Cải cách được hiểu là làm biến đổi xã hội cũ bằng xã hội
mới, không tiến hành bằng bạo lực chính trị, quân sự, không nhất thiết phải tiến
hành toàn diện, mà có thể chỉ tập trung những khâu thiết yếu nhất. Trong lịch sử
Việt Nam, đã xuất hiện những cuộc cải cách, canh tân vừa lớn, vừa nhỏ và mang
những tính chất khác nhau, diễn ra trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Đầu
thời Trần, Thái sư Trần Thủ Độ được xem là người “đổi mới vương triều, đổi mới xã hội, đem lại vững
bền giàu mạnh cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho nhân dân”[1]. Ông là người có
công trong việc sáng lập nhà Trần từ việc Lý Chiêu Hoàng (vua nhà Lý, con Lý Huệ
Tông) nhường ngôi cho Trần Cảnh (con của Trần Thừa, anh họ Trần Thủ Độ) đến cuộc
chấn hưng xã hội đương lúc suy tàn cuối thời Lý. Do đó, “đổi mới” ở đây được hiểu
là toàn diện trên khắp mọi mặt.
1. Tính cách, phẩm
chất của Trần Thủ Độ
Trần Thủ Độ (1194 – 1264), người Thái Bình, thuộc dòng
dõi quí tộc nhà Trần, làm nghề chày lưới, cùng với người trong tộc (mà khởi đầu
là Trần Lý) giúp vua và thái tử nhà Lý dẹp loạn Quách Bốc, chấn hưng xã hội, từ
một “Chỉ huy sứ” quản lí các quân “Điện tiền cẩm vệ cấm binh” cuối triều Lý;
sang đến đầu thời Trần, ông được phong là Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai
trị trong nước. Đứng trên một địa vị xã hội cao như thế, thì điều kiện thành
công của công cuộc cải cách, đổi mới sau này. Nhưng tính cách, phẩm chất của
người cải cách là điều kiện tiên quyết nhất, và Trần Thủ Độ được xem là một con
người “có phẩm chất, nhân cách khá độc đáo”.
“Phẩm chất, tính cách độc đáo” của Trần Thủ Độ đã được
sử sách ghi nhận rõ ràng và xác đáng thông qua những việc làm cụ thể của ông. Đầu
trước tiên, chúng ta thấy rằng ông là một người yêu nước nồng nàn và có ý thức
trách nhiệm cao trước sự tồn vong của dân tộc. Theo sử cũ, khi quân dân đang bất
lực trước cuộc xâm lược của quân Mông Cổ, khi triều đình đang đứng sự lựa chọn
giữa “hàng” hoặc “đánh” thì ông vẫn thể hiện ý chí kiên cường: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng
lo”. Thứ đến, ông là người dũng cảm sáng tạo trong xây dựng và cũng cố
vương triều, giải quyết khủng hoảng đổi mới xã hội. Theo sử cũ nhận xét: “Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ sức của
ông… tuy làm Tể tướng nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp
nên vương nghiệp”[2].
Chúng ta có thấy rằng, ông khiêm nhường, biết tự kiềm chế, không tranh giành
quyền vị, tất cả vì sự nghiệp vương triều. Tuy khi đang giữ cương vị cao, nhưng
Trần Thủ Độ không giành ngôi cao sang nhất, ông tôn Trần Thừa làm nhiếp chính
cho hoàng đế khi đó còn nhỏ tôi, với lời “Ta
tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa còn phải rông đông, tây để chống giặc cướp,
không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng tạm coi việc nước”. Ông còn
dám tự khảng định tài năng và trách nhiệm của mình. Theo sử cũ, có lần Thái
Tông có ý mời anh Trần Thủ Độ làm quan Tể tướng cùng nhau trong coi việc nước,
ông tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là
giỏi thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc.
Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao?”. Từ đó, vua
không bàn nữa. “Phẩm chất, tính cách độc đáo” của Trần Thủ Độ còn thể hiện ở
tính nghiêm túc thi hành pháp luật, chống vị nễ riêng tư. Theo sử cũ, khi Linh
từ quốc mẫu (vợ ông) xin riêng cho một người làm câu đương (chức dịch trong xã,
giữ việc bắt bớ, giải tống), ông đồng ý. Nhưng khi gặp người đó, ông nói: “Người vì có công chúa xin cho làm chức câu
đương, không thể ví như câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt
với người khác”. Người đó van xin lắm mới được tha, từ đó không ai “dám
thân vì việc riêng nữa”.
Nhưng bên những mặt tích cực trong tính cách, phẩm chất
đó, thì ông cũng có những đều về nhân cách bị chê trách, làm cho tính “độc đáo”
càng thể hiện rõ ràng. Như là tàn nhẫn với nhà Lý (buộc Huệ Tông tử tự, lập mưu
giết hại tông thất nhà Lý), thất đức trong việc bắt Trần Liễu phải nhường vợ
đang có chửa cho Trần Cảnh, đề xuất hôn nhân nội tộc… Theo sử cũ, “Đưa các cung nhân và con gái họ hàng nhà Lý
Huệ Tông gả cho các tù trưởng người Man. Nhâm Thìn, [Kiến Trung] năm thứ 8
[1232], Vì Nguyên tổ tên húy là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại
cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý... Trần Thủ Độ giết hết
tôn thất nhà Lý. Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất
nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các
vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi
mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết. Tuy nhiên có thể có nhiều người
trốn thoát và đổi các họ khác chứ chưa chắc đã là họ Nguyễn”. Nhưng mọi thứ
đều xuất phát từ những nguyên nhân của nó, và vẫn còn là những nghi vấn trong lịch
sử. Về tài năng, ông được xem là người “xuất chúng”.
Với những điều kiện về địa vị xã hội, tính cách, phẩm
chất, tài năng như vậy, ông đã trở thành một người đủ tư cách cải cách, đổi mới
xã hội đương thời đương lúc rối ren, suy vi và khủng hoảng trầm trọng. Sự khủng
hoảng trầm trọng đó chính là nguyên nhân đến cuộc cải cách.
2. Hoàn cảnh ra đời
cuộc cải cách
Cuộc đổi mới của Trần Thủ Độ được tiến hành trong một
hoàn cảnh lịch sử với sự khủng hoảng trầm trọng. Sự khủng hoảng đó biểu hiện từ
chính bên trong và bên ngoài, trong hoàng cung nhà Lý đến toàn xã hội.
Triều Lý được thành lập vào năm 1010 vị vua sáng nghiệp
là Lý Thái Tổ. Trải qua 6 đời vua, đến đời Lý Cao Tông thì “Vua chơi bời vô độ, hành chính không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong,
đói kém nhiều năm. Nhà Lý suy từ đấy”[3]. Vua,
quan ăn chơi xa đọa, biến loạn cung đình thường xuyên xảy ra, điển hình như cuộc
“mưu loạn” của thái tử Long Xưởng, khi bị phế truất vì phạm tội. Nghĩa “quân thần”
thì suy đồi, xuất hiện những kẻ ham quyền, theo giặc loạn, như Đàm Di Mộng, một
đại thần đương thời, khi triều đình bị đánh đuổi cả vua thì y lại theo giặc,
sau giặc thua lại được trọng dụng. Thời Lý Huệ Tông, khủng hoảng lại càng trở
nên trầm trọng, trong triều thì mâu thuẫn giữa họ Lý (những thân tộc, đứng đầu
là Đàm thái hậu, Đàm Di Mộng) với họ Lý (những công thần khôi phục vương triều
Lý, đánh bại cuộc loạn Quách Bốc, đứng đầu là Trần Tự Khánh, Tô Trung Từ);
ngoài triều thì Đoàn Thượng đắp thành xưng vương, cùng dân nổi dậy ở Hồng Châu,
Nguyễn Nộn giữ hương Phù Đổng, xưng Hoài Nam vương, với thế lực rất mạnh mà triều
đình nhà Lý không đủ sức đánh dẹp.
Trong xã hội, một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trầm
trọng hơn. Nguyên do chủ yếu là do “sự bóc lột thái quá, quân dịch cực nhọc,
dân tình đói khổ loạn lạc liên miên”. Như người giáp Cổ Hoằng (năm 1192), người
hương Cao Xá, châu Diễn, châu Đại Hoàng (năm 1198), người Man núi Tản Viên,
Thanh Oai (năm 1207), người Man ở Quảng Oai (năm 1218). Ngoài thì các nước láng
giềng lăm le xâm lược cướp bóc. Như năm 1177, Chiêm Thành đến cướp ở Nghệ An;
năm 1205, người Tống sang cướp biên giới; năm 1218, Chiêm Thành, Chân Lạp đến
cướp ở Nghệ An.
Trước tình hình khủng hoảng trầm trọng như vậy, từ
trong triều đến ngoài xã hội, một yêu cầu đặt ra là cần có một cuộc cải cách
hay một cuộc đổi mới toàn diện Và chính Trần Thủ Độ với tính cách, địa vị, tài
năng đã đáp ứng được yêu cầu đó. Và ông đã chọn con đường “đổi mới toàn diện”,
tức là đổi mới vương triều, đổi mới toàn xã hội nhằm “đem lại vững bền giàu mạnh
cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho nhân dân”.
3. Nội dung của đổi
mới
Công cuộc đổi mới được Trần Thủ Độ tiến hành trước hết
là đổi mới vương triều. Cuộc đổi mới vương triều không mang tính bạo lực, mà được
Trần Thủ Độ tiến hành cuộc đảo chính cung đình, gọn nhẹ táo bạo, không đổ máu
và thành công từ Lý sang Trần. Trần Thủ Độ với vai trò là “đạo diễn” bằng những
hành động cụ thể.
Sau khi Lý Chiêu Hoàng lên ngôi, ông đã cho gia thuộc
vào canh gác cung tẩm, đưa Trần Cảnh 8 tuổi vào làm “chính thủ”, cùng chơi đùa
với vua vừa cùng trang lứa tuổi với nhau (Lý Chiêu Hoàng mới 6 tuổi). Nhưng do
sự động lòng mà phát sinh tình cảm giữa hai người. Trần Thủ Độ lo sợ và thốt
lên rằng: “Nếu thực như thế thì họ ta
thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây”. Nhưng ông vẫn cho loan báo ngay rằng:
‘Bệ hạ đã có chồng”. Điều đó thể hiện
sự tranh thủ thời gian, tiến hành nhanh gọn như trong “khởi nghĩa vũ trang phải
luôn giành thắng lợi hằng ngày dầu là nhỏ nhất để nhanh chóng đi đến kết cục”.
Và ông tiến đến việc chỉ đạo biên soạn chiếu nhường ngôi một cách khôn khéo, sắc
sảo dẫn từ Kinh Thi đến sử Hán, Đường để đi kết luận “Nhường ngôi báu để thỏa lòng trời”. Trần Cảnh lên ngôi vua, thành
lập vương triều nhà Trần. Từ đó, công cuộc “đổi mới xã hội” dần dần diễn ra với
vai trò chủ đạo về cả tư tưởng, nội dung, biện pháp đều nhờ công của Trần Thủ Độ
nhưng được thực hiện bởi cả triều đình và nhân dân.
Đổi mới cơ chế quản lí xã hội
Trong triều đình, cơ quan quản lí tối cao, đã được đặt
ra Thượng hoàng nhiếp chính. Sau khi Trần Cảnh lên ngôi, Trần Thủ Độ có lời tâu
rằng: “Bây giờ giặc cướp đang đồng thời nổi
dậy, tai họa về biến loạn ngày càng nhiều. Bệ hạ tuổi còn trẻ, chính sự chưa
quen. Trong lúc vận nước mới mở mang, lòng dân chưa thống nhất, mối họa không
phải nhỏ. Ta tuy là chú, không biết chữ nghĩa gì, còn phải bôn đông tẩu tây để
chống với bọn giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ tạm coi việc nước làm Thượng
Hoàng, một hai năm sau, thiên hạ nhất thống, lại trao trả quyền chinh cho nhà
vua, cùng hưởng phúc thái bình”. Do đó, Thái Thượng hoàng được lập ra, đây
là điểm mới trong tổ chức bộ máy nhà nước thời Trần so với tiền lệ chưa hề có.
Theo như lời tâu, chúng ta có thể thấy rằng khi vua chưa dến độ trưởng thành
thì Thượng hoàng giúp con trị nước, khi vua đến độ trưởng thành thì Thượng
hoàng truyền thụ kinh nghiệm gìn giữ kĩ cương đạo đức, Quyền lực của Thái thượng
hoàng còn cao hơn vua, mục đích chủ yếu là cũng cố vương triều.
Trong quản lí đất nước là xây dựng bộ máy nhà nước
trung ương tập quyền vững mạnh, thống nhất từ trung ương đến cấp cơ sở làng xã.
Ông chia nước làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt chức Chánh và Phó An phủ sứ kiêm từ việc hộ
khẩu, tiền thóc, ngục tụng đều giữ hết quyền bính trong tay. Dưới quyền An phủ
sứ có các chức quan Đại tư xã, Tiểu tư xã, cùng với chức xã chính, Sử giám, gọi
là xã quan. Thái sư Trần Thủ Độ lại đặt ra sổ trướng tịch để ghi chép nhân khẩu
trong xã, từ quan văn, quan võ, binh lính, hoàng nam, trung lão, tàn tật, người
ngụ cư… Thậm chí, khi giao việc xong rồi, ông còn về một số địa phương kiểm tra
gắt gao.
Đổi mới kinh tế
Trần Thủ Độ nhận ra rằng quan trọng nhất là đổi mới
kinh tế xã hội: Trước hết là chuyển dần công hữu ruộng đất thành tư hữu như sử
ghi: "Năm Quý Sửu (1253), tháng 6, bán ruộng công, mỗi diện là 5 quan tiền
(bấy giờ gọi mẫu là diện) cho phép nhân dân mua làm ruộng tư. Lúc đó muốn giải
thể nhanh chế độ công xã nguyên thủy, chuyển sang công xã nông thôn có tư hữu,
đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa - tiền tệ mà không có lệnh nhà
nước ban hành cho phép tư hữu hóa ruộng đất thì không thực hiện được. Ngoài quyết
định cơ bản ấy còn có hàng loạt biện pháp kinh tế khác như:
- Phát triển nông nghiệp: Đắp đê ngăn lũ, ngăn mặn,
khai kênh tưới, tiêu. Năm Mậu Thân (1248) sai các lộ đắp đê giữ nước sông suốt
từ đầu nguồn đến bờ biển để chống lụt. Đặt chức Hà đê chánh phó sứ để trông
coi. Nơi đắp đê thì đo xem hết bao nhiêu ruộng của dân, chiểu theo giá trả bằng
tiền. Không chỉ coi trọng việc tăng sản xuất lúa gạo, mà còn chú ý cả tới trồng
cây ăn quả, cây phòng hộ;
- Đẩy mạnh phát triển công, thương; - Định ra các phường
buôn bán, sản xuất ở thủ đô Thăng Long... (quy hoạch 61 phường ở kinh thành
Thăng Long để tiện quản lý công, thương...). "Khoan sức cho dân”, nhà nước
không đánh thuế thân mà chỉ đánh thuế đinh theo sở hữu ruộng đất...
Đổi mới văn hóa
Đổi mới kinh tế có tác động tích cực tới đổi mới văn
hóa. Tuy Phật giáo vẫn là quốc giáo nhưng Khổng giáo ngày càng có tác dụng tích
cực đối với một xã hội mà pháp trị đang từng bước nâng cao. “Lập quốc học viện, đặt tượng Chu Công và Á
Thánh (Mạnh Tử), vẽ trang 72 người hiền để thờ”[4].
Việc lập Quốc học viện và thời Mạnh Tử (một nhà Khổng giáo trọng thực tiễn) là
điều mới so với thời Lý.
Về học hành, khoa cử, vua xuống chiếu mời nho sĩ trong
nước đến Quốc học viện giảng tứ thư, lục kinh. Thi cử được đổi mới, tăng thêm
các học vị trong khoa bảng[5].
Trước đây chưa chọn tam khôi thì nay đặt ra lệ chọn tam khôi là trạng nguyên, bảng
nhãn, thám hoa. Cùng năm 1239, mùa thu, đã công bố thể lệ tổ chức thi các khoa
thông tam giáo. Thừa nhận tam giáo (Nho, Phật, Lão) "đồng nguyên”. Đó là một
tiến bộ về tư tưởng tôn giáo so với thế giới đương thời. Bởi vì ở thế kỷ XIII,
kỳ thị tôn giáo, chiến tranh tôn giáo trên thế giới vẫn nặng nề, nhưng ở Việt
Nam thì “tam giáo” đó vẫn song song tồn tại và phát triển. Nhà nước lại cho mở
các khoa thi thông tam giáo để khích lệ sự đoàn kết, thống nhất.
Tư tưởng pháp trị biểu hiện về mặt văn hóa, khoa học
là cho soạn thảo luật pháp thành văn: Năm Canh Dần (1230), mùa xuân, tháng 3,
khảo xét các luật lệ của triều trước soạn thành Quốc triều thống chế và sửa đổi
hình luật, lễ nghi gồm 20 quyển kiến trúc, trang trí nội thất cung đình cùng
nhu cầu về triều y, phẩm phục, trang sức dân gian cũng khiến sản xuất thủ công,
mỹ nghệ phát triển với Thăng Long 61 phố phường... Múa hát trong cung đình và
vui chơi hát xướng trong dân gian phát triển, biểu hiện những cuộc vui chung
sau những yến tiệc của anh em tông tộc Trần triều cũng như vua quan trong cung
đình. Nhân dân thì vui với thơ, ca, đấu vật, múa rối... Nhờ vậy mà sử chép:
"Bấy giờ, quốc gia vô sự, nhân dân yên vui".
4. Đánh giá
Công cuộc đổi mới đất nước toàn diện của nhà Trần, mà
đóng vai trò chủ đạo là Trần Thủ Độ đã đến tới sự thành công, đưa xã hội thoát
khỏi khủng hoảng trầm trọng, kinh tế - văn hóa đang từng bước phát triển so với
trước đây. Sử sách đã ghi nhận những thực trạng cuộc “đổi mới” này. Đó cũng là
nguyên nhân khiến khi giặc Mông Nguyên đến xâm lược bờ cõi, Trần Thủ Độ đã tin
tưởng và quyết tâm chống giặc xâm lăng, được biểu hiện qua câu nói với nhà vua
như với giọng đanh thép: “Đầu thần chưa
rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo”. Đó cũng là nguyên nhân mà sau này quân
Mông Nguyên tới xâm lược lần 2 và lần 3, Trần Hưng Đạo có thể biểu lộ được sự
“quyết chiến để quyết thắng”. “Nếu bệ hạ
muốn hàng xin chém đầu thần đi đã”. Như vậy, Trần Thủ với công cuộc đổi mới
đất nước một cách toàn diện trong thời kì đầu nhà Trần đã mang lại những ý
nghĩa sâu sắc và quan trọng cho đến mãi mãi về sau.
Tài liệu tham khảo
1.
Đào Duy Anh. (2013). Lịch sử Việt
Nam từ nguồn gốc đến thế kỉ XIX. Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội.
2.
Ngô Sĩ Liên. (1983). Đại Việt sử kí toàn thư, tập I.
Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội.
3.
Ngô Sĩ Liên. (1983). Đại Việt sử kí toàn thư, tập II.
Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội.
4.
Nguyễn Tài Đông (chủ biên). (2015). Khái lược Lịch sử tư
tưởng triết học Việt Nam. Hà Nội: NXB. Đại học sư phạm.
5.
Trương Hữu Quỳnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, & Nguyễn Cảnh
Minh. (2003). Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1. Hà Nội: NXB. Giáo dục.
6.
Văn Tạo (chủ biên). (2006). Mười cuộc cải cách, đổi mới lớn
trong lịch sử Việt Nam. Hà Nội: NXB. Đại học sư phạm.
Trần Hoàng
[1] Văn Tạo (chủ biên). (2006). Mười
cuộc cải cách, đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam. Hà Nội: NXB. Đại học sư phạm.
Tr.51.
[2] Ngô Sĩ Liên. (1983). Đại Việt sử
kí toàn thư, tập II. Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội. Tr.32.
[3] Ngô Sĩ Liên. (1983). Đại Việt sử
kí toàn thư, tập I. Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội. Tr.251.
[4] Ngô Sĩ Liên. (1983). Đại Việt sử
kí toàn thư, tập II. Sđd. Tr.19.
[5] Văn Tạo (chủ biên). (2006). Sđd. Tr.72
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.