Cuộc vận động tân văn hóa từ Duy tân hội đến phong trào Duy tân

Nhắc đến phong trào Duy tân, nhiều người thường nhầm lẫn giữa phong trào Đông du và Duy tân, Duy tân hội, hoặc là xem trường Đông Kinh nghĩa thực như một phong trào riêng biệt. Rất cần thiết có sự phân biệt để thấy các phong trào tuy có lãnh tụ riêng, thậm chí có sự khác nhau nhất định về tôn chỉ, phương pháp hành động, nhưng tất cả đều là sự phản ảnh của một cuộc vận động cách majngtaan văn hóa lớn đầu thế kỷ của dân tộc.

Thứ nhất, Duy tân hội và phong trào Đông Du
Duy tân hội và phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng (1904 - 1909). Từ năm 1897, Phan Bội Châu cũng như nhiều sỹ phu yêu nước đã được độc Tân thư/ Đầu năm 1904, ông cùng với Cường đế và những người khác thành lập Duy Tân hội. Mục đích chính của hội là đánh đổ thực dân Pháp giành lại độc lập cho Tổ quốc. Tuy vẫn trên cơ sở tư tưởng quân chủ lập hiến, nhưng một trong những nhiệm vụ trước mắt của Duy Tân hội là chuẩn bị xuất dương cầu viện - đó là tiền lệ quan trọng của phong trào Đông du sau này.
Ngày 23-2-1905, Phan Bội Châu đã cùng Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ lên đường đến Nhật. Tại đây, cụ Phan đã gặp được Lương Khải Siêu, được khuyên nên thực sự chú trọng việc giáo dục và thức tỉnh nhân dân nước mình trước những tiến bộ của thế giới, chỉ khi nào việc này có kết quả, thì ngoại viện mới có ý nghĩa. Cụ cũng được gặp những nhân vật tiến bộ của Nhật do  Lương Khai Siêu giới thiệu. Những nhân vật này cũng khuyên Phan Bội Châu nên viết sách báo nói rõ thảm trạng của xã hội Việt Nam để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của dư luận thế giới và cổ động thanh niên Việt Nam ra nước ngoài học tập. Phan Bội Châu đã viết Việt Nam vong quốc sử, nhờ Lương Khải Siêu xuất bản, rồi đưa về nước đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong nhân dân.
Có thể nói, chuyến ra nước ngoài đầu tiên đã giúp Phan Bội Châu mở rộng tầm mắt, không bó hẹp trong hoạt động bạo động đơn thuần. Cụ đã nhận thấy muốn mở rộng cuộc vận động cách mạng, thì cùng với việc chấn hưng nền kinh tế là phải chấn hưng về văn hóa. Trước hết là phải đào tạo được đội ngũ trí thức ưu tú, bằng cách gửi người ra nước ngoài học tập.
Năm 1905, Phan Bội Châu phát động phong trào Đông du, sau đó phong trào lan rộng khắp ba kỳ Bắc, Trung, Nam. Nhiều thanh niên thông minh, hiếu học, chịu được lao khổ đã được gửi sang Nhật học. Đến năm 1908, số thanh niên du học ở Nhật lên tới 200 người. Chương trình học tập nhằm đào tạo những người có trình độ văn hóa và quân sự, để chuẩn bị cho công cuộc đánh Pháp cứu nước về sau này.
Phan Bội Châu rất coi trọng thúc đẩy việc duy tân đất nước bằng con đường văn hóa. Cụ đã cộng tác với tờ Vân Nam tạp chí, đăng hàng loạt bài trong các chuyên mục quan trọng, như: Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc thảm trạng, Ai Việt điếu Điền, Hòa lệ cống ngôn... Khi phong trào Đông du tan rã, những cơ sở cách mạng cuối cùng của Duy tân hội ở nước ngoài bị đàn áp khủng bố, tạm thời lắng xuống, Phan Bội Châu còn viết nhiều tác phẩm văn nghệ như vở tuồng Trưng Nữ Vương, và nhiều bài ca yêu nước để giáo dục nhân dân.
Thứ hai, phong trào Duy tân và Đông kinh nghĩa thục
Phong trào Duy tân (1905 - 1908) là một cuộc vận động tân văn hóa, dân quyền và dân chủ đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Các lãnh tụ của phong trào như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, vốn xuất thân từ khoa bảng, như ng lại biết quý trọng ái bọc thực nghiệm của phương Tây. Họ dám bỏ cả con đường quan lộ vinh thân phì gia để lựa chọn con đường đấu tranh nhiều chông gai, dấn thân tìm đường cứu nước. Phan Chu Trinh dù rất đau xót trước cảnh người Pháp ngược đãi người Việt Nam, nhưng quan điểm trước mắt của ông là chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà nhiệm vụ cấp bách phải Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.
Phong trào Duy tân được chuẩn bị và phát động đầu tiên ở Quảng Nam, với cuộc vận động cải cách diễn ra trên nhiều lĩnh vực, tư tưởng, kinh tế, giáo dục, văn hóa. Căn cứ và địa bàn hoạt động của phong trào rất rộng ở khắp cả ba kỳ Bắc, Trung và Nam. Ngoài các lớp học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, các hội thương, hội nông, các cuộc diễn thuyết công cộng... còn có nhiều cơ sở văn hóa được tổ chức rải rác rộng khắp.
Phan Chu Trinh rất tán thưởng chủ trương khuyến khích du học của Phan Bội Châu. Năm 1906, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh sang Nhật, cùng tham quan Khánh Ứng nghĩa thục tại Đông Kinh(Tokiô - Nhật). Cuối năm 1906, ông cùng với một số người tổ chức cuộc hợp trù bị ở làng Nội Duệ (Bắc Ninh) quyết định sẽ thành lập tại Hà Nội trường Đông Kinh nghĩa thục (Đông Kinh tên Hà Nội cũ, Nghĩa thục là trường làm việc nghĩa, tuy là trường tư nhưng không thu tiền học). Tháng 3 năm 1907, trường Đông Kinh nghĩa thục được mở tại số 4 Hàng Đào Hà Nội, do Lương Văn Cán làm thục trưởng, Nguyễn Quyền làm Giám học. Phan Chu Trinh không trực tiếp phụ trách vì phải trở về chỉ đạo phong trào ở miền Trung, ông chỉ tham gia giảng dạy. Trường chủ trương dạy các môn học về Địa lý, Lịch sử, Cách trí (Khoa học thường thức), Vệ sinh, Toán pháp, Luân lý, Thể thao... Chương trình được soạn theo mục đích tuyên truyền đổi mới.
Như vậy, Đông Kinh nghĩa thục không phải là một phong trào riêng biệt, mà chỉ là sự phát triển của phong trào Duy Tân, được áp dụng ở những địa điểm khác nhau, một ở thành phố lớn, một ở tỉnh lẻ.
Đến phong trào Duy Tân, thì cuộc vận động tân văn hóa của dân tộc đầu thế kỷ được diễn ra khá toàn diện, từ tư tưởng, ngôn ngữ, văn học đến lối sống... Sau đây là những nét chủ yếu:
a/ Khởi xướng tư tưởng dân chủ, dân quyền.
Các nhà duy tân chhurtruowng đã phá quan niệm cũ về sự tồn tại của xã hội theo thuyết "thiên mệnh" (sách Quốc dân độc bản). Thay vào đó là tư tưởng về một quốc gia, dân tộc, công bằng, khế ước xã hội - với những vấn đề như việc thiết lập một chính thể có sự phân quyền, có nền móng dân chủ, vấn đề quyền tự do cá nhân. Sự vận động văn hóa được thể hiện trong đời sống chính trị nước nhà lúc bấy giờ, như một nhà nghiên cứu đã nhận xét: "Về phương diện này chúng ta phải công nhận đây là một ngã rẽ cực kì quan trọng trong tư tưởng của các sĩ phu thời bấy giờ. Nó mang tính chất cách mạng. Quần chúng và chính các chiến sỹ của họ gọi là phong trào Duy Tân, nó có vũ xã hội đi tới một tư tưởng mới, học thuyết mới, phủ nhận học thuyết cũ đã ăn sâu vào tư tưởng của quần chúng nhân dân".
b/ Đề cao việc học chữ Quốc ngữ và phát triển nền giáo dục mới.
Trước tình hình mới, các sỹ phu yêu nước không còn nhìn chữ Quốc ngữ gắn liền với hành động xâm lược của Thực dân như trước, mà đã nhận thức được tính thuận lợi của nó so với chữ Nôm, nên hô hào việc học chữ Quốc ngữ ở đây là gắn liền với học thuật mới, với tiến bộ của dân tộc trên con đường độc lập văn minh. Sự ra đời và lớn mạnh của chữ Quốc ngữ không những lá cội rễ chính để cho văn học, báo chí nước nhà bắt đầu phát triển một cách đích thực, mà còn là cơ sở để phát động phong trào Duy Tân trên một bình diện rộng hơn.
Cùng với việc học Chữ Quốc ngữ, phê phán lối học cũ, là việc mở trường dạy học để mở mang dân trí/ Trường học được tổ chức có quy mô ở khắp cả ba kỳ, dạy chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, toán, lịch sử và địa lý Việt Nam, các kiến thức về khoa học tự nhiên, giáo dục thể chất... Mục đích của trường là nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ cho quần chúng, ngoài ra còn truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống mới, văn minh tiến bộ.
Đánh giá về quan điểm giáo dục do phong trào Duy Tân khởi xướng, các nhà nghiên cứu cho rằng "chủ trương của Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng nói riêng và phong trào Duy Tân nói chung, có những điểm xuất sắc hơn cả nhà Duy Tân Trung Quốc đương thời".
c/ Phát triển báo chí và văn học
Cuộc vận động tân văn hóa đầu thế kỷ đã đưa tiếng Việt bước lên văn đàn thay cho chữ Hán và chữ Nôm, tạo điều kiện cho báo chí, văn học ở nước ta bước đầu phát triển. Có sự đấu tranh gay gắt giữa một nền báo chí thực dân và nô dịch với một nền báo chí yêu nước và cách mạng. Những hoạt động báo chí trong phong trào Duy Tân là sự chuyển mình từ nền báo chí nô dịch sang nền báo chí dân tộc, là cơ quan ngôn luận góp phần xây dựng nền văn học nước nhà theo hướng mới. Chúng ta có thể nhắc tới những tờ báo tiêu biểu củ thời kỳ này, như các tờ Mông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Đăng Cổ Tùng Báo, Đại Việt Tân Báo.
Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí nước nhà, đông đảo quần chúng đã tham gia tích cực trên mặt trận này để cổ vũ cho phong trào Duy Tân, chống lại chính quyền thuộc địa, chống lại mọi sự nô dịch về kinh tế và văn hóa. Trong giai đoạn này không có mấy tác phẩm văn học ra đời mà không đăng báo trước rồi sau mới in thành sách. Báo chí đã nuôi dưỡng một phong trào thơ ca rầm rộ cổ vũ lòng yêu nước, tự hào dân tộc/ Tuy nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng đã cố súy cho một nền báo chí dân tộc gắn với nội dung yêu nước và quyền lợi của người lao động/ Sự đổi mới này làm tiền đềcho việc ra đời các báo, tạp chí giai đoạn về sau.
d/ Phê phán phong tục cổ hủ lạc hậu, giáo dục lối sống mới
Đây là một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động tân văn hóa. Cùng với lối học mới, là sự thay đổi về lối sống, nhiều buổi bình thơ, bình văn được tổ chức thu hút sự chú ý của mọi người: "Buổi diễn thuyết người đông như hội. Kì bình văn khách đến như mưa". Các nhà Duy Tan còn cổ vũ cho sự cách tân lối ăn mặc, đầu tóc. Những bộ đồ Tây ngắn gon với thất lưng, đầu tóc được hớt ngắn thay cho búi tóc củ hành... được coi như dấu hiệu của lòng yêu nước, chí tiến thủ.
Như vậy các phong trào yêu nước Duy Tân hội đến phong trào Duy Tân (1903 - 1908) - thực chất là một cuộc vận động tân văn hóa lớn của dân tộc đầu thế kỷ XX.
Ý NGHĨA
Chúng ta đang bước vào một cuộc hội nhập lần thứ hai trong lịch sử, lần thứ nhất là cuộc đổ bộ của những "giá trị Trung Hoa". Cuộc chuyển động hội nhập của dân tộc được thế hệ các nhà Duy tân đặt nền móng từ đầu thế kỷ XX. Có thể nói từ Duy Tân hội đến phong trào Đông Du là một cuộc vận động văn hóa lớn của dân tộc ta đầu thế kỷ. Cuộc vận động văn hóa đã để lại nhiều ý nghĩa sâu sắc:
Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, đời sống tinh thần xã hội có sự hướng ra hội nhập với "thế giới ngoài Trung Hoa".
Tính đến thời điểm ấy, các sỹ phu yêu nước tiến bộ đã công khai tuyên chiến với hệ tư tưởng Nho giáo ngự trị trên đất nước ta hàng ngàn năm, vạch trần tính chất tiêu cực nghiêm trọng của nó một cách toàn diện, góp phần cởi bỏ mối dây ràng buộc tinh thần của các tầng lớp xã hội với một hệ tư tưởng đã lỗi thời, đón những hệ tư tưởng mới tiến bộ hơn từ phương Tây truyền vào, để đáp ứng những yêu cầu đặt ra của đất nước: đánh Pháp giành độc lập, phát triển đất nước. Việc làm đó có một ý nghĩa hết sức quan trọng vì nó "đã gieo mầm cho sự đổi mới về tư duy, bước đầu tẩy rửa sự hoẹn rỉ về tư tưởng, hệ quả của nền Nho học giáo điều và xơ cứng, dọn đường cho một nếp tư duy đúng đắn cập nhật".
Thái hai, ý thức được vai trò của văn hóa với sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc.
Mục đích của cuộc cách mạng tân văn hóa là hướng tới một xã hội dân chủ, dân quyền. Văn hóa phải nhằm nâng cao dân trí, phát triển những con người có ý thức mới về quyền dân, quyền nước đang sống trong một xã hội bị hai tầng áp bức. Muốn mở rộng cuộc vận động cách mạng thì cùng với chấn hưng kinh tế, là phải đẩy mạnh chấn hưng văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần để đổi mới đất nước. Các hoạt động chủ yếu của Duy Tân hội và Phong trào Đông Du, hay Phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục đều chú trọng canh tân toàn diện văn hóa.
Thứ ba, đặt nền móng cho sự phát triển một nền giáo dục mới
Với việc dùng chữ Quốc ngữ và coi đó là chữ viết chính thức của nước nhà, đã có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần, là cội rễ chính của kết quả sang tạo văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam đầu thế kỷ. Chính sự đổi mới trong tiến trình tân văn học này, đã đóng góp đắc lực vào cuộc vận động, phát động phong trào Duy Tân trên bình diện rộng hơn, là văn hóa. Phát triển giáo dục được coi là nền tảng, là động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Thứ tư, xuất hiện hình ảnh mới về những nhân cách văn hóa.
Đó là tầng lớp trí thức Nho học thức thời, tuy xuất thân từ khoa bảng nhưng lại biết quý trọng cái học thực nghiệm của phương Tây, hướng đến "Thế giới ngoài Trung Hoa", trăn trở quyết tâm cứu nước bằng con đường tự cường dân tộc. Nếu như các nhà tiền Duy Tân xuất hiện trên sinh hoạt văn hóa nước nhà như một hiện tượng "độc đặc", có một không hai của lịch sử văn hóa Việt Nam, thì các nhân vật Duy Tân là những chiến sỹ xuất sắc trong thực hành cách tân đất nước đầu thế kỷ.
Thứ năm, bài học về sự giao lưu tiếp biến văn hóa.
Đối với Việt Nam, những cuộc giao lưu văn hóa lớn thường gắn với những cuộc tiếp biến về chính trị trong lịch sử dân tộc. Chính vì vậy mà trong giao lưu văn hóa Việt Nam với thế giới trong lịch sử thường đối với chúng ta là bị áp đặt văn hóa. Điều đó bao giờ cũng đặt văn hóa dân tộc trước những thời cơ và thách thức: có thể bị đồng hóa, nhưng cũng có cơ hội để tiếp nhận những giá trị của các nền văn hóa khác.
Trong khi văn hóa Việt Nam, do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo cùng với cái học vô dụng, đã tỏ ra lỗi thời, thì văn hóa văn minh phương Tây cùng với cái học thực dụng, đã tỏ ra ưu trội hơn về mọi mặt. Với quyết tâm đổi mới nền giáo dục . Cuộc vận động văn hóa đầu thế kỷ đã thực hành được triết lý giáo dục mới "thực học và thực nghiệp", đặt nền móng cho sự phát triển giáo dục của nước nhà. Với quan điểm đó, phong trào đã chú trọng việc tiếp nhận nền văn minh văn hóa của các nước trong khu vực và Phương tây, phát triển khoa học, kỹ thuật, kinh tế thương mại, kể cả lối sống... nhằm tạo tiền ddeeff cho nước nhà vươn lên kjp các nước tiên tiến.
Thứ sáu, bài học gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa.
Ta trân trọng điều này vì trước thế kỷ XX ở Việt Nam, văn hóa nông nghiệp đậm nét, tính cộng đồng, tự trị, lại có truyền thống khinh rẻ nghề buôn. Trong thời phong kiến, Việt Nam chỉ thiên về việc phát triển các giá trị văn hóa tinh thần mà coi thường các giá trị vật chất, dù nó là yếu tố quan trọng duy trì đời sống xã hội. Nhưng đến phong trào Duy Tân, các nhà Nho tiến bộ đã phát động phong trào phát triển văn hóa đi kèm với phát triển kinh tế. Các nhà duy tân đã ý thức được rằng văn hóa là yếu tố tinh thần, và nó đạt đến trình độ phát triển cao nhất khi nó có điểm tựa vững chắc từ yếu tố vật chất là kinh tế. Họ đã thành lập các công ty, các hội... để làm cơ sở cho các hoạt động văn hóa. Ngược lại, phát triển văn hóa là nhằm nâng cao dân trí, cách thức làm ăn cho dân chúng. Những việc làm trên đã đem lại kết quả thành công nhất định, xã hội có sự thay đổi cả về đời sống vật chất và tinh thần theo hướng tiến bộ hơn.
Sự xuất hiện của cuộc vận động tân văn hóa đầu thế kỷ XX ở Việt Nam là tất yếu lịch sử. Cuộc vận động đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tiến trình phát triển của dân tộc. Từ góc độ lịch sử, đây là cuộc đấu tranh không khoan nhượng của dân ta với thực dân Pháp , từ góc độ văn hóa, đây là sự khởi đầu cuộc cách mạng tân văn hóa dân tộc Việt Nam trong suốt hơn một thế kỷ qua, để hội nhập với thế giới và khu vực phát triển ngày hôm nay.

Trích từ TS. Nguyễn Thị Hương, Cuộc vận động tân văn hóa ở Việt Nam đầu thế kỷ XX in trong TS. Đỗ Thị Minh Thúy và TS. Nguyễn Hồng Sơn (Đồng chủ biên), Phong trào Duy Tân với sự chuyển biến của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX, Từ điển Bách Khoa & Viện Văn Hóa, Hà Nội, 2010, tr.85-95

Nhận xét