140m và độ sâu cực đại khoảng 5016m.[1]
Biển Đông giàu tài nguyên, đa dạng về sinh học và quan trọng về vị trí chiến lược. Bởi vì, các tuyến đường hàng không và hàng hải quốc tế chủ yếu giữa khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đều đi qua Biển Đông. Tuyến đường hàng hải quốc tế  có tính huyết mạch nối liền với Tây Ấu, qua Trung Đông - Ấn Độ Dương, đến Đông Nam Á, qua Biển Đông và đi Đông Bắc Á, với hai hải cảng lớn của Thế giới án ngữ hai đầu là cảng Hồng Công ở phía bắc và cảng Singapo ở phía Nam. Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến đường này cực lớn, chỉ tính riêng dầu lửa đã có hơn 90% nhu cầu của Nhật Bản, hơn 50% lượng hàng xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vận chuyển qua Biển Đông.
Với vị trí như vậy, cộng thêm giàu tài nguyên thiên nhiên, có thể khai thác với mục đích phát triển kinh tế không những với các nước trong khu vực mà còn là đối vứi các nước ngoài khu vực. Là “điểm nóng” của Thế giới luôn luôn có các sự kiện tranh chấp diễn ra. Chính dựa vào điều kiện như vậy, Trung Quốc luôn có dã tâm chiếm đóng và thông tính vùng biển này với “đường lưỡi bò”.
1.2. Sức mạnh của các cường quốc xuất phát từ biển.
Nhìn về lịch sử, các cường quốc luôn phát triển mạnh mẽ từ biển. Đây là một nguyên nhân khác tác động đến việc hình thành chính sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Các quốc gia từng “xấu xé” Trung Quốc đều đến từ biển. Những lợi thế từ biển đã được các quốc gia phương tây cũng như những quốc gia non trẻ phương Đông có tư tưởng hướng ra biển đã nhìn thấy. Chuẩn đô đốc Alfred Thayer Mahan (1840-1914), nhà lý thuyết chiến lược hải quân người Mỹ, đã mở đường đột phá trong tư duy khi cho rằng chỉ có “sức mạnh trên biển” mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền. Ông đã chỉ ra sáu điều kiện để một quốc gia có thể trở thành cường quốc biển (sea power), đó là: “(1) Có vị trí địa lý thuận lợi; (2) Có bờ biển có thể sử dụng được, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi; (3) Có lãnh thổ đủ rộng; (4) Có dân số đủ đông để tự vệ; (5) Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; (6) Có một chính phủ đủ năng lực để làm chủ biển”[2].
Đó là một tư duy mới được hình thành làm tiền đề cho các nước phát triển. Lúc bấy giờ, các nước xâm lược Trung Quốc vào những năm cuối nhà Thanh như: Nhật Bản, Nga, Đức, Anh, Pháp đều phát triển mạnh mẽ về mặt biển, bằng việc xây dựng hải quân. Vấn đề hải quân rất được xem trọng. Tuy có lực lượng hải quân hùng mạnh nhưng chưa phải là một cường quốc biển, nhưng nó “bổ trợ cho lực lượng lục quân và sau đó là không quân hùng hậu thì các cường quốc đang lên mới có thể củng cố được sức mạnh kinh tế và mở rộng được phạm vi ảnh hưởng của họ ra bên ngoài”. Mặt khác, phát triển và duy trì một lực lượng hải quân mạnh là rất tốn kém, do đó chỉ có những nước thực sự giàu có mới có khả năng có được sức mạnh hải quân đủ để giành ưu thế tại các vùng biển và đại dương quan trọng. Vì lẽ đó, việc phát triển và sử dụng sức mạnh biển luôn gắn liền với sự đi lên của các cường quốc.
Nhìn chung, những điều kiện trên, dưới những tác nhân khách quan như vậy, Trung Quốc đủ sức hướng ra biển, đủ sức thực hiện một chính sách biển. Ngoài sự tác động của những nguyên nhân khách quan bên ngoài, Trung Quốc còn tiềm ẩn những nguyên nhân chủ quan từ bên trong
2. Nguyên nhân chủ quan.
2.1. Tư tưởng bành trướng đại Hán của Trung Quốc.
Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh ở phương Đông, có vị trí hết sức đặc biệt. Trung Quốc là một quốc gia có nền văn minh sớm nhất trong lịch sử nhân loại, là một quốc gia có sự thống trị của chế độ phong kiến lâu đời. Như chúng ta đã thấy, từ xưa tới nay, Trung Quốc luôn muốn bành trướng và mở rộng lãnh thổ trên đất liền, nhất là về phía Nam, mà trực tiếp là Việt Nam. Việt Nam từng là một châu của Trung Quốc hơn nghìn năm bắc thuộc. Đồng thời, các vương triều phong kiến phương Bắc luôn tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược nhằm thôn tính Việt Nam. Tuy nhiên, các cuộc chiến xâm lược đều thất bại do cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đó là một ví dụ điển hình cho thấy tư tưởng bành trướng đại Hán của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, nhằm mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Đó là tư tưởng đã hình thành lâu đời của Trung Quốc. Tư tưởng đó được hình thành bởi đặc điểm, vị trí của Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia đông dân, lãnh thổ rộng lớn với tư tưởng “dĩ Hoa vi Trung”, tức là xem Trung Quốc là trung tâm. Theo Giáo sự Trần Đình Hượu, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã có sự kết hợp giữa hai hệ tư tưởng Nho gia và Pháp gia để phục vụ cho chính sách bành trướng. Sự kết hợp này đã dựng nên một ông vua chuyên chế, hà khắc với thần dân và luôn lăm le xâm lược các nước láng giềng. GS Trần Đình Hượu viết: "Xâm lược nước láng giềng là cách kiếm lợi nhưng chủ yếu là để tăng thêm uy thế.
Đánh là cướp bóc mà cũng để đòi thêm cống nạp. Nhưng đánh cũng còn để ra oai, tỏ ra còn đủ sức trừng phạt những ai lăm le chống đối... Đó là con đường lấy ngoài yên trong của hoàng đế". Từ đó, Tư tưởng bành trướng đại Hán phát triển thành Chủ nghĩa đại Hán, với những đặc điểm: Hiếu chiến, hống hách, ảo tưởng; ngụy
thiện; trọng danh hơn trọng thực.[3]
2.2. Tư duy hướng ra biển của Trung Quốc dần dần hình thành.
Giống như các quốc gia phương Đông khác, Trung Quốc là quốc gia “coi trọng đất liền, coi nhẹ biển”. Họ xem “biển là sự ngăn cách địa lí”. Đồng thời, “nền văn minh đại lục kiểu hướng nội khác với nền văn minh biển mang tính mở cửa, là một nền văn minh chính trị quan liêu, nông nghiệp ngưng trệ, tinh thần chiết trung và đầy sự thỏa thiệp”. Trung Quốc thật sự để ý tới biển vào thế kỉ XX, nhưng trước đó, đã xuất hiện các tư tưởng của một vài cá nhân, đó là những nhà hàng hải, nhất là Trịnh Hòa người nhà Minh, họ cho rằng “muốn đất nước giàu có, hùng mạnh, không thể coi nhẹ biển, của cải từ biển mà ra, rủi ruo cũng từ biển mà đến”,
“Muốn quốc gia phú cường thì không thể không quan tâm đến biển”. “Tiền tài đến từ biển và hiểm nguy cũng đến từ biển”. “Một khi quân vương nước khác nắm lấy Nam dương, thì Hoa hạ sẽ nguy mất”. Nhưng do tư tưởng của triều đình phong kiến chưa nhận thức về biển nên cho rằng “biển cả là con đường du nhập những tư tưởng có hại cho sự ổn định của quốc gia và làm cho quần chúng xao lãng việc bảo vệ lãnh thổ nên không mấy mặn nồng với biển”[4]. Do đó, thời kì này tuy xuất hiện các tư tưởng hướng ra biển nhưng chỉ mang tính chất cá nhân, đồng thời bị chi phối của chính quyền. Từ đó, chúng ta thấy rằng, Trung Quốc chịu ảnh hưởng của văn hóa canh nông với tư tưởng truyền thống “dĩ nông vi bản”, “trọng nông khinh thương” và “trọng lục khinh hải” tồn tại trong lịch sử Trung Quốc cổ đại kéo dài hàng nghìn năm, tiếp đến lại bị hạn chế bởi chính sách “hải cấm” của triều Minh và “bế quan tỏa cảng” của triều Thanh.
Đến giữa thế kỉ XIX, Trung Quốc dưới triều Thanh luôn bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản xâm lược, họ tiến vào các vùng ven biển, Họ “xâm lược hơn 470 lần vùng ven biển Trung Quốc, ép Trung Quốc ký hơn 50 hiệp ước không bình đẳng”. Sau cuộc chiến tranh Nha Phiến, mối đe doạ đến từ vùng ven biển đã làm thức tỉnh ý thức về biển của Trung Quốc, hình thành một loạt ý tưởng về chiến lược biển. Sự thất bại của cuộc chiến tranh biển Giáp Ngọ đã ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh của Trung Quốc và tình hình châu Á 100 năm qua, sự diệt vong của hải quân Bắc Dương quy mô lớn nhất châu Á khi đó đã tuyên bố sự thất bại của quan niệm phòng thủ biển bị động. Nguy cơ lớn về vùng biển ven bờ đã làm ý thức tỉnh ý thức hải quyền của Trung Quốc.
Đến đầu thế kỉ XX, Tôn Trung Sơn là người đầu tiên đưa ra một hệ thống tư tưởng biển đặc biệt và hoàn chỉnh cho Trung Quốc. Ông cũng đưa ra quan điểm “dĩ hải vi bản” – coi hải dương là gốc cho sự hưng thịnh hoặc suy vong của một dân tộc. Ông cho rằng “Đất nước hưng thịnh hay suy vong thường ở biển chứ không phải ở lục địa, quốc gia nào có quyền lực trên biển chiếm ưu thế thì quốc gia đó thường chiếm ưu thế”[5]. Đến lúc này, tư tưởng hướng ra biển của Trung Quốc dần dần hình thành, quan điểm về biển của Trung Quốc dần phát triển, họ bắt đầu quan tâm về biển.
Tóm lại, Từ vị trí chiến lược của Biển Đông và sự vươn lên của các cường quốc, sự lâm le xâm lược từ biển của Trung Quốc, những quan điểm về biển dần được hình thành. Cộng thêm tư tưởng bành trướng đại hán truyền thống lâu đời, “Đường lưỡi bò” dần được hình thành và phát triển, những tác động của nó đến biển đảo Việt Nam.
Trần Hoàng
Trích từ tiểu luận Tác động từ "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam từ năm 2009 đến nay (10/2017)



[1] Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, Lê Đức Tố (chủ biên) (2009), Biển đông, Táp 1 Khái quát về biển đông, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội, tr.vi.
[2] Nguyễn Hùng Sơn, Đặng Cẩm Tú (24/07/2016), Về chiến lược cường quốc biển của TQ sau đại hội XVIII. Nghiên cứu quốc tế - http://nghiencuuquocte.org/2016/07/24/ve-chien-luoccuong-quoc-bien-cua-tq-sau-dai-hoi-xviii/
[3] GS. Trần Đình Hựu (20/11/2014), Người vạch rõ nguồn gốc chủ nghĩa Đại Hán.
[4] TS. Phạm Ngọc Trâm (2016), Bảo vệ chủ quyền và quản lý – khai thác Biển đảo Việt Nam 1975 – 2014, NXB. Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh. Tr.64.
[5] Nguyễn Hùng Sơn, Đặng Cẩm Tú (24/07/2016), tlđd.

Nhận xét