Trong đợt phản công chiến lược của Nghĩa quân Lam Sơn năm 1427, trận Chi Lăng - Xương Giang được xác định là trọng điểm chiến lược, nhằm tiêu diệt đạo quân viện binh chủ yếu của địch. Đây là trận đánh đạt hiệu suất cao với nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự, nổi bật là nghệ thuật tạo lập thế trận, đánh thắng trận quyết chiến chiến lược.
Một chiến dịch trong khởi nghĩa Lam Sơn |
Vào cuối năm 1427, để giải nguy cho đạo quân của Tổng binh Vương Thông đang bị vây hãm ở thành Đông Quan cũng như cứu vãn chế độ thống trị hà khắc của nhà Minh đối với nhân dân Đại Việt trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, vua Tuyên Đức (triều Minh) liền sai An viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy 10 vạn quân theo hướng Lạng Sơn (hướng chủ yếu) và Kiềm quốc công Mộc Thạnh chỉ huy 05 vạn quân theo hướng ải Lê Hoa (Hà Giang ngày nay) tiến đánh nước ta. Trước tình hình đó, bằng nhãn quan và tư duy chiến lược quân sự sắc sảo, sau khi họp bàn với Bộ Thống soái Nghĩa quân, Bình Định Vương Lê Lợi xác định: “Đánh thành là hạ sách… Viện binh giặc bị phá thì thành giặc nhất định phải hàng”1. Thực hiện kế sách này, bằng tài năng thao lược xuất chúng của Bộ Thống soái tối cao cùng sự phối hợp, phát huy cao độ các nhân tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa,… Nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành trận quyết chiến tại Chi Lăng - Xương Giang, đánh tan đạo quân viện binh chủ yếu của địch, khiến âm mưu “cố thủ chờ viện” của chúng bị phá sản hoàn toàn, buộc Vương Thông phải hạ vũ khí đầu hàng, rút quân về nước. Đây là trận quyết chiến chiến lược có một không hai trong lịch sử dân tộc, vừa là bản hùng ca kết thúc 10 năm kháng chiến gian khổ của nhân dân ta, vừa thể hiện khí phách hiên ngang của dân tộc, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù hung bạo, để từ đây “mở ra nền thái bình muôn thủa”, “rửa nỗi thẹn nghìn thu”. Chiến thắng trận quyết chiến chiến lược đó, đã để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật tạo lập thế trận khéo léo, linh hoạt, sáng tạo để tiêu diệt lớn quân địch; được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, triệt để tận dụng địa hình, xây dựng thế trận hiểm hóc, có chiều sâu, đảm bảo đánh địch thuận lợi trên toàn tuyến hành binh của chúng. Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá, nắm chắc tình hình địch cũng như mục đích, tính chất cuộc tiến quân cứu viện của chúng, Bộ Thống soái Nghĩa quân đi đến kết luận “Quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân vội”2. Hơn nữa, ỷ vào lực lượng lớn cùng hệ thống thành trì đã thiết lập từ trước trên đường tiến quân, nên địch dễ nảy sinh chủ quan, kiêu ngạo. Nếu ta tận dụng được thế thiên hiểm của địa hình, xây dựng thế trận hiểm hóc, có chiều sâu thì sẽ đẩy đạo quân chủ yếu này từ thế chủ động thành bị động, quân tuy đông nhưng ở thế yếu, dễ bị tiêu diệt. Từ suy tính đó, Lê Lợi quyết định chọn khu vực từ cửa Pha Lũy (Lạng Sơn) đến thành Xương Giang (Bắc Giang) là khu vực tác chiến chủ yếu để tập trung tạo lập thế trận tiêu diệt địch. Đây là sự lựa chọn chính xác, bởi từ Lạng Sơn về Đông Quan, địch phải vượt qua các dãy núi hiểm trở, sau đó là vùng trung du và các cánh đồng trống trải. Trong đó, khu vực ải Chi Lăng (Lạng Sơn) là một thung lũng hẹp, ép giữa hai dãy núi Bảo Đài - Thái Họa và Cai Kinh. Đây là con đường duy nhất, buộc viện binh của Liễu Thăng phải cơ động qua với đội hình kéo dài, tiện cho ta cắt địch ra để tiêu diệt từng bộ phận. Khu vực này rất tiện cho ta lợi dụng hai dãy núi hiểm trở đó để triển khai đội hình bảo đảm bí mật, có thế đánh ép từ trên xuống, dồn chúng vào thung lũng chật hẹp để tiêu diệt. Ngoài ra, một số nơi có địa hình hiểm trở, như: Cần Trạm, Phố Cát,… ta có thể tận dụng để phục kích bất ngờ tiêu diệt địch. Đặc biệt, khu vực Xương Giang là cánh đồng tương đối rộng và trống trải, nếu dồn địch buộc chúng phải cụm lại một lực lượng lớn vào đó và ta có thể tập trung toàn bộ lực lượng, hình thành nhiều mũi, hướng bất ngờ tiến công, nhanh chóng tiêu diệt lớn quân địch, do khu vực này cách xa biên giới Lạng Sơn và càng xa quân Mộc Thạnh, chúng không thể đưa quân đến chi viện kịp khi bị ta tiến đánh. Đây cũng là nơi ta có thể lợi dụng các con sông Cầu, sông Thương,... để cơ động lớn lực lượng triển khai bí mật trên các hướng một cách thuận lợi, tạo thành thế bao vây chặt quân địch để tiêu diệt trong thế chủ động. Trên cơ sở xác định khu vực diệt địch phù hợp, Nghĩa quân đã nhanh chóng, bí mật bố trí lực lượng, thiết bị chiến trường để hình thành các chiến lũy, đường cơ động, trận địa mai phục (Mã Yên, Cần Trạm, Phố Cát,…). Đồng thời, tích cực cải tạo địa hình, tạo ra thế trận chặn, cắt, đánh địch từ xa, để tiêu hao, sát thương, làm giảm sức mạnh của chúng, như: cửa Pha Lũy, ải Lưu, ải Chi Lăng, v.v. Những khu vực tác chiến trọng điểm ở Chi Lăng, Xương Giang, Lê Lợi đã tập trung chỉ đạo Nghĩa quân triệt để tận dụng vật cản tự nhiên: núi, sông, suối, ao hồ, vách đứng, vách hụt,… cùng với xây dựng các tuyến rào lũy, đường cơ động và dự kiến nhiều phương án tác chiến, tạo nên một thế trận vững chắc, liên hoàn, tiện cơ động đánh địch. Vì vậy, khi tiền quân viện binh địch đến ải Chi Lăng đã lọt ngay vào thế trận của ta và cơ bản bị tiêu diệt cùng chủ tướng Liễu Thăng. Tiếp đó, các bộ phận khác của địch lại lọt vào các thế trận phục kích ở Cần Trạm, Phố Cát,… của ta nên bị tiêu hao, tiêu diệt rất nhiều, buộc toàn bộ lực lượng còn lại của chúng phải co lại khu vực cánh đồng Xương Giang - thế trận bày sẵn của ta nên đã nhanh chóng bị tiêu diệt hoàn toàn.
Hai là, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng linh hoạt, phù hợp, tạo thế đánh rộng khắp nhưng có trọng điểm để tiêu diệt địch. Đây là nội dung cơ bản, quan trọng trong tạo lập thế trận đánh địch nói chung, trận Chi Lăng - Xương Giang nói riêng, bởi việc bố trí lực lượng tác chiến mới là linh hồn, sức mạnh cốt lõi của thế trận. Theo đó, Lê Lợi đã tổ chức một lực lượng vừa đủ để tiếp tục vây hãm thành Đông Quan và trấn giữ ải Lê Hoa, còn lại tập trung toàn bộ lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang. Trong trận này, ta đã tổ chức thành các bộ phận chính: nghi binh lừa dụ địch; bao vây và phục binh; cơ động tiến công. v.v. Điều đáng nói là, việc bố trí lực lượng được thực hiện linh hoạt theo từng phương án tác chiến với khoảng cách hợp lý, tiện chỉ huy, hiệp đồng, chi viện, hỗ trợ nhau, phối hợp với lực lượng dân binh, thổ binh trong địa bàn, hình thành thế trận hiểm hóc, nhưng rất cơ động, chuyển hóa linh hoạt, bảo đảm vừa phân tán đánh địch rộng khắp, khi cần có thể nhanh chóng tập trung lực lượng giải quyết thắng lợi các tình huống tác chiến đột xuất.
Thực tiễn đánh địch ở ải Chi Lăng cho thấy, trước khi đạo viện binh của Liễu Thăng tiến quân, Lê Lợi đã tổ chức lực lượng thích hợp, đánh hạ toàn bộ các thành trì của giặc trên đường cơ động, trong đó có thành Xương Giang để củng cố thành “chốt chặn” vững chắc. Tiếp đó, để thực hiện phương châm: “phục binh giữ hiểm, đập gãy tiên phong”, Lê Lợi đã cho quân trấn giữ ải Pha Lũy do Trần Lựu chỉ huy làm lực lượng nghi binh dụ địch; đồng thời, điều hơn 01 vạn quân tinh nhuệ cùng 05 thớt voi, do các tướng giỏi chỉ huy (Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt,…) về đánh mai phục; bí mật triển khai lực lượng phục kích tại ải Chi Lăng đợi giặc. Sử dụng khoảng 03 vạn quân do Lê Văn An, Nguyễn Đình Lý,… chỉ huy làm lực lượng dự bị cơ động tiến công chiến lược, sẵn sàng tiếp viện và cơ động thực hiện các tình huống ngoài dự kiến. Ngoài ra, Bộ Thống soái cũng có kế hoạch sẵn sàng điều thêm quân hiện đang bao vây thành Đông Quan để tăng cường lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược giành thắng lợi. Đúng như dự đoán của ta, khi địch vượt qua biên giới đã bị ta lừa dụ, khiến lực lượng tiền vệ của chúng lọt vào trận địa phục kích tại ải Chi Lăng và nhanh chóng bị tiêu diệt. Như vậy, với tài thao lược xuất sắc, Lê Lợi cùng Bộ Thống soái Nghĩa quân đã tổ chức, bố trí triển khai lực lượng chặt chẽ, khoa học, hình thành thế trận đánh địch chủ động, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng đối phó theo cách đánh của Nghĩa quân.
Ba là, vận dụng, kết hợp linh hoạt, hiệu quả các biện pháp tác chiến, tạo thế đánh liên tục, tiêu hao dẫn đến tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Trong tác chiến, dưới một góc nhìn nhất định, việc vận dụng các biện pháp trong tác chiến cũng là mục đích cao nhất của tạo lập thế trận, nhằm đánh thắng quân địch và trận Chi Lăng - Xương Giang là một trường hợp như thế. Trong trận quyết chiến chiến lược này, Nghĩa quân Lam Sơn đã vận dụng, kết hợp, linh hoạt, hiệu quả các biện pháp tác chiến, vừa tạo ra thế trận có lợi cho ta, vừa phá thế giặc. Đây là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam mà sau này được vận dụng đem lại hiệu quả chiến đấu cao. Đó là, trận đánh trước tạo thế cho trận đánh sau; đánh bồi, đánh nhồi, đánh liên tục để tiêu hao lực lượng, đẩy địch vào thế hoàn toàn bất lợi tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ địch.
Thực tiễn trận đánh đã chứng minh, cùng với thực hiện kế sách “thanh dã” trong khu vực địch đi qua, quân ta đã quét sạch các đồn, trạm trên đường cơ động của chúng từ Lạng Sơn về Đông Quan. Đặc biệt, khi chúng bị bao vây tứ phía trên cánh đồng Xương Giang, Trần Nguyên Hãn đã chỉ huy chặn và cắt đứt hoàn toàn đường vận chuyển lương thực, thuốc men,… đẩy giặc lún sâu hơn vào thế cô lập, cùng quẫn; lương thực cạn kiệt, quân tiếp viện tại chỗ không có, dựa vào thành trì để chống đỡ cũng không. Đồng thời, ta liên tiếp tổ chức các trận đánh vào đội hình địch suốt chặng đường cơ động, làm cho lực lượng của chúng ngày càng bị thiệt hại, sức chiến đấu giảm sút nhanh chóng, buộc chúng phải co cụm toàn bộ lực lượng còn lại vào thế cô lập trên cánh đồng Xương Giang. Đây là thời cơ thuận lợi để Nghĩa quân lập thế trận bao vây kín các mặt, tập trung lực lượng chủ yếu, tạo sức mạnh vượt trội, tiến hành tổng công kích vào khu vực địch co cụm trong thế hoang mang, làm cho giặc nhanh chóng bị tiêu diệt hoàn toàn.
Như vậy, bằng việc tạo lập thế trận hiểm hóc, linh hoạt, có chiều sâu, nên chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng, Nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi cùng các tướng sĩ chỉ huy đã bẻ gãy hoàn toàn đội quân viện binh với lực lượng hùng hậu của triều đình nhà Minh. Thắng lợi trọn vẹn đó đã quyết định đến chiến thắng toàn cục trong cuộc khởi nghĩa của Nghĩa quân Lam Sơn (1418 - 1427), chấm dứt ách đô hộ của nhà Minh đối với nước ta. Nghệ thuật quân sự độc đáo đó vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, tiếp tục phát triển và vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá VƯƠNG VĂN YÊN, Trưởng ban Tổng kết Lịch sử, Bộ Tổng Tham mưu
_____________________
_____________________
1, 2 - Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam - Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Tập II, Nxb KHXH, H. 1998, tr. 275.
Moi xem. Chia se.
Trả lờiXóahttps://hanoivahanamninhvuachuaviet.blogspot.com/