Lộ trình đi sứ Vệt Nam sang Trung Hoa và ngược lại (từ thời Lê Trung Hưng sang thời Nguyễn)

Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong tác phẩm Bắc sứ thông lục viết về chuyến đi sứ sang Trung Hoa vào năm Canh Thìn đời vua Lê Cảnh Hưng (1760) đã cung cấp những thông tin liên quan đến việc bang giao giữa Việt Nam và Trung Hoa trong khoảng thời gian từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XVIII. Theo tư liệu nào vào năm Hồng Vũ thứ bảy (1374), nhà Minh (1368 - 1644) ban hành cứ ba năm một lần, nước ta phải cử sứ bộ sang Trung Hoa nộp cống phẩm. Sau khi nhà Thanh (1644 - 1911) diệt nhà Minh, vào năm 1663, vua Khang Hi (1662 - 1722) cũng theo nếp cũ, định lệ "tam niên nhất cống" (ba năm đi cống một lần) cho triều định Đại Việt. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi cách trở nên the yêu cầu của triều đình nhà Lê, vào năm 1668, vua Khang Hi đồi lệ trên thành "lục niên lưỡng cống" (sáu năm mới sai sứ đi cống một lần nhưng mang gộp lệ vật của cả hai kỳ tuế cống).
Lộ trình đi sứ từ Trung Hoa vào thời Lê, theo tờ khai của sứ bộ Trần Huy Mật, phụng mệnh vua Lê sang Thanh vào năm Canh Dần (1760), bắt đầu từ Giang Định là tòa dựng bên bờ nam sông Hồng để đình thần triều Lê đến tiễn sứ bộ, sau đó, họ vượt qua sông Hồng đến làng Ái Mộ (Gia Lâm), rồi đến Cầu Doanh (Thị Cầu), tiếp đến Thọ Xương (Phủ Lạng Thương), vượt qua hẻm đá Quỳ Môn Quan đến trấn thành Lạng Sơn. Sứ bộ đợi ở Lạng Sơn chờ ngày mở cửa ải. Đến ngày đã định, quan quân nhà Thanh mở cửa ải nghênh đón sứ bộ rồi dẫn đến Chiêu Đức Đài để trao đổi biểu chương. Từ đây, quan quân hộ tống của nhà Lê đã hoàn thành nhiệm vụ, trở về nước. Việc hộ tống và mang vác cống phẩm, đồ đạc của sứ bộ trên đất Trung Hoa sẽ do quan quân nhà Thanh tại các địa phương mà sứ bộ đi qua đảm nhận. Sứ bộ tiếp tục theo đường Bằng Tường đến doanh Quỳ Đạo thì xuống thuyền ở Ninh Minh, rồi xuống đến Tầm Châu, là nơi hợp lưu giữa sông Tầm và sông Quế. Sau đó thuyền theo sông Quế ngược lên phía bắc để đến Quế Lâm, lỵ sở ở Quảng Tây. Từ Quế Lâm sứ bộ theo chuyển thuyền để theo dòng sông Tương đi lên hướng bắc, đến Trường Sa là tỉnh lỵ Hồ Nam. Thuyền của sứ bộ qua hồ Động Đình, rẽ vào sông Dương Tử (Trường Giang), xuôi xuống Hán Khẩu, Vũ Xương (tỉnh lỵ Hồ Bắc). Sứ bộ tiếp tục đổi thuyền xuôi đến Kim Lăng (Nam Kinh). Sau đó, sứ bộ lại thay thuyền, rời sông Dương Tử để vào kênh Vận Hà, là con sông đào thông với các sông Giang, Hoài, Hoàng, Bạch để đi lên phương bắc. Sứ bộ vượt Hoàng Hà đến Sơn Đông. Từ Sơn Đông sứ bộ được cấp xe), ngựa để đi đến Bắc Kinh. Hành trình lúc đi từ Thăng Long đến Bắc Kinh dài gần 1 năm. Lượt về sứ bộ lại theo đường cũ và cũng mất gần một năm mới về đến Thăng Long. (Nguyễn Thế Long, 2001, 256-259)
Về lộ trình đi sứ dưới thời Nguyễn, xách Khâm định Đại Nam hội điển sứ lệ cho biết: đường đi sứ từ Việt Nam sang Trung Hoa bắt đầu kinh đô Huế, theo đường bộ ra Hà Nội, lên Bắc Ninh, đến Lạng Sơn, và qua ải Nam Quan vào đất Quảng Tây rồi vào sâu trong nội địa Trung Hoa. Trên đường đi, khi sứ bộ đi ngang tỉnh nào, thì tỉnh ấy phải cử biền binh hộ tống sứ bộ. Lượt về cũng như thế nhưng theo trình tự ngược lại. (Nội Các triều Nguyễn, 1993, 366-368). Còn sứ nhà Thanh sang Việt Nam thì đi theo đường bộ qua ải Nam Quan đến Bắc Thành, Nam Định, Đồn Thủy (Thanh Hóa), Hồ Xá (Quảng Trị) rồi vào Huế. Khi đi ra cũng theo lộ trình ấy hoặc đi khi đi đường bộ ra tới Bắc Ninh rồi theo đường thủy trở về Trung Hoa (Nội các triều Nguyễn, 1993,366-368).
G.Devéria, nguyên là thông dịch viên thú nhất của phái đoàn Pháp tại Trung Hoa và là thông tin viên của trường chuyên về các sinh ngữ phương Dông ở Pháp, có công bố nội dung một chiếu chỉ do nhà Thanh ban hành năm 1697 liên quan đến lộ trình đi sứ từ An Nam - Việt Nam (từ đây xin gọi là Việt Nam) sang Trung Hoa. Theo đó, sứ bộ đi cống của Việt Nam phải đi qua phủ Thái Bình vào tỉnh Quảng Tây. Năm 1726, hoàng đế Ung Chính quyết định từ dó về sau, các sứ thần Việt Nam mang cống phẩm sẽ được tổng trấn Quảng Tây cấp một giấy thông hành để đi đến Bắc Kinh (bấy giờ có tên là Yên Kinh) bằng đường thủy băng qua các tỉnh Hồ Quảng (nay là hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc), Giang Tây và Sơn Đông. hi họ rời Bắc Kinh để về nước, chính quyền Trung Hoa  sẽ cấp cho họ một giấy thông hành mới để về theo đường cũ (Devéria, 1980, 60).
Năm 1797, tổng đốc Lưỡng Quàng thông báo cho Bắc Kinh rằng Việt Nam cử sứ bộ mang cống phẩm đế và lần này các sứ thần Việt Nam thay đổi lộ trình đã định, đi bằng đường thủy qua Lưỡng Quảng (nay là hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây), đến huyện Tiêu Tĩnh (Quảng Đông), sau dó lên bộ tại Sa Tĩnh (Giang Tây) và từ đó đi Bắc Kinh. Năm 1804, các phái viên Việt Nam mang cống phẩm đi bằng đường bộ qua ải Nam Quan, đến châu Bằng Tường ở Quảng Tây, rồi từ đó theo đường thủy đến Bắc Kinh (Devéria, 1980, 61).

Chú thích
1. Devéria, G., 1980, Historie des Relations de la Chine avec l'Annam  du XVI au XIX siècle (Lịch sử quan hệ giữa Trung Hoa với An Nam - Việt Nam từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX), Paris: Ernest Leroux Editeur.
2. Nguyễn Thế Long, 2001, Chuyến đi sứ - tiếp sứ thời xưa, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Nội Các triều Nguyễn, 1993, Khâm Định Đại Nam hội điền sự lệ, 15 tập, NXB. Thuận Hóa, Huế.

Trích từ Trần Đức Anh Sơn Hoạt động thương mại kiêm nhiệm của các sứ bộ Việt Nam ở Trung Hoa thời Nhà Thanh trong Nhiều tác giả, 2011, Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới, NXB. Thế giới, Hà Nội, tr.212-213,215-217.

Nhận xét