Nếu như xuất thân của vua Hồ Qúy Ly đến nay vẫn còn rất mờ mịt thì chuyện ái tình chồng vợ của ông cũng không được ghi chép rõ ràng.
Đôi nét về người “để hận đến nghìn năm”
Trong bối cảnh triều Trần suy yếu, tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Qúy Ly lật đổ nhà Trần, lập ra triều Hồ, đặt quốc hiệu Đại Ngu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về xuất thân của ông như sau: “Qúy Ly tự là Lý Nguyên, suy tính rằng tổ trước là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, thời Hậu Hán Ngũ Qúy sang làm Thái thú Diến Châu, sau nhà ở hương Bào Đột châu ấy, rồi làm trại chủ... Đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến hương Đại Lại, phủ Thanh Hóa làm con nuôi quan Tuyên úy Lê Huấn, từ đấy mới đổi làm họ Lê. Qúy Ly là cháu bốn đời của Lê Liêm”.
Một số sách khác như Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nghệ An ký… cũng ghi chép tương tự như trên.
Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà ước mơ của ông thực hiện dang dở, để lại mối hận nghìn thu, như trong bài thơ của Nguyễn Trãi nói về Hồ Qúy Ly có câu: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng để hận đến nghìn năm). Cuối cùng vị vua tài ba ấy phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách, trước khi mất ông thổ lộ tâm tình xót xa của mình qua bài thơ “Cảm hoài”, trong đó có câu:Trước, trong thời gian làm vua và cả sau khi nhường ngôi để làm Thái thượng hoàng, Hồ Qúy Ly đã xúc tiến cải cách mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực giáo dục, thuế khóa, cải cách điền địa, phát hành tiền giấy,… với ước mơ xây dựng một đất nước hùng mạnh.
Cứu nước, tài hèn, thua Lý Bật,
Dời đô, kế vụng, khóc Bàn Canh.
Bình vàng đã mẻ làm sao gắn,
Đợi giá, ngọc vàng chẳng dám khinh.
Những phi tần của Hồ Qúy Ly
Theo chính sử, Trần Minh Tông có một công chúa hiệu là Huy Ninh gả cho Phó ký lang là Trần Nhân Vinh và sinh được một người con gái; khi Dương Nhật Lễ chiếm đoạt triều đình, một số tôn thất nhà Trần chống lại bị giết, trong đó có Trần Nhân Vinh.
Tháng 5 năm Tân Hợi (1371), sau khi dẹp “loạn Nhật Lễ”, Trần Nghệ Tông lên ngôi đem em gái Huy Ninh gả cho Qúy Ly. Sau này Huy Ninh sinh cho Hồ Qúy Ly hai người con là công chúa Thánh Ngẫu và Hồ Hán Thương. Hồ Qúy Ly còn nhận con riêng của Huy Ninh làm con nuôi, phong làm công chúa Hoàng Trung.
Mối tình này của Hồ Qúy Ly còn lưu truyền trong dân gian với tình tiết ly kỳ, thú vị và theo đó, Huy Ninh còn có hiệu là Nhất Chi Mai.
Tương truyền lúc hàn vi, Qúy Ly theo thuyền đi buôn bán bằng đường biển, một lần lên bờ thấy dòng chữ “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (trong cung Quảng Hàn có một cành mai) ông liền nhẩm thuộc lòng câu đó. Đến khi làm quan trong triều, một hôm cùng vua Trần đến điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua tức cảnh liền ra câu đối: - Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế.
Mọi người chưa ai đối lại thì Qúy Ly bỗng nhớ dòng chữ trên bãi biển năm xưa bèn đọc luôn ra, ai ngờ hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh. Vua rất ngạc nhiên trước sự ứng đối đó vì đúng là trong cung có một nàng công chúa hiệu là Nhất Chi Mai, sau đó Qúy Ly bèn thuật lại chuyện cũ, vua cho là duyên trời đã định bèn gả công chúa cho ông.
Theo giai thoại ở vùng Diễn Hoàng (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) có nhắc đến Bạch Y công chúa là con gái của Hồ Qúy Ly, nhưng không cho biết rõ công chúa do bà phi nào sinh ra.Ngoài công chúa Huy Ninh, Hồ Qúy Ly còn lấy vợ góa của Thượng vị hầu Trần Tông (còn gọi là Trần Tung), có một người con là Trần Đỗ, sau được làm Cung lệnh, đổi thành họ Hồ, phong làm tướng cầm quân. Sử chép rằng: “Năm Mậu Thìn (1388), mùa hạ, tháng 5, lấy Trần Đỗ làm cung lệnh. Đỗ là con Thượng vị hầu Tông, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly, cho nên có lệnh này. Sau Đỗ đổi làm họ Hồ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Còn tại xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) hiện có ngôi đền thờ bà Nguyễn Thị Dầm, một phi tần của vua Hồ được triều đại sau này sắc phong là Bảo Long Thánh Mẫu, Hoàng hậu đệ tam trinh tiết.
Tương truyền bà Dầm là một thôn nữ, xinh đẹp, một hôm đi cắt cỏ ven sông Đáy vừa làm vừa hát:
Tay cầm bán nguyệt đưa ngang,
Em là phận gái sửa sang cõi bờ.
Nửa vành trăng sáng đơn sơ,
Trăm ngàn ngọn cỏ ngẩn ngơ quy hàng.
Bấy giờ Hồ Quý Ly đang chỉ huy quân lính tập trận tại thôn Ô Cách, cách đó không xa. Tình cờ nghe tiếng hát trong trẻo, thánh thót của cô gái, lấy làm yêu mến bèn ghé thuyền lên bờ hỏi chuyện rồi cho võng kiệu đón vào cung làm vợ, sau này bà Dầm sinh được hai người con gái.
Lê Thái Dũng
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.