Tư duy hướng biển của Nguyễn Hoàng


Để lẩn tránh và bảo toàn sự tồn tại của mình trước những xung đột, đấu tranh giữa các thế lực phong kiến Lê – Trịnh, năm 1558. Nguyễn Hoàng đã buộc phải tìm cách rời khỏi Đàng Ngoài. Theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585): “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã nhờ chị của mình là Ngọc Bảo nói với anh rể Trịnh Kiểm (1503 – 1573) để được vào trấn thủ Thuận Hóa. Trước những tiềm lực phát triển của vùng đất mới, vị chúa khai mở đất Đàng Trong dần dần thay đổi tư duy, xa dân với mô thức kinh tế nông nghiệp truyền thống để hướng mạnh về phía biển với các hoạt động giao thương diễn ra sôi nổi trên các cảng thị của Đàng Trong.
Các nguồn tư liệu chính sử đều cho biết rằng, Nguyễn Hoàng bắt đầu sự nghiệp tại Thuận Hóa năm 1558 và hằng năm chỉ nộp thuế về cho vua Lê ở Đàng Ngoài.. Trong suốt thời gian làm quan trấn thủ, chính lối ứng xử mềm dẻo, khôn khéo của Nguyễn Hoàng đã khiến Đoan Quận Công đã có thêm tiềm lực để tiến gần hơn với biển và tiến xa hơn về phía Nam. Trong thời gian cầm quyền của mình (1558 – 1613), Nguyễn Hoàng đã hai lần ra Bắc, lần thứ nhất là năm 1569 – 1572 và lần thứ hai là năm 1593 – 1600. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn biên chép rõ sự kiện Nguyễn Hoàng ra Bắc năm 1569 như sau: “Tháng 9 năm 1569, mùa thu, Thái tổ Gia Dụ hoàng đế ta đi ra Tây Kinh, yết kiến nhà vua ở hành tại An Tràng. Bái Yết nhà vua xong, Gia Dụ đến phủ Thượng tướng (Trịnh Kiểm), anh em tình tự, rất là hòa thuận thân yêu”[1]. Chép về sự kiện này, Đại Việt sử kí toàn thư cũng ghi rõ: “Mùa thu, tháng 9 (1569), trấn thủ Thuận Hóa là Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào chầu, lạy chào ở hành tại; lại đến phủ Thượng tướng lạy mừng, giãi bày tình cảm anh em, rất thương yêu quý mến nhau”[2]. Như vậy, theo như miêu tả của chính sử thì mối quan hệ giữa Trịnh Kiểm à Nguyễn Hoàng là vô cùng hòa hảo, thân thiết. Nguyễn Hoàng dường như là một trợ thủ đắc lực, một vị quan trung thành của chính quyền Đàng Ngoài, được cử đi giúp vua Lê cai quản, ổn định, giữ vững vùng biên viễn. Tuy nhiên, nếu đặt sự kiện này trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chắc chắn đây là một bước đi chính trị đầy tính toán của Nguyễn, bởi lẽ sự kiện Nguyễn Hoàng ra yết kiến vua Lê diễn ra chỉ một năm sau khi quan trấn thủ Quảng Nam là Bùi Tá Hán qua đời năm 1568, “Mậu Thìn, năm thứ 11 (1568), mùa xuân, tháng 3, Tổng trấn Quảng Nam là Bùi Tá Hán (bấy giờ xưng là Trấn Quận Công) chết. Vua Lê lấy Nguyễn Bá Quýnh (bấy giờ xưng là Nguyên Quận Công) làm Tổng binh, thay giữ đất ấy”[3]. Đồng thời cũng chỉ sau đó một năm, Đoan quận công đã có được vùng Quảng Nam và được bổ nhiệm kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, “năm thứ 13 (1570), Nguyễn Bá Quysnh về, sai Đoan Quận Công kiêm hành thức thống suốt tổng trấn tướng hai xứ Thuận – Quảng, cầm binh voi và thuyền để trấn thủ dân địa phương. Họ Nguyễn gồm có hai xứ tự bấy giờ”[4]. Như vậy, lần ra Bắc đầu tiên của Nguyễn Hoàng đã giúp cho Đoan Quận Công có được vùng Quảng Nam. Kiêm lãnh xứ Quảng Nam là một thành công rất lớn của Nguyễn Hoàng trong sự nghiệp tách Đàng Trong ở phương Nam thành một thế lực độc lập với Đàng Ngoài ở phương Bắc. Thực tế thì chỉ sauu khi có thêm đất Quảng Nam cùng với sự tự chủ về mặt chính trị, Đoan Quận Công mới có điều kiện xây dựng và phát triển xứ Thuận Hóa. Trong sự đi lên của Đàng Tong, Quảng Nam đóng vai trò quan trong. Bởi lẽ đây không chỉ là vùng dất giàu có, trù phú với da dạng nguồn thương phẩm mà còn có thương cảng quốc tế Hội An, hải cảng quốc tế sầm uất và lớn nhất của Đàng Trong. Thực tế đã cho thấy, Quảng Nam và Hội An giữ vị trí không thể thay thế trong quá trình phát triển kinh tế hải thương của vùng Thuận – Quảng.
Nếu sự kiện Nguyễn Hoàng được kiêm trấn thủ Quảng Nam là móc mở đầu ch ý đồ xây dựng một thể chế cát cứ trên vùng đất Phương Nam, thì lần ra Bắc cuối cùng 1593 – 1600 càng khẳng định quyết tâm xây dựng một vương quốc riêng biệt của Nguyễn Hoàng. Ở lại đất Bắc giúp họ Trịnh chống lại dư đảng của nhà Mạc (1527 -1592) đang trỗi dậy ở nhiều địa phương trong cả nước. Những việc làm của Nguyễn Hoàng trong suốt thời gian này, một mặt cho thấy cách ứng xử khéo léo của Đoan Quận Công với nhà Lê, nhưng mặt khác, Nguyễn Hoàng đã có nhiều thời gian để khảo sá, nhận định về tình hình chính trị của Đàng Ngoài để từ đó có bước đi phù hợp. Bên cạnh đó, những trận đánh giữa Nguyễn Hoàng với dư đảng nhà Mạc dax cho thấy tài năng quân sự biển của chúa Tiên. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “Năm 1593, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta từ Thuận Hóa vào chầu được tấn phong Thái Úy Đoan Quận Công cầm quân đi đánh giặc. Trước kia, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta ở Thuận Hóa hơn 20 năm, từ nhân dân đến các man di thảy điều mến phục. Bờ cõi và biên giới đều phẳng lặng yên ổn. Đến đây ngài đem tướng sĩ và binh thuyền vào chầu, dâng nộp sổ sách về quân, dân và kho tàng ở hai xứ Thuận Quảng”[5]. Cùng với những trận đánh với nhà Mạc, Nguyễn Hoàng còn giúp giúp chúa Trịnh ổn định nhiều địa phương ở miền Bắc như Hải Dương, Thái Nguyên. Những chiến thắng quân sự của Đoan Quận Công được sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục không ngớt lời ca ngợi “đánh đâu được đấy, uy danh lững lẫy”. Tài năng của Nguyễn Hoàng không chỉ bộc lộ trong các trận chiến với nhà Mạc tại Đàng Ngoài, mà tại Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã sớm ý thức được việc bảo vệ miền duy hải trước sự tấn công của nhà Mạc. Năm 1560, chỉ sau khi vào trấn thủ Thuận Hóa được hai năm, Đoan Quận Công đã nhanh chống đặt đồn ở cửa biển để giữ miền duy hải, vì quân Mạc thường theo đường biển vào cướp Thanh – Nghệ. Quả là không nằm ngoài những suy tính của Nguyễn Hoàng năm 1572, tướng nhà Mạc là Lập Bạo đã đem một lực lượng binh thuyền lớn tấn công vào Đàng Trong. Nuyễn Hoàng đã cho đóng quân bên bờ sông Ái Tử và theo Đại Nam thực lục thì nhờ sự giúp dỡ của một vị thần sông, Đoan Quận Công đã đánh tan được quân nhà Mạc. Những chiến công chủ yếu nhờ vào lực lượng thủy quân, điêu này cho thấy Đoan Quận Công rất thuần thục với những trận thao chiến trên sông nước, hẳn là môi trường sông nước Đàng Trong là điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Hoàng tôi luyện và phát huy khả năng quân sự, tài thao diễn trên sông, biển của mình.
Trong tám năm ở Đàng Ngoài, Nguyễn Hoàng đã có nhiều cơ hội xem xét, so sánh tình hình chính trị, kinh tế giữa hai miền trước khi đưa ra được lựa chọn của mình. Để từ đó, đến năm 1600, Nguyễn Hoàng đã buộc phải vận dụng mưu kế để “trốn” về Đàng Trong và không bao giờ trở lại Đàng Ngoài nữa. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục cho biết: “Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta có công to, Trịnh Tùng thấy thế đem lòng ghen ghét, tám năm không cho về trấn. Gặp lúc ấy, bạn Ngạn, Đình Nga và Văn Khuê làm phản ở cửa biển Đại An, Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế ta nhân đem quân tiến đánh, bèn đem tướng sĩ thuyền chiến trong bộ thuộc mình, phóng ra biển về Thuận hóa, bởi thế lòng người xao xuyến”[6]. Hình ảnh Đoan Quận Công trở về Thuận Hóa đã khẳng định quyết tâm của Nguyễn Hoàng trong việc xây dựng một mô hình năng động tại Đàng Trong. Có thể nói “Đoan Quận Công đã hoàn toàn quay lưng lại thế giới nơi ông được dựng lên và cũng là nơi ông tiến hành tham vọng của mình suốt hơn nửa thế kỷ. Có khả năng bởi rằng một thế giới khác đã vẫy gọi. Một thế giới chưa định hình đã được bài trở thành nơi người Việt Nma tìm thấy sự giải thoát khỏi những đòi hỏi truyền thống, nơi những sử gia Việt Nam mô tả như một miền duyên hải thiên đường của hòa bình, phồn vinh và những thương nhân ngoại quốc”[7].
Như vậy, nếu như lần ra bắc đầu tiên Nguyễn Hoàng đã có được xứ Quảng thì lần ra Bắc thứ hai này đã đặt dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp gây dựng vương quốc riêng biệt ở phía Nam của chúa Tiên. Từ những tìm hiểu, kiểm nghiệm sâu sắc về mô hình kinh tế của chiasnh quyền Thăng Long trong sự đối sánh ới Thuận Hóa, giữa một bên là nền kinh tế hướng mạnh về nông nghiệp, một bên là kinh tế là hải thương năng động, đã buộc Nguyễn Hoàng đưa ea quyết định của chính mình. Những nguồn hàng, thương cảng cùng các mối giao thương đã như một mãnh lực lôi cuốn Nguyễn Hoàng, khẳng định cho sự lựa chọn đúng đắn của chúa Tiên. Cũng từ đây, Nguyễn Hoàng đã dành trọn cuộc đời mình để gây dựng phát triển xứ Thuận Hóa trở thành vùng đất đầy sức sống nhờ vào những nguồn thương phẩm và các đoàn thuyền buôn. Cho tới khi trao lại quyền hành cho hoàng tử thứ sáu Nguyễn Phúc Nguyên, Đoan Quận Công vẫn thể hiện tầm nhìn hướng mạnh mẽ về biển, khi nhấn mạnh những nguồn lợi mà biển mang lại “Đất Thuận – Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) à sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phái Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) ững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. ì bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”[8]
Vũ Thị Xuyến, Tư duy và chính sách hướng biển của Nguyễn Hoàng trong GS. Phan Huy Lê, PGS.TS. Đỗ Bang (đồng chủ biên) (2014), Nguyễn Hoàng – Người mở cõi, NXB. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.295-302.




[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện sử học, NXB.Gíáo dục, Hà Nội, 2007, t.II, tr.147.
[2] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, t.III, tr.145.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.29.
[4] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2007, tr.61.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, sđd, tr.201.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, sđd, tr.227.
[7] Keith Taylor, “Nguyễn Hoàng và bước khưởi đầu cuộc Nam Tiến”, Tạp chí Xưa và Nay, số 104, tháng 11-2001, tr.8/
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.37.


Nhận xét