Cho đến cuối thế kỷ XVIII, chế
độ phong kiến Việt Nam đã bước vào một tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Mọi
mâu thuẫn của xã hội phong kiến đã trở nên gay gắt và làm bùng nổ thành những
cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài triền miên trong thế kỷ XVIII. Đấu tranh giai
cấp thực sự đã trở thành hiện tượng kịch liệt trong xã hội và cũng vì thế mà
trong lịch sử Việt Nam, thế kỷ XVIII đã được mệnh danh là thế kỷ nông dân khởi
nghĩa. Tuy nhiên tình hình khủng hoảng của chế độ phong kiến và cuộc đấu tranh
giai cấp ấy lại diễn ra trong điều kiện nền kinh tế hàng hóa tuy có những bước
phát triển nhất định, nhưng chưa chuyển biến thành nền kinh tế tư bản chủ
nghĩa, sức sản xuất và quan hệ sản xuất mới chưa ra đời. Trong điều kiện kinh tế,
xã hội ấy, yêu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ tất nhiên chưa phải là thủ
tiêu chế độ phong kiến bằng một cuộc cách mạng, vì những tiền đề vật chất cho
phép làm giải thể chế độ phong kiến chưa xuất hiện. Điều đó có thể khẳng định
được và từ trước đến nay vốn được nhất trí trong giới sử học. Vậy yêu cầu phát
triển của xã hội lúc bấy giờ chỉ có thể là cải thiện quan hệ sản xuất phong kiến
để tạo điều kiện cho xã hội tiến lên một bước.
Hiện nay còn rất nhiều tài liệu về Tây Sơn
cũng như về Việt Nam ở Văn khố của Hội Truyền giáo Paris nhưng vẫn chưa được
khai thác. Đó là một điểu khiếm khuyết rất lớn cho sử học Việt Nam bởi các tài
liệu này rất quý giá, cho biết thực trạng xã hội Việt Nam trước thời Pháp thuộc,
có thể bổ túc cho sử liệu nước nhà. Đứng ngoài khuôn mẫu về văn hóa, người Tây
phương có những nhận xét khách quan, nhưng đồng thời, họ cũng bị bó trong những
thành kiến sinh ra vì giáo dục đã hấp thụ được, nên những thiên lệch trong phán
đoán lại xảy ra. Giống như bề tôi Tây Sơn khinh bỉ gọi người Tây phương là “ những
xác chết trôi từ biển Bắc xuống”, các giáo sĩ cũng chê trách những tay phù thủy,
gọi đạo Phật là “ đạo Thần tượng”, lễ Văn Miếu, tục thờ cúng tổ tiên là “ dị
đoan, mê tín”. Họ không ngớt lời dài dòng ca tụng một ông Hoàng hứa cải giáo, một
ông Giám quân tỏ thiện ý với Bá – đa – lộc trong khi họ đã kích mạnh những nho
sĩ chống đối lại họ là những Sa tăng tranh đấu vì tước vị, quyền lợi mà không
thấy trong đó một chống đối vì lý tưởng, vì ý thức hệ. Các giáo sĩ có một thành kiến không tốt với
Tây Sơn, qui mọi tội lỗi chiến tranh cho Tây Sơn. Họ thường dùng tiếng phiến loạn
để chỉ quân Tây Sơn và tiếng Tiếm vương hay bạo chúa để gọi Quang Trung hay
Nguyễn Nhạc..Còn Nguyễn Ánh thì được gọi là ông Hoàng hay ông vua chính thống. Đó
là chưa kể họ cũng theo thời mà gọi Tây Sơn là
“ bọn phản động”, “ bọn vô đạo”, “ tên bạo chúa”.
Sử sách nhà Nguyễn đối địch với
nhà Tây Sơn ghi lại việc tàn phá vùng Nam Bộ của Tây Sơn trong những cuộc chinh
chiến. Sách Lịch sử Gia Định - Sài Gòn trước 1802 dẫn lại từ Gia Định thành
thông chí của Trịnh Hoài Đức, 1 viên quan của nhà Nguyễn năm 1820, 38 năm sau
cuộc tàn sát người Hoa ở Gia Định của quân Tây Sơn ghi lại việc quân Tây Sơn
làm trong những lần nam tiến:
"Năm 1776 khi mới tiến
vào Gia Định thì quân Tây Sơn đã tàn phá Cù lao Phố, một vùng thương mại sầm uất
bậc nhất xứ Đàng Trong. Họ dỡ phòng ốc gạch, ngói đem hết về Quy Nhơn khiến dân
cư bỏ chạy lưu tán khắp nơi. Năm 1778 khi chúa Nguyễn đã giành lại được Cù lao
Phố thì kiểm điểm lại, dân cư còn chưa tới 1% lúc trước".
"Từ Bến Nghé tới Sài Gòn
xác chết ngổn ngang, vứt cả xuống sông, nước không chảy được, hai ba tháng sau
dân cũng không dám ăn tôm, cá... mọi người đều khổ sở".[1]
*Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Phương Tây.
Sau đây là một số bức thư nói về triều Tây Sơn được đăng tải trong bộ: Lettres Éd.fiantes et Curieuses và Nouvelles
Letrres Éd.fiantes et Curieuses hay trong các bài báo của ông Cordier L.M. Cadière.
Họ Trịnh và Lê đã suy. Dường như họ không bao giờ có thể
khôi phục cơ nghiệp được nữa. Tất cả các đại thần đã bị giết. Ông Coung Chỉnh[4]
hữu danh, người đã mang chiến tranh đến ngay tại xứ sở của ông đã bị trảm tại
kinh thành, cùng với người con trai ông. Các tòa án không còn quan tòa. Những kẻ
man rợ[5]
từ cao nguyên miền Nam đến không biết gì về thuật cai trị cả. Họ đã lấy hết tiền
bạc của vương quốc, tất cả các dược phẩm của các y sư và dược tế sư. Họ đã bắt
những kẻ cày ruộng tại thôn quê đi lính. Họ đã đốt phá một phần lớn các làng mạc,
bắt dân chúng chịu thuế má và khổ dịch ( bởi thế nên mới có đói kém, dịch hạch
và só tử xuất người và súc vật tăng lên). Vua Chiêu Thống, kế vị tương của ông
ngài là Cảnh Hưng đã càu viện hoàng đế Càn Long bên Trung Hoa. Càn Long đã gửi
một số khá đông quân lính sang Bắc Hà vào khoảng cuối năm ngoái (1788) nhưng
đoàn quân vừa yếu vừa quá mê tín dị đoan. Giống như vị hiền triết Hy Lạp đã
nói: “ Tôi mang mọi thứ theo tôi, lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa
và các hành trang phụ khác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính vừa là
lái buôn, bồi bếp…”
12 – 7 – 1789: Thư của Sérarad[6]
gửi Blandin ( trang 136 -145).
Chúa Trịnh thua. Lộn xộn sau khi quân Tây
Sơn rút lui. Không một vị tướng nào có thể ngăn cấm dân chúng cướp bóc lẫn hau,
đánh nhau, đốt phá, không chịu nộp thuế cho vua hay cho chúa và như thế trong 4
tháng trời.
Sự kiêu căng của các văn võ
quan tân chính quyền.
Sự nghi kỵ giữa các tướng sĩ, nhất là sự mê
tín của vị vua trẻ tuổi [ Chiêu Thống] đối với thần mà ông thăng tước hay thưởng…
[ quân Tây Sơn trở lại; vua và Coxung Chỉnh thua] quân Tây Sơn khi đó đã vào
kinh thành, địat tướng bị kết tội mưu phản đã bị xử trảm. Vua đã chạy vào rừng.
Chuyện này xảy ra hồi năm 1788 khi chiếc tàu Pháp mang giáo sĩ đến [ quân Tây
Sơn có hay việc này và có bắn đại bác vào phía tàu…vua chạy đến hạm đội của
ngày nhưng không thoát]. Vua đã chạy về phía bờ biển ở xứ Nam và từ đó rút lui
vào trong núi bằng đường bộ. Vài chiếc tàu đã đi về phía duyên hải các trấn miền
Đông; đó là những chiếc tàu duy nhất không rơi về tay địch.
Quân Tây Sơn là quân Quảng, quân Trung Hoa là
quân Ngô.
“…Nắng quá, mưa quá, bệnh dịch,
cướp(?). Nhà nào có mấy người thì bắt đi lính cả, 6 người thì đi cả 6, nhà có 5
người thì đi cả 5 ( không kể già nua, trẻ , yếu)… Ngoài nước Nam bây giờ đang bắt
làm thành lũy khó nhọc lắm; Trão xứ Nghệ đã làm 3,4 nơi, làm chỗ nọ rồi lại bỏ
đi làm nơi khác bắt cả thảy lên rừng đánh gỗ, chém củi, nung gạch, gánh đất,
gánh cát làm đền làm phủ.[7]
28-5-1790: Thư của ông La Mothe gửi ông Blandin (trang .216)
Quang Trung yên hưởng kết quả của sự tiếm
ngôi dầu lời dồn [ ngược lại].. ông vẫn đắm chìm trong niềm hoan lạc và bình
tĩnh hưởng cái kết quả của những chiến thắng của ông tại Phú Xuân, và như chúa
Sơn Lâm, tuy ra vẻ nằm ngủ nhưng sẳn sàng vồ mồi nếu kẻ nào chọc tới nó.
Về phần dân Bắc hà chúng tôi, chúng tôi chỉ
có một cậu bé 6,7 tuổi là con cả của Quang Trung, làm vua hay đúng hơn làm
chúa, nhưng cậu bé đó có đại tướng và đại thần biết kiềm chế chúng tôi và bắt
chúng tôi vâng lời.
[ Chiêu Thống có yêu cầu ẩn tránh tại nhà dân
công giáo của Cha Thành ở xứ Đoài, ông đã cải giáo, Chúa cũng vậy?][8].
Phần về Chúa Nguyễn tích cực
ngoại thương làm khích động nội thương: trầm hương, kỳ nam, tiêu cao,ớt… đi từ
núi, từ đồng xuống biển, cá, mắm, đồng sắt từ biển lên núi, đồng. Người đi buôn
vượt khỏi ràng buộc của hương ước, của lệ làng, tiếp xúc với người khác xứ,
khác nước để trở nên tiến bộ, có sáng kiến và dám liều hơn. Chúng ta đã thấy
nhân dịp Chúa Nguyễn phát triển thế lực về phía nam, phía tây, nảy sinh ra một
dòng trao đổi sản vật giữa miền núi và đồng bằng dọc biển qua các nguồn để hợp
với những nguyên nhân khác gây ra và nuôi dưỡng biến động Tây Sơn.
Theo “lịch sử Việt Nam, Hà Nội“:
“Bọn phong kiến phản động ở Đàng Trong, đứng đầu là Nguyễn Ánh, đã đi vào con
đường phản bội tổ quốc. Bọn chúng cầu cứu quân xâm lược Xiêm. Sau khi rước quân
Xiêm vào giày xéo Gia Định, Nguyễn Ánh lại cầu cứu bọ tư bản phương Tây, đặc biệt
là tư bản Pháp… Nguyễn Ánh mới chiếm được Thăng Long, khôi phục chế độ phong kiến
phản động trong cả nước. Chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ đầu qua những hành
động khủng bố trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh đối với các lãnh tụ nông
dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và trẻ em…”Nguyễn Ánh sai quật
mả Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, đem xương sọ “giam” vào ngục tối. Anh em Quang Toản
cùng với các tướng Tây Sơn, người thì bị phanh thây xé xác, người thì bị voi
giày, người thì bị chém làm nhiều mảnh…” (LSVN – tập I).
Như vậy, theo sử gia Cộng Sản,
Gia Long là một người “cõng rắn cắn gà nhà” (như họ thường phê phán), khi chưa
thống nhất toàn cõi sơn hà đã thiết lập chế độ phong kiến phản động và có tư
cách đê hèn khi thực hiện việc trả thù anh em, con cái nhà Tây Sơn.
Các bộ sử của nhà Nguyễn coi
Tây Sơn là "giặc cướp", "phản loạn" và phê phán nặng nề các
nhân vật của triều đại này. Tuy nhiên, trong một số chi tiết đã cho thấy thực sự
nhà Nguyễn ghi nhận tài năng của các lãnh đạo triều Tây Sơn. Sách Đại Nam thực
lục của nhà Nguyễn chép lại lời tâu của bề tôi Nguyễn Ánh về Tây Sơn: "Kẻ kia, Nhạc, Huệ, anh em từ dân áo vải,
không tấc đất cắm dùi, vươn tay hô một tiếng, người theo có cả vạn, chẳng đầy 5
- 6 năm mà có được nước. Họ không có quá tài đức của người thì vì lẽ gì mà lại
hưng thịnh dữ dội như vậy?".
Tại vùng Thuận Hóa vào thời điểm này nhà thờ
biến thành trại lính, tượng thần phật bị lấy ra đúc súng đại bác, đúc nồi. Khi
quân đi rồi không còn đàn ông, ở nhà chỉ còn có đàn bà, kẻ mất cha, người mất
con, kẻ lại mất chồng. Họ là những lực
lượng quyết định tình thế trên giải đất này, họ đánh nhau rất dữ. Lại bộ Hồ Đồng
bị bắt ở trận Đồng Tuyên trước làm cho Nguyễn Huệ một bài hịch, chửi bằng “ sài
lang, chó heo”, để kể tội Nhạc “ làm nhơ uế cả một triều ”, “ khinh suất, can
không nge ” và cả quyết rằng ngôi báu tất phải đổi dời.”[9]
Chiến tranh tàn sát vẫn được coi là vết nhơ cho Tây Sơn, sau trận chiến ở Thuận Hóa người ta gọi quân
Tây Sơn có lòng hiếu sát nhưng không phải họ không có lý do bào chữa. Lý do đó
nằm trong nguyên tắc hành quân của họ. Đánh mau, đánh mạnh, đánh bất thần thì tất
luật lệ giết chóc của chiến tranh được thi thành triệt để.
Sử sách không ghi chép thật rõ
ràng về sự kiện mâu thuẫn giữa anh em Tây Sơn. Có tài liệu nói rằng Nguyễn Nhạc
yêu cầu Nguyễn Huệ nộp vàng bạc lấy từ kho của họ Trịnh ở Bắc Hà mang về Nam
nhưng vua em không chịu, hơn thế vua em lại xin vua anh cho cai quản thêm Quảng
Nam và vua anh không chấp thuận, do đó Nguyễn Huệ chủ động mang quân vào Nam
đánh Nguyễn Nhạc. Có ý kiến bàn thêm rằng, chủ trương của Nguyễn Nhạc là tập
trung tiêu diệt chúa Nguyễn, chỉ đánh chiếm phần đất của chúa Nguyễn để thay thế
cai trị tại miền Nam và giữ hòa bình với Bắc Hà, cho nên việc Nguyễn Huệ tự ý
đem quân Bắc tiến là trái ý vua anh. Ngay khi biết tin Nguyễn Huệ đánh Thăng
Long, vua Tây Sơn vội mang quân ra Bắc, thực chất là để gọi em về. Mặt khác,
Nguyễn Nhạc không yên tâm với sự phát triển thế lực riêng của Nguyễn Huệ. Trong
khi đó, là người có hùng tâm, Nguyễn Huệ có chủ trương tự lực phát triển ra
ngoài tầm kiềm chế của vua anh và việc Bắc tiến của ông không hẳn chỉ vì lời
khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh. Đây mới chính là nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn của
anh em Tây Sơn. Việc bất hòa giữa anh em Tây Sơn để lại hậu quả nghiêm trọng và
lập tức bị kẻ địch từ hai phía tận dụng.
Trong số những người hợp tác nhân dịp Tây Sơn gặp trở ngại
trong nội bộ mà chống đối lại Nguyễn Nhạc quan trọng là Châu Văn Tiếp. Người thứ
hai cũng quan trọng là Lý Tài. Nguyên nhân phản bội tuy không giống nhau, nhưng
cũng do ảnh hưởng gián tiếp của việc bắt Đông cung Dương: ở Hội An, Tập Đình muốn
giết Dương, Lý Tài phải can gián mãi mới thôi. Cảm tình giữa hai người nảy sinh
từ đó, và một khi chống đối với Nguyễn Nhạc, Lý Tài sẽ gắn bó với Dương. Các
hành vi chống đối, phản bội này rất quan trọng trong làm suy yếu sức Tây Sơn và
tiếp cho nhà Nguyễn hấp hối dài hơn.
Bên ngoài thì có nhiều thành phần chống đối
bài trò chiêu gọi những lực lượng phản động nhầm gây rối lợi dụng thời cơ để mà
lật đổ Tây Sơn. Bên trong Quang Trung ban lời huấn dụ để kích thích tinh thần
chiến đấu của các quân lính: “ Các người đủ lương tri, lương năng nên phải dốc
lòng hết sức với ta để dựng công lớn, chớ quen thói cũ mang lòng nhị tâm. Nếu
như phát giác, ta sẽ tức khắc giết chết, không tha một người nào. Đừng trách ta
không báo trước.”
Tháng 4/1792, vua Xiêm viết thư đề nghị Nguyễn
Ánh chung sức chống Tây Sơn, nhưng nhân tiện lại đòi Nguyễn Ánh cắt đất Long
Xuyên, Kiên Giang và Ba Xắc để làm điều kiện. Nguyễn Ánh trả lời là không nhường
đất, nhưng chấp nhận đề nghị của vua Xiêm là hợp lực đánh Tây Sơn. Thư trả lời
của Nguyễn Ánh có viết: "Vương (vua Xiêm) thì đem trọng binh đánh Nghệ An.
Giặc giữ Nghệ An thì vương đánh ngả trước, quả nhân (chỉ Nguyễn Ánh) đánh ngả
sau; nếu giặc giữ Phú Xuân thì vương quấy rối ở ngả sau, quả nhân đánh ngả trước,
đầu đuôi giáp đánh thì giặc không còn đi đâu được nữa".
Sau khi Nguyễn Ánh tấn công chớp
nhoáng tiêu diệt thuỷ quân của Nguyễn Nhạc ở Thị Nại tháng 7-8/1792, Quang
Trung quyết định thực hiện một chiến dịch lớn nhằm tiêu diệt tận gốc thế lực của
Nguyễn Ánh. Ông truyền hịch cho dân hai miền Quảng Ngãi và Quy Nhơn, trước khi
hành quân để đánh vào Gia Định.
Kế hoạch của vua Quang Trung là: điều động
20 - 30 mươi vạn quân thuỷ bộ; bộ binh theo đường núi qua Lào đánh xuống Cao
Miên, chiếm mặt sau Sài Gòn; thuỷ binh vào cửa bể Hà Tiên đánh lên Long Xuyên,
Kiên Giang, chiếm mặt trước Sài Gòn. Kẹp quân Nguyễn Ánh vào giữa để bao vây
tiêu diệt, không để cho đối phương có đường trốn thoát.
Trong lúc tình hình hết sức khẩn cấp, Bá Đa Lộc
và những sĩ quan Pháp trong quân Nguyễn Ánh liệu thế không chống đỡ nổi Quang
Trung, tính chuyện bỏ trốn. Trong thư gửi cho M. Létondal ngày 14/9/1791, giám
mục Bá Đa Lộc viết: “… Nhà vua đã không biết lợi dụng cơ hội mà ông ta có được
để đánh bại kẻ thù, mà lại để chúng có thì giờ hoàn hồn và chúng thấy rõ tất cả
những đồn đại về việc người Âu đến giúp chỉ là chuyện hão. Ông ta (Nguyễn Ánh)
bắt dân đóng thuế và làm dịch vụ nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa
nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng quả
quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại đầu được... Tôi rất sợ
không đi kịp trước khi tai họa xảy ra cho nhà vua, nếu có sự ấy."
Kể từ năm 1787, với sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của
người Pháp thông qua giám mục Pigneau de Béhaine (tức Bá Đa Lộc), Nguyễn Ánh
quay trở lại Gia Định. Trước đó, ngày 25 tháng 1 năm 1787, Bá Đa Lộc (giáo sĩ
người Pháp làm cố vấn cho Nguyễn Ánh) đã thay mặt Nguyễn Ánh ký Hiệp ước
Versailles (1787) với Pháp. Theo đó, vua Pháp đồng ý cử sang 4 chiếc tàu chiến
và một đạo binh: 1.200 lục quân, 200 pháo binh, 250 lính da đen ở Phi Châu
(Cafres) và đủ các thứ súng ống thuốc đạn để đánh Tây Sơn. Ngược lại, sau khi
chiến thắng, Nguyễn Ánh phải nhường đứt cho nước Pháp cửa Hội An (Faifo) và đảo
Côn Lôn (Poulo-Condore), chủ quyền các vùng đất đó sẽ vĩnh viễn thuộc về nước
Pháp ngay lúc quân đội Pháp chiếm đóng hòn đảo nói trên. Đúng lúc đó thì nước
Pháp xảy ra Cách mạng, vua Pháp không thực hiện Hiệp ước nhưng Bá đa lộc đã kêu
gọi các thương nhân người Pháp trợ giúp cho Nguyễn Ánh.
Nguyễn Ánh từ Sa Đéc sai Tôn Thất Huy, Lê
Văn Quân đánh lũy Trấn Định, dụ Cai cơ Tây Sơn
là Viện mở cửa đầu hàng , bắt được Chưởng cơ Diệu. Thừa thắng họ tiến đến
Thang Trông đánh bắt Đô đốc Nguyễn Văn Mân. Như vậy Tâu Sơn đã mất căn cứ ở Mỹ
Tho. Quân sĩ của học chạy toán loạn vào trong dân gian gây ra một mối đe dọa an
ninh cho thôn xóm, cho tất cả đất Gia Định khi Nguyễn Ánh lấy được. Cho nên một
mặt ông lấy lòng dân chúng bắt cách ra quân lệnh cấm binh sĩ sách nhiễu tiền bạc,
vợ con dân gian, để từ đó dùng lợi lộc dụ họ đối đãi tốt với quân sĩ Tây Sơn,
lôi kém đám binh này về phe mình: ai mà nuôi một binh lính Tây Sơn bỏ chạy về
làng thì được miễn binh dịch một nửa, hai người thì được miễn hết, ba người trở
lên thì được thưởng. Mặc khác, ông dụ binh Thuận Hóa bằng cách kêu gọi tinh thần
địa phương của họ, nhắc nhở đến mối liên lạc xứ sở của họ với dòng cựu Nguyễn
xưa kia để họ an tâm phò tá, gợi lòng nhớ quê, xa xứ của họ để họ ra hàng tòng
quân theo về đất cũ.
Các hoạt động quyên góp tiền sau này hay xây
dựng, sửa sang thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa,
huấn luyện cơ đội pháo thủ, tổ chức bộ binh và rèn luyện tập binh lính theo lối
châu Âu, trung gia mua tàu chiến và vũ khí... đều có sự góp sức của những người
Pháp mà do Bá Đa Lộc chiêu mộ, kêu gọi.[10]
Việc củng cố Gia Định cộng thêm sự giúp đỡ của người Pháp đã giúp cho thế lực của
Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, có thể đối đầu với Tây Sơn.
Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối
phó tình hình Bắc Hà, Nguyễn Lữ qua đời, Nguyễn Nhạc bất lực, Ánh nhanh chóng
chiếm lại đất đai ở Nam Bộ rồi đánh lấn ra Diên Khang, Bình Thuận - đất của
Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc già yếu không cứu được chỉ còn lo giữ Quy Nhơn, Quảng
Ngãi, Phú Yên.
Khi nghe tin quân Thanh giúp
Chiêu Thống sang đánh Tây Sơn và đã tiến chiếm Thăng Long, Nguyễn Ánh từng sai
người chở 50 vạn cân gạo ra giúp quân Thanh để có thêm thế lực trợ giúp việc
đánh Tây Sơn, nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết. Sau khi được anh trai là
Nguyễn Nhạc trao lại binh quyền, vua Quang Trung đang định chuẩn bị đem quân
vào Nam đánh Gia Định thì đột ngột qua đời (1792). Con là Nguyễn Quang Toản còn
nhỏ tuổi lên nối ngôi, tức là vua Cảnh Thịnh. Không có người lãnh đạo đủ năng lực,
nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Nội bộ xảy ra tranh chấp, quyền hành rơi vào
tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên.
Đầu năm 1802, Tây Sơn chiếm lại
thành Quy Nhơn, Võ Tánh tự vẫn. Nhưng lúc đó Nguyễn Ánh đã ồ ạt Bắc tiến tới
Nghệ An. Trần Quang Diệu vội mang quân ra cứu, bị quân Nguyễn chặn đường, phải
vòng qua đường Vạn Tượng (Lào). Tới Nghệ An thì thành đã mất, quân sĩ bỏ chạy gần
hết, vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân bị bắt, Vũ Văn Dũng không biết trốn
đi đâu.
Giữa năm 1802 Nguyễn Ánh tiến
ra chiếm được Thăng Long, Quang Toản không chống nổi, bỏ chạy và bị bắt. Nguyễn
Ánh đã trả thù gia đình Quang Toản những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo:
Quang Toản bị 5 ngựa xé xác. Mộ của vua Thái Đức và vua Quang Trung bị quật
lên, hài cốt bị giã thành bột nhồi vào thuốc súng và bắn đi, hộp sọ bị bỏ vào
vò và giam trong ngục (Những người thương tiếc Tây Sơn vẫn gọi là "Ông
Vò"). Nữ tướng Bùi Thị Xuân và con gái bị voi giày, Trần Quang Diệu do thờ
mẹ già 80 tuổi có hiếu nên không bị hành hình quá dã man mà chỉ bị chém đầu.Nhà
Nguyễn ra sức truy sát những quan lại và hậu duệ của nhà Tây Sơn. Cách nhìn của
triều Nguyễn coi Tây Sơn là giặc, nguỵ triều, không có tính chính danh quyền lực.
Nguyễn Ánh và bọn đại địa chủ ở đây cũng dễ
lôi kéo một bộ phận nhân dân theo chúng chống lại triều Tây Sơn. Sau này, năm
1817, chính Nguyễn Ánh cũng tự nhận thấy rằng: “Gia Định đất đai màu mỡ, các
thánh mở mang chưa đến một trăm năm mà binh mạn, của giàu, trẫm dùng đấy để
đánh giặc Tây Sơn …” [11].
Gia cấp địa chủ trong nước nói chung cũng có thái độ thù hằn với triều Tây Sơn.
Triều Tây Sơn càng suy yếu, càng mất sự ủng hộ của nhân dân thì hoạt động chống
đối của bọn phong kiến càng mở rộng, càng có hiệu lực. Bọn chúng có kẻ thì nổi
dậy chống Tây Sơn, có kẻ thì trốn vào Gia Định theo Nguyễn Ánh và luôn luôn sẵn
sàng làm hậu thuẫn cho những cuộc phản công của Nguyễn Ánh. Chúng xuyên tạc mọi
chủ trương, chính sách tiến bộ của Tây Sơn để ly gián nhân dân và tuyên truyền
cho ảnh hưởng của Nguyễn Ánh. Bài phú “Chiến tụng Tây Hồ” của Phạm Thái”, “Khúc
ca hoài nam” của Hoàng Quang và nhiều câu ca dao khác… do họ sáng tác ra đều nhằm
mục đích chính trị ấy.
Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), quan quân nhà Nguyễn vẫn tiếp tục
truy tìm hậu duệ của Tây Sơn, bắt được Nguyễn Văn Đức (con trai Nguyễn Nhạc) và
Nguyễn Văn Đâu. Đâu là con của Đức, cả hai đều bị chém ngang lưng. Nhà Tây Sơn
có còn sót lại hậu duệ nào hay không, đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài ra cũng có nhiều bài viết đi sâu vấn đề
Tây Sơn và đề ra những luận điểm trái triều với những nội dung sử sách cũ đã
ghi chép.Trong bài viết ‘Rethinking the Tây Sơn Era’ (Nghĩ lại về thời Tây
Sơn)của giáo sư George Dutton, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á, ĐH
University of California Los Angeles (UCLA) đã có những ý kiến không đồng tình với hai
quan điểm cũ ở Việt Nam về triều đại Tây Sơn. Sử gia George Dutton tìm lại các
nguồn sử liệu Việt Nam và nước ngoài để chứng minh rằng những nhà lãnh đạo Tây
Sơn trên thực tế không có mục đích giải phóng nông dân. Theo ông, phong trào
Tây Sơn tàn nhẫn không kém gì nhà Trịnh hay Nguyễn trong việc cưỡng bức nông
dân phục vụ cho các chiến dịch quân sự và các công trình xây cất. Theo George
Dutton, cuộc sống của nông dân Việt Nam ở những nơi ba anh em Tây Sơn làm chủ
hay chiếm đóng còn cực khổ hơn dưới ách chúa Trịnh hay chúa Nguyễn vì quân Tây
Sơn liên tục tiến hành chiến tranh. Quân Tây Sơn cũng nổi tiếng ưa đốt phá, cướp
bóc và thường họ đến đâu chỉ một thời gian ngắn là dân chúng tìm cách trốn khỏi
vùng họ kiểm soát, để tránh không bị cưỡng bức vào quân đội hay chế độ lao dịch.
Đây là một trong những lý do khiến triều đại này sụp đổ nhanh chóng
[1] http://voer.edu.vn/m/phong-trao-tay-son/a7543d2b
[2] Le Roy ( Jean Fracois):
giáo sĩ sinh trưởng ở địa phận Besancon nước Pháp, nhận lãnh nhiệm vụ đi truyền
đạo từ ngày 8-10-1780 và sông ở Bắc hà khoảng 24 năm. Ông mất ngày 20-8-1825.
[3] Blandin (Pierre Antoine):
giáo sĩ sinh trưởng tại Amiens, lên đường đi truyền giáo ngày 7-12-1778. Trước
khi sang Bắc hà, ông bị bắt giữ mấy tháng ở Quảng Đông. Năm 1785, ông làm đại
biểu cho Hội Truyền giáo Bắc hà ở Chủng viện Ba
Lê. Thời cách mạng Pháp, ông phải trốn qua Anh và mất ở Luân Đôn ngày
22-6-1801.
[4] Coxung Chỉnh hay Coxu Chỉnh:
Cống chỉnh viết theo chữ quốc ngữ thời sơ khai.
[5] Các giáo sĩ có một thành
kiến không tốt với Tây Sơn, qui mọi tội lỗi chiến tranh co Tây Sơn. Họ thường
dùng tiếng phiến loạn để chỉ quân Tây Sơn và tiếng Tiếm vương hay bạo chúa để gọi
Quang Trung hay Nguyễn Nhạc..Còn Nguyễn Ánh thì được gọi là ông Hoàng hay ông
vua chính thống.
[6] Sérard
(Philippe[1738-1804]: giáo sĩ sang Bắc hà truyền đạo năm 1762 ở Kẻ Vinh ( Nam Định
) cho tới khi ông mất (ngày 2-10-1804)
[7] Đặc khảo về Quang Trung –
Nguyễn Huệ , tr 319-321
[8]Đặc khảo về Quang Trung –
Nguyễn Huệ, tr 321-322.
[9] Tạ Trí Đại Trường, Việt
Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771-1802, Nhà xuất bản Công an nhân dân,
2007
[10] Tạ Trí Đại Trường, Việt
Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771-1802, Nhà xuất bản Công an nhân dân,
2007, tr 200-208.
[11] Đài phát thanh Quốc tế của
Pháp [RFI] phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn - Tạp chí Xưa và Nay trích đăng trên số
3-1-1997 với tựa đề "Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Hoàng đế Quang
Trung".
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.