Triều Nguyễn với vấn đề phát triển giáo dục (1802 - 1884)

Triều Nguyễn được thành lập vào năm 1802 trong bối cảnh đất nước bị chia cắt sâu sắc. Theo dòng lịch sử, trong thế kỉ XVI- XVIII, đất nước ta bị chia cắt làm hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài với sự hiện diện của chúa Nguyễn và chúa Trịnh. Sau đó, khởi nghĩa Tây Sơn đã đánh tan các thế lực phong kiến cát cứ, xóa bỏ ranh giới sông Gianh, nhưng cũng nhiều nguyên nhân đất nước không thể thống nhất. Mãi đến năm 1802, đất nước mới thống nhất hoàn toàn dưới sự cai trị của Gia Long (hậu duệ chúa Nguyễn đánh thắng quân Tây Sơn), vương triều nhà Nguyễn được thành lập, đất nước thống nhất.


Quốc tử giám Huế

Trên lĩnh vực giáo dục, cả hai Đàng Ngoài và Đàng Trong đều sử dụng Hán học. Tuy nhiên, cũng xuất hiện sự khác biệt do điều kiện khác nhau. Giáo dục Đàng Ngoài từ khi Trịnh Doanh từ năm 1750 đề ra lệ thu tiền thông kinh làm cho việc học suy đoài. Chúa Trịnh cho duyệt lại những bản sách Tứ Thư và Ngũ Kinh, xóa bỏ những chỗ không lợi cho cường quyền và cho in ra để phát cho học quan các xứ để theo đó mà giảng dạy, cấm sử dụng sách Trung Hoa. Ở Đàng Trong, Hán học còn “nơn nớt” hơn Đàng ngoài, cũng sa sút trong việc học. Trong bối cảnh đó, văn học chữ Nôm phát triển mạnh mẽ và trở nên cực thịnh. “Ở trong tình trạng suy đồi của nhà nước phong kiến, các nhà văn quí tộc cảm thấy lo sợ, bất bình và có những hoài vọng đi tìm lối thoát. Để bày tỏ những tâm tình ít nhiều thầm kín ấy, họ đã dùng tiếng mẹ đẻ để có thể biểu hiện dễ dàng và thấu đáo hơn là dùng chữ hán là thứ chữ họ chỉ dùng và phải dùng trong khi xử trí việc công”
[1]. Như Sãi Sãi của Nguyễn Cư Trinh, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm…

1. Hệ thống giáo dục được triều đình mở rộng

Gia Long lưu ý về Nho học, từng bảo thị thần rằng: “Học hiệu là nơi chứa nhân tài, tất phải có giáo dục có căn bản thì mới thành tài. Trẫm muốn bắt chước người xưa, đặt nhà học để nuôi học trò, ngõ hầu văn phong dấy lên, hiền tài đều nổi, để cho nhà nước dùng[2]. Như vậy, ngay từ thời Gia Long, giáo dục đã được vua và triều đình rất quan tâm. Cho nên từ thời Gia Long, triều đình đã cho dựng Quốc Tử Giám, là trung tâm giáo dục, là nơi đào tạo tầm cỡ quốc gia. Nhưng ở thời này, chỉ có con em tôn thất và quan lại tuổi từ 10 đến 15 được học ở Quốc Tử Giám, đến thời Minh Mạng, Quốc Tử Giám là nơi đào tạo cho học sinh đã có trình độ cử nhân, chuẩn bị bước vào thi Hội, thi Đình để trở thành tiến sĩ. Ngoài ra, triều Nguyễn đã lập ra một số nhà học dành riêng cho con cháu trong hoàng tộc. Ví dụ như Tập Thiện Đường (được thành lập vào năm Gia Long thứ 16 (1817)) là trường học dành riêng cho các hoàng tử; Tôn Học Đường (được thành lập vào năm Tự Đức thứ 3 (1850), là trường học dành riêng cho con và cháu thân phiên, hoàng thân công, hoàng thân tử trong độ tuổi từ 10 đến 30.  
Ngoài việc học ở trung ương, nhà Nguyễn cũng thiết lập một hệ thống trường học đến các tỉnh và phủ, huyện. Nếu như ở thời Gia Long chỉ có các trấn ở Bắc Thành và Thanh Hóa, Nghệ An, Quy Nhơn đặt chức đốc học, trợ giáo để luyện tập các học trò thì đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), hàng loạt các doanh trấn khác đặt thêm đốc học như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Vĩnh Khánh, Hà Tiên, Thanh Bình . Minh Mạng năm thứ 5 (1824) cho dựng học đường ở các dinh trấn, sai Bộ Công gửi quy thức để làm. Một nhà giảng đường gồm 3 gian 2 chái và một nhà vuông 1 gian 2 chái. Sau cải cách hành chính vào các năm 1831 – 1832, cùng với việc thống nhất đổi tên các tỉnh trong tòan quốc thì trường học ở cấp tỉnh đã được thiết lập cùng học quan phụ trách mang chức danh đốc học. Đến thời Tự Đức đã định rõ bốn điều cụ thể, chi tiết về trường ốc cư trú; lương gạo học bổng; chương trình khảo sát và lệ thưởng phạt. Cũng đầu thời Tự Đức, cả nước có 21/30 tỉnh, 56 phủ và 82 huyện có trường học. Số trường học tập trung đông hơn cả ở khu vực châu thổ sông Hồng, chiếm 48% số trường học của cả nước. trong hệ thống thiết chế văn hóa được thành lập ở địa phương dưới triều nguyễn, đáng chú ý nhất là hệ thống trường học. trường học được tổ chức khá quy củ từ cấp tỉnh đến cấp huyện. nhà nước cắt đặt các chức quan trông coi hệ thống giáo dục cấp tỉnh, còn cấp huyện, phủ do quan địa phương tự bổ nhiệm.
Việc học ở các phủ huyện cũng đã được đặt ra từ thời Gia Long, nhưng được mở rộng và đi vào nề nếp dưới thời Minh Mạng. Năm 1822, vua Minh Mạng xuống chỉ: “Chuẩn cho mỗi phủ đặt một viên giáo thụ, mỗi huyện đặt một viên huấn đạo để dẵn dắt học sinh, cho văn học được mở rộng”[3]. Năm 1845, vua Thiệu Trị chuẩn y lời tâu của đình thần xét số cử nhân làm hành tẩu ở sáu bộ, chọn lấy người cao tuổi đáng làm gương mẫu để bổ sung vào các nơi khuyết giáo thụ, huấn đạo. Đến thời Vua Tự Đức, nhà vua lại chọn những người thực học hành, xuất thân là tiến sĩ, phó bảng cử nhân để bổ chức đốc học các tỉnh. Còn giáo thụ, huấn đạo ở phủ, huyện thì do quan địa phương sở tại xét hạch. Đối với những người sức học tầm thường, già yếu thì cho nghỉ hưu.
Ở cấp làng xã, triều Nguyễn cho phép các bậc hữu quan, những người đỗ đạt nhưng không ra làm quan hoặc ít nhiều có học hành được tự do mở trường lớp. Đây chính là hệ thống trường tư do các thầy đồ đảm nhiệm, nhà nước không can thiệp. Thực ra, vua Gia Long đã từng hạ chỉ tuyển chọn những người có học, có uy tín để xét cấp bằng dạy sơ học ở cấp cơ sở. Triều đình đã từng định phép học quy định mỗi xã chọn một có đức hạnh, văn học, được miễn lao dịch, để dạy bảo con em trong xã. Nhưng việc làm này không thực hiện rộng khắp. Và sang đến thời Minh Mạng thì ở cấp cơ sở, nhà nước không đặt học quan. Tuy nhiên, nhà nước khuyến khích mở các lớp sơ học bằng cách hỗ trợ một phần tiền, gạo trả cho người dạy. Năm 1838, các lớp sơ học được mở tới các huyện miền núi vùng Tây Bắc và các vùng có nhiều người theo đạo Thiên Chúa nhằm làm cho những người “mới bỏ tà giáo, chưa khỏi mờ mịt, chẳng biết theo vào đâu, nên phải dạy học thêm, khiến cho lấy chính đạo làm chỗ dựa theo, thì tôn sùng đạo chính bèn bỏ tà đạo, tất không bị mê đi theo đường khác nữa[4]. Đến năm 1853, Tự Đức vẫn có dụ khuyến khích các địa phương để ruộng công tư làm trường hương học để dạy con em trong làng. Năm 1874, triều đình lại có chính sách thành lập các lớp sơ học dạy chữ và tiếng Kinh cho con em các dân tộc thiểu số. Mỗi tổng đặt một tổng giáo dạy con em thổ dân. Tổng giáo là người đỗ tú tài hoặc là học trò ở trong hạt, tinh thông văn học, hiểu biết tiếng Kinh, tiếng Thổ chuyên dạy về chữ nghĩa, lễ phép và tiếng Kinh.
Phụ trách vấn đề giáo dục ở địa phương có các quan đốc học (cấp tỉnh), giáo thụ (cấp phủ) và huấn đạo (cấp huyện). Đốc học thường chọn trong hàng những người đỗ đại khoa (tiến sĩ, phó bảng), giáo thụ và huấn đạo thường chọn trong hàng những người đỗ cử nhân, tú tài. Các học quan này được lựa chọn khá kỹ lưỡng với các tiêu chí, ngoài học vấn với quy định về bằng cấp như trên, về tuổi tác thường phải từ trên 40 tuổi và đặc biệt phải là những người có phẩm hạnh.
Do Nho giáo được phục hồi, được gia cố nên nội dung giáo dục thời Nguyễn (nhất là ở nửa đầu thế thế kỷ XIX) vẫn nằm trong khuôn khổ của nền giáo dục Nho học truyền thống. Đó vẫn là các tác phẩm kinh điển Nho giáo (Tứ thư, Ngũ kinh), ngoài ra lấy sử làm đầu, hầu như không có các môn khoa học kỹ thuật và càng xa lạ với khoa học và kỹ thuật phương Tây. Việc học vẫn lấy học thuộc lòng, từng câu, từng chữ làm yêu cầu bắt buộc.[5] Các vua quan triều Nguyễn không phải không nhận ra thực tế đó, song hầu như chưa đưa ra được một chính sách, biện pháp giáo dục nào để có thể làm thay đổi được nền giáo dục khoa cử Nho giáo đó.
Nhìn chung, hệ thống trường học thời Nguyễn, nhất là trường công hệ thống được mở rộng từ cấp trung ương đến địa phương nhằm xây dựng nên cơ sở vật chất vững vàng cho việc đào tạo Nho sinh. Việc thi cử cũng có nhiều điểm thể hiện tính linh hoạt trong việc sử dụng người tài.

2. Chính sách khoa cử

Điểm nổi bật của khoa cử thời Nguyễn không những không có học hàm Trạng nguyên mà nó còn thể hiện tính linh hoạt trong việc sử dụng người tài. Minh Mạng năm thứ 7 (1826), khi xem lại số người đỗ trong kì thi Hội, nhận thấy cả 9 người đỗ đều là người Bắc Hà, vua bảo Bộ Lễ: “Nay thiên hạ một nhà, Nam Bắc đều là tôi con của Trẫm, cho nên Nam hiền thì dùng Nam, Bắc hiền thì dùng Bắc, không phải có thiên tư. Vả lại học trò Nam Bắc đều là người ở trong giáo dục, học lực tưởng cũng không kém nhau, thế mà nay 9 quyển đỗ đều là người Bắc là sao thế? Nên lựa chọn lấy một hai người từ Thừa Thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong mới phải”[6]. Do đó, Phan Thanh Giản năm đó là người miền Nam đỗ. Đó thể hiện rõ tính vùng miền trong việc chọn lựa nhân tài. Cũng căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa phương, mà đưa ra những tiêu chí đánh giá khác nhau cho thí sinh địa phương. Minh Mạng năm thứ 15 (1834), do Nam Kỳ có sự biến thành Phiên An, vua cho hoãn khoa thi Hương năm ấy ở Gia Định, vì: “Năm ngoái các tỉnh Nam Kỳ nhân có việc khởi biến ở Phiên An, thêm vào đó, lại có việc giặc Xiêm sang xâm lấn, học trò không ai là không nặng lòng căm kẻ thù, hướng việc nghĩa, đi theo trận mạc. Họ chưa được thả sức học tập, thì về văn thể mới, tưởng cũng khó lòng đều được tinh thông, nên trường thi gia định nay hẵng tạm đình một khoa”[7].
Có thể nói chính sách giáo dục Nho học của triều Nguyễn đã chú ý đến tính chất văn hóa vùng miền để có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hay nói cách khác, chính sách giáo dục Nho học triều Nguyễn có tính mềm dẻo, linh hoạt tương đối trong công việc thu hẹp khoảng cách về trình độ học vấn giữa học trò miền Nam và miền Bắc. Chính tính chất mềm dẻo, linh hoạt đó đã kịp thời động viên, khích lệ các học trò Nam Kỳ, giúp họ có cơ hội để trao dồi kiến thức, phát triển năng lực bản thân. Thực tế, nhiều học trò Nam Kỳ như Phan Thanh Giản tuy thuộc diện “đỗ vớt” nhờ chính sách của triều đình nhưng sau đó đã có nhiều cống hiến cho nhà nước quân chủ phong kiến triều Nguyễn. Để khắc phục tình trạng học trò Bắc Kỳ đỗ đạt nhiều trong khi học trò Nam Kỳ đỗ quá ít, năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhà vua ban dụ quy định số ngạch lấy đỗ của các trường thi miền Nam, miền Bắc. Trường Gia Định lấy 16 cử nhân, trường Nghệ An lấy 25 cử nhân, trường Hà Nội lấy 23 cử nhân, trường Nam Định lấy 21 cử nhân. Về sau, nếu số học trò đi thi nhiều lên thì Bộ Lễ có trách nhiệm tâu trình vua, khi đó sẽ xét lại. Còn nếu không thay đổi nhiều thì cứ theo cứ theo ngạch ấy làm thành lệ mãi mãi[8]. Không chỉ khuyến khích sĩ tử ở trường thi Gia Định, mà triều đình còn ban hành một số biện pháp nhằm lấy đỗ cho thí sinh ở các địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở những địa phương mà việc học còn chưa phát triển. Việc lấy đỗ cử nhân hay tú tài thời Nguyễn còn căn cứ trên số giải ngạch, đây là số lượng nhằm chọn lựa cử nhân và tú tài ở mỗi kì thi Hương. Số này định theo trường thi ở mỗi địa phương. Số giải ngạch thay đổi theo khoa thi, dựa vào số thí sinh. Căn cứ vào số giải ngạch này mà triều đình có thể nâng đỡ một vài địa phương việc học còn hạn chế và để ra ân trong những khoa thi mà số lượng thí sinh đỗ quá ít.
Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), định lấy đỗ cho đồng đều cho các tỉnh tại mỗi trường thi. Triều đình quy định dùng màu sắc đánh dấu trên quyển thi gồm màu vàng, xanh, đỏ, đen, lục, tím rồi định lấy sổ đổ cử nhân cho mỗi màu. Như ở trường thi Thừa Thiên, dùng màu vàng đánh dấu cho thí sinh quê ở Thừa Thiên, màu xanh cho thí sinh quê ở Quảng Bình, màu đỏ cho thí sinh quê ở Quảng Trị, màu đen cho thí sinh quê ở Quảng Nam, màu tím cho thí sinh quê ở Quảng Ngãi, Bình Định. Ở trường thi Gia Định, thí sinh quê ở Gia Định đánh dấu bằng màu đỏ, Vĩnh Long màu xanh, Định Tường, An Giang, Hà Tiên màu tím, Biên Hòa, Bình Thuận, Khánh Hòa có màu đen. Việc phân loại thí sinh như vậy có tác dụng khuyến khích việc học ở các trường địa phương. Lệ này tồn tại đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) thì bãi bỏ.
Tuy có những ưu tiên đối với học trò Nam Kỳ, nhưng chính sách giáo dục của triều Nguyễn cũng thể hiện sự công bằng, nghiêm khắc, ưu tiên được giới hạn trong một chừng mực nhất định. Chính vua Minh Mạng từng bảo thị thần rằng: “Văn phong ở Nam Kỳ mới mở, quyển văn thì đỗ, so với các trường khác không khỏi có phần hơi kém. Nhưng triều đình đã lấy khoa mục chọn người, thì lhi lấy đỗ cũng phải công bằng mới thỏa thiếp được lòng mong ngóng của học trò[9].
Khoa cử thời Nguyễn vẫn bao gồm Hương thí, Hội thí và Đình thí. Để được dự thi Hương, người thi phải vượt qua một kỳ khảo hạch ở địa phương cùng nhiều quy định chặt chẽ khác về nhân thân. Năm 1807, Gia Long bắt đầu tổ chức khoa thi Hương đầu tiên, quy định 6 năm một khoa. Năm 1825 định lại phép thi Hương và thi Hội, theo đó cứ ba năm mở một khoa thi: thi Hương vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, thi Hội vào các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất. Phép thi được quy định từ năm 1807 gồm bốn trường (kinh nghĩa; chế, chiếu, biểu; phú; văn sách), về sau có điều chỉnh ít nhiều. Trong khoảng thời gian từ 1807 (năm khoa thi Hương đầu tiên) đến 1918 (năm khoa thi Hương cuối cùng), nhà Nguyễn đã tổ chức được 47 khoa thi (36 chính khoa và 11 ân khoa), lấy đỗ 5.278 người. Địa điểm tổ chức thi Hương là các địa phương, thường tập trung thí sinh của một vùng (thời điểm 1858 cả nước có 7 trường thi Hương, gồm Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định và Gia Định).
Tham dự thi Hội gồm những người đã đỗ cử nhân; các tôn sinh, ấm sinh và cống sinh đã vượt qua kỳ khảo hạch; các tú tài đảm nhiệm chức giảng quan như Giáo thụ, Huấn đạo... Đỗ thi Hội thuộc hàng chính bảng sẽ được tham dự thi Đình. Năm 1822, Minh Mệnh tổ chức khoa thi Hội đầu tiên. Tính từ khoa thi đầu tiên này đến khoa thi Hội cuối cùng vào năm 1919, nhà Nguyễn đã tổ chức được 39 khoa thi Hội, lấy đỗ 558 người (Minh Mệnh 6 khoa, lấy đỗ 76 người; Thiệu Trị 5 khoa, lấy đỗ 79 người; Tự Đức 16 khoa, lấy đỗ 206 người; còn lại là các đời vua khác). Trong số này có 11 người đỗ Đệ nhất giáp, 54 người đỗ Đệ nhị giáp, 227 người đỗ Đệ tam giáp và 166 người đỗ Phó bảng6. Sự phân bố các nhà khoa bảng tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và khu vực phía Bắc và Trung Trung Bộ, càng vào nam càng ít và đặc biệt toàn bộ sáu tỉnh miền núi phía bắc không có một người đỗ đại khoa. Điều này phản ánh sự phát triển của giáo dục ở các địa phương trên toàn quốc đã được thể hiện qua phân bố của hệ thống trường học, theo đó miền Bắc phát triển hơn miền Nam, đồng bằng và trung du phát triển hơn miền núi.[10]

3. Một số nhà giáo tiêu biểu

Đội ngũ thầy dạy, triều Nguyễn yêu cầu các địa phương phải tổ chức sát hạch giáo chức ở huyện để kiểm tra trình độ. Vua Minh Mạng từng ra dụ bảo Bộ Lễ rằng: “Đặt giáo chức để làm khuôn mẫu cho học trò, chẳng phải để cho đủ số quan. Trước đây đặt huyện giáo, hoặc dùng người cử tư, hoặc dùng sinh viên ở giám, gần đây nghe nói có nhiều người không xứng chức, trách nhiệm người làm thầy sao có thể phiếm lạm như thế! Vậy hạ lệnh cho quan địa phương sở tại xét rõ huấn đạo các huyện ai có học hạnh mà sĩ tử tin theo; hoặc ai học thức nông hẹp quá không xứng chức thì đều phân biệt tâu lên, đợi Trẫm bỏ hoặc lấy; nếu có chỗ khuyết mà nên bổ thì chọn người học rộng đúng tuổi bổ sung[11]. Vua Minh Mạng cũng tỏ ra là người quan tâm chú trọng đến vấn đề lựa chọn người dạy, nâng vị trí của giáo chức lên cao. “Đặt giáo chức là để rèn luyện nhân tài dành làm của đùng cho đất nước. Chọn người làm chức ấy là quan hệ đến việc mô phạm nên trẫm nghĩ rằng các hương cống đời Lê hãy còn nhiều người là bậc văn học lão thành, giảng dạy ở các trường tư, lại là nghiệp sẵn. Vậy hạ lệnh cho các quan địa phương ở Bắc Thành và Thanh Nghệ chỉ tên tâu lên đợi chỉ kén dùng”. Ngay cả đến “chức Huấn đạo dù nhỏ, nhưng quan hệ đến phong hóa”[12], cho thấy rằng cho dù chức nhỏ nhưng các vua Nguyễn cũng ra lệnh chặt chẽ. Bên cạnh đó, cũng có ưu đãi cho những học quan. “Phàm học quan tại chức ba năm, đến kì thi hương, sĩ tử của mình trúng một người cử nhân, thì huấn đạo được thưởng kỷ lục một thứ, trúng bốn người thì gia một cấp; trúng hai người thì giáo thụ được thưởng kỷ lục một thứ, trúng tám người thì gia một cấp, trúng bốn người thì tế tửu, tư nghiệp, đốc học được thưởng kỷ lục một thứ, mười sáu người được gia một cấp…”2. Như vậy, với chức giáo chức, học quan,… triều Nguyễn rất chú trọng làm cho đội ngũ giảng dạy xuất hiện những bậc hiền tài, chẳng hạn:
Cao Xuân Dục: Coi trọng việc học hành, lấy thực học làm căn bản, Cao Xuân Dục cũng thấy rằng, việc nêu gương, ghi tính danh những người đỗ đạt cao và nhất là người làm nên công trạng là hết sức cần thiết. Quan tâm thường xuyên đến việc học hành, thi cử của, con cháu ruột thịt trong nhà, trong họ cũng thể hiện nhất quán tư tưởng giáo dục của nhà giáo, quan chức Cao Xuân Dục. Hẳn rằng khi cầm bút ghi tên những người là con cháu họ Cao đã từng noi gương cha ông mà thi đỗ trong Quốc triều hương khoa lục và Quốc triều Hương khoa lục Cao Xuân Dục phải vui mừng và tự hào lắm, cho dù ông vẫn giữ được cách viết kín đáo.  Nhìn lại thân thế và sự nghiệp của người thầy- trải quan chức từ tri huyện đến đại thần, dù khi ba cùng ăn ở với nhân quần ở mọi chốn thôn quê, hay khi mũ cao áo dài nơi cung vua triều chính, lúc nào và ở đâu Cao Xuân Dục cũng luôn hướng tới suy nghĩ, thực hành, tự tay và chi đạo viết sách tham khảo, bổ trợ trực tiếp cho sách giáo khoa nằm trong chương trình. Nơi quan trường thì giữ công bằng, cứu cánh cho Nho sinh thực tài đức hạnh, nơi làm tổng đốc thì được dân yêu mến nể trọng, ghi nhớ công ơn.
Nguyễn Đức Đạt:  Từ thuở nhỏ Nguyễn Đức Đạt nổi tiếng thông minh, học giỏi và uyên bác về nhiều mặt. Ông đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi (1847) đến khoa thi Quý Mão đời Tự Đức (1853), ông cùng Nguyễn Văn Giao, người làng Trung Cần đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh tức Thám hoa. Buổi đầu Nguyễn Đức Đạt được bổ làm quan ở Viện Tập Hiện làm thị giảng rồi bổ làm Cấp sự trung. Triều đình triệu ông về kinh thành Huế, giao cho việc dạy học ở Quốc Tử Giám, sau thăng Án sát Thanh Hoá, rồi tuần phủ Hưng Yên. Trong bối cảnh Pháp dần thôn tính Việt Nam,  Nguyễn Đức Đạt cáo quan trở về núi Nam Sơn tiếp tục con đường dạy học. Để dạy học, ngoài Nam Sơn song khoá phú tuyển, Nam Sơn song khoá chế nghĩa, Nguyễn Đức Đạt soạn thêm Đăng Long văn tuyển, Khả Am văn tập, Nam Sơn di thảo, đáng chú ý nhất là bộ sách Nam Sơn tùng thoại. Qua Nam Sơn tùng thoại, ngoài những ý kiến còn chịu ảnh hưởng của Khổng, Mạnh, Nguyễn Đức Đạt đã đưa ra nhiều quan điểm riêng, phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiểu: tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, hay còn được gọi với cái tên thân mật là cụ đồ Chiểu. Ông là một trong những nhà thơ, nhà văn hóa lớn ở thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam. Sống trong cảnh nước mất nhà tan, lại chịu nhiều cảnh ngộ bất hạnh như mùa lòa, bệnh tật, hôn thê bội ước… nhưng ông vẫn thể hiện cốt cách của một nhà nho, nhà giáo, nhà yêu nước chân chính. Trước những cám dỗ của kẻ thù, ông không quay lưng lại với vận mệnh dân tộc và đã để lại cho đời rất những áng văn lỗi lạc như “Lục Vân Tiên” và “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
Nguyễn Văn Siêu là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Về sự nghiệp văn chương, đương thời ông và Cao Bá Quát được coi là hai danh sĩ tiêu biểu lúc bấy giờ Ngoài các tác phẩm nghiên cứu nghiêm túc, có nhiều phát hiện đáng quý, Nguyễn Văn Siêu còn là một người có tài thơ. Thơ ông đáng chú ý nhất là mảng phản ánh đời sống nghèo đói, cực khổ, loạn lạc của nhân dân thời ấy ,và lòng tự hào của nhà thơ về đất nước, về nhân dân, về dân tộc. Tóm lại, Nguyễn Văn Siêu là một trí thức trong sạch, đạo đức cao đẹp, học thức uyên bác, một nhà giáo gương mẫu, một nhà nghiên cứu nghiêm túc, một nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, đáng trọng. Ông xứng đáng có một chỗ đứng nhất định trong nền văn học và văn hóa Việt Nam.
Cao Bá Quát là quân sư trong cuộc nổi dậy Mỹ Lương, và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam. Cao Bá Quát với tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết và khí phách được thể hiện qua các bài thơ như Tài mai, Quá Dục Thuý Sơn, Thanh Trì phiếm châu nam hạ . Sau giấc mộng khoa cử tan rã, đến năm 32 tuổi ông nhậm chức Hành tẩu Bộ Lễ. hiện còn lại 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, gồm 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ. Nhưng do dính líu tới cuộc khởi nghĩa chống đối lại nhà Nguyễn, thơ của ông đã bị tiêu hủy và cấm lưu hành. Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Ông luôn gửi gắm tâm hồn phóng khoáng, trí tuệ sáng suốt với những màu sắc mới lạ từ cái nhìn truyền thống vào trong thơ văn. Với những tình cảm thiết tha, lòng tự hào dân tộc, yêu dân như con mà thơ ông luôn có sự phong phú trong nội dung. Cuộc đời ông vẫn là một bài học quý khi cần thiết ông biết ném cây bút để nắm lấy Long tuyền về nội dung tư tưởng, sự dũng cảm và cả sự sáng suốt.
 Nguyễn Văn Hậu, Trần Hoàng, Nguyễn Thị Thu Thảo




[1] Đào Duy Anh. (2013), sdd, tr.451.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn' (Viện sử học dịch). (2007). Đại Nam thực lục, tập 1. Hà Nội: NXB. Giáo dục.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 4, sđd.
[5] PGS.TS. Vũ Văn Quân. (2012, 08 31). Vài nét về hệ thống giáo dục và khoa cử thời Nguyễn. Được truy lục từ Đại học quốc gia Hà Nội vnu.edu.vn: https://vnu.edu.vn/home/?C1635/N4178/Vai-net-ve-he-thong-giao-duc-va-khoa-cu-Viet-Nam-thoi-Nguyen.htm.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 4, sđd.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 4, sđd.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn' (Viện sử học dịch). (2007). Đại Nam thực lục, tập 6. Hà Nội: NXB. Giáo dục.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 5 sđd.
[10] PGS.TS. Vũ Văn Quân. (2012, 08 31), tlđd.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 4, sđd.
[12], Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 4, sđd

Nhận xét