Bí mật trong hậu cung của vua Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông là vị vua đa tài nhưng cũng đa tình, ít ai biết trong hậu cung của ông có hai bí mật mà chính sử không hề nhắc đến.
Lê Thánh Tông


Câu chuyện liên quan đến “xướng ca vô loài”
Dân gian có câu “Xướng ca vô loài”, tỏ ý khinh miệt, coi thường người làm nghề hát múa, cho là không có trật tự, nghi lễ gì. Trong xã hội thành kiến ấy, những đào nương, kép hát, cô đầu, ả đào, ca nữ, xướng nhi…, dù tên gọi có lúc khác nhau nhưng địa vị không được coi trọng.
Con nhà “xướng ca vô loài” không được đi thi, quan lại bị cấm lấy vợ “xướng ca vô loài”… Nhưng thật bất ngờ, chính Lê Thánh Tông, người đặt ra lệnh cấm ấy lại có một người vợ làm nghề ca xướng.
Về chuyện này, các sách Tang thương ngẫu lục, Ức Trai tập sự trạng… và dã sử lưu truyền rằng, khi gia đình Nguyễn Trãi bị tru di, một người thiếp đang mang thai trốn được, sau sinh con gái đặt tên là Nguyễn Thị Đào. Cô Đào bị câm từ nhỏ nhưng rất xinh đẹp, có tài gảy đàn, gõ phách; lớn lên đi làm người ở, sau theo ban nữ nhạc ở một Giáo phường.
Thần tích xã An Lão, xứ Sơn Nam (nay là huyện Vũ Thư, Thái Bình) chép rằng: Một lần, đội nữ nhạc được gọi vào cung biểu diễn, khi mọi người đều hát thì cô Đào im lặng ngồi gõ phách. Vua Lê Thánh Tông nhìn thấy mới hỏi nguyên do. Nghe vậy, bỗng nhiên cô gái đứng bật dậy hát:
Ví dù duyên chẳng nợ nần,
Thì đem nhau xuống cõi trần làm chi?
Vua quan và cả đội nữ nhạc đều ngạc nhiên và thán phục giọng hát làm rung động lòng người của cô. Sau đó cô Đào lại ngâm tiếp hai bài thơ chữ Hán khiến ai ai cũng kinh ngạc.
Lê Thánh Tông thấy lạ bèn sai người dẫn vào hầu Thái hậu Ngọc Dao. Mới nhìn thấy cô, Thái hậu cảm thấy như đã từng gặp ở đâu đó. Cuối cùng, bà nhớ ra giấc mộng kỳ lạ khi mang thai, phải chăng ngọc nữ chính là cô gái này? Thái hậu kể lại cho vua giấc mộng của mình, Lê Thánh Tông liền giữ cô Đào ở lại và sắc lập làm Hoàng hậu Trường Lạc.
Câu chuyện dã sử về một phi tần người Chăm
Tư tưởng Nho giáo còn phân biệt về xuất xứ dân tộc, nên triều Lê có lệnh cấm quan lại lấy vợ là người thiểu số “man di”, nhất là người Chiêm. Và cũng thật oái oăm, Lê Thánh Tông - ông vua chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo lại có một người vợ như vậy.
Theo chính sử, năm Tân Mão (1471) vua dẫn đại quân đi đánh Chiêm Thành để diệt mầm họa chiến tranh ở biên cương phía Nam và giành được thắng lợi lớn. Trong cuộc chiến này, Lê Thánh Tông đã đưa về một mỹ nhân người Chiêm. Xuất thân của người phụ nữ này rất đặc biệt, nàng là một trong số những người vợ của vua Chiêm Trà Toàn.
Có thể khi hậu phi của vua Chiêm bị bắt, Lê Thánh Tông rung động trước sắc đẹp của nàng nên quyết định nạp thành phi tần vào chốn hậu cung của mình. Tuy nhiên, có thuyết nói rằng, cô gái Chiêm này là vợ của Trà Toàn, bị vua Chiêm mới là Bố Trì Trì bắt đem dâng lên Lê Thánh Tông cùng nhiều bảo vật cống nạp để tỏ lòng thần phục. Thuyết khác lại nói, nàng là một trong số những người đẹp được vua Chiêm tuyển chọn để dâng cống cho Lê Thánh Tông.
Không rõ mỹ nhân người Chiêm đó tên thật là gì, chỉ biết rằng sau khi thành vợ Lê Thánh Tông, nàng được gọi là Phạm Thị Ngọc Đô. Nàng rất được nhà vua yêu quý, không chỉ bởi nàng xinh đẹp mà còn khéo tay, giỏi thêu thùa, đặc biệt là có tài canh cửi dệt vải lĩnh.
Tuy nhiên, nhiều đại thần không chấp nhận việc một cô gái dị tộc được nhiều sủng ái của hoàng đế, hơn nữa lại từng là tỳ thiếp của vua Chiêm. Chính vì thế, họ dâng sớ khuyên vua từ bỏ. Bản thân Lê Thánh Tông cũng thấy để một cô gái Chiêm trong cung cấm Việt e không tiện.
Cho nên vua đã cắt một nửa làng Trích Sài (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) lập thành trang Thiên Niên, cho dựng phủ đệ để cung phi Ngọc Đô cùng tùy tùng cư ngụ, lại dựng chùa Thiên Niên để họ lễ Phật cầu kinh.
Tại đây, cung phi Ngọc Đô và các thị nữ đem cách dệt lĩnh của người Chiêm dạy cho dân làng Trích Sài và dân các làng Võng Thị, Bái Ân. Nàng khuyến khích dân làng trồng dâu, nuôi tằm. Từ đó vải lĩnh, đặc biệt là lĩnh hoa của các làng thuộc vùng Bưởi đã nổi tiếng khắp nơi.
Chuyện kể rằng, bà phi Ngọc Đô sinh nở một lần nhưng chẳng may qua đời cả mẹ lẫn con. Dân làng Trích Sài nhớ công ơn của bà nên đã dựng miếu thờ gọi là miếu Bà chúa dệt lĩnh và hương khói thờ phụng đến tận ngày nay. Trong miếu có đôi câu đối ca tụng như sau:
Chức nữ cơ ty truyền mĩ nghệ
Cung nhân uẩn tảo phụng ty phường.
                 Nghĩa là:
Cô gái dệt tơ truyền cho nghề quý
Người trong cung cấm giúp dân làng.
Lê Thái Dũng

Nhận xét