Nguyễn Ái Quốc với Đảng Xã hội Pháp, với bản yếu sách 8 điểm và Hội Những người yêu nước Việt Nam.


Từ khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, Pháp là nơi mà Người lưu lại nhiều năm nhất. Đây là nơi Người bắt đầu học làm báo, bắt đầu hoạt động chính trị. Tại đây, Người đã gặp các đồng chí cùng chí hướng ở Việt Nam sống tại đây. Người hoạt động sôi nổi.



1. Nguyễn Ái Quốc với Đảng Xã hội Pháp.
Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Người trả lời: “Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: ‘Tự do, Bình đẳng, Bác ái’. Nguyễn Ái Quốc cũng đã khẳng định rằng: “Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy ( hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) đã tỏ ý đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, thì tôi chưa hiểu” (Trình Quang Phú, 2015).
Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã Hội Pháp vì tổ chức này đấu tranh cho những dân tộc bị áp bức chứ phải Người tham gia đảng phái chính trị. Người không biết “đảng là gì” và nó như thế nào. Trong tâm trí của Người khi ấy chỉ mong tìm đến con đường nào để giải phóng dân tộc mà thôi chứ không muốn tham gia đảng gì cả. Có thể đây nói đây là bước đầu Người biết tới chữ “Đảng”.
2. Nguyễn Ái Quốc với bản yêu sách 8 điểmm.
Nhân danh một nhóm người An Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, gồm tám điểm và được viết bằng tiếng Pháp (Revendications du peuple annamite) gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles, đòi chính phủ Pháp ân xá các tù chính trị, thực hiện các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Nguyễn Tất Thành còn tự tay viết bản yêu sách bằng hai thứ tiếng: một bản bằng chữ quốc ngữ theo thể văn vần, nhan đề “Việt Nam yêu cầu” và một bản chữ Hán nhan đề “An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư”. Người đã tự  bỏ tiền túi của mình thuê in 6.000 Bản yêu sách của nhân dân An Nam để phân phát trong các cuộc hội họp, míttinh, trên đường phố Paris.
Về sự kiện này Trần Dân Tiên, tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” cho hay ý kiến đưa ra yêu cầu do ông Nguyễn (Nguyễn Tất Thành) đề ra, và luật sư Phan Văn Trường là người viết bản tiếng Pháp do lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Một số tài liệu khác cũng nêu thông tin như trên.
Tám điểm của Bản yêu sách gồm
1.         Tổng ân xá tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị.
2.         Cải cách nền pháp lí Đông Dương bằng cách để người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm pháp lí như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam.
3.         Tự do báo chí và tự do ngôn luận.
4.         Tự do lập hội và hội họp.
5.         Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương.
6.         Tự do họp tập, thành lập các trường kĩ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ.
7.         Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.
8.         Có đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ. (Hồ Chí Minh, toàn tập, 2009, trang 435 - 436)
Bản yêu sách được ký tên như sau:
“Thay mặt Hội những người An Nam yêu nước
[ký tên]
Nguyễn Ái Quốc”
Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện.
Bản yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được Hội nghị xem xét. Ngoài việc phân phát và phổ biến bản yêu sách này, Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư riêng kèm theo bản yêu sách cho các đoàn đại biểu Đồng minh dự hội nghị, nhưng cũng không gây được sự chú ý. Tuy nhiên nó lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Việc có một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực là sự kiện đánh dấu dấu hiệu mới cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Qua việc bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc sau này đã viết: “Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình.” (Trần Dân Tiến, 2015).
3. Nguyễn Ái Quốc với Hội Những người Việt Nam yêu nước.
Ở Paris, Nguyễn Tất Thành giành nhiều thời gian đi sâu sát những khu vực có đông Việt kiều, vận động cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân đế quốc, dần dần được mọi người yêu quí tin tưởng và trở thành linh hồn của “Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp”. Trong một báo cáo của mật thám Pháp đã khẳng định: “Nguyễn Ái Quốc (tên của Nguyễn Tất Thành lúc trở về Pháp) nổi lên là người lãnh đạo có uy tín đối với người Việt tại Pháp, trong khi vai trò của Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường lu mờ dần.” (Hồng Hà, 1976).
Vai trò của Nguyễn Ái Quốc càng được nâng cao, qua Báo cáo của Bộ Nội Vụ Pháp, ngày 30 tháng Giêng năm 1920:”về phong trào đòi độc lập của Đông Dương ở Pari”. (Tài liệu lưu tại kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh. Kí hiệu H20C2/02). Báo cáo nêu rõ:
“Từ cuộc điều tra về vấn đề tuyên truyền tại các Trung tâm của người Việt Nam ở Pari về phong trào đòi độc lập của Đông Dương, cho ta kết luận là linh hồn của phong trào không phải là ai khác ngoài ông Nguyễn Ái Quốc, tổng thư ký của “nhóm những người Việt Nam yêu nước”, thư ký của “Nhóm các nhà cách mạngViệt Nam”.
“Ông Nguyễn Ái Quốc tự tay viết những truyền đơn như bản ‘Yêu cầu của nhân dân Việt Nam’ để được gởi lên văn phòng Bộ. Những nhân thư Phan Châu Trinh, Khánh Kỳ, Phan Văn Trường như người ta đã nói đã ít nhiều bị giảm uy tín ở Đông Dương và ông Nguyễn Ái Quốc đã vươn lên đứng đầu phong trào (cách mạng) Đông Dương. Trước đây trong tay những người đồng bào này của ông. Nhưng những người này vẫn là các cố vấn cà các trợ thủ đắc lực của ông Nguyễn Ái Quốc” (Phạm Ngọc Trâm, 2011).
Cũng có thể nhận thấy từ sau bản yêu sách được gửi đi thì cái tên Nguyễn Ái Quốc trở nên nổi trội. Được các mặt thám Pháp nhòm ngó và đánh giá cao vai trò. Sự ảnh hưởng của Nguyễn Ái Quốc với Hội Những người Việt Nam yêu nước là rất lớn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Đinh Xuân Lâm (chủ biên). (2000). Đại cương lịch sử Việt Nam tập II (1858 -1945). Hà Nội: NXB. Giáo Dục.
2.      Hồng Hà. (1976). Thời thanh niên của Bác Hồ. TP.Hồ Chí Minh: NXB. Thanh Niên.
3.      Phạm Ngọc Trâm. (2011). Con đường cứu nước Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh: NXB. Tổng hợp.
4.      Trần Dân Tiến. (2015). Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Hà Nội: NXB. Chính trị Quốc gia.
5.      Trình Quang Phú. (2015). Đường Bác Hồ đi cứu. Hà Nội: NXB. Chính trị Quốc gia.
------------
Trần Hoàng

Nhận xét