Trong tiến trình lịch sử của đất nước
Việt Nam từ 1858 – 1896, thực dân Pháp đã thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm
lược và đặt ách đô hộ lên đất nước ta. Không chấp nhận phải chịu sự thống trị của
Pháp nên những cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp ở Việt Nam trong những năm
cuối thế kỷ XIX vẫn liên tục được dấy lên để giành lại chủ quyền dân tộc và nền
độc lập bị mất. Các phong trào, các cuộc khởi nghĩa diễn ra trên quy mô rộng lớn,
số lượng tham gia đông đảo chủ yếu là nông dân, sĩ phu yêu nước,… và trong đó
tiêu biểu là phong trào Cần Vương.
Phong trào Cần Vương là cả một triều
đình kháng chiến được hình thành do vua Hàm Nghi và Bộ binh Thượng thư Tôn Thất
Thuyết đã cố gắng phất lên lá cờ “Cần Vương” chống xâm lược. Ngày 13/7/1885 tại
miền sơn phòng Tân Sở, Hàm Nghi – Tôn Thất Thuyết ra chiếu Cần Vương lần thứ nhất,
kêu gọi sĩ dân trong nước tề tựu cần vương chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày
20/9/1885, Hàm Nghi – Tôn Thất Thuyết hạ chiếu Cần Vương lần thứ hai, kêu gọi
sĩ phu, văn thân, nhân dân cả nước phò vua cứu nước. Các “Chiếu Cần Vương” đã tạo
ra danh chính ngôn thuận cho sĩ dân trong nước đứng lên kháng chiến. Vì vậy,
phong trào Cần Vương được chia thành hai giai đoạn phát triển.
Giai đoạn thứ nhất (1885 –
1888), phong trào được đặt dưới sự chỉ
huy của Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, với hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ nổ
ra trên phạm vi rộng lớn, nhất là Bắc Kì và Trung Kì. Tiêu biểu là cuộc khởi
nghĩa của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, cùng nổi dậy có Bùi Điển, Nguyễn Đức Nhuận,
Đào Doãn Địch, Nguyễn Duy Cung…,;Trần Văn Dự, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Thanh Phiến
nổi lên ở Quảng Nam; Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân nổi dậy ở Quảng Ngãi; Trương
Đình Hội, Nguyễn Tự Như ở Quảng Trị; Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình; Lê
Ninh, Phan Đình Phùng, Cao Thắng ở Hà Tĩnh; Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ ở Nghệ
An. Tại Thanh Hóa có các đội nghĩa quân của Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tống
Duy Tân, Cao Điển…Vùng đồng bằng Bắc Kì có khởi nghĩa của Tạ Hiện (Thái Bình),
Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên). Tại vùng Lạng Sơn, Bắc Giang có khởi nghĩa của
Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh); vùng Tây Bắc có các phong trào của Nguyễn Quang
Bích, Nguyễn Văn Giáp, Đề Kiều, Đốc Ngữ, Đèo Văn Thanh, Cầm Văn Toa… Lúc này,
đi theo Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết có nhiều văn thân, sĩ phu và tướng lĩnh
khác như: Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Đàm, Tôn Thất Thiệp (2 con của Tôn Thất Thuyết),
Phạm Tường, Trần Văn Định….Bộ chỉ huy của phong trào đóng tại vùng rừng núi
phía tây hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cuối năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt,
giai đoạn thứ nhất kết thúc.
Giai đoạn thứ 2 (1888-1896), tuy
không còn sự lãnh đạo thống nhất của triều đình nhưng phong trào Cần Vương vẫn
tiếp tục phát triển, quy tụ thành những cuộc khởi nghĩa lớn, có trình độ, tổ chức
cao hơn và duy trì cuộc kháng chiến chống Pháp trong nhiều năm. Trước những cuộc
hành quân càn quét dự dội của thực dân Pháp, phong trào ở vùng đồng bằng ngày
càng bị thu hẹp và chuyển lên hoạt động ở vùng trung du và miền núi. Tiêu biểu
là cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân và Cao Điển chỉ huy ở vùng rừng núi
phía tây tỉnh Thanh Hóa, khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng và Cao Thắng
lãnh đạo ở vùng rừng núi phía tây tỉnh Hà Tĩnh.
Trong cả hai giai đoạn của phong
trào Cần Vương, có cả một lớp sĩ phu văn thân yêu nước đứng về phía nhân dân tụ
nghĩa đánh giặc cứu nước cùng với lớp lớp nhân dân ở các nơi từ đồng bằng Bắc bộ
vào đến Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ, đứng lên chiến đấu dưới sự lãnh đạo của
các văn thân sĩ phu yêu nước. Tiêu biểu là: khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên
(1883- 1892) của Nguyễn Thiện Thuật; khởi nghĩa Ba Đình ở Thanh Hóa (1886-1887)
của Phạm Bành và Đinh Công Tráng; khởi nghĩa Hùng Lĩnh ở Thanh Hóa (1887-1892)
của Tống Duy Tân và Cao Điền; khởi nghĩa Hương Khê ở Hà Tĩnh (1885-1895) của
Phan Đình Phùng và Cao Thắng.
Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên (1883-1892) là cuộc khởi nghĩa tiêu
biểu của nhân dân đồng bằng Bắc Kỳ. Bãi Sậy là vùng lau sậy rậm rạp thuộc các
huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mĩ của tỉnh Hưng Yên. Trong những năm
1883-885, tại đây có phong trào kháng
Pháp do Đinh Gia Quế lãnh đạo. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân chỉ hạn chế
trong vùng Bãi Sậy. Từ năm 1885, vai trò lãnh đạo thuộc về Nguyễn Thiện Thuật.
Dựa vào vùng đầm, hồ, lau lách ở khu Bãi Sậy, nghĩa quân đào hào, đắp lũy, đặt
nhiều hầm chông, cạm bẫy. Từ đây, nghĩa quân tỏa ra hoạt động ở vùng đồng bằng,
khống chế các tuyến đường giao thông đường bộ Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Nam Định,
Hà Nội-Bắc Ninh và đường thủy trên sông Thái Bình, sông Hồng, sông Đuống… Nghĩa
quân Bãi Sậy không tổ chức thành những đội quân lớn mà phiên chế thành những đội
quân nhỏ khoảng từ 20 đến 25 người, trang bị vũ khí và trà trộn vào dân để hoạt
động. Từ năm 1885 đến cuối năm 1887, nghĩa quân đấy lùi nhiều cuộc càn quét của
Pháp ở cả ba vùng Văn Giang, Khoái Châu và vùng căn cứ Hai Sông. Nhiều trận
đánh ác liệt diễn ra trên địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái
Bình, Quảng Yên. Có trận, quân ta tiêu diệt tới 40 tên địch, bắt sống chỉ huy.
Từ năm 1888, nghĩa quân bước vào giai đoạn chiến đấu quyết liệt. Thực dân Pháp
tăng cường binh lực, cho xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc và thực hiện chính
sách “ dùng người Việt trị người Việt” để cô lập nghĩa quân ở căn cứ Bãi Sậy.
Nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm, nhưng lực lượng ngày càng giảm sút và rơi dần
vào thế bao vây, cô lập. Cuối cùng, Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Trung Quốc
(7-1889) và mất tại đó vào năm 1926. Cuối tháng 7-1889, căn cứ Hai Sông cũng bị
Pháp bao vây. Đốc Tít chỉ huy nghĩa quân chống trả quyết liệt, nhưng bị đánh bật
khỏi đại bản doanh Trại Sơn. Trong thế cùng, ông phải ra hàng giặc (12-8-1889),
sau bị chúng đày sang An-giê-ri. Những tướng lĩnh còn lại cố duy trì cuộc khởi
nghĩa thêm một thời gian. Đến năm 1892, họ về với nghĩa quân Đề Thám ở Yên Thế.
Cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887)
được xây dựng ở ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mĩ Khê (thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh
Thanh Hóa), do Phạm Bành và Đinh Công Tráng chỉ huy. Tại đây, nghĩa quân đã xây
dựng một căn cứ chống Pháp vững chắc. Bao bọc xung quanh căn cứ là lũy tre dày
đặc và một hệ thống hào rộng, rồi đến lớp thành đất cao đến 3 mét, chân thành rộng
từ 8 mét đến 10 mét, trên thành có các lỗ châu mai. Phía trong thành có hệ thống
giao thông hào dùng để vận động và tiếp tế khi chiến đấu. Ở những nơi xung yếu
đều có công sự vững chắc. Các ngôi đình của ba làng được biến thành các chốt
đóng quân, nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào, có thể hỗ trợ nhau. Ngoài
Ba Đình là căn cứ chính, còn có một số căn cứ hỗ trợ ngoại vi như Phi Lại, Quảng
Hóa, Mã Cao…do Cao Điển, Trấn Xuân Soạn, Hà Văn Mao đứng đầu; trong đó căn cứ
Mã Cao có tầm quan trọng đặc biệt, là nơi nghĩa quân rút về đóng giữ khi căn cứ
Ba Đình bị phá vỡ. Nghĩa quân Ba Đình có khoảng 300 người, bao gồm cả người
Kinh, người Thái, người Mường. Họ tự trang bị các loại vũ khí thông thường như:
súng hỏa mai, gươm, giáo, cung, nỏ. Đông đảo nhân dân địa phương tham gia vào
các đội vận chuyển lương thực, nuôi quân, tải thương…Hoạt động chủ yếu của
nghĩa quân là chặn đánh các đoàn xe tải của địch và tập kích các toán lính trên
đường hành quân. Để đối phó lại, tháng 12-1886, thực dân Pháp tập trung 500
quân, mở cuộc tấn công vào căn cứ Ba Đình, nhưng thất bại. Ngày 6-1-1887, Pháp
lại huy động khoảng 2 500 quân, dưới sự chỉ huy của Đại ta Brít-xô, có pháo
binh yểm trợ, bao vây căn cứ, rồi lấn dần từng bước. Cuộc chiến đấu diễn ra ác
liệt. Cả hai đều bị thương vong rất nhiều. Quân Pháp dùng vòi rồng phun dầu đốt
cháy các lũy tre, cùng lúc tập trung đại bác bắn dồn dập vào căn cứ. Trước sức
mạnh áp đảo của giặc, lực lượng nghĩa quân bị tiêu hao rất nhiều.Đêm 20-1-1887,
họ phải mở đường rút lên Mã Cao. Sáng 21-1, chiếm được căn cứ, thực dân Pháp
điên cuồng đốt phá và sau đó ra lệnh xóa tên ba làng Thượng Thọ , Mậu Thịnh, Mĩ
Khê trên bản đồ hành chính. Nghĩa quân rút về Ma Cao, cầm cự được một thời
gain, rồi bị đẩy lên miền Tây Thanh Hóa và sát nhập với đội nghĩa quân của Cầm
Bá Thước. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân đã hi sinh như Nguyễn Khế, Hoàng Bật
Đạt; người phải chạy sang Trung Quốc như Trần Xuân Soạn; người phải tự sát như
Phạm Bành, Hà Văn Mao, Đinh Công Tráng thoát khỏi tay giặc và tiếp tục gây dựng
lại phong trào. Nhưng đến mùa hè năm 1887, ông cũng bị giặc Pháp bắt và giết hại.
Đến đây, khởi nghĩa Ba Đình hoàn toàn tan rã.
Cuộc khởi nghĩa Hương Khê
(1885-1896) do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo. Đây được xem là cuộc khởi
nghĩa đỉnh cao nhất trong phong trào Cần Vương vì Hương Khê là một huyện miền
núi phía tây tỉnh Hà Tĩnh, nơi đây có đại bản doanh của một cuộc khởi nghĩa lớn,
quy mô lan rộng cả 4 tỉnh Bắc Trung Kì, kéo dài từ năm 1885 đến năm 1896. Từ
năm 1885 đến năm 1888 là giai đoạn chuẩn bị lực lượng, xây dựng cơ sở chiến đấu
của nghĩa quân. Được Phan Đình Phùng giao nhiệm vụ, Cao Thắng đã tích cực chiêu
tập binh sĩ, trang bị, huấn luyện và xây dựng căn cứ thuộc rừng núi các tỉnh
Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ông đã cùng các thợ rèn làng Trung
Lương và Vân Chàng (Đức Thọ) nghiên cứu chế tạo thành công súng trường theo mẫu của
Pháp. Từ năm 1888 đến năm 1896, nghĩa quân bước vào giai đoạn chiến đấu quyết
liệt. Sau một thời gian ra Bắc, tìm cách liên lạc với các sĩ phu, văn thân,
Phan Đình Phùng trở về Hà Tĩnh, cùng Cao Thắng trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi
nghĩa. Nghĩa quân Hương Khê được chế thành 15 quân thứ, đặt dưới sự chỉ huy của
những tướng lĩnh tài ba. Đại bản doanh cuộc khởi nghĩa đặt tại núi Vụ Quang. Từ
đầu năm 1889, nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động và liên tục mở các cuộc tập kích, đẩy
lui cuộc hành quân càn quét của địch. Nhiều trận đánh nổi tiếng đã diễn ra, như
trận tấn công đồn Trường Lưu (5-1890), trận tập kích thị xã Hà Tĩnh (8-1892) giải
phóng 700 tù chính trị,…Nhưng trong trận tấn công đồn Nu (Thanh Chương) trên đường
tiến quân về tỉnh lị Nghệ An, Cao Thắng đã bị trúng đạn và hi sinh năm 29 tuổi.
Đây là một tổn thất lớn của nghĩa quân. Trước sức mạnh áp đảo của giặc, nghĩa
quân vẫn kiên trì chiến đấu. Ngày 17-10-1894, họ giành được thắng lợi lớn trong
trận phục kích địch ở núi Vụ Quang, hàng chục tên giặc đã bị tiêu diệt. Sau trận
đánh này, đội quân tay sai của Pháp do Nguyễn Thân chỉ huy tiếp tục tổ chức cuộc
vây hãm núi Vụ Quang. Nghĩa quân bị triệt đường kế tiếp, quân số giảm sút nhiều.
Trong một trận ác chiến, Phan Đình Phùng bị thương nặng và hi sinh ngày
28-12-1895. Năm 1896, những thủ lĩnh cuối cùng của cuộc khởi nghĩa lần lượt rơi
vào tay Pháp.
Mặc dù có nhiều cuộc khởi nghĩa diễn
ra khắp cả nước nhằm chống Pháp nhưng phong trào Cần Vương ở cả hai giai đoạn vẫn
không khắc phục tình trạng lẻ tẻ, địa phương thiếu sự liên kết và chỉ đạo thống
nhất. Do đó, các cuộc khởi nghĩa lần lượt thất bại dẫn đến phong trào Cần Vương
kết thúc vào năm 1896.
Tài
liệu kham khảo:
- Hà
Minh Hồng, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1858-1875), ĐHQG TPHCM
- Nguyễn
Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, Văn học HCM
- Đinh
Xuân Lâm, Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
-----------------
T.T.T.L
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.