Sự chuyển biến của nền giáo dục mới ở Việt Nam

Từ một nền giáo dục phong kiến lâu đời, tiếng súng ngày 1-9-1858[1] đã khởi đầu cho sự chuyển biến mới của nền giáo dục Việt Nam, đó là một quá trình du nhập. Biểu hiện là khi mới đặt chân lên đất nước ta, người Pháp có tham vọng chỉ trong ba thế hệ là có thể "Pháp hoá" được nền giáo dục của chúng ta.




Cụ thể là sau ngày Đại đồn Chí Hòa thất thủ, đô đốc Chaner đã ký nghị định thành lập trường Bá Đa Lộc để dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp.Người Pháp đã thấy rõ tầm quan trọng của giáo dục, nên ngay “sau khi người lính đã hoàn thành sự nghiệp của mình thì đến lượt người giáo viên thực hiện sự nghiệp của họ”[2]. Và quá trình xác lập nền giáo dục của thực dân Pháp được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1861 đến năm 1916 là giai đoạn tồn tại song song giáo dục phương Tây với giáo dục Nho giáo.Giai đoạn thứ hai từ năm 1917 đến năm 1945, chính quyền thuộc địa từng bước hạn chế và đi đến xóa bỏ hoàn toàn giáo dục và khoa cử Nho giáo ở Nam Kỳ.
Sự chuyển biến của giai đoạn thứ nhất( 1861-1916): Mặc dù giáo dục dưới thời nhà Nguyễn đã bị suy yếu “ quá cũ kĩ và rập khuôn nền giáo dục phong kiến Trung Quốc"[3], nó không đáp ứng trước những yêu cầu phát triển của đất nước.Khởi đầu 1864 nhằm khuyến khích người học tiếng Pháp và chữ quốc ngữ một cách dễ dàng, họ đã phát tận tay các học sinh tờ Nguyệt san thuộc địa và tờ Gia Định báo[4]. Đầu năm 1867, họ bắt đầu gửi 12 học sinh sang Pháp, cuối năm đó lại gửi thêm 15 người nữa[5]. Tuy nhiên, không gì là quá dễ cho một ý tưởng mà có thể thực hiện được, đối với những chủ gia đình có con em đi học đều được coi như là “ một cách bắt lính, chủ làng bắt trẻ con như người ta bắt thuế”. Và kết quả đến đầu năm 1873, họ phải thừa nhận sự thất bại, vì trong 10 năm qua, nhân dân vẫn học chữ Hán mà không mấy ai đến trường dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Không từ bỏ hi vọng, nhiều phương pháp cải cách được nêu ra và tiến hành như phương án của Luro, Lafont và Lemyre de Viler[6], nhưng cũng không có thay đổi gì nhiều.Vì thực chất chính sách giáo dục của người Pháp không nhằm mục đích nâng cao dân trí mà chủ yếu là nhằm mục tiêu đào tạo ra một đội ngũ người Việt giúp việc đắc lực cho công cuộc bình định và cai trị của chúng, vì thế các trường dạy nghề và trường trung học phổ thông ra ngày càng nhiều, đa dạng hơn về các cấp bậc học từ cấp I đến cấp III . Năm 1896, chữ quốc ngữ bắt đầu xuất hiện trong cuộc thi tuyển quan lại.
Tóm lại, cho đến 1905 hệ thống giáo dục ở Việt Nam tồn tại dưới ba hình thức khác nhau, thể hiện rõ sự chuyển biến mới của một nền giáo dục Việt Nam từ khi Pháp đặt chân vào đất nước ta:
-         Ở Nam Kỳ đa số các tổng xã đều có trường tiểu học Pháp - Việt dạy chữ Pháp và Quốc ngữ, chữ Hán hầu như bãi bỏ hoàn toàn hoặc chỉ là môn phụ, ngoài ra còn một vài trường trung học như Chasseloup Laubat, Bá-Đa-Lộc.
-         Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ số trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ còn rất ít ỏi riêng Trung Kỳ trường dạy chữ Hán vẫn tồn tại khắp nơi[7].
Giai đoạn thứ nhất được xem là giai đoạn quá độ trong quá trình phát triển nền giáo dục ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng thời lúc đó, tuy cải cách lần này chưa triệt để nhưng nền giáo dục thực dân đã xâm nhập mạnh mẽ hơn vào nền giáo dục phong kiến cổ truyền, sẽ tạo điều kiện để xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục này khi cần thiết.
Sự chuyển biến của giai đoạn thứ hai(1917-1945): Việc tồn tại song song hai nền giáo dục, đối với Pháp là một điều rất khó khăn dù đã cố làm cho hai nền giáo dục này xích lại gần nhau hơn. Năm 1919[8], vua Khải Định ký dụ bãi bỏ các trường dạy chữ Hán học, từ đây nền giáo dục của Việt Nam hoàn toàn do Pháp nắm quyền và quản lý. Với chính sách của P. Beau, các trường bậc tiểu học được mở rộng, tăng cường với chương trình bậc trung học, giáo dục cho vùng dân tộc ít người được chú trọng hơn, nhưng mục đích cốt lỗi của chương trình này không ngoài mục đích khai hóa của thực dân Pháp. Bên cạnh đó các trường hệ cao đẳng  và đại học được củng cố và mở rộng.Nhưng trường học được chia ra : trường Pháp chuyên dạy học sinh người Pháp theo chương trình "chính quốc", trường Pháp - Việt chuyên dạy người Việt theo chương trình "bản xứ"[9]. Song song với các trường công thì có nhiều trường tư dạy tiếng Pháp bắt đầu ra đời như trường Tabert ở Sài Gòn 1872 để dạy cho trẻ con lai Pháp. Về cơ bản đến 1930-1945 nền giáo dục Pháp trên đất nước Việt Nam được xem là hoàn chỉnh, các công văn giấy tờ được trình bày bằng chữ quốc ngữ.
Sự chuyển biến của nền giáo dục mới ở Việt Nam khi mà Pháp cai trị với mô hình giáo dục phương Tây đã đem không ít những hệ quả tích cực mà chúng ta cần phải công nhận. Về hình thức,mô hình mà Pháp đặt ra góp phần đa dạng các loại hình trường lớp về độ tuổi và tâm sinh lý so với nền giáo dục Nho giáo đã lạc hậu. Và một điều đáng lưu ý là học sinh chúng ta được mở rộng tầm hiểu biết hơn về nhiều lĩnh vực không chỉ có khoa học xã hội mà còn có cả khoa học tự nhiên so với nền giáo dục Nho giáo trước đây chưa có. Nhưng đó vẫn là chính sách khai hóa của thực dân Pháp, mô hình giáo dục chỉ áp dụng phần nhiều cho con em người Pháp và người Việt thân Pháp, phần lớn dân ta vẫn trong tình trạng lạc hậu và mù chữ. Qua sự chuyển biến này, không phủ nhận một điều rằng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ là hai loại ngôn ngữ thứ hai góp phần là vũ khí chiến đấu của dân tộc ta, muốn thắng Pháp trước tiên phải hiểu được con người Pháp mà trước hết là phải học được chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, mà các nhà trí thức cách mạng của ta lúc bấy giờ đã hiểu và thực hiện.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, NXB GD, HN.
2. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 96 (3-1967), dẫn theo Nguyễn Đăng Tiến 1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - 1945, NXB Giáo Dục, HN.
3. Võ Kim Cương,2013, Lịch sử Việt Nam tập 6 từ  năm 1858 đến năm 1896, NXB khoa học xã hội.
4. Hà Minh Hồng,2005, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại(1858-1975), NXB Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.






[1] Hà Minh Hồng,2005, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại(1858-1975), NXB Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trang5.
[2] Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 96 (3-1967), dẫn theo Nguyễn Đăng Tiến 1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - 1945, NXB Giáo Dục, HN, trang 180.
[3] Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, NXB GD, HN, trang 32.
[4] Võ Kim Cương,2013, Lịch sử Việt Nam tập 6 từ  năm 1858 đến năm 1896, NXB khoa học xã hội, trang406.

[5],[6] Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, NXB GD, HN, trang 23,30.

[7] , [8] Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, NXB GD, HN, trang40, 53.

[9] Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 96 (3-1967), dẫn theo Nguyễn Đăng Tiến 1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - 1945, NXB Giáo Dục, HN.
---------------
D.T.G

Nhận xét