Nho giáo qua con mắt của một nhà truyền giáo A. De Rhoodes


A. De Rhoodes một giáo sĩ Dòng Tên đã đến Việt Nam truyền giáo hồi đầu thế kỉ XVII và đã có nhiều cống hiến trong việc làm ra chữ Quốc Ngữ nước ta. Trong quá truyền giáo và học tiếng việt ông đã làm ra cuốn từ điển Việt - Bồ - La in tại Roma năm 1653. Bên cạnh đó ông còn viết một cuốn sách về Lịch sử đàng Ngoài. Trong cuốn sách này về phần Nho giáo, ông viết:




"... Người Đàng Ngoài cũng như người Tầu nói chung, tin theo ba thứ tôn giáo gọi là tam giáo. Nhưng dân tộc này tuy rất chất phác và rất có lương trí, lại theo rất nhiều dị đoan trước khi ảnh hưởng của Phúc Âm đến soi sáng cho họ. Từ khi đức tín Kitô giáo được rao giảng và nhiều người nhận biết đức Giê su Kitô thì họ đã thoát khỏi u minh và tâm tối sai lầm bao trùm lên họ. Họ thoát khỏi cảnh nô lệ khốn đốn ma quỷ bắt họ chịu. 
Giáo phái thứ nhất và thời danh hơn cả là Đạo Nho. Người khai sáng đạo này là một người Tầu tên là Khổng Tử, sinh sống ở nước Tầu, theo sử liệu vào cùng thời với Aristote bên Hi Lạp, nghĩa là vào khoảng 300 năm trước thiên chúa giáng sinh. Người đàng Ngoài tôn ông là Thánh nhân nhưng vô lí và trái lẽ, như tôi đã có lần thuyết phục họ. Bởi vì, theo tôi, nếu ngài được gọi là thánh nhân, thì ngài phải biết có một đức Chúa Trời dựng nên trời và đất, nếu ngài không biết thì sao có thể là thánh được;  không biết đấng là cội nguồn và là mọi nguyên nhân cho mọi sự thánh, ngài chỉ thông truyền cho loài có lí trí bằng sự hiểu biết và yêu mến thiên chúa cao cả. Nếu ông nhận biết, vì ông tự xưng là bậc tiến sĩ và tôn sư thì phải giảng dạy sự hiểu biết cần thiết cho sự cứu rỗi, đằng này ông không dạy nhưng rõ ràng trong kinh sách của ông, ông không đề cập tới thiên chúa nguyên lý mọi sự, thì sao có thể gọi ông là thánh?
Khi tôi giảng như thế trong nhà thờ trước mặt chừng bốn chục người theo đạo này và là đồ đệ của Khổng Tử, thì tôi trách giáo dân tân tòng và không cho họ gọi ông như thế nữa để khỏi phạm tới tên thánh và khỏi trái với lương tâm, thì người ta rất chăm chú nghe và rất bằng lòng, nhưng phái của Khổng Tử ở trong nhà thờ liền rút lui buồn nản và xấu hổ nhưng vẫn ngoan cố trong sai lầm như xưa, trừ một người đã lôi cuốn được mấy người khác, ông đã ở lại với chúng tôi, chứ không theo đám kia và ông đã nhận được lời giáo huấn đầy đủ về các chân lyscura đạo Kitô và chịu phép rửa tội, tôi đặt tên là Gioan, ông đã muốn làm đồ đệ Giê Su Kitô hơn là môn đồ của Khổng Tử mà cho tới nay ông đã theo.
Thực ra, Khổng Tử nhà hiền triết này, trong những sách ông để lại có nhiều giáo huấn về thuần phong mỹ tục, như khi ông nói: trước hết hãy sửa mình và muốn thế thì xét mình mỗi ngày 3 lần để sửa điều sai lầm lỗi. Sau đó mới đem tâm trí và chuyên cần xếp đặt và điều khiển gia đình. Và sau khi đã cẩn thận chu toàn chức vụ đầu tiên này chứ không trước khi đó, thì bấy giờ mới lo dìu dắt và cặt trị quốc gia. Ông còn luận về nhiều điều liên hệ tới pháp lý dân chính, về xét xử các vụ kiện và ề thi hành công lý, do đó các tiến sĩ đàng Ngoài nghiên cứu kinh sách của ông một cách chuyên cần như chúng ta khảo sát hiến pháp hay bộ luật. Ông còn trình bày và phân giải những châm ngôn về chính trị và luật pháp tự nhiên. Vì thế ông không nói trái với những nguyên lý của Kitô giáo và cũng không nói những gì phải bác bỏ hay bị kẻ tin theo lên án.
Nhưng khi ông đề cập đến trong một bộ sách về nguyên lý độc nhất của vạn vật thì ông rơi vào một cảnh hỗn độn to lớn và mù quáng trí khôn và lí luận không sao hiểu được. Ông nhận nguyên lý đệ nhất thuộc vật thể và vô tri không đáng được kính thờ. Thế nhưng ông muốn cho người ta tôn kính và thờ cúng Trời mà ông công nhận đã phát sinh và thoát ra từ nguyên lý đệ nhất mà ông chối không cho tôn ghờ đó. Và những sự tôn thờ này, ông còn cho rằng tất cả mọi người không đồng hàng xứng đáng thực hiện, chỉ có bậc vua chúa trị dân mà thôi, như thế nghĩa vụ tôn giáo không chung cho người dân cũng như bậc vua chúa. Lại còn đáng trách hơn nữa, trong giáo thuyết và kinh sách nhà hiền triết, đó là ông không đề cập tới đời hàng sống và hồn bất tử, nghĩa là ông chỉ coi con người thuộc về vật thể và nếu có hồn, thì cũng là thứ hồn vật lý, chìm trong khối và tan trong các phần thân thể, như hồn súc sinh mà thôi. Ông cho con người chết là hết, không còn gì, những yếu tố cấp trên nhận di hài, những phần phần tinh vi và nhận yếu tố cấp dưới thì nhận di hài những phần thô kệch. Rõ ràng là đưa tới vô thần và mờ xấu, chỉ còn để lại một hình ảnh, một cái bóng hay hiện tượng bên ngoài của nhân đức.
Thế mà người Đàng Ngoài sang hay hèn, đều có lòng tôn kính Khổng Tử rất mực và thờ cúng như một thượng đế. Họ dạy con cái lòng tôn thờ đó ngay từ khi chúng còn nhỏ, vì ngay ngày đầu tiên đến trường để học chữ Tầu, thì ông thầy trước khi nhận trò làm môn đồ, đã quỳ gói cùng trò và dạy bài thứ nhất cho trò biết cách phải xưng khổng Tử thế nào và phải kêu xin ngài phù hộ  cho được trí khôn minh mẫn và dễ dàng học những điều người ta chỉ bảo cho, gọi là sáng dạ - nghĩa là có bụng sáng. Điều mơ ước này còn tha thứ được vì họ tưởng các khoa học cũng như thịt thà được nhận và chứa trong bụng.; họ tin rằng từ một người chết và vô đạo, họ hi vọng nhận được một trí thông minh. Cả những tiến sĩ và cac văn nhân cũng rơi vào điên cuồng này, khi họ đi thi để được bàng cấp, và khi được rồi thì tới phục dưới đất trước bàn thờ ông Khổng Tử để lễ tạ.
Thật là một dị đoan điên dại thông dụng nơi lương dân. Nhưng giáo dân tân tòng chỉ nhận có đức Giê Su Kitô là nguyên lý tối cao và là ánh sáng soi tất cả, do đó mà nảy sinh trí minh mẫn. Họ phục lạy ba lần trước ảnh Người, tù lúc còn thơ ấu, xin Người ban ơn vì được hạnh phúc khởi sự, được tiến bộ trong việc học hành và thành đạt trong thi cử. Họ còn tạ ơn Người vì những ơn huệ đã được..."

Trích từ Nguyễn Mạnh Cường - Nguyễn Thị Hồng Hà (2010), Nho giáo, đạo học trên đất kinh kỳ Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, NXB. Thời Đại, Hà Nội, tr.9-13.

Nhận xét