Chúa tiên Nguyễn Hoàng (1525 – 16130 là con trai thứ hai của
An Thành hầu Nguyễn Kim. Chúa người Gia Miêu ngoại trang nay thuộc thôn Gia
Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Xuất thân trong gia đình đại
quan, từ nhỏ lại được người cậu ruột là Thái phó Uy quốc công Nguyễn Ư Dĩ nuôi
dạy, chúa Nguyễn Hoàng đã thừa hưởng trí tuệ xuất sắc hơn người: “tướng mạo
khôi ngô, vai lân lưng hổ, mắt phượng trán rồng, thông minh, tài trí, kẻ thức
giả đều biết đấy là bậc phi thường”[1].
Công lao tạo dựng sự nghiệp của dòng họ Nguyễn và mở mang bờ cõi về phương Nam
khởi nguồn đều từ tầm nhìn sắc sảo, phi thường của chúa.
Bối cảnh khủng hoảng chính trị trầm trọng cuối thời Lê Sơ và
nội chiến Lê – Mạc kéo dài gần suốt thế kỉ XVI là một bi kịch lớn của Đại Việt.
Chúa Nguyễn Hoàng cũng như thân phụ ông An Thành hầu Nguyễn Kim vừa là tác nhân
vừa là nạn nhân của bi kịch đó. Làm trai thời loạn, Nguyễn Hoàng sớm trải qua
những thách thức nghiệt ngã của số phận: Chứng kiến cái chết tức tưởi của cha
và anh trai, đối diện với sự chuyên quyền, lấn át vua Lê của anh rễ Trịnh Kiểm,
bản thân nhiều phen thoát chết trong đường tơ kẽ tóc… Không còn lựa chọn lựa chọn
nào khác, năm 158, Nguyễn Hoàng cùng với khoảng 300 tráng đinh được Thái phó Nguyễn
Ư Dĩ theo phò rời quê hương Thanh Hóa, dong thuyền ra biển hướng về phương Nam,
mưu sự “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Buổi đầu chạy vào phương Nam với
nhiệm vụ trấn thủ đất Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng không mong gì hơn là được yên
thân trước mưu lược thâm sâu của người anh rể Trịnh Kiểm, nên giữ đạo bề tôi
“Trấn thủ Thuận Hóa, thu nộp tô thuế để chi dùng vào việc nước”[2].
Năm 1570, Trấn thủ Nguyễn Bá Quýnh được gọi ra giữ đất Nghệ
An, Nguyễn Hoàng được giao thêm xứ Quảng Nam. Từ đó, lãnh thổ dưới quyền Tổng
trấn Thuận – Quảng trải qua từ bờ nam sông Gianh đến đèo Cù Mông (tương ứng với
các địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng
Ngãi và Bình Định ngày này). Tháng Giêng thượng tướng (Trịnh Kiểm) dâng biểu
tâu vua cho Nguyễn Hoàng đi các xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, thống suất binh tượng,
thuyền bè và trấn phủ dân địa phương để cõi phiên trấn được vững mạnh. Thượng
tướng khuyên răn Hoàng rằng: “Nhà nước trao cho khanh chức nhiệm nặng nề này,
khanh nên trước sau một tiết, dốc hết tâm sức như xưa phò tá nhà vua”[3].
Nguyễn Hoàng bề ngoài giữ lễ bầy tôi, nhưng bên trong đã ngầm hiểu thâm ý của họ
Trịnh muốn tìm kế loại trừ họ nguyễn, nên tích cực trù liệu kế lập nghiệp lâu
dài trên đất phương Nam. Nhất là kể từ sau cái chết của Trịnh Kiểm (tháng
2-1570), con Trịnh Kiểm là Trịnh Cối thay lĩnh binh quyền. Bây giờ Trịnh Cối
buông thả trong tửu sắc, ngày càng kiêu ngạo, không coi tướng lĩnh, binh lính
ra gì. Các tướng lĩnh dần lìa bỏ Trịnh Cối, nhiều kẻ còn rắp tâm sinh biến. Để
khống chế Nguyễn Hoàng, họ Trịnh ra sức ràng buộc, kiểm soát . Năm 1573, Trịnh Tùng
được vua Thế Tông phong Tả tướng Thái úy, Tiếc chế các xứ thủy bộ chư dinh,
kiêm Tổng nội ngoại binh chương quân quốc trọng sự. Mọi công việc đều được tự xử
quyết trước rồi sau mới tâu. Trịnh Tùng để khống chế Nguyễn Hoàng, “sai sứ mang
sức thư vào Thuận Hóa phong Đoan quận công Nguyễn Hoàng làm Thái phó, sai chứa
thóc để sẵn dùng nơi biên ải. Còn tiền sai dư thì hằng năm phải nộp 400 cân bạc,
500 tấm lụa”[4]. Lợi dụng đường đất xa xôi, lại thêm chiến sự
khốc liệt, Nguyễn Hoàng thường mượn cớ thoát thác họ Trịnh và càng tích cực “thủ
thê”, gây dựng sự nghiệp. Về việc này, Đại Việt sử kí toàn thư dẫn lời trách cứ
của Trịnh Tùng với Nguyễn Hoàng đã chép: “Tiên tổ mất đi, tiên khảo là Minh Khang
Thái vương giữ trọng trách của nước, thấy cậu là người ruột thịt, trao cho hai
xứ Thuận, Quảng. Cậu từ khi nhận mệnh lệnh, vỗ yên dân địa phương , thực là có
công. Tiên khảo chầu trời, cháu giữ binh quyền, vẫn để cậu giữ chức cũ. Nhiều lần
gửi thư thư giục cậu đốc thu tiền thuế, vận tải lương thực để giúp việc chi
dùng của nhà nước, cậu thường lấy cớ đường biển gian nan, hiểm trở để từ chối…”[5].
Năm 1592, quân Lê – Trịnh chiếm lại Thăng Long, Nguyễn Hoàng
ra chúc mừng vua Lê đã về lại kinh đô. Trịnh Tùng muốn “điệu hổ ly sơn”, tâu với
vua Lê phong Nguyễn Hoàng làm Thái úy Hữu tướng, trên danh nghĩa vẫn giữ chức Tổng
trấn Thuận – Quảng, nhưng phải lưu lại Kinh đô vô thời hạn để giúp triều đình
đánh dẹp dư đảng nhà Mạc. Nguyễn Hoàng phải ẩn nhẫn sống cảnh “cá chậu chim lồng”
trong tám năm trời. Năm 1600, nhân có vụ khởi binh chống Trịnh Tùng nổ ra ở Nam
Định, Nguyễn Hoàng xin đem quân bản bộ theo đường biển đi đánh, giả vờ thua rồi
về thẳng Thuận Hóa. Từ đó, Nguyễn Hoàng không đặt chân ra Thăng Long nữa.
Kể từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa,
chúa chọn đóng trị sở tại gò Phù Sa, làng Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương (đời Lê
là Vũ Xương), huyện Triệu Long, tỉnh Quảng Trị ngày nay. Tương truyền, khi Nguyễn
Hoàng mới đến Ái Tử, dân sở tại đem dâng bảy vò nước trong. Quan Thái phó Nguyễn
Ư Dĩ nói với Đoan Quận công: Ấy là điềm trời cho ông nước đó! Làng Ái Tử nằm
bên bờ sông Thạch Hãn, được Nguyễn Hoàng xây thành lũy Ái Tử vững chắc và phát
triển sản xuất nông nghiệp, mở cảng Cửa Việt để giao thương với bên ngoài. Năm
1570, Nguyễn Hoàng dời thủ phủ về thôn Trà Bát, cách Ái Tử khoảng hai cây số,
nhưng đến năm 1590 thấy Trà Bát bất lợi nên lại dời về Ái Tử. Từ sông Thạch
Hãn, Nguyễn Hoàng cho đào một con sông dào dẫn vào Ái Tử, ở mạn phía đông.
Nhánh sông đào này là để vận chuyển lương thảo. Phía nam Ái Tử là đạo quân dự bị
tức Hậu Kiên, còn quanh Ái Tử có Tiền Kiên, Trung Kiên, Tả Kiên, Hữu Kiên. Đó
là Ngũ Kiên tức năm đạo quân lớn do chúa Nguyễn Hoàng lập nên và trực tiếp chỉ
huy. Mạn nam sông Thạch Hãn là nơi bố trí các xưởng đúc vũ khí, tiền kẽm; mạn bắc
đặt các kho hậu cần kéo dài cho đến các làng Trà Bát, Trà Liên, Ái Tử trở thành
thủ phủ đầu tiên và cũng là thành lũy và điểm tập kết quân sự quan trọng của
dòng họ Nguyễn trên đất Đàng Trong. Từ Ái Tử, Nguyễn Hoàng hoạch định chiến lược
và trực tiếp chỉ huy xây dựng cơ nghiệp lâu dài của họ Nguyễn.
Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng qua đời ở tuổi 89. Trước khi về
với tiên tổ, chúa dặn dò con trai thứ sau là Nguyễn Phúc Nguyễn: “Đất Thuận – Quảng
phía bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá
Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá, muối. Thật là đất dụng võ của người
anh hùng. Nếu biết dày dận luyện binh để chống trọi với họ thì đủ dựng xây cơ
nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cũng cố giữ vững đất đai để
chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”[6].
Vâng lời di huấn của cha, chúa Nguyễn Phúc Nguyên “sửa thành
lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài đâu cũng vui phục”[7].
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên công khai không thuần phục họ Trịnh nữa: không nộp phú
thuế, không nhận sắc phong, không ra Thăng Long mà cũng không gửi con thay mình
ra Thăng Long như họ Trịnh đòi. Trịnh đem quân vào đánh nhưng cả thảy sáu lần đều
không thành công đành phải rút về, chấp nhận lấy sông Gianh làm ranh giới của
Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đến đây, ý nguyện xây dựng “cơ nghiệp muôn đời” của
Nguyễn Hoàng được thực hiện
Trích PGS.TS. Trần
Thị Mai, Tầm nhìn của chúa Nguyễn Hoàng in
trong GS. Phan Huy Lê – PGS.TS. Đỗ Bang, Nguyễn
Hoàng – người mở cõi, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.257-262.
[1] Dẫn lời Lê Đức Dục: “Nhà
Nguyễn – lịch sử thăng trầm của một dòng họ”, kỳ 5, báo Tuổi trẻ online, ngày 13-12-2008.
[2] Ngô Sĩ Liên và các sử thần
triều Lê: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, NXB. Khoa học
xã hội, Hà Nội, 1993, t.III, tr.173.
[3] Ngô Sĩ Liên và các sử thần
triều Lê: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd,
t.III, tr.173.
[4] Ngô Sĩ Liên và các sử thần
triều Lê: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd,
t.III, tr.187-188.
[5] Ngô Sĩ Liên và các sử thần
triều Lê: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd,
t.III, tr.256.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn:
Đai Nam thực lục, NXB. Thuận Hóa, Huế, 2007, t.1, tr.37.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đai Nam thực lục, sđd, t.1, tr.38.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.