Lịch sử Việt Nam: Hai nhiệm vụ trong một thời đại

Trong thời kỳ lịch sử cận đại, dân tộc Việt Nam đứng trước ngỏ ngoại xâm và nô dịch của Thực dân Pháp; sự khủng hoảng về đường lối cai trị của triều đình phong kiến Nguyễn. Do đó, mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam lúc này hết sức gay gắt và sâu sắc giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp; giữa giai cấp nông dân với địa chủ phong kiến. Muốn giải quyết được những mâu thuẫn trong xã hội lúc này, thì việc cần làm lúc này của mỗi giai cấp nói riêng, của toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung là phải đấu tranh chống đế quốc, chống phong kiến.

1. Chống đế quốc thực dân Pháp.
Nhiệm vụ đấu tranh chống đế quốc diễn ra với hai giai đoạn: cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước nạn xâm lăng và nô dịch của thực dân Pháp.
Cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc trước nạn xâm lăng của Pháp từ năm 1858 đến năm 1884. Đây là giai đoạn triều đình và nhân dân Việt Nam đứng lên chống lại cuộc xâm lăng của Pháp. Cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của triều đình có lúc giành thăng lợi (như cuộc đấu tranh ở bán đào Sơn Trà) nhưng những cuộc đấu tranh do triều đình lãnh đạo đều thất bại rất nhiều (như trận Đại Đồn Chí Hòa, sự đấu tranh chống Pháp bảo vệ các tỉnh Nam Kỳ, trận Hà Nội 1874 và 1883,…). Kết quả của cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của triều đình là những bản hòa ước “bất bình đẳng” giữa triều đình Nguyễn với Pháp, triều đình phải nhượng bộ một số điều có lợi cho Pháp và dẫn tới sự thôn tính hoàn toàn đất nước. Cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của các tướng lĩnh địa phương, các vân thân sĩ phu được xem là thắng lợi và đấu tranh lâu dài, tuy nhiên bị kìm hàm bởi sắc lệnh của triều đình. Như khởi nghĩa Trương Định, Nguyễn Trung Trực,…
Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới ách nô dịch của thực dân Pháp được nhân dân Việt Nam tiến hành từ năm 1885 đến năm 1945. Từ sau năm 1884, khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng với bản hiệp ước 1884, Pháp thôn tính toàn cõi Việt Nam, tiến hành “chia để trị” thì cuộc đấu tranh chống Pháp đã chuyển từ tính chất từ bảo vệ tổ quốc sang giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc được tiến hành dưới nhiều hình thức và nội dung của tư tưởng lãnh đạo. Như tư tưởng phong kiến (phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Hưng Khê của Phan Đình Phùng, khởi nghĩa nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám…); tư tưởng dân chủ tư sản (Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và hoạt động của ông, phong trào Duy Tân và hoạt động của Phan Châu Trinh, Đảng Lập Hiến, Việt Nam Quốc Dân Đảng,…); tư tưởng cách mạng vô sản được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sau là Đảng Cộng Sản Đông Dương (Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đông Dương Đại Hội, cách mạng tháng tám,…)
2. Chống phong kiến nhà Nguyễn lạc hậu.
Cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến lạc hậu diễn ra không phổ biến và mạnh mẽ như cuộc đấu tranh chống đế quốc. Từ khi triều đình bắt đầu kí hiệp ước năm 1862 với Pháp thì nhân dân đã nổi dậy với khẩu hiệu vừa chống Pháp vừa chống đế quốc. Tuy triều đình Nguyễn là cái kìm hãm cuộc đấu tranh chống đế quốc của nhân dân (như sự kiện năm 1874, tướng Pháp chết trên trận Cầu Giấy nhưng triều đình lại kí hiệp ước năm 1874) nhưng cuộc đấu tranh chống triều Nguyễn chưa mạnh mẽ. Khi vua Hàm Nghi cùng vân thân, sĩ phu ra chiếu Cần Vương chống Pháp thì một số bộ phận đã hưởng ứng.
Đến những năm đầu thế kỉ XX, cuộc đấu tranh về mặt tư tưởng xuất hiện, các tư tưởng mới được truyền vào và được một số sĩ phu cấp tiến tiếp nhận. Người ta cho rằng tư tưởng phong kiến đã lạc hậu, lỗi thời, cần phải thay đổi tư tưởng cho triều đình. Đồng thời tư tưởng phong kiến không còn đủ sức giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch của thực dân Pháp nên cần có một tư tưởng mới phù hợp hơn. Các đề nghị duy tân đất nước của các sĩ phu cấp tiến không được triều đình chấp nhận. Bên canh cuộc đấu tranh chống đế quốc, thì cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến phát triển mạnh mẽ.
3. Mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là một vấn đề hết sức quan trọng. Việc xác định tính chất của hai nhiệm vụ này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế trong và ngoài nước. Từ năm 1930, khi Đảng Cộng Sản ra đời ở Việt Nam hai nhiệm vụ có tính chất rõ ràng. Bởi vì, trước khi Đảng Cộng Sản ra đời, các chủ trương chính sách của các đảng phái, các tướng lĩnh, các phong trào, khởi nghĩa,… chỉ đấu tranh chống Pháp và triều đình Phong kiến, dường như không xác định được vị trí, tính chất của hai nhiệm vụ.
Từ khi Đảng ra đời, cũng trong nội bộ Đảng Cộng Sản cũng nảy ra mâu thuẫn hết sức gay gắt giữa hai nhiệm vụ, hai tính chất của cách mạng giải phóng dân tộc. Hai nhiệm vụ đều hướng đến công cuộc giải phóng dân tộc. Trong Cương lĩnh chính trị tháng 2 năm 1930 xác định nhiệm vụ chống đế quốc là quan trọng, còn Luận cương tháng 10 năm 1930 thì đưa vấn đề chống phong kiến lên hàng đầu. Trong vòng 15 năm lãnh đạo nhân dân chống Pháp cùng triều đình đã liên tục thay đổi chủ trương cho phù hợp, tính chất của hai nhiệm vụ liên tục thay đổi. Với việc xem nhiệm vụ giải phóng dân tộc là quan trọng, là trên hết, hàng đầu thì cách mạng tháng 8 năm 1945 do Đảng lãnh đạo đã đi tới thắng lợi.
Nhiệm vụ chống đế quốc giải phóng dân tộc được đặt lên trên hết là do phù hợp với tình hình Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa làm cho nền kinh tế phát triển, xã hội phân hóa sâu sắc thành nhiều giai cấp, mâu thuẫn giữa các giai cấp cũng xuất hiện hết phức tạp. Nhưng mâu thuẫn giữa các tầng lớp, giai cấp Việt Nam với tư bản Pháp, nhà cầm quyền Pháp còn phức tạp hơn. Nói cách khác, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc thực dân Pháp là mâu thuẫn cơ bản, là mâu thuẫn bao chùm xã hội đương, Như vậy, nhiệm vụ chống đế quốc được đặt lên hàng đầu là phù hợp với tình hình Việt Nam đương thời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Đinh Xuân Lâm (chủ biên). Đại cương lịch sử Việt Nam tập II (1858 -1945). Hà Nội: NXB. Giáo Dục, 2000.
2.      Hà Minh Hồng. Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1858 - 1975). Hồ Chí MIinh: Đại học quốc gia, 2005.
3.      Hồ Chí Minh. Toàn tập. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia, 2000.
4.      Nguyễn Thế Anh. Việt Nam thời Pháp đô hộ. Hồ Chí Minh: NXB. Văn học, 2008.

5.      Nhiều tác giả. Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, một tấm gương bất diệt. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.
Trần Hoàng

Nhận xét