Về sự kiện 1861 – 1862: Nhân vật Tự Đức và Phan Thanh Giản

I. Bối cảnh lịch sử việt nam trong hai năm 1861 – 1862
            Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, hai năm 1861 – 1862 là một phần nhỏ trong giai đoạn Pháp bước đầu xâm lược Việt Nam và thôn tính Nam Kỳ, giai đoạn này còn được gọi là Chiến dịch Nam Kỳ, kéo dài từ khi Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược Việt Nam (ngày 1 tháng 9 năm 1858) cho đến khi triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Nhâm Tuất (ngày 5 tháng 6 năm 1862), công nhận 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ là thuộc địa của thực dân Pháp.

            Giai đoạn 1861 – 1862 có thể nói là giai đoạn cao điểm của chiến dịch Nam Kỳ bởi vì trong giai đoạn này đã diễn ra rất nhiều trận chiến giữa quân Pháp và quân dân Việt Nam ở mặt trận Nam Kỳ. Trong năm 1861, quân Pháp đã chiếm được nhiều khu vực quan trọng ở miền Nam như đại đồn Chí Hòa (tháng 2 năm 1861), tỉnh Định Tường (tháng 4 năm 1861)[1]. Biên Hòa, Bà Rịa và Vĩnh Long cũng rơi vào tay quân Pháp trong 3 tháng đầu năm 1862[2]. Đến tháng 6 năm 1862, triều đình nhà Nguyễn buộc phải ký hiệp ước Nhâm Tuất để cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, và điều này làm cho Việt Nam mất dần lãnh thổ Nam Kỳ vào tay thực dân Pháp. Chịu trách nhiệm chính cho việc mất Nam Kỳ là triều đình nhà Nguyễn, đại diện bởi vị vua Tự Đức, và người đại diện chính cho triều đình ký hiệp ước Nhâm Tuất với Pháp là Phan Thanh Giản. Như vậy, ta cần phải tìm hiểu về suy nghĩ cũng như hành động của hai nhân vật lịch sử này để có thể đưa ra những nhận định khách quan nhất theo tinh thần của một người tìm hiểu lịch sử chân chính.

II. Những tìm hiểu và nhận định về vua Tự Đức
            Vua Tự Đức (1829 – 1883) là vị vua thứ tư của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến năm 1883. Xét về vai trò thì vua Tự Đức là người đóng vai trò quan trọng nhất đối với Việt Nam lúc bấy giờ. Ông là vua một nước quân chủ chuyên chế, nghĩa là người đứng đầu và có trong tay mọi quyền hành, do đó, với vai trò quan trọng như vậy, bất cứ tư tưởng hay suy nghĩ nào của vua Tự Đức cũng đều ảnh hưởng rất lớn đến tình hình Việt Nam trong triều đại của ông.
            Về suy nghĩ và hành động, vua Tự Đức cũng giống như các vị vua tiền nhiệm, nhất là về mặt ngoại giao. Vua cho rằng nhất thiết không cho người nước ngoài vào buồn bán. Ví dụ như năm 1850 tức là năm Tự Đức thứ ba, có tàu của Mỹ vào cửa Đà Nẵng, mang thư sang xin thông thương nhưng nhà vua không tiếp thư[3]. Từ năm 1855 đến năm 1877, tàu Anh ra vào nhiều lần ở cửa Đà Nẵng, Thị Nại (Bình Định) và Quảng Yên để xin buôn bán nhưng cũng không được, người Pháp và người Tây Ban Nha xin thông thương cũng không được[4].
            Về mặt tư tưởng và tôn giáo, vua Tự Đức là người rất coi trọng tư tưởng Nho giáo và là vị vua hay chữ, hiếu học. Tuy nhiên thì ông cũng là người rất bảo thủ khi tiếp tục chính sách cấm đạo Thiên Chúa cực kỳ tàn bạo. Khi vừa lên ngôi năm 1848, vua Tự Đức đã ban dụ cấm đạo, đến năm 1851, vua lại ban một dụ cấm đạo khác khắt nghiệt hơn[5]. Người Pháp và Tây Ban Nha rất tức giận về việc triều đình Huế giết hại các giáo sĩ nước họ, do vậy mà họ đã dùng cớ đó để tấn công Việt Nam năm 1858.
            Năm 1859, sau khi Pháp đánh lấy được đại đồn Chí Hoà, củng cố lực lượng ở đây và lần lượt tấn công vào các khu vực lân cận của Sài Gòn, vua Tự Đức ở kinh đô Huế đã ban một chỉ dụ chống Pháp cho các quan quân ở Nam Kỳ để kêu gọi quan quân cùng với nhân dân chống lại Pháp. Bản chỉ dụ của vua Tự Đức được đánh giá là ngay thẳng, giản dị, bộc trực đi sâu vào lòng người dân lúc bấy giờ[6]. Ngoài ra, ngay khi Pháp vừa tấn công ở Đà Nẵng vào năm 1858 thì vua cũng sai Nguyễn Tri Phương dẫn quân triều đình ra chống trả. Những điều này thể hiện rằng vua Tự Đức là người yêu nước và có quyết tâm chống trả quân xâm lược Pháp. Tuy nhiên, do quân đội và vũ khí yếu kém, lạc hậu, cộng với đường lối quân sự thiên về phòng thủ, chần chừ không chịu tấn công mà quân nhà Nguyễn dần dần để mất Nam Kỳ vào tay quân Pháp, dẫn đến kết quả là triều đình phải ký hiệp ước Nhâm Tuất với Pháp vào tháng 6 năm 1862.
            Như vậy, để nhận định một cách khách quan về vua Tự Đức trong giai đoạn 1861 – 1862, qua những suy nghĩ và hành động của nhà vua, ta có thể nhận định rằng vua Tự Đức là một vị vua có tinh thần yêu nước và quyết tâm chống lại thực dân Pháp xâm lược, tuy nhiên những tinh thần ấy đã không thể phát huy được tối đa vì những tư tưởng, suy nghĩ bảo thủ, lạc hậu của ông theo hệ tư tưởng Nho giáo đã lỗi thời. Nhìn chung, vua Tự Đức là người có tinh thần dân tộc nhưng ông cũng chỉ là một người chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến như đa số người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Rất khó để ông trở thành một người có tư tưởng canh tân, tiến bộ bởi vì cả đời ông chưa từng ra nước ngoài như hoàng tử Cảnh hay hợp tác với những người Pháp như vua Gia Long. Vì vậy, với vai trò của một người đứng đầu nhà nước và nắm mọi quyền lực, vua Tự Đức đã không thể đưa Việt Nam thoát khỏi họa xâm lược từ các đế quốc phương Tây khi chủ nghĩa thực dân đang phát triển ở đỉnh cao của nó.
III. Những tìm hiểu và nhận định về Phan Thanh Giản
            Phan Thanh Giản (1796 – 1867) là một danh sĩ và đại thần của triều Nguyễn, quê ở tỉnh Vĩnh Long. Ông là người đầu tiên ở Nam Bộ đỗ Tiến sĩ. Vào năm 1847, ông giữ chức Hình bộ thượng thư và đồng thời là Cơ mật viện thần[7]. Dưới triều Tự Đức, năm 1852 ông được phong chức phó kinh lược Nam Kỳ cùng với Nguyễn Tri Phương là kinh lược Nam Kỳ[8].
            Phan Thanh Giản là một trong những vị quan lại quan trọng nhất của triều đình Nguyễn. Ông đóng một vai trò quan trọng trong việc đàm phán với Pháp năm 1862. Các cuộc đàm phán đã dẫn đến việc ký hiệp ước Nhâm Tuất 1862, trong đó Việt Nam nhượng cho Pháp các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và phải trả chiến phí cho người Pháp. Tuy việc thương nghị với phía Pháp, vua Tự Đức có cho ông tùy nghi tình thế mà định đoạt nhưng về việc cắt đất, nhà vua có căn dặn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp cố gắng chuộc lại ba tỉnh với giá 1.300 vạn lạng, còn nếu phía Pháp đòi cắt đất luôn thì kiên quyết không nghe, nhưng Phan Thanh Giản đã phải cắt đất lại còn bồi thường chiến phí, do đó mà hai ông khi trở về đã bị quở trách nặng nề[9]. Sau đó Phan Thanh Giản bị vua Tự Đức giáng chức làm Tổng đốc Vĩnh Long vì chức vụ này đang bị khuyết người[10].
            Như vậy, nhận định về việc ký hòa ước Nhâm Tuất giữa triều đình Huế, đại diện bởi Phan Thanh Giản và người Pháp, ta có thể thấy được Phan Thanh Giản phải thực hiện theo ý của triều đình là ký kết hiệp ước càng nhanh càng tốt để có thời gian tập hợp lực lượng trấn áp các cuộc nổi loạn ở Bắc Kỳ lúc đó[11], do vậy lỗi làm mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ trước tiên thuộc về triều đình mà người đứng đầu là vua Tự Đức, nhưng vì theo quan niệm chính trị chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhà vua vẫn là “thiên tử” cho đến khi nào thiên mệnh không còn thuộc về ngài, cho nên để bảo vệ tính không thể sai lầm của nhà vua, khi xảy ra chuyện gì nghiêm trọng, người ta thường coi một người nào đó trong quần thần, thường là một vị đại thần có liên quan cách nào đó đến vụ việc là kẻ phạm tội[12]. Do vậy mà Phan Thanh Giản bị oan khi người dân lúc đó không biết bản chất thật sự của sự việc mà gọi ông cùng với Lâm Duy Hiệp là kẻ bán nước (Phan Lâm mãi quốc, Triều đình thí dân).
            Tuy nhiên, dưới con mắt của nhiều nhà trí thức thời đó và kể cả những người Pháp, Phan Thanh Giản vẫn được xem là một người yêu nước, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã nêu cao tinh thần yêu nước của ông trong bài Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong:         “Ý người đặng xem tấm bản phong trần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước.”
            Một sĩ quan Pháp là Reunier, người đã từng tham gia chiến tranh ở Trung Quốc và Nam Kỳ, đã nhận xét về ông như sau:
            “Sống trong 4 tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta...trong thời gian vượt biển này (chuyến đi sứ sang Pháp) ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng nhiệt thành ái quốc của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà...[13]
            Những sự kiện diễn ra sau năm 1862 càng chứng minh cho tinh thần yêu nước hết mình của Phan Thanh Giản. Ông được vua Tự Đức cử làm chánh sứ sang Pháp để đàm phán về việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1863, khi trở về ông đã trình lên vua Tự Đức tập “Như Tây sứ trình nhật ký” của mình[14]. Trong tác phẩm này ông đã cho thấy những nhận xét của mình về nền văn minh của phương Tây với quan điểm của một viên quan Nho giáo không còn bị che mắt, và ông cũng đưa ra cho vua Tự Đức những lời đề nghị duy tân, nhưng vua không chú ý đến. Năm 1867, khi quân Pháp tấn công ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đã ra lệnh cho các quan giữ thành ở ba tỉnh nộp thành cho Pháp mà không kháng cự, dẫn đến việc Pháp chiếm được ba tỉnh miền Tây mà không tốn một viên đạn. Sau đó Phan Thanh Giản tự vẫn ở thành Vĩnh Long vào ngày 4 tháng 8 năm 1867. Ông ra lệnh nộp thành mà không kháng cự vì ông biết được là quân dân ba tỉnh miền Tây lúc đó không thể nào đánh thắng được quân đội Pháp mà ông đã thấy rất rõ được sức mạnh của nền văn minh phương Tây, do đó, với tấm lòng của một vị quan yêu nước, thương dân và trung quân, ông đã lựa chọn cách tự vẫn để tự chuộc lỗi của mình.
IV. Kết luận
            Nhìn chung, Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân và có quan điểm duy tân tiến bộ mặc dù ông cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ hệ tư tưởng Nho giáo, nhưng ông cũng chỉ là một vị đại thần đại diện cho triều đình nên ông không thể nắm giữ quyền quyết định vận mệnh dân tộc Việt Nam khi Pháp xâm lược. Cả vua Tự Đức lẫn Phan Thanh Giản đều là những người yêu nước, nhưng có những nghịch lý trong lịch sử khi Tự Đức là người nắm quyền nhưng lại có quan điểm bảo thủ, Phan Thanh Giản là một người có tư tưởng tiến bộ thì lại chỉ là một vị quan phải nghe theo mọi mệnh lệnh của nhà vua. Do vậy mà Việt Nam đã không thể thoát khỏi họa xâm lược của Pháp, tuy nhiên tinh thần yêu nước vẫn luôn hiện hữu trong mỗi người con đất Việt như vua Tự Đức, như Phan Thanh Giản.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thế Anh, 2016, Việt Nam thời Pháp đô hộ, NXB Văn hóa – Văn nghệ.
2. Trần Trọng Kim, 2015, Việt Nam sử lược, NXB Văn học.
3. Léopold Pallu, 2008, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ, NXB Phương Đông.
4. Yoshiharu Tsuboi, 2014, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 – 1885, NXB Tri Trức.
5. Tập san Sử Địa, 1967, Số chuyên khảo về Phan Thanh Giản, Viện Đại học Sài Gòn.

Ngô Xuân Vinh



[1] Nguyễn Thế Anh, 2016, Việt Nam thời Pháp đô hộ, NXB Văn hóa – Văn nghệ.
[2] Nguyễn Thế Anh, 2016, sđd.
[3] Trần Trọng Kim, 2015, Việt Nam sử lược, NXB Văn học, trang 378.
[4] Trần Trọng Kim, 2015, sđd, trang 378
[5] Trần Trọng Kim, 2015, sđd, trang 378 – 379.
[6] Léopold Pallu, 2008, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ, NXB Phương Đông.
[7] Yoshiharu Tsuboi, 2014, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 – 1885, NXB Tri Trức, trang 241.
[8] Yoshiharu Tsuboi, 2014, sđd, trang 241.
[9] Tập san Sử Địa, 1967, Số chuyên khảo về Phan Thanh Giản, Viện Đại học Sài Gòn, trang 91.
[10] Yoshiharu Tsuboi, 2014, sđd, trang 242.
[11] Yoshiharu Tsuboi, 2014, sđd, trang 242.
[12] Yoshiharu Tsuboi, 2014, sđd, trang 242.
[13] Tập san Sử Địa, 1967, Số chuyên khảo về Phan Thanh Giản, Viện Đại học Sài Gòn, trang 26.
[14] Yoshiharu Tsuboi, 2014, sđd, trang 244.

Nhận xét