Quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn thế kỉ XVII – XVIII

Từ thế kỉ XVI, các chúa Nguyễn vào trấn thủ miền Thuận Quảng, đã thật sự quan tâm đến biển, chuyển dần từ nền kinh tế nông nghiệp sang thương nghiệp là chủ đạo. Chính vì vậy mà tư tưởng về biển của chúa Nguyễn so với các đời trước được xem tiến bộ và phát triển hơn. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời chúa Nguyễn, sự “hướng biển” lại khởi phát đến như vậy và một thành công lớn đó là sự chính thức xác nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quá trình đó diễn ra như thế nào sẽ được trả lời trong bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về biển đảo Việt Nam
1.1. Vị trí, tài nguyên biển đảo Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia với ba mặt đều giáp biển: Đông, Nam, Tây Nam. Nhờ thế mà Việt Nam về cơ bản có đời sống gắn bó với biển lâu đời. Vùng biển Việt Nam chiếm 1 triệu km2 của Biển Đông với hàng nghìn đảo, đá lớn nhỏ, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, có vị trí chiến lược quan trọng. Hiện nay, Việt Nam có 28 tỉnh, thành giáp biển (một số tỉnh ở miền Bắc, các tỉnh ở miền Trung, miền Nam và hầu hết các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều giáp biển. Do đó, Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế biển, tạo nguồn lực phát triển kinh tế đất nước, như các nghành dịch vụ, du lịch, giao thông – cảng biển,… đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hải quốc tế cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, vốn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam.
Những lợi ích đến từ biển như vậy của Việt Nam không thể không kể đến vị trí, tài nguyên Biển Đông, một vùng biển giàu tài nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi mà vùng biển Việt Nam thuộc phạm vi của nó. Biển Đông (tên quốc tế là the South China sea) nằm ở phía tây của rìa Thái Bình Dương, là một biển tương đối kín được bao bọc bởi đảo Đài Loan, quần đảo Philippines ở phía Đông, các đảo Indonesia (Borneo, Sumatra) và bán đảo Malaysia ở phía nam và đông nam, bán đảo
Đông Dương ở phía tây và lục địa nam Trung Hoa ở phía bắc. Biển Đông có tọa độ 25010’ Bắc (bắc của Đảo Đài Loan và Thanh đảo Lục địa Trung Hoa) và tọa độ 3000’ Nam (Đảo Sumatra và Borneo). Biển Đông có diện tích khoảng 3400000km2, độ sâu trung bình khoảng 1140m và độ sâu cực đại khoảng 5016m [4, vi]. 
Biển Đông giàu tài nguyên, đa dạng về sinh học và quan trọng về vị trí chiến lược. Bởi vì, các tuyến đường hàng không và hàng hải quốc tế chủ yếu giữa khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đều đi qua Biển Đông. Tuyến đường hàng hải quốc tế có tính huyết mạch nối liền với Tây Ấu, qua Trung Đông - Ấn Độ Dương, đến Đông Nam Á, qua Biển Đông và đi Đông Bắc Á, với hai hải cảng lớn của Thế giới án ngữ hai đầu là cảng Hồng Công ở phía bắc và cảng Singapo ở phía Nam. Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua tuyến đường này cực lớn, chỉ tính riêng dầu lửa đã có hơn 90% nhu cầu của Nhật Bản, hơn 50% lượng hàng xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vận chuyển qua Biển Đông.
Với vị trí như vậy, cộng thêm giàu tài nguyên thiên nhiên, có thể khai thác với mục đích phát triển kinh tế không những với các nước trong khu vực mà còn là đối vứi các nước ngoài khu vực. Là “điểm nóng” của Thế giới luôn luôn có các sự kiện tranh chấp diễn ra. Việt Nam là một quốc gia giáp biển, tận hưởng những lợi ích từ Biển Đông và luôn là một quốc gia bị xâm lược bởi các triều đại phong kiến phương Bắc và các thực dân phương Tây trước đây ất hẳn cũng là do tiếp giáp Biển Đông, các thế lực ấy muốn thâu tóm cả một vùng biển giàu có này chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua một quốc gia ven biển mà họ chiếm đó.
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3000 km, tính trung bình cứ 100 km2 đất liền thì có 1 km bờ biển, là nước có tỷ lệ chiều dài bờ biển so với đất liền vào loại cao nhất thế giới trong khi đó trên thế giới trung bình cứ 600 km2 diện tích đất liền mới có 1 km bờ biển [4, vii]. Việt Nam có 13 vùng – vịnh. Đây là nơi neo trú của tàu thuyền, đặc biệt là tàu cá, cửa ngõ dẫn ra biển nội địa của Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung (như Vũng Án, Vân Phong).
Theo thống kê của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng 2773 đảo ven bờ với tổng diện tích 1721 km2. Tuy nhiên, trong số đảo đó, các đảo có đủ điều kiện để xây dựng các cơ sở phát triển kinh tế biển chỉ có 84 đảo, mỗi đảo có diện tích trên 1 km2 (đặc biệt Phú Quốc, Cái Bầu và Cát Bà có diện tích trên 100 km2), 97% các đảo còn lại rất nhỏ. Thực tế nếu tính cả những hòn đảo không người ở thì vùng biển nước ta có trên 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rộng nhất và có vị trí chiến lược quan trọng.
Quần đảo Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng) nằm trong khoảng ở vĩ tuyến 160 – 170 Bắc, kinh tuyến 1110 và 1130 Đông, nằm cách Cù Lao Ré (thuộc đảo Lý Sơn) 222 km, cách Đà Nẵng 315 km. Quần đảo gồm trên 30 đảo va bãi đá cạn chia thành hai nhóm đảo: nhóm An Vĩnh ở phía đông bắc và nhóm Lưỡi Liềm (còn gọi là nhóm Nguyệt Thiềm/ Trăng Khuyết) ở phía tây nam. Diên tích toàn bộ vùng đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2, trong khi diện tích vùng biển bao bọc quần đảo rộng đến 14000 km2.
Các đảo có diện tích lớn nhất là đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn (đều thuộc nhóm An Vĩnh) với diện tích hơn 1,5 km2.
Quần đảo Trường Sa (thuộc Khánh Hòa) nằm xa hơn quần đảo Hoàng Sa về phía đông nam, nằm trong khoảng vĩ tuyến 120 Bắc, kinh độ 1110 Đông. Quần đảo được phát hiện gồm trên 100 đảo, bãi đá cạn, rặng san hô..; trong đó có 9 đảo, bãi quan trong là Trường Sa (gần đất liền nhất – cách cảng Cam Ranh 462 km) An Bang, Ba Bình, Nam Yết, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Tây, Song Tử Đông và bãi An Nhơn. Diện tích vùng biển bao bọc quần đảo Trường Sa rộng dến 160.000 km, gấp 10 lần khu vực đảo Hoàng Sa, trong khi diện tích phần đất nổi gần như tương đương nhau.
Là hai quần đảo chiến lược nằm trong khu vực Biển Đông với nhiều tuyến hàng hải trọng yếu Hoàng Sa và Trường Sa nắm giữ những vị trí quan trọng trong việc xây dựng những căn cứ kiểm soát vùng biển vùng trời, kiểm tra và hỗ trợ các hoạt động của tàu thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng; đồng thời cũng là những cơ sở phát triển kinh tế với nhiều nguồn tài nguyên phong phú, đặc biệt là trữ lượng dầu khí.
1.2. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo ở ngoài khơi Việt Nam: quần đảo Hoàng Sa chỗ gần nhất cách đảo Ré, một đảo ven bờ của Việt Nam, khoảng 120 hải lý; cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý về phía Đông. Quần đảo Trường Sa chỗ gần nhất cách vịnh Cam Ranh khoảng 250 hải lý về phía Đông.
Nhận thức của các nhà hàng hải thời xa xưa về Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó rất mơ hồ, họ chỉ biết có một khu vực rất rộng lớn, nguy hiểm cho tàu thuyền vì có những bãi đá ngầm. Hầu như tất cả các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII đều vẽ chung quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm một, gọi là Pracel, Parcel hay Paracel. Về sau, với những tiến bộ của khoa học và hàng hải, người ta đã phân biệt có hai quần đảo: quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Mãi đến năm 1787- 1788 cách đây hai trăm năm, đoàn khảo sát Kergaiou- Locmaria mới xác định được rõ ràng vị trí của vùng đảo Hoàng Sa (Paracel) như hiện nay, từ đó phân biệt quần đảo này với quần đảo Trường Sa ở phía Nam. Các bản đồ khi ấy đều xác định vị trí khu vực Hoàng Sa và Trường Sa là ở giữa Biển Đông, phía Đông Việt Nam, bên ngoài những đảo ven bờ của Việt Nam. [10, 12-13]
Hai quần đảo này nằm trong số bốn nhóm đảo có đặc tính san hô nằm rải rác trên biển Nam Trung Hoa (Pratas và Maclesfield) các quần đảo này nằm ở trung tâm vùng Biển Đông nơi có độ sâu đạt tới hơn 1000m ở gần Hoàng Sa và khoảng 3000m ở Đông Bắc Trường Sa. Về mặt pháp lý, các số liệu có ý nghĩa quan trọng bởi vì không có một quốc gia láng giềng nào có thể đòi hỏi các quyền đối với các quần đảo này theo lí lẻ về sư phụ thuộc, về địa hình của các quần đảo đối với thềm lục địa nào đó. Từ phương diện địa chính trị hoặc địa chiến lược và do lợi ích của vùng biển này đối với hàng hải Quốc tế, đã có một vài nhận xét đến tầm quan trọng của các đảo này. Về phía Tây - Nam, biển Nam Trung Hoa thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca và eo biển Singapo; về phía Đông- Bắc, biển này nối liền với lại Đông Hải: nó lại thông với biển Nhật Bản và eo biển Triều Tiên. Với một không gian như vậy, không có một cường quốc biển nào mà không đi qua tuyến đường biển này. Nên việc kiểm soát mang tính chất tranh chấp cao giữa các nước trong khu vực và các nước có liên quan [7, 26-27].
Quần đảo Hoàng Sa được hợp thành từ hai nhóm chính là nhóm An Vĩnh (Amphitrite) và nhóm Nguyệt Thiệp (còn gọi là nhóm lưỡi liềm- Croissant), khoảng cách giữa chúng khoảng 70km. Ngoài hai nhóm đảo nói trên còn bao gồm hơn 30 đảo nhỏ, bãi cạn hoặc đá ngầm và chiếm khoảng 15000km2 bề mặt đại dương, điều đó nói lên tính chất cực kì nguy hiểm cho giao thông đường biển theo nhận xét của những người qua lại vùng này dựa trên số tàu đấm “đó là những xác tàu đấm, chúng được làm vật chuẩn để nhận biết nguy hiểm nhất là những nồi hơi có khả năng chịu đựng một thời gian lâu hơn nhờ trọng lượng của chúng và những nồi hơi đó được nhận thấy từ rất xa nhờ thể chất cuat chúng và gây ra sự ngạc nhiên cho những người không am hiểu, họ không thể lí giải ngay tính chất của những điểm nhô này trên bãi đá ngầm”. Khí hậu mưa nhiều, thường xuyên có sương mù, các đảo bị gió chà sát (gió lại sinh ra các dòng chảy làm cản trở giao thông đường biển) và khu vực này thường xuyên có bão. Các loại cây trên đảo: cây trên đất phostphorit, các loài cây khác, cỏ dại, bụi cây; trên một số đảo có nguồn nước ngọt, có vô số chim và rất nhiều rùa. Nguồn tài nguyên phong phú đa dạng.
Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông nhưng xa hơn quần đảo Hoàng Sa về phía Nam. Đó là một nền rộng lớn nằm dưới biển, cách xa tất cả các lãnh thổ lục địa hoặc lãnh thổ đảo quan trọng bởi các đáy biển có độ sâu hàng nghìn mét. Quần đảo không phải dễ xác định rõ ràng (còn khó hơn so với quần đảo Hoàng Sa) bởi vì khu vực này bo gồm các đảo, đảo nhỏ, bãi cạn và đảo đá nằm cực kì rải rác (có khoảng hơn 100 đảo nhỏ, bãi cạn, đảo đá). Diện tích toàn bộ quần đảo chiếm khoảng 160000km2 diện tích mặt nước “gấp 10 lần diện tích khu vực quần đảo Hoàng Sa”. Vào mùa khô khí hậu nóng như thêu, thường xuyên có hai loại gió; khi đào giếng có thể tìm thấy nước ngọt có thể trồng cây hoa màu, tóm lại là các loại cây có thể chịu được độ mặn cao của đất. Nguồn tài nguyên về cá của toàn bộ quần đảo có thể là đáng kể. Do sự khó khăn về địa hình cách xa đất liền cho nên việc khai thác với quy mô lớn là rất khó. Ngoài ra nguồn tài nguyên ở đây cũng phong phú đa dạng.
Như vậy với những địa lí, vị trí như vậy Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo mang tính tranh chấp cao giữa các nước trong khu vực và các nước liên quan. Từ thời chúa Nguyễn việc xác lập quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đã được tiến hành từng bước một và đạt những thành tựu nhất định, làm cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam va hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa.
2. Họ Nguyễn dựng nghiệp xứ Đàng Trong thế kỉ XVI
Đại Việt thế kỉ XVI – XVIII là thời kì khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến với sự cát cứ, sự nổi dậy của các thế lực phong kiến, làm cho tình hình chia cắt bị kéo dài. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê Sơ, lập ra nhà Mạc ở Thăng Long. Tuy nhiên, nhà Mạc tồn tại trong thế chênh vênh yếu đuối. Một mặt triều đại này vừa phải đối phó với sự chống đối của các cựu thần nhà Lê vừa phải tập trung sức lực xây dựng chính quyền, mặt khác phải hòa hoãn với nhà Minh (Trung Quốc) để tránh sự trừng phạt vì sự tiến ngôi. Trước tình hình đó, để ổn định trật tự xã hội, nhà Mạc đã đưa ra những quy định để đảm bảo an ninh xã hội, cấm mọi người trong nước cầm vũ khí khi ra ngoài đường, nhờ đó nạn trộm cướp giảm đáng kể,… Nhìn chung, tổ chức nhà nước của triều Mạc vẫn theo mô hình của triều đại Lê Sơ, đó là củng cố bộ máy quan liêu để quản lí xã hội.
Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, một đại thần nhà Lê Sơ là Nguyễn Kim tìm kiếm dòng dõi họ Lê để lập làm vua, sử gọi là Lê Trung Hưng. Nhưng chẳng bao lâu Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm là con rể lên thay. Từ đó, hình thành hai triều: vùng Bắc Bộ do nhà Mạc thống trị, gọi là Bắc triều; vùng đất từ Thanh Hóa trở vào do họ Trịnh dưới danh nghĩa phù Lê quản lý, gọi là Nam Triều. Cuộc chiến diễn ra trong vòng 50 năm (từ năm 1546 – 1592) với 38 chiến dịch lớn nhỏ. Đến năm 1592, Nam Triều thắng lợi đánh chiếm được Thăng Long, nhà Mạc phải chạy lên vùng đất Cao Bằng và mãi đến cuối thế kỉ XVII, mới bị đánh dẹp hoàn toàn. Từ đó, chiến tranh Nam Bắc triều chấm dứt, nhưng một cuộc chiến kéo dài đang có mầm móng hình thành.
Trong khi cuộc chiến Nam Bắc triều đang tiếp diễn thì tại Nam triều (Lê Trung Hưng), Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ miền Thuận Quảng (Thuận Hóa – Quảng Nam), khởi đầu sự nghiệp họ Nguyễn ở Đàng Trong. Sau khi Nguyễn Kim – công thần phù Lê diệt Mạc – bị ám hại, quyền lực rơi vào tay con rể Trịnh Kiểm từ năm 1545. Nguyễn Hoàng– con trai thứ của Nguyễn Kim – vì sợ người anh rễ hảm hại, nên đã nghe lời trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” xin vào trấn thủ miền Thuận Quảng (Thuận Hóa – Quảng Nam) nhằm mục đích làm thế lực đối trọng với họ Trịnh. Vì những mâu thuẫn trực tiếp về sau, nên hai họ phân tranh trong suốt gần 50 năm (1627 – 1672) với 7 lần đại chiến đã dẫn đến một kết quả bất phân thắng bại. Cuối cùng, chúa Trịnh và chúa Nguyễn lấy sông Gianh làm ranh giới, chia thành hai nơi thống trị khác nhau, nhưng vẫn trên danh nghĩa phò vua Lê. Từ sống Gianh trở ra thuộc quyền quản lí của vua Lê – chúa Trịnh gọi là Đàng Ngoài, từ sông Gianh trở vào thuộc quản lí của chúa Nguyễn gọi là Đàng Trong.
Họ Nguyễn dựng nghiệp từ miền Thuận Quảng sau đó mở rộng bờ cõi về phương Nam. “Miền Thuận Quảng đã được kinh dinh từ thời Lý Trần và Lê sơ, nhưng kinh tế còn lạc hậu. Sự liên lạc hậu. Sự liên lạc kinh tế với Đường ngoài bằng đường bộ thì rất khó khăn, bằng đường biển cũng vì nhiều nguy hiểm mà rất thưa thớt. Tình trạng ấy là một điều kiện để cho miền Thuận Quảng dần dần phát triển thành một khu vực kinh tế độc lập” [1,372]. Sau đó, họ Nguyễn tiến vào miền Nam khai phá vùng đất mới. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, công cuộc nam tiến đã chấm dứt với lãnh thổ Đại Việt khi đó bao gồm các tỉnh Nam Bộ ngày nay. Các cuộc di dân vào những vùng đất mới, kết hợp với những dân tộc địa phương để phát triển mọi mặt, tăng cường xây dựng toàn bộ Đàng Trong ngang tầm với Đàng Ngoài.
Ngoài việc quan tâm phát triển bên trong đất liền, chúa Nguyễn cũng đã quan tâm và tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế biển, khai thác biển,… Họ Nguyễn dần quan tâm và thành lập đội Hoàng Sa và các đội khác để quản lí, khai thác vùng biển, nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hoạt động của chúa Nguyễn với vùng biển được xem là quá trình xác lập, là sự khởi đầu. Những hoạt động này xuất phát những cơ sở trước đó hoặc những cơ sở trực tiếp. Những cơ sở đó có thể là Việt Nam nằm trong một khu vực Đông Nam Á – nơi biển cả phân lập, chia tách các quốc gia (cơ sở điều kiện tự nhiên); văn hóa biển của người Việt và sự kế thừa của chúa Nguyễn (cơ sở văn hóa); các cuộc chống quân xâm lược bằng thủy binh, cuộc nam tiến của người Việt và những kế thừa của chúa Nguyễn.tiên (cơ sở chính trị); sự phát triển ngoại thương của Đàng Trong (cơ sở kinh tế).
3. Quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn thế kỉ XVII – XVIII
Theo các tài liệu lịch sử thời bấy giờ trong nước và nước ngoài, thì Việt Nam xác lập chủ quyền biển đảo, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào khoảng thế kỉ XVII với Ký sự Batavia (Journal de Batavia), Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn, Đại Nam Thục Lục Chính Biên của Quốc sử quán triều Nguyễn… đều khẳng định Trường Sa và Hoàng Sa là hai quần đảo thuộc Việt Nam và Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tái phán đối với hai quần đảo này và phạm vi Biển Đông mà thuộc phạm vi quản lý của Việt Nam.
“Những người đánh cá từ các quốc gia láng giềng khác nhau thường xuyên lui tới các đảo này trong hàng thế kỉ. Những người đi biển có nguồn gốc xa hơn (người Ấn Độ, A Rập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan) đã biết và nói về các đảo này từ lâu. Trong số đó, có các nhà hàng hải Pháp xuống tàu từ cảng La Rochelle, ngày 0703-1568, cùng với các nhà bác học dòng Tên, đi Viễn Đông. Họ đã đến Hoàng Sa. Quần đảo trở nên nổi tiếng với các biên niên sử hàng hải với vụ đắm tàu “Amphitrite” dưới thời vua Louis XIV trong khi đi từ nước Pháp sang Trung Quốc (1698)”[7, 5253]. Cũng từ lâu, người phương Tây đã biết đến và ghi nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Theo ký sự Batavia, năm 1634 thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), 3 chiếc tàu của Hà Lan từ Batavia (Indonesia) đi đến Touranne (Đà Nẵng) cùng nhỗ neo đi Đài Loan, thì có 1 tàu Grootebroek bị đắm gần đảo Hoàng Sa (Paracels) do bão làm 9 thủy thủ mất tích cùng chiếc thuyền và hơn nửa hàng hóa vận chuyển. Các thủy thủ còn lại trục vớt và đem một số hàng hóa lên đảo cất giấu an toàn. Sau đó, họ được phép quay trở lại đón 50 thủy thủ và số hàng hóa về Batavia (Indonesia)” [17, 42]. Song, chúng ta cũng có thể việc xác lập biển đảo còn thể hiện qua tài liệu khác nhau. “Một số tài liệu này mang dấu ấn của nhà vua hoặc có những lời phê bằng mực son, chứng tỏ đó là bút tích của các nhà vua. Từ đó có thể thấy với độ chính xác cao rằng các hoàng đế Việt Nam đã luôn theo đuổi việc tổ chức một đội khai thác kinh tế biển và thăm dò các quần đảo. Các biện pháp này thuộc một chính sách quốc gia chú trọng tới các lợi ích biển” [7, 92-93]. “Các văn bản cổ Trung Quốc từ những giai đoạn trước thế kỉ XVIII có nhắc tới sự tồn tại của các đảo mà các thủy thủ Trung Quốc biết đến từ lâu. Nhưng cho đến thế kỉ XVIII, dường như không có các sự kiện nổi bật có tác động đến quy chế của các đảo nhỏ này. Dưới triều Nguyễn, các chúa An Nam vào đầu thế kỉ XVIII đã lập ra một Đội đi khai thác và bảo vệ các đảo này” [7, 53].
Quá trình xác lập chủ quyền dưới thời chúa Nguyễn diễn ra một cách mạnh mẽ so với thời trước. Nếu như trước đây, các triều đại phong kiến còn e dè, chưa thật sự quan tâm, chưa tạo dựng một đội binh khai thác ở Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng, biển đảo Việt Nam nói chung, chỉ xác lập trên bản đồ như vua Lê Thánh Tông, hay là trước đó vua Lý Anh Tông khảo sát hay là lãnh thổ Việt Nam chưa mở rộng đến vùng phía nam. Thì đến thời chúa Nguyễn với sự tiếp nối nam tiến của những đời trước, lãnh thổ Việt Nam đã được mở rộng về phương nam thì tất yếu những đảo, đá giáp biển cũng phải được khai thác, quản lí rõ ràng. Và do đó, chúa Nguyễn đã xây dựng nên một đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ “thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, kiêm quản trông coi các đội khác cùng làm nhiệm vụ nhưng ở khu vực khác như đội Bắc Hải ở phía nam (tức quần đảo Trường Sa). Về sau, đội còn đảm trách thêm việc đi xem xét, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, vùng quần đảo Hoàng Sa” [15, 76]. Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn, ghi lại “mỗi năm (trong những năm 1753 – 1776) các chúa Nguyễn đã cử các đội tàu thuyền đến Hoàng Sa, khoảng 6 tháng, để thu lượm “hóa vật” của các tàu đắm vì “các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này”. Thời đó, Chúa Nguyễn cũng đã xây dựng lực lượng để bảo vệ Hoàng Sa “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào. Cắt phiên, mỗi năm cứ tháng 2, nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy”[5, 155]. Về phần Trường Sa, theo Lê Qúy Đôn ghi nhận “phía ngoài nữa lại đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hóa vật của tàu bị đắm, lập đội Hoàng Sa để đi lấy, ba ngày đêm mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải”. “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tư Chính ở Bình Thuận hoặc ở xã Cảnh Dương ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuấn, dò. Cho đi thuyền câu nhỏ ra xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn, các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu đắm và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm,  cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quí ít khi lấy được” [5, 155].
Nếu xét về thời gian ra đời của đội Hoàng Sa thì không thể xác định được mức chính xác và thống nhất được vì các nguồn sử liệu đề cập rất khác nhau. Có tài liệu đề cập vào đầu thời chúa Nguyễn “quốc sơ”, có khi cho là năm Tân Mùi (1631) được ghi nhận trong tờ trình đề trình ngày 15 tháng giêng năm 1775 của Cai hợp phường
Cù Lao Ré, xã An Vĩnh là Hà Liêu xin cho thành lập lại đội Hoàng Sa dưới triều Tây Sơn, cũng như hầu hết tài liệu nước ngoài cho rằng đầu thế XVIII. Cho dù là thời điểm nào đi chăng nữa, một điều chúng ta có thể thấy rằng “Với tính cách nhà nước, đội Hoàng Sa, một tổ chức bán quân sự đã được giao nhiệm vụ, riêng một mình kiểm soát và khai thác định kỳ, liên tục và hòa bình hải sải sản quý cùng các sản vật kể cả súng ống của các tàu đắm tại các đảo Hoàng Sa suốt thời Đại Việt, trong thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, tức từ đầu thế kỉ XVII đến năm 1801, và sau đó là buổi đầu triều Nguyễn từ 1802 đến trước 1815. Từ năm 1816, đội Hoàng Sa phải phối hợp với thủy quân. Hàng năm, đội Hoàng Sa hoạt động trong sáu tháng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch (tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) để phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng biển của quần đảo Hoàng Sa” [10, 91-92].
Để góp phần khẳng định hoạt động của đội Hoàng Sa nói riêng và chúa Nguyễn nói chung về quá trình xác lập, chuáng ta hãy xem xét về mặt luật pháp quốc tế đương thời và tình hình thế giới lúc bấy giờ. “Dù sao đi nữa, và bắt đầu từ thời điểm này, đã có một ý định thật sự khẳng định chủ quyền đối với các đảo bởi vì đã tìm thấy các loại hàng vi được án lệ quốc tế nêu ra để thể hiện ý định này. Đặc biệt, vấn đề sẽ không dừng lại ở các cuộc thám hiểm nhằm lập các bản đồ hay đo đạc các đường hàng hải.
Đó có thể là những công việc của các nhà địa lý, các nhà hàng hải để góp phần vào hiểu biết chung và phổ biến một vùng đất hay biển (tuy rằng Trung Quốc cho rằng đã chấm dứt các công cuộc thám sát do người Đức thực hiện trên các đảo này vào năm 1883 với lý do Trung Quốc muốn “chấm dứt các hoạt này” là để tỏ rõ quyền lực của họ). Đã có nhiều hoạt động khác thuộc về cách ứng xử các nhà nước: lập một đội thủy binh rieng, trợ cấp về tài chính cho nó, khai thác nó, quản lý nó, thưởng cho nó, quyết định các công trình xây dựng trên lãnh thổ, muốn làm cho các công trình đó có tính chất tượng trưng như cấm một cái bia hay một cái mốc chủ quyền; đó chính là những hành động mà ta không có gì nhầm lẫn. Các nhà chức trách vương quốc An Nam đã triển khai trên các đảo những hoạt động đó. Ngay cả khi không tính dến cuộc thân chinh trịnh trọng của vua Gia Long năm 1816 do các tác giả Pháp nói đến, thì cũng còn khá đủ các sự kiện trùng hợp và liên kết với nhau để có thể khẳng định rằng các nhà cầm quyền Việt Nam từ thế kỉ XVIII đến đầu thời kỳ thuộc địa, đã thụ đắc các quyền chủ quyền đối với các quần đảo theo đúng cac quy tác của pháp luật quốc tế áp dụng vào thời điểm đó” [7, 96-97].
Như vậy, quá trình xác lập biển đảo Việt Nam, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra một cach mạnh mẽ so với những đời trước. Tuy chỉ là hình thức phát khởi nhưng nó là nền tảng, là cơ sở cho các triều đại, các chế độ nhà nước sau này tiếp tục thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với biển đảo Việt Nam. Và suốt quá trình xác lập như vậy, đến năm 1816, thời vua Gia Long triều Nguyễn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành một khu vực của Việt Nam. Một vấn đề đặt ra ở đây là những cơ sở nào đã đưa đến một quá trình xác lập kéo dài gần hai thế kỉ như vậy? Những cơ sở đó có thể là do địa hình, vị trí của Việt Nam từ xưa tới nay, do văn hóa biển, do sự tiếp nhận và thừa hưởng của văn hóa từ bên ngoài, hoặc cũng do điều kiện chính trị, kinh tế… Tất cả mọi diễn biến điều có những cơ sở hình thành nhất định.
Tóm lại, trước những vị thế của vùng biển Việt Nam như vậy, chúa Nguyễn đã tiến hành những bước đi đầu tiên trong công cuộc xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam. Những bước đi này đã đặt tiền đề, nền tảng cho những hoạt động sau của các triều đại và của cả dân tộc Việt Nam hiện nay tiếp tục thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng biển nói chung, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng.  Thành tựu lớn nhất của các chúa Nguyễn là đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải. Để nhằm khẳng định thêm vai trò, vị trí của quá trình xác lập này, chúng ta không thể không đề cập đến các cơ sở hình thành nên quá trình đó.
Chú thích
[4] Lê Đức Tố (chủ biên) (2009), Biển đông, Táp 1 Khái quát về biển đông, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội. 
[5] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, (Hoàng Lộc dịch), NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. 
[7] Monique Chemllier- Gendreau (2011), Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (sách tham khảo), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
[10] Nhiều tác giả (2011), Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Paracel & Spratly islands belong to Vienam, NXB trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 
[15] Trần Nam Tiến (2012), Hoàng Sa, Trường Sa: Hỏi và đáp, Nhà xuất bản trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Hoàng
Trích từ tiểu luận Cơ sở hình thành quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn từ thế kỉ XVII - XVIII (11/2017)

Nhận xét