Những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của các phong trào và tổ chức theo tư tưởng dân chủ tư sản ở Việt Nam trước năm 1930

Từ đầu thế kỉ XX, phong trào đấu tranh theo khuynh hướng tư tưởng dân chủ tư sản ở Việt Nam hình thành và phát triển. Như phong trào Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội, Duy Tân, rồi đến Đảng Lập Hiến, nhóm Đông Thư Xá, nhóm Nam Phong,… Với nhiều hình thức đấu tranh, với xu hướng khác nhau nhằm chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Tuy nhiên đến năm 1930, các phong trào và tổ chức theo tư tưởng dân chủ tư sản này đều rơi vào bế tắc và thất bại trước sự khủng bố của Thực dân Pháp. Sự thất bại đó xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản.
1. Đội ngũ lãnh đạo các phong trào và tổ chức theo khuynh hướng dân chủ tư sản là giới sĩ phu cấp tiến và giai cấp tư sản. Từ trước chiến tranh thế giới thứ nhất, giới sĩ phu cấp tiến lần lượt thất bại và ảnh hưởng lãnh đạo không còn như trước. Còn giai cấp tư sản “vừa non yếu về kinh tế, vừa bạc nhược về chính trị”. Giai cấp tư sản Việt Nam ra đời muộn hơn so với giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là điều đặc biệt của giai cấp Việt Nam so với các nước phương tây, nhất là Pháp. Đồng thời, nó cũng tư bản nước ngoài cạnh tranh chèn ép. Do đó xuất hiện nhiều cuộc đấu tranh với nhiều xu hướng khác nhau để đòi quyền lợi. Nhưng hoạt động của giai cấp tư sản Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất “mới bước lên vũ đài chính trị, và mới tiến hành một số hoạt động mang đặc điểm giai cấp rõ rệt”.
Họ phần đông là những thầu khoán hoặc chủ các đại lý, sau khi kiếm được một số vốn khá, đứng ra kinh doanh độc lập và trở thành những nhà tư sản. Giai cấp tư sản bị phân hóa thành hai bộ phận: tư sản mại bản và tư sản dân tộc. Tư sản mại bản, có quyền lợi gắn liền với chủ nghĩa đế quốc nên đi theo đế quốc phản bội dân tộc. Tư sản dân tộc, có khuynh hướng kinh doanh độc lập như (Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thông, Trương Văn Bền…), có tinh thần yêu nước, lực lượng kinh tế nhỏ yếu, lập trường không kiên định, dễ thỏa hiệp, cải lương khi đế quốc mạnh. Do đó, đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thất bại của các phong trào.
2. Giai cấp tư sản Việt Nam lãnh đạo phong trào theo khuynh hướng dân chủ tư sản nhưng chưa có đường lối đúng đắn, rõ ràng. Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời năm 1927 chưa xác định rõ chủ trương đấu tranh, “đã nhiều lần thay đổi chính cương và điều lệ”, nhưng cũng không có “lí luận cách mạng làm cơ sở cho đường lối và phương pháp đấu tranh nên Việt Nam Quốc Dân Đảng thiên về các hoạt động ám sát, khủng bố cá nhân”. Tuy nhiên, cũng xuất hiện “khuynh hướng ôn hòa, với những nhóm như Đảng Lập Hiến của Nguyễn Phan Long và Bùi Quang Chiêu ở Nam Kì, hay nhóm Nam Phong của Phạm Quỳnh. Khuynh hướng này không đòi hỏi gì ngoài sự hoà giải với chính quyền thuộc địa, thỏa mãn với nhượng bộ nhỏ bé mà nhà cầm quyền Pháp đôi khi chấp thuận cho.”[3]
Có thể thấy rõ trong sự kiện Đón Bùi Quang Chêu năm 1926. Khi đó ông sang Pháp vận động chính giới Pháp ban hành quyền tự do dân chủ cho Đông Dương nhưng không thành. “Nhân dịp này, Đảng Thanh niên chủ trương tổ chức cuộc đón tiếp Bùi Quang Chiêu, rồi phát động thành một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng nhân dân đòi quyền tự do dân chủ, chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân phản động nhất lúc bấy giờ, đứng đầu là tên thực dân Utơrây. Cuộc biểu tình đã thu hút hàng vạn người tham gia. Trước sức mạnh xuống đường của quần chúng, Đảng Lập Hiến và Bùi Quang Chiêu rất hoảng sợ, đã thỏa hiệp với Pháp.”[1] Chúng không muốn phong trào phát triển mạnh mẽ.
3. Các cuộc đấu tranh bằng vũ trang theo khuynh hướng đan chủ tư sản trước năm 1930 diễn ra lẻ tẻ, hấp tấp. Điều này dẫn tới sự thất bại nhanh chóng của các phong trào trước sức mạnh của thực dân Pháp. Đồng thời, các tổ chức của phong trào không liên kết chặt chẽ với quần chúng nhân dân làm cho nó càng thất bại mau chóng. Hình thức dấu tranh mất tính chặt chẽ. Trong cuộc đấu tranh của Việt Nam Quốc Dân Đảng đầu năm 1930 với cuộc khởi nghĩa Yên Bái – “cuộc bạo động bất đắc dĩ” đã đi đến thất bại trước sự đàn áp khủng bố của Thực dân Pháp. Họ bị rơi vào tình thế “mấp mé bên bờ vực thẩm”.
 “Vào dịp đầu tháng 2 năm 1929, chủ sở mộ phu Badanh tiến hành một đợt mộ phu mới ở Bắc Kì làm cho đông đảo quần chúng bất bình, câm phẩn. Để khích lệ tinh thần đấu tranh chống chính sách mộ phu của Pháp, Thành bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Hà Nội đã cử Nguyễn Văn Viên thực hiện kế hoạch ám sát tên Badanh (ngày 9 -2 -1929), Nguyễn Văn Viên đã trốn thoát. Vụ ám sát này đã làm nức lòng các tầng lớp nhân dân, còn bọn thực dân vô cùng hoảng sợ và tức tối. Chúng tăng cường lực lượng truy tìm thủ phạm vụ án, đồng thời nhân đà đó thẳng tay bắt bớ và khủng bố những người yêu nước, phá vỡ các tổ chức cách mạng. Hàng loạt đảng viên và quần chúng có cảm tình với Đảng bị bắt.  Sau 5 tháng mở chiến dịch khủng bố, đến giữa tháng 7 – 1929, chính quyền thực dân đã bắt được 225 đảng viên đưa ra xử án. Tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác như Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh,…, hệ thống cơ sở của Đảng hầu như bị phá vỡ. Nguy cơ tan rã hoàn toàn của Việt Nam Quốc Dân Đảng đang đến gần” [1]
Đo đó, Việt Nam Quốc Dân Đảng tiến hành cuộc khởi nghĩa trong thế bị động, gấp rút. Dẫn đến các hiện tượng nổ khi đang chế tạo vũ khí làm tăng sự cảnh giác cho Pháp. Đồng thời, Pháp đã khiêu khích cuộc khởi nghĩa nổ ra non để dễ bề tiêu diệt. Cuộc khởi nghĩa thất bại, dẫn đến đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản này cũng dần lắng xuống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Xuân Lâm (chủ biên). Đại cương lịch sử Việt Nam tập II (1858 -1945). Hà Nội : NXB. Giáo Dục, 2000.
2. Hà Minh Hồng. Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1858 - 1975). Hồ Chí MIinh : Đại học quốc gia, 2005.

3. Nguyễn Thế Anh. Việt Nam thời Pháp đô hộ. Hồ Chí Minh : NXB. Văn học, 2008.
----------
Hoàng Trần

Nhận xét