Tư duy “hướng biển” vốn được hình thành từ thời chúa Nguyễn, cụ thể là khi nhà Nguyễn tiến hành cuộc Nam tiến, gây dựng thế lực ở Hoành Sơn. Tuy nhiên nó chỉ mới là điểm phát khởi. Đến thời Gia Long, ông có cuộc đời gắn liền với biển, tháng ngày lênh đênh trên biển trốn chạy khỏi sự truy đuổi ráo riết khỏi nhà Tây Sơn. Hơn ai hết Gia Long là người nhận thức được vị trí của biển đảo về quan sự trong hệ thống phòng thủ đất nước. Hơn thế, đến thế kỷ XIX, ngay khi lên ngôi, Gia Long tiến hành xác lập quyền lực trên toàn lãnh thổ nên vấn đề biển đảo rất được quan tâm, bên cạnh đó, do tiếp xúc nhiều với phương Tây nên tư duy về biển của ông khá tiến bộ so với các vị vua trước đó.
|
Trong giai đoạn này, sự phát triển ồ ạt của chủ nghĩa tư bản khiến họ tranh giành thị trường, xâm lược nhiều nơi khiến nhà Nguyễn lo sợ, đặc biệt giữa vua Gia Long và phương Tây trước đó đã có hiềm khích với nhau nên trong mắt nhà Nguyễn mối đe dọa trên biển từ phương Tây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của đất nước. Vì thế, triều đình tiến hành xây dựng nhiều hệ thống phòng thủ, thành lập các đội thủy quân,… để giữ gìn an ninh trên biển, phòng chống hay kiểm soát các thuyền buôn phương Tây. Bên cạnh đó, vấn đề giao thương Đông-Tây phát triển rất mạnh. Do nằm ở vị trí đắt địa nên Việt Nam thường xuyên được các tàu buôn phương Tây đến giao lưu, buôn bán. Tài nguyên khoáng sản trên biển, đảo rất lớn. Mỗi năm triều đình nhận được nguồn lợi từ việc thu thuế thuyền buôn, khai thác khoáng sản là rất lớn. Hơn thế, chính nhờ vào sự giao lưu, buôn bán đã thúc đẩy các ngành kinh tế nước ta phát triển nhanh chóng. Nhìn thấy được lợi ích đó, nên thời vua Gia Long, Minh Mạng đã chú trọng, dần hình thành nhận thức về vai trò của biển đảo. Tuy nhiên, về sau do căn bệnh “lo sợ phương Tây”, nhà Nguyễn thực hiện chính sách “đóng cửa” khiến thương nghiệp biển nước ta bị đình đốn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt gây ra họa “mất nước” đau thương cho dân tộc Việt Nam.
Biển đảo Việt Nam được khai thác rất sớm. Từ thời chúa Nguyễn đã nhận thức được nguồn lợi về khai thác khoáng vật trên biển và các đảo cũng như tầm quan trọng mà thương nghiệp biển mang lại cho nền kinh tế quốc gia nên từ giai đoạn này, vấn đề khai thác, thương nghiệp biển đã được chú trọng và phát triển.
Đến thời vua Gia Long, tiếp tục phát huy tư duy biển đã cho tiến hành khai thác tài nguyên, hải sản, khoáng vật,… Bên cạnh đó còn có các hoạt động thương mại trên biển, triều đình thu lợi thông qua việc đóng thuế. Thời này, triều đình chưa chú trọng phát triển kinh tế biển đảo, chủ yếu chỉ khai thác, mọi hoạt động trên biển của triều đình chủ yếu đáp ứng yêu cầu an ninh, chính trị, nên nếu so với kinh tế thì quân sự trên biển trong giai đoạn này phát triển hơn.
Khi Gia Long lên ngôi, thương nghiệp không còn phát triển mạnh mẽ như thời chúa Nguyễn. Tuy nhiên với vị thế chiến lược của mình, Việt Nam thu hút rất nhiều tàu buôn nước ngoài. Điều này đã tạo động lực rất lớn để Việt Nam phát triển kinh tế, thu lợi trực tiếp thông qua thuế khóa. Để kiểm soát thuyền buôn nước ngoài, năm 1804, “Vua Gia Long đặt ra Ty tào chính gồm Bắc Tào và Nam Tào. Cơ quan này có nhiệm vụ kiểm tra lộ trình và ngạch thuế các loại thuyền buôn nước ngoài đến Kinh đô, Quảng Nam và Gia Định. Cơ quan này giám sát các địa phương coi tàu và thu thuế ngoại thương”[1]. Các tàu buôn nước ngoài đến buôn bán ở nước ta thường bị đánh thuế rất cao, tùy theo xuất xứ của các loại thuyền. Ngoài thuế, các tàu thyền nước ngoài còn phải thực hiện các tập tục (nghi lễ dâng vua, lễ cho cai tàu,…) theo quy định của triều đìnhĐến thời vua Minh Mạng , tiếp tục phát triển vấn đề này, số tiền thuế thu từ các thuyền buôn này về cho triều đình mỗi năm là không hề nhỏ. “Năm 1825, có tất cả 40 tàu thuyền đến Việt Nam gồm 38 tàu thuyền Trung Quốc và hai tàu Pháp. Từ tháng 10 năm Giáp Thân (1824) đến hết tháng 10 năm Ất Dậu (1825) có 22 thuyền đến Bắc Thành và tiền thu thuế được là: Thuế cảng là 16.969 quan 6 tiền; thuế hàng hóa là 1.879 quan 1 tiền 41 đồng. Cộng 18.848 quan 1 tiền 41 đồng”[2].
Thuế hải quan nhà Nguyễn quy định: “Thuế nhập cảng: căn cứ vào chiều ngang của tàu thuyền mà đánh thuế, mức thuế khác nhau đối với từng hải cảng, xuất xứ của tàu. Thuế hàng hóa: Đánh vào các mặt hàng xuất nhập cảng. Ví như thuế xuất nhập cảng là 5% giá hàng, ván gỗ đóng thuế là 10%. Nhà nước cấm xuất khẩu vàng, bạc, tiền đồng, gạo, và một số hương liệu, lâm sản quý khác,… Việc đánh thuế cảng, triều Nguyễn đặc biệt giảm nhẹ thuế cho thuyền buôn nước Thanh và đánh mạnh thuyền buôn phương Tây”[3].
Về giao thông, vận tải trên biển thì thời này dùng biển chủ yếu để vận chuyển các sản vật từ địa phương này sang địa phương khác, đi tiến cống, đưa sản vật về để phục vụ triều đình. Vấn đề này được nhà nước kiểm soát khá nghiêm ngặt, trang bị vũ khí cho những thuyền vận tải ra biển, cho các đội tuần tra đảm bảo an toàn cho các thuyền vận tải, nghiêm trị các hành vi trốn vận tải, gặp nạn nhưng chỉ lo cho mạng sống bản thân,…Với việc định kinh thành là tại Huế, việc vận chuyển lúa gạo, sản vật từ các tỉnh thành phía Nam về Kinh thành nếu đi đường bộ thì rất khó khăn, đi đường biển là một tính toán tốt nhất. Các thuyền công sai làm nhiệm vụ chở lúa gạo, sản vật về tới Kinh thành. Hằng năm cứ trời thuận gió, các thuyền công sai đồng loạt ra biển, bên cạnh việc vận tải thì các thuyền công sai còn làm nhiệm vụ tuần dương, bảo vệ an ninh biển khỏi nạn cướp biển. Nhìn chung ta cũng nhìn thấy được biển đóng một vai trò quan trọng, nó là tuyến giao thông tốt nhất để chở một lượng lớn lúa gạo, sản vật về tới Kinh thành. Vạn tải biển mang lại nhiều lợi ích giá trị cho nhà nước phong kiến, tuyến đường biển chuyên chở những sản vật, hóa vật, lúa gạo, nhu thiết yếu cho quân đội,... về tới Kinh thành giao nộp cho Triều đình. Giao thông vận tải trên biển là một hoạt động gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều tai nạn bất thường xảy ra, do vậy để khuyến khích tinh thần của quân dân và để giữ vững kỷ cương Nhà nước, triều Nguyễn rất chú trọng việc thưởng phạt nghiêm minh.
Thời Gia Long, Minh Mạng, do chính sách “bế quan tỏa cảng”, dè dặt với người nước ngoài nên thương nghiệp thời này nhìn chung không phát triển, bị kìm hãm. Nhận thức về vai trò thương mại biển của triều đình chưa cao, nhìn chung chỉ cố gắn quản lý kinh tế trên biển đảo nhằm giữ vững an ninh, chính trị. Tư duy về thương mại trên biển đảo chỉ mới sơ khai, chưa rõ ràng và chưa thực sự đánh giá đúng vai trò của thương nghiệp biển. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, triều đình đã rất tiến bộ khi áp dụng an ninh với kinh tế. Thương mại biển được sử dụng linh hoạt, thu lợi về kinh tế, bên cạnh đó lại rà soát được an ninh trên biển. Đây là một nét khôn ngoan trong chính sách biển đảo của triều đình trong giai đoạn này.
Về khai thác tài nguyên khoáng vật trên biển đảo. Tuy các chính sách khai thác do triều đình tổ chức hầu như không có, nhưng nguồn lợi mà biển đảo đem lại cho nền kinh tế nước ta là không hề nhỏ, tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Giá trị lớn nhất của biển đảo đem lại trong giai đoạn này là nguồn hải sản, giữ vai trò hàng đầu trong đời sống của các ngư dân. Triều đình trong giai đoạn này đã nhận thức được điều này và xem việc khai thác hải sản giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nó chỉ là các hình thức đánh bắt ven bờ, bước đầu hình thành đánh bắt xa bờ. Nhìn chung là phát triển sôi nổi, kéo theo đó là sự phát triển của ngành nghề làm muối, đóng thuyền,…triều đình hưởng lợi thông qua thu thuế. Không chỉ hải sản, sản vật trên biển giữ vai trò rất quan trọng, nhất là tổ yến. Triều đình rất chú trọng loại khoáng vật này, quản lý chặt chẽ “Sai Bình Hòa mộ dân lập hộ yến sào (mỗi hộp 10 người trở lên, mỗi năm nộp thuế mỗi người 18 lạng yến sào). Nhân chuẩn định lệ nộp thuế yến cho các địa phương, chia từng phần mà nộp”[4]. Hoặc các đảo xa nhưng có nguồn lợi tổ yến lớn, triều Nguyễn không thể tuyển mộ được dân binh trực tiếp quản lý thì nhà nước cho phép dân trên các đảo tự khai thác dưới sự giám sát của những người đứng đầu và tiến hành đánh thuế. Ngoài ra, biển đảo còn mang lại nhiều nguồn lợi khác như trầm, ngọc trai, san hô,…
Nhìn chung trong giai đoạn này, nhận thức về vai trò kinh tế của biển đảo đã hình thành trong triều đình nhà Nguyễn, tuy nhiên chưa cao. Triều đình chỉ chú ý chăm sóc vấn đề quân sự do sợ sự xâm nhập của phương Tây. Chính sách khai thác kinh tế biển được tiến hành khá liên tục nhưng chưa thành công nhưng thông qua những cố gắn đã thể hiện được tư duy hướng biển, tuy hơi sơ khai của triều đình trong giai đoạn này.
Do hoàn cảnh lịch sử, vì sự tồn vong và phát triển của xứ Đàng Trong, ngay từ thời Nguyễn Hoàng đã nghĩ tới việc phát triển giao thương ra biển. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thúc đẩy xứ Đàng Trong phải có kế hoạch thường xuyên thu lượm không những hải sản quý mà còn sản vật do đắm tàu, nhất là súng ống, để tăng cường sức mạnh trong chiến tranh họ Trịnh với Đàng Ngoài. Chính vì vậy mà ngay từ rất sớm đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn với nhiệm vụ chủ yếu ban đầu là thu lượm sản vật từ các tàu đắm ở vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa về sau thành lập thêm đội Bắc Hải. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của quân Tây Sơn. Vì thế những năm cuối cùng của Tây Sơn hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng. Đến năm 1803, vua Gia Long mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Từ năm 1816, sau khi vua Gia Long bắt đầu cử thủy quân cùng với đội Hoàng Sa lo việc kiểm soát, đo đạc thủy trình, thì đội Hoàng Sa trở thành tổ chức dân sự nhiều hơn, không còn giao phó hoàn toàn cho đội Hoàng Sa kiểm soát như trức kia nữa. Riêng nhiệm vụ dọ thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về các bọn cướp biển vẫn thuộc về đội Hoàng Sa phụ trách. Như thế nhiệm vụ của đội Hoàng Sa rất nặng nể, không chỉ về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác quân sự và quản lý.
Nhà Nguyễn tiến hành các biện pháp quân sự như sau:
- Thiết lập hệ thống phòng thủ ven biển và các đảo ven bờ :
Nhận thức được các mối hiểm họa từ bên ngoài (chủ yếu là các thuyền buôn phương Tây), các vua đầu của triều đình nhà Nguyễn đã tiến hành các biện pháp nhằm phòng thủ ở vùng biển với hệ thống các công trình phòng thủ hải cảng quan trọng, trong đó quan tâm nhất là cửa biển Thuận An và Đà Nẵng. Ngoài ra ở các tỉnh ven biển khác đều có tổ chức phòng thủ với những mức độ khác nhau, được sắp xếp như sau: Kinh sư (phủ Thừa Thiên), Tả trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi), Hữu trực (Quảng Trị, Quảng Bình), Tả kỳ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận) và Hữu kỳ (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa). Các pháo đài phòng hải được xây dựng ở những cửa biển quan trọng của các tỉnh như bảo Biện Sơn, pháo đài Tĩnh Hải ở Thanh Hóa, pháo đài Hổ Cơ ở Bình Định,... Việc phòng thủ vùng biển ở các địa phương hầu hết đều giao quyền chủ động cho địa phương, Triều đình giữ vai trò chỉ đạo.
Bên cạnh đó, nhà Nguyễn cũng tranh thủ xây dựng hệ thống phòng thủ hệ thống biển, đảo ở khu vực miền Nam. Biển đảo miền Nam mặc dù không bảo vệ kinh thành Phú Xuân nhưng nó có vị trí rất quan trọng bởi khu vực này rất nhiều hải tặc hoành hành rất ngang ngược ngay trên vùng biển này. Nhà Nguyễn nhận thấy rằng nếu không bảo vệ được chủ quyền biển đảo khu vực miền Nam thì sớm muộn gì cũng sẽ bị mất chủ quyền, trường hợp Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn (1788-1802), về sau là Pháp với đối với triều Nguyễn (1859-1885) trở thành những bài học sâu sắc. Hàng loạt các công trình phòng thủ được xây dựng ở các tỉnh phía Nam như Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, An Giang, Hà Tiên.
Biến biển trở thành một mặt trận chiến đấu bảo vệ an toàn của quốc gia có thể xem là tư duy rất mới của triều Nguyễn.
- Thành lập các đội thủy quân, tổ chức huấn luyện thủy quân và trang bị vũ khí.
Thủy quân là lực lượng chính trong công tác phòng thủ ở vùng biển Việt Nam dưới triều Nguyễn. Thủy quân triều Nguyễn gồm bộ binh, tượng binh, thủy binh, đóng ở Kinh thành và các tỉnh. Vào đầu thời Gia Long, thủy quân có 5 doanh, gồm các doanh Nội thủy, Tiền thủy, Tả thủy, Hữu thủy, Hậu thủy.[5] Riêng Thủy sư Kinh kỳ có đến 7714 lính ngoài đóng ở Kinh thành còn đi trấn giữ ở các cửa biển quan trọng. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình đều có 1 vệ, mỗi vệ khoảng 500 người. Tuy nhiên tại cửa biển Đà Nẵng hầu hết là quân chính qui của triều đình được chia đóng luân phiên thay đổi tại đây “Biền binh 5 vệ ban trực quân thần sách, hàng năm theo thứ tự phái đi đóng giữ 2 đài Điện Hải, An Hải”[6].
Về chiến thuật, từ khi Nguyễn Ánh còn ở Gia Định thủy binh đã biết sử dụng “chiến thuật hàng hải”. Gia Long du nhập tư tưởng quân sự từ nước ngoài, sử dụng cố vấn quân sự là người phương Tây, cho dịch sách về nghệ thuật quân sự, sử dụng thuyền chiến của người phương Tây và trưởng tàu là người Pháp. Chiến thuật khi huấn luyện, thủy quân chỉ có thể nhắm bắn vào các mục tiêu cố định hay ví như khi đi tuần tra, đánh nhau với cướp biển “nếu là hơi xa, thì phải dùng đại bác, chỉ định vào mái chèo, bánh lái của thuyền giặc mà bắn tan, gần thì dùng câu liêm giật đứt giây buộc lái, làm cho thuyền đổ nghiêng không chạy được, thì tự khắc bị ta bắt được…”[7]
Nhiều kiểu loại thuyền chiến mới cũng được đem vào sử dụng như thuyền bọc đồng, thuyền gỗ, thuyền máy hơi nước[8]. Bên cạnh đó còn có thuyền của các địa phương, thuyền đánh cá cũng được huy động khi cần thiết nhằm phục vụ công cuộc bảo vệ vùng biển. Tuy nhiên, xét về nhiều khía cạnh khác như chất lượng, độ cơ động, chủ động tham chiến thì thủy quân triều Nguyễn còn gặp nhiều hạn chế, tuy có thể giữ thế thượng phong với cướp biển nhưng không thể so sánh được với lực lượng thủy quân của phương Tây. Tuy triều Nguyễn có mua và áp dụng đóng tàu chiến kiểu phương Tây nhưng nhìn chung không không được khuyến khích phát triển, có thể xem là những hạn chế của triều Nguyễn trước nhiệm vụ bảo vệ độc lập.
Vũ khí của thủy quân được trang bị những vũ khí mạnh nhất của triều đình, loại chuyên dùng là súng tay, súng phổ biến nhất trong thời này là súng điểu thương, súng trường máy đá, có kích thước nhỏ dùng trang bị cho bình lính,... tuy nhiên những trang bị này vẫn còn khá thô sơ đến thời Minh Mệnh thì mới được cải thiện. Bên cạnh đó còn được cấp kính thiên lý (ống nhòm) để quan sát tầm xa, ngoài ra ở các đồn lũy, pháo đài đều được cấp kính để tiện quan sát địch phía xa.
Thông tin liên lạc cũng đóng một vai trò quan trọng trong quân sự, thủy quân cũng có những tín hiệu quy ước riêng nhằm giao tiếp với nhau để thống nhất trong hành động, vì thế các pháo đài được xây dựng ở những nơi quan yếu dọc bờ biển nhằm để Triều đình nằm bắt thông tin chính xác và nhanh nhất. Việc thông tin liên lạc rất trọng yếu nên triều đình luôn luôn làm mới những phương thức liên lạc nhằm tìm ra một phương thức nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bên đó còn sáng tạo một loại cờ hiệu riêng nhằm tạo sự thống nhất giữa các lầu trong việc báo tin tức. Thủy quân dưới triều Nguyễn kỳ luật rất nghiêm minh, thiện chiến và được Triều đình rất quan tâm, lực lượng này có sự thay đổi ở thời Gia Long và đến đời Minh Mệnh mới ổn định.
-Tiến hành các hoạt động vãng thám, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Tuần tra là hoạt động quan trọng trong bảo vệ chủ quyền trên vùng biển nước ta. Mục đích của tuần tra trên biển được Minh Mệnh chỉ rõ là là một việc mà có đến ba điều lợi: “một là để thao luyện cách lái thuyền cho quen thiện dòng nước, một là để tập đánh dưới nước, biết rõ đường bể, khiến cho bọn giặc bể nghe tin không giám gây sự. Thế có phải là một việc mà được ba điều lợi không”[9]. Một trong những cái lợi mà Minh Mệnh không nói đến chính là bảo vệ giao thông vận tải biển, vốn được sử dụng rất nhiều trong việc vận chuyển sản vật và vật liệu ở các địa phương về Kinh thành được thu lượm hoặc cống nạp.
Công tác tuần tra được tiến hành theo một chu kỳ nhất định, tùy thuộc vào thời gian có nhiều thuyền buôn và thuyền công sai đi lại nhiều hay ít. Binh thuyền phái đi cũng luân phiên thay đổi 3 tháng một lần. Đặc biệt ở các vùng biển có nhiều hải tặc thì không kể mùa nào bởi tấn thủ sở tại vốn có trách nhiệm tuần tra. Việc tuần tra được giao cho quân chính qui, nhưng quân địa phương được giao quyền chủ động, đây là “tai mắt” của triều đình trong việc nắm bắt thông tin, tuần thám trên biển. Thuyền tuần biển là các tàu chuyên dụng của Nhà nước hay thuyền của địa phương, thậm chí có khi dùng thuyền đánh cá nên năng lực làm việc rất thấp. Năm 1838, Minh Mệnh cho làm thuyền bọc đồng để đi tuần. Bên cạnh công tác tuần tra thì còn phải kiểm soát tàu thuyền qua lại trên biển, đặc biệt là các cửa biển. Đây cũng là hoạt động quan trọng, thường xuyên dưới triều Nguyễn. Các tấn biển ngoài công tác phòng thủ còn có nhiệm vụ quan trọng khác là kiếm soát các tàu thuyền qua lại tại cửa tấn. Xem xét tình hình rồi tâu báo về Kinh đô. Tất cả thuyền từ huyền công, thuyền tư, thuyền trong nước và thuyền nước ngoài đều phải kiểm soát chặt chẽ, gắt gao vì mục đích an ninh quân sự và kinh tế.
Sau khi lên ngôi, tháng 7/1803, Gia Long cho sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa. Năm Gia Long thứ 14 (1815), Gia Long sai đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển. Gia Long thứ 15 (1816) tiếp tục sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa. Thời Minh Mạng tiếp tục công việc khai thác, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, coi đây là hải cương quan trọng. Địa thế của Hoàng Sa rất hiểm trở, là chỗ thường gây tai nạn cho tàu thuyền tuy nhiên dù khó khăn nhưng hàng năm vua Minh Mạng đều sai thủy quân và dân binh ra đảo để thể hiện sự chiếm hữu của mình. Ngoài ra, năm 1836, vua Minh Mệnh cho cắm mốc thể hiện quyền làm chủ. Một trong những công việc quan trọng của các đoàn công vụ khi tới Hoàng Sa là thăm dò để thông hiểu đường biển và vẽ bản đồ. Có lẽ cũng vì cần những người am nhiểu vùng biển này nên lực lượng chủ yếu là dân binh và Triều đình thuê thuyền của dân tại Quảng Ngãi, Bình Định. Sau những chuyến đi thành công họ được khen thưởng và miễn các hạng thuế. Quá trình thăm dò đến nhiều năm sau mới có thể thông hiểu và vẽ bản đồ cũng như hải trình tới hai quần đảo này. Từ việc đo vẽ hàng năm dẫn tới việc hình thành tấm bản đồ hoàn chỉnh của đất nước như Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mệnh được xem là những đóng góp lớn nhận thức về lãnh thổ và chủ quyền trên vùng biển của các vua Nguyễn. Công tác tuần tra thường xuyên đem đến hiệu quả không nhỏ trong việc giữ yên mặt biển.
Việc tàu thuyền gặp nạn trên vùng biển Việt Nam diễn ra thường xuyên. Ngay từ năm Gia Long thứ 2 (1803) đã có qui định về công tác cứu hộ tại vùng biển. Dưới thời các vua Minh Mệnh, và các vị vua sau như Thiệu Trị, Tự Đức đều tiếp tục thực hiện công tác quan trọng này. Các thuyền buôn bị gió bão trôi dạt, vỡ thuyền, mất hàng hóa... thì quan sở tại ở các cửa biển chiếu theo lệ ứng cứu. Điều đó được qui định từ triều Gia Long, đó là chiếu theo nhân khẩu trong thuyền, cấp lương gạo để sống, đợi khi thuận gió thì cho theo thuyền buôn về nước. Đầu thời Minh Mệnh có đặt lệ cứu hộ cứu nạn rõ ràng. Không chỉ cứu hộ cho thuyền trong nước, triều đình còn tiến hành cứu hộ các thuyền buôn nước ngoài như thuyền công sai của của nhà Thanh, thuyền viễn dương từ phương Tây. Đây là một việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự nhân đạo của nước ta.
GS.TS Vũ Minh Giang khẳng định: “Có thể nói đến thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập và thực thi một cách đầy đủ và toàn vẹn, không có sự tranh chấp nào. Chính vì vậy, khi đánh chiếm được Việt Nam, Pháp đã mặc nhiên đặt quyền quản lý của chính quyền đô hộ lên hai quần đảo. Người Pháp đã cho xây dựng các đài khí tượng, trạm quan trắc và cắt đặt lính đồn trú trên các đảo.”[10] Từ đó ta có thể khẳng định, dưới thời Nguyễn, chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thiết lập một cách đầy đủ, toàn vẹn và không có tranh chấp. Bên cạnh đó nhà Nguyễn huy động một lực lượng lớn bao gồm Bộ Công, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Khâm thiên giám, thủy sư... phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh hàng năm thi hành công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn luỹ, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết,...
Ngay khi lên ngôi, Minh Mệnh đã sai người tìm hiểu cách đóng tàu của châu Âu và quyết tâm đóng được tàu theo kiểu Tây Âu và biết lái tàu, luyện tập thủy quân, khảo sát vị trí bờ biển, hải cảng được chú ý. Hàng năm, nhà vua thường phái nhiều tàu vượt biển sang các nước và các cảng lớn vùng biển Đông như Jakarta, Singapore, Malaysia... để bán hàng, mua hàng, luyện tập đi biển và xem xét tình hình các nước. Minh Mệnh đã cho hoàn chỉnh hệ thống đê điều ở Bắc bộ, đặt quan khuyến nông, khai hoang ven biển Bắc bộ lập hai huyện mới Kim Sơn và Tiền Hải. Trên cơ sở từ thời Gia Long, Minh Mệnh củng cố và hoàn thiện hơn bộ máy quản lý đất nước: đặt nội các trong cung điện để khi cần, vua hỏi và làm giấy tờ; biểu sắc, chế cáo năm Kỷ Sửu (1829); đặt cơ mật viện năm Giáp Ngọ (1834) dùng 4 đại thần, đeo kim bài để phân biệt chức vị. Cơ mật viện cùng vua bàn bạc và quyết định những việc quan trọng nhất.
Về đối ngoại, Minh Mệnh đặc biệt chú ý thần phục nhà Thanh. Lễ thụ phong của nhà vua ở thành Thăng Long được tổ chức cực kỳ trọng thể. Năm 1821, nhà vua dẫn đầu đoàn người hơn 6.932 người rời Phú Xuân ra Thăng Long để nhận sắc phong của “thiên triều”, hành trình kéo dài 33 ngày đêm. Đoàn người đông đúc đó phải nằm chờ ở Thăng Long mãi từ khi sứ Thanh đến và xong lễ. Thủ tục đón tiếp và chiêu đãi sứ Thanh diễn ra hết sức chu đáo và long trọng. Quyển 10 Đại Nam Thực Lục tiền biên chép rằng : “Tháng 7 năm Giáp Tuất (1754) dân đội Hoàng Sa gặp gió to, giạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh. Tổng đốc nhà Thanh chu cấp cho lương đầy đủ rồi sai đưa về. Chúa sai viết thư qua...”. Điều này chứng tỏ biển Đông dưới thời chúa Nguyễn không có tranh chấp gì trên vùng biển của nước ta, mối bang giao giữa nhà Thanh và Đàng Ngoài không bị ảnh hưởng .
Hải tặc là mối đe dọa thường trực trên vùng biển Việt Nam dưới triều Nguyễn, hải tặc có nguồn gốc, xuất thân khá phức tạp làm cho công tác phòng chống gặp rất nhiều khó khăn. Hải tặc hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp, tạo thành mạng lưới nhưng cũng có thể có kiểu cướp biển mùa vụ. Mặc dù triều đình nhà Nguyễn có nhiều nỗ lực nhưng không dễ đối phó.
Sử nhà Nguyễn gọi chúng là “hải tặc”, “giặc biển”, “giặc Tàu Ô”,... thường được ghi nhận ở phía bắc còn ở phía nam có giặc Chà Và cướp bóc ở Tây Nam bộ, Nam Trung bộ là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho tàu thuyền qua lại trên biển. Vũ khí chống cướp biển khá ít và thô sơ. Bất luận là thuyền gì kể cả thuyền công, thuyền tư đều bị cướp phá, bởi vậy phòng chống cướp biển là mối quan tâm lớn của nhà Nguyễn. Đó không chỉ là trừ mối họa trước mắt mà còn là đảm bảo cho thuyền bè qua lại trên vùng biển nước ta được an toàn.
Hoạt động phòng chống cướp biển Từ đầu thời Gia Long việc chống cướp biển đã đặc biệt được quan tâm. Gia Long năm thứ 2 (1803), ban chỉ truyền cho đồn phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng khi thấy có cướp biển qua lại ở ngoài biển thì “một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho quan công đường chuyển, tâu, một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ở ven biển vào miền trong, phía nam đến thành Bình Định. Lại một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ở ven biển ra miền ngoài, phía bắc đến sứ Bắc thành, để tiện sức cho tàu thuyền công, tư phòng bị” . Để bảo vệ thuyền công trên biển, Gia Long cho đội tuần tra bảo vệ rất kỹ các tàu công của Triều đình, phân chia theo từng chặng đường, từ Bắc thành tới Thanh - Nghệ một chặng, từ Thanh + Nghệ - Kinh thành là chặng còn lại.
Thời Minh Mệnh, cướp biển vẫn quấy phá vùng biển, vua dụ Bộ Binh: “trước kia vùng Thanh Hóa và Nam Định bọn giặc bể thường có vài ba chiếc thuyền đón các thuyền buôn mà cướp bóc, sau đều bị quan quân vây bắt, địa phương được yên ninh, nay tỉnh Quảng Nam lại có tin báo này, liệu những hồn ma lũ chuột không thể để lâu, cần bắt giết ngay, tức thì sai quan vệ úy là Nguyễn Đức Trường quản lĩnh binh thuyền ra bể dò thám, vây bắt; lại khiến các quan từ Quảng Trị trở ra bắc, từ Quảng Nam trở vào nam, đều theo địa phận thuộc hạt, sai quân đi tuần tiễu, nếu gặp thuyền buôn người tàu có hình dạng khác thường, mà trong thuyền chứa đồ binh khí, súng đạn, tình bính nghi ngờ, bắt mà trị tội” .
Vua cũng sai cấp phát kính thiên lý để có thể trông xa, phát hiện cướp biển, phát hiện cướp biển thì phải tận lực đuổi bắt. Hầu hết những lần đụng độ với cướp biển thì phần thắng vẫn thuộc về thủy quân nhà Nguyễn.
Dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, đều nhận thức được biển đảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của đất nước, dân tộc. Vì vậy, Triều Nguyễn đã ban hành và thực thi nhiều chính sách về quân sự, kinh tế,... về biển đảo nhằm bảo vệ, khai thác vùng đất này. Nhìn vào các chính sách khai thác biển nhất dưới triều Nguyễn, ta có thể thấy hoạt động chính, kể nhất là từ khi Gia Long lên ngôi cho đến thời vua Minh Mạng là tập trung khai thác các khoáng vật, tài nguyên, hải sản,.... Điều này, đem lại nguồn lợi không nhỏ cho đất nước lẫn nhân dân. Ngoài ra, triều đình còn dựa vào lợi thế đường biển mà thu lợi cho nhà nước với việc ban hành các chính sách nộp thuế cho các tàu thuyền nước ngoài đến Việt Nam buôn bán.
Đặc biệt, vào thời Minh Mạng, ông đã tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách khai thác nguồn lợi ở biển Đông từ thời vua cha và trên một trình độ nhất định đã có tác dụng tích cực đối với quốc phòng và nhà nước. Không chỉ vậy, giao thông vận tải cũng có sự chuyển biến, bên cạnh phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, cống phẩm, nó còn đóng vai trò quan trọng trong an ninh- quốc phòng.
Khách quan mà nói những chính sách khai thác biển của triều Nguyễn dười thời Gia Long và Minh Mạng có phần tích cực và đạt được một vài thành tựu, đặc biệt là đem lại nguồn lợi không nhỏ từ các khoáng vật, hải sản khai thác được và cả việc thực hiện hiệu quả chính sách thuế khóa trên biển. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn tồn đọng rất nhiều mặt hạn chế. Nguyên nhân xuất phát tình hình hiện tại lúc bấy giờ, khi chế độ phong kiến đang ở trên đà suy tàn, tư tưởng Nho giáo ăn sâu vào tiềm thức từ triều đình tới nhân dân khiến cho tư duy hướng biển cũng như nhận thức toàn diện về việc khai thác, phát triển kinh tế biển còn dè dặt và hạn chế. Bên cạnh đó là sự dòm ngó đến từ các thế lực phuơng Tây làm nhà Nguyễn không thể mở cửa trao đổi buôn bán rộng rãi như trước tình hình thương nghiệp dưới triều Nguyễn không còn hưng thịnh và phát triển như các triều đại phong kiến trước. Không chỉ thế, các chính sách khai thác biển này không phải lấy việc phát triển kinh tế làm trọng yếu, chủ yếu bảo vệ an ninh, chủ quyền biển cũng như xây dựng lực lượng thủy quân.
Có thể khẳng định, trong suốt quá trình tồn tại, các vị vua triều Nguyễn đã nhận thức biển đảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của triều đại, với an ninh quốc gia, dân tộc. Nó được xem là nhân tố, là cơ sở để phòng thủ, bảo vệ quốc gia từ xa trước sự dòm ngó của bên ngoài, nhất là các nước phương Tây. Đó cũng chính là một trong những yếu tố tác động đến ý thức hướng biển và chủ trương tăng cường phòng thủ biển đảo của triều Nguyễn. Tuy còn hạn chế nhưng những lợi ích mà triều Nguyễn mang lại từ biển, đảo là không hề nhỏ, tuy nhiên do “đóng cửa” khiến kinh tế ta trì trệ là một tội không thể phủ nhận. Trong chính sách “hướng biển”, triều Nguyễn vừa có công mà cũng có tội, ở thời Gia Long-Minh Mạng là thời đại “hoàn kim về biển đảo”, hai ông vua này, đặc biệt là Gia Long luận công nhiều hơn, tư duy “hướng biển” rất tiến bộ.
1. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, 2014, Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
2. PGS.TS Đỗ Bang (Chủ biên), 2016, Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn 1802-1885, Nhà xuất bản Thuận Hóa.
3. PGS.TS Trần Nam Tiến, 2014, Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa- Văn nghệ, TP.HCM.
4. Nhà báo Nguyễn Văn Kết (chủ biên), Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Sức mạnh từ tài liệu lưu trữ ), Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông.
5. PGS. TS. Trương Minh Dục, 2013, Chủ quyền Quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội.
6. Hội khoa học lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, PGS.TS. Đỗ Bang (chủ biên), 2015, Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn 1802-1885, Nxb Thuận Hóa, Huế.
7.Nguyễn Thái Anh (chủ biên), 2011, Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, Nxb Thời Đại, Hà Nội.
8. Nguyễn Văn Kim- Nguyễn Mạnh Dũng (đồng chủ biên), 2009, Việt Nam truyền thống Kinh tế-Văn hóa biển, NXB. Giáo dục
9. Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội đà nẵng, 2016, Tạp chí phát triển kinh tế - xã hội đà nẵng, Biển đảo việt nam – lịch sử - chủ quyền – kinh tế - văn hóa, Nxb văn hóa – văn nghệ.
10. Ts. Phạm Ngọc Trâm , bảo vệ chủ quyền và quản lý – khai thác biển đảo việt nam 1975 – 2014, Nxb Tổng hợp, thành phố hồ chí minh
11. Nguyễn Đình Đầu, chủ quyền việt nam trên biển đông trên hoàng sa – trường sa, Nxb đại học quốc gia tphcm.
12. Nội các triều Nguyễn, 2005, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế,
13. Quốc sử quán Triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
14. Châu bản Triều Nguyễn, bản thảo viết tay, triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (đến năm 1857).
15. Vua Gia Long thực thi chủ quyền biển đảo, TS. Nguyễn Hữu Tâm – (Viện Sử học Việt Nam), https://biengioihaidao.wordpress.com/2013/06/21/vua-gia-long-thuc-thi-chu-quyen-bien-dao
16. Triều Nguyễn xác lập và khẳng định chủ quyền quốc gia về biển, đảo, Quốc Việt, https://www.vietnamplus.vn/trieu-nguyen-xac-lap-va-khang-dinh-chu-quyen-quoc-gia-ve-bien-dao/390533.vnp
17. Công trạng của các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn, đôi điều suy ngẫm, Huỳnh Thiệu Phong, https://nghiencuulichsu.com/2016/03/28/cong-trang-cua-cac-chua-nguyen-va-vuong-trieu-nguyen-doi-dieu-suy-ngam/
Biên tập: Trần Hoàng
Trích tiểu luận Vai trò của biển đảo trong nhận thức của triều đình dưới thời Gia Long, Minh Mạng (1802 - 1841)
[1] Đỗ Bang, Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn, NXB Thanh Hóa, Huế, 1997, tr.81.
[2] Châu bản Triều Nguyễn, bản thảo viết tay, triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (đến năm 1857).
[3] PGS.TS Đỗ Bang (CB), 2016, Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn 1802-1885, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.69.
[4] Quốc sử quán Triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr.425.
[5] Nội các triều Nguyễn, 2005, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 134.
[6] Nội các triều Nguyễn, 2005, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.663.
[7] Nội các triều Nguyễn, 2005, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 427.
[8] đây là thuyền chiến đa dụng làm công tác tuần tra, diễn tập, tham gia vận tải
[9] Nội các triều Nguyễn, 2005, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.310.
[10]Triều Nguyễn xác lập và khẳng định chủ quyền quốc gia về biển, đảo, Quốc Việt, https://www.vietnamplus.vn/trieu-nguyen-xac-lap-va-khang-dinh-chu-quyen-quoc-gia-ve-bien-dao/390533.vnp
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.