Cách mạng tháng 8 năm 1945 và cơ hội

       Trong tất cả các cuộc cách mạng, đặc biệt là cách mạng giải phóng dân tộc, vấn đề xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng để chớp thời cơ khởi nghĩa là những yếu tố hết sức quan trọng, quyết định thành công. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng sống động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta.

        Do nhận thức được tầm quan trọng của thời cơ, Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, đã sớm đưa ra quan điểm về thời cơ cách mạng ở Đông Dương đang đến gần. Người viết: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực , người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến.” Lúc bấy giờ, tình hình thế giới và trong nước có sự chuyển biến mau lẹ. Tháng 5/1945 phát xít Đức đã thất bại, phát xít Nhật đang bị quân Đồng Minh dồn vào bước đường cùng rồi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các nước Đồng Minh đi đến thỏa thuận: sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Thực dân Pháp dựa vào quân Đồng Minh ráo riết chuẩn bị lực lượng khôi phục địa vị thống trị ở Đông Dương. Trước tình thế này, Đảng ta đã chọn đúng thời cơ “nổ ra đúng lúc”. Đó là lúc 16.000 quân Anh chưa vào miền Nam và 200.000 quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật. Cũng là lúc quân Nhật bại trận, mất tinh thần, chờ quân Đồng Minh đến tước vũ khí; ngụy quyền tay sai bỏ trốn hoặc đầu hàng cách mạng. Chọn đúng thời cơ là một khoa học, là một nghệ thuật, nhờ thế sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước một cách nhanh gọn, ít đổ máu và thành công triệt để.
       Nói đến thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám là nói đến một vấn đề có tính liên hoàn từ việc xác định được thời cơ, nắm bắt và tạo thế chớp thời cơ và cuối cùng là phải dũng cảm quyết tâm chớp thời cơ. Việc xác định đúng thời cơ là yếu tố không thể thiếu trong nghệ thuật lãnh đạo cách mạng. Nguyễn Ái Quốc, nhà lãnh đạo cách mạng tài ba, có khả năng phán đoán chính xác lúc nào thời cơ xuất hiện và lúc nào thời cơ chín muồi trong Cách mạng Tháng Tám. Chứng minh cho điều đó là vào ngày 6/6/1941 trong thư gửi cho đồng bào cả nước, Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Cuộc cách mạng của nhân dân ta sở dĩ chưa thắng lợi không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín muồi, hai là nhân dân ta chưa hợp lực đồng tâm.” Tháng 12/1941 , Người viết bài “ thế giới đại chiến và phận sự của dân ta” đăng trên báo Việt Lập, trong đó người chỉ rõ: chiến tranh thế giới là cơ hội tốt cho nhân dân Việt nam “nhân cơ hội này mà khôi phục lại tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”.              Ngày 9/3/1945 , Nhật đảo chính Pháp , tình thế cách mạng thay đổi nhanh chóng tạo cơ hội thuận lợi cho cách mạng nước ta. Từ hai kẻ thù Nhật, Pháp chỉ còn một kẻ thù-Nhật. Hội nghị thường vụ trung ương đã họp và phân tích thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền cho nhân dân ta đã đến nhưng chưa chín muồi vì Nhật và tay sai còn mạnh. Đầu tháng 8/1945 , Người và trung ương đã chỉ ra: thời cơ cách mạng ở nước ta đã và đang xuất hiện .Nước ta bước vào ngưỡng cửa một cuộc cách mạng . Lúc này, Đảng và bác đã hoạt động tích cực, nhanh chóng đưa ra những phán đoán chuẩn xác về thời cơ khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945 , được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh, thời cơ giành chính quyền ở nước ta đã chín muồi.
   Người và trung ương đã chỉ ra thời cơ đó như sau: Nhật ở chính quốc đã đầu hàng Đồng Minh, Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu , khủng hoảng, phân hoá thành hai phái: chủ chiến và chủ hoà bắn lẫn nhau. Chính phủ tay sai Nhật là Trần Trọng Kim , những Đảng phái thân Nhật đang hoang mang, lúng túng và tê liệt. Lực lượng trung gian (địa chủ, tư sản, tiểu tư sản …)phân hoá, phần lớn đã ngả theo cách mạng và cảm tình, ủng hộ việt Minh. Lực lượng cách mạng của nhân dân trưởng thành vững mạnh, Mặt trận Việt Minh phát triển trong toàn quốc, nhân dân cả nước sôi sục chỉ chờ lệnh khởi nghĩa của Đảng và Mặt trận Việt Minh là nhất tề nổi dậy giành chính quyền. Đảng cộng sản Đông Dương chuẩn bị chu đáo sẵn sàng, kiên quyết phát động toàn dân. Quân Đồng Minh sắp kéo vào tước vũ khí của quân Nhật. Hồ chí Minh một lần nữa khẳng định lại “lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới” .Hay trong bức thư kêu gọi tổng khởi nghĩa Người lại nhấn mạnh “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”. Như vậy, việc xác định thời cơ một cách chính xác là một công việc rất khó khăn . Bởi lẽ, nếu phán đoán thời cơ trước ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh , thì lúc đó sức mạnh của chúng vẫn dồi dào và ý chí xâm lược vẫn chưa lay động . Ta tiến công lúc ấy sẽ hao tổn rất lớn mà khả năng thắng lợi cũng rất mong manh. Còn nếu phán đoán thời cơ sau ngày quân Đồng Minh kéo vào hay từ ngày Nhật đầu hàng Đồng minh trở đi mà không giới hạn đến lúc nào thì một là kẻ thù thêm đông , hai là vấn đề giành độc lập rất khó. Có thể nói, nhờ khả năng phán đoán chính xác, lập luận chặt chẽ và nhìn nhận vấn đề thấu đáo của Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta đã có biện pháp chỉ đạo kịp thời hành động cách mạng , nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng thành công.
       Khi đã xác định đúng thời cơ đã đến, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm bắt, tạo thế chớp thời cơ qua việc chuẩn bị chu đáo đầy đủ những yếu tố cần thiết để đón thời cơ cho cách mạng thắng lợi. Trong sự chuẩn bị về đường lối cách mạng, căn cứ vào thực tiễn tình hình thế giới và trong nước , Đảng đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng cho phù hợp và sát với tình hình thực tế. Sự chuyển hướng ấy được bắt đầu ở Hội nhgị Trung ương lần thứ VI (11/1939), khẳng định qua Hội nghị VII(11/1940) và hoàn chỉnh ở Hội nghị VIII(5/1941) với nội dung chủ yếu: xác định mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn dân tộc, kẻ thù chính là phát xít Pháp- Nhật và phản động tay sai. Vì thế, đề cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc , hạ thấp nhiệm vụ phản phong , nhiệm vụ cách mạng ruộng đất nhằm phân hoá kẻ thù, chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc phát xít và tay sai của chúng dể đánh đổ chúng, lôi kéo, tập hợp những hàng ngũ trung gian (tư sản, địa chủ yêu nước…) về với hàng ngũ cách mạng, nhằm đoàn kết toàn dân đánh đế quốc giành chính quyền, giành độc lập thực hiện từng bước khẩu hiệu “người cày có ruộng”, tiến tới làm cách mạng xã hội chủ nghĩa , kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ dân tộc , dân chủ với chủ nghĩa xã hội , vận dụng sáng tạo phương pháp bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn của nước ta. . Theo Người, bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng nhân dân cách mạng gồm lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang , kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang , tiến hành khởi nghĩa từng phần giành chính quyền bộ phận , tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Nhờ có chủ trương đúng đắn, khoa học, đáp ứng được yêu cầu của lịch sử và phù hợp với nguyện vọng , quyền lợi thiết thân của mọi tầng lớp nhân dân ,Đảng đã tập hợp được đông đảo quần chúng , tạo thành sức mạnh vô song để đánh thắng bọn đế quốc tay sai giành độc lập khi thời cơ đến.
   Trong sự chuẩn bị lực lượng cách mạng, Về lực lượng chính trị : Đảng thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) với cương lĩnh 10 điểm , Việt Minh nhanh chóng trở thành nơi tập hợp khối đoàn kết toàn dân đứng lên cứu nước , cứu nhà. Việt Minh có thành phần rất rộng rãi bao gồm tất cả các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội , không phân biệt giàu nghèo, sang hèn già trẻ, gái trai…Mặt trận việt minh bao gồm nhiều tổ chức quần chúng , được thành lập theo lứa tuổi, nghề gnhiệp . Các tổ chức này đều được gọi là “ Hội cứu quốc” nhằm nhắc nhở mọi người nhớ nhiệm vụ chính của cách mạng lúc bấy giờ là cứu nước, giải phóng dân tộc, như “Hội công nhân cứu quốc”…Mặt trận Việt Minh là tổ chức quần chúng rất vững chắc , vì dựa trên cơ sở liên minh công nông , dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua tổng bộ Việt Minh , Đảng đã phổ biến chủ trương , chính sách của mình đến quần chúng.Việt Minh là cầu nối giữa Đảng với quần chúng. Việt Minh tượng trưng cho khối đoàn kết toàn dân , là lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng. Về lực lượng vũ trang, trên cơ sở lực lượng chính trị phát triển Đảng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn(1940)thất bại, Đảng duy trì đội du kích Bắc Sơn . Một số đội tự vệ du kích khác được thành lập ở vùng Đình Cả, tràng Xá( Thái Nguyên). Về sau, đội du kích Bắc Sơn phối hợp với một số đội du kích ở Thái nguyên thành đội Cứu quốc quân. Ngày 22/12/1944 Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập đội “ Việt nam tuyên tuyền giải phóng quân”. Tháng 4/1945 Đảng triệu tập Hội nghị quân sự Bắc kỳ . Hội nghị quyết định thành lập uỷ ban quân sự Bắc kỳ để chỉ huy các lực lượng vũ trang ở miền Bắc Đông Dương , hoạt động cho thống nhất, đồng thời hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang ở miền Nam Đông Dương. Hội nghị cũng quyết định hợp nhất hai đội “ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” và “Cứu quốc quân” thành đội “Việt Nam giải phóng quân”. Như từ nhiều dòng suối nhỏ hợp thành con sông lớn lực lượng vũ trang của ta từ các đội du kích, tự vệ riêng lẻ tập hợp thành đội “ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”-tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam. Dựa vào hai lực lượngchính trị và vũ trang , Đảng phát động hai hình thức đấu tranh : đấu tranh chính trị. Đấu tranh vũ trang và sự kết hợp hai hình thức ấy để tiến hành  tổng khởi nghĩa.
   Trong xây dựng căn cứ địa cách mạng, Hồ Chí Minh đã xây dựng căn cứ Pắc- bó (Cao Bằng). Từ Pắc -bó, căn cứ dần dần được mở rộng ra các tỉnh Cao-Bắc- Lạng. Tiếp đó, người chỉ thị “Nam tiến” để mở rộng dần căn cứ xuống các tỉnh miền xuôi. Tháng 6/1945, người chỉ thị thành lập khu giải phóng Việt Bắc gồm sáu tỉnh Cao-Bắc-Lạng-Thái–Hà–Tuyên. Trong khu giải phóng, 10 chính sách của Việt Minh được thực hiện . Nó trở thành chỗ dựa vững mạnh của cả nước . Đồng thời, việc thực hiện chính sách này cũng thí điểm một bước để rút kinh nghiệm trước khi tiến hành áp dụng rộng ra cả nước sau này. Trước ngày tổng khởi nghĩa, những căn cứ địa đã xuất hiện trong cả nước như: Patơ, Sơn La, Nghĩa Lộ…Từ khu giải phóng khi thời cơ đến, nhân dân ta tiến lên giải phóng cả nước.
   Trong sự chuẩn bị cho cả nước tập dượt đấu tranh, Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng không phải ở đâu , bất cứ lúc nào quần chúng cũng làm cách mạng và giành được thắng lợi. Muốn làm cách mạng , quần chúng phải được giáo dục, tổ chức, giác ngộ, tập dượt đấu tranh . Như vậy, lực lượng của quần chúng mới biến thành sức mạnh. Nhận thức rõ điều này, ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã luôn luôn kiên trì vận động , tổ chức quần chúng. Từ phong trào cách mạng 1930-1931, cuộc vận động dân chủ 1936-1939 , hàng triệu lượt quần chúng được huy động xuống đường , hìmh thành những đội quân chính trị to lớncho cách mạng. Trong phong trào phản đế (1939-1945), quần chúng tiếp tục được rèn luyện  đấu tranh. Trong cao trào kháng Nhật cứu nước thời kỳ tiền khởi nghĩa ( từ tháng 3 đến tháng 8 /1945), Đảng tổ chức lãnh đạo  phong trào phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Qua đấu tranh, quần chúng nung nấu thêm lòng căm thù đối với giặc Nhật và tay sai . Do đó, phong trào thi đua sắm vũ khí đánh đuổi quân thù rất sôi nổi. Đâu đâu, nhân dân cũng bí mật may cờ, sắm vũ khí. Quân Nhật và bọn tay sai đứng trước một tình thế giống như một bãi cỏ khô đặt cạnh một đám than hồng, chỉ chờ một luồng gió mạnh thổi tới là sẽ bùng lên thiêu cháy chính quyền của chúng.Tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn chờ đón cơ hội là quần chúng tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
       Bước đột phá cuối cùng để đi đến thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám đó chính là quyết tâm chớp thời cơ đúng lúc. Điều đó thể hiện qua việc ngay khi nghe tin chính phủ Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng Đồng Minh không điều kiện (15/8/1945) Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp từ 13-15/8/1945 quyết định tiến hành tổng khởi nghĩa. Tiếp đó, tổng bộ Việt Minh đã triệu tập quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang) . Đại hội đã thảo luận  và tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của trung ương Đảng, thông qua quốc kỳ, quốc ca, đặt tên nước, thảo luận và bổ sung một số chính sách cần thi hành ngay sau khi Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Cuối cùng, Đại hội đã thông qua mệnh lệnh khởi nghĩa và quân lệnh số 1. Đại hội quốc dân vừa bế mạc chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: “giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa của Đảng, lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước, triệu người như một nhất tề đứng lên với tinh thần “dù hy sinh đén đâu, dù phải đốt cháy cả dãy trường sơn , cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập tự do”. Từ ngày 14/8-28/8/1945 cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra và giành thắng lợi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, đòn quyết định là ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8). Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thành công trong cả nước.
       Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã phát huy và và làm rạng rỡ hơn nữa truyền thống kiên cường, bất khuất, anh dũng hy sinh, đoàn kết, nhất trí của dân tộc . Với thắng lợi này, một lần nữa đã khẳng định trong thực tế tầm quan trọng đặc biệt của thời cơ , đã chỉ ra nội dung cụ thể của thời cơ, đã lý giải tại  sao thời cơ đến từ phía địch là như nhau nhưng nhiều nước đã không giành được thắng lợi. Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập –khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Tài liệu tham khảo:
-         Hà Minh Hồng, 2005, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại (1858 – 1975), ĐHQG TP.HCM
-         Trần Huy Liệu, 2003, Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, KHXH, HN
-         Nhiều tác giả, 2005, Cách mạng Tháng Tám trong tiến trình lịch sử dân tộc, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội

-         Đặng Việt Thủy – Đặng Thành Trung, 2015,  Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, NXB Quân đội nhân dân Hà Nội.
Trương Thị Thùy Linh

Nhận xét