Người kéo cờ đỏ trên chiếm hạm France

Đồng chí Tôn Đức Thắng (1888-1980), người được nhân dân ta quen gọi là Bác Tôn, một chiến sĩ lão thành cách mạng, từng bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Côn Đảo và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cho đến khi qua đời, đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, là người Việt Nam đầu tiên đến với Cách mạng Tháng Mười Nga.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) bùng nổ, nhiều thanh niên Việt Nam bị ép buộc vào phục vụ trong quân đội Pháp. Tôn Đức Thắng là một trong số đó. Là một thợ máy giỏi, Tôn Đức Thắng bị điều đến làm lính thợ tại Quân cảng Toulon.
Vào ngày 16-4-1919, mặc dù chiến tranh thế giới đã kết thúc, Chính phủ Pháp vẫn điều động một hạm đội gồm 5 chiến hạm, trong đó có chiến hạm France vào Hắc Hải để cùng với các đế quốc khác chống lại nước Nga Xô viết non trẻ. Các chiến hạm được lệnh vượt qua eo biển Đác-đa-nen tiến vào Biển Đen và bắn phá hải cảng Xê-vát-tô-pôn.
Biết được âm mưu này, người thợ máy trẻ tuổi Tôn Đức Thắng đã cùng anh em binh lính trên tàu quyết định phản chiến. 8g ngày 20-4-1919, cuộc binh biến nổ ra. Tôn Đức Thắng là người trực tiếp kéo lá cờ đỏ lên nóc chiến hạm France trước cửa thành Xê-vát-tô-pôn.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến thăm công nhân làm việc tại Nhà máy Ba Son sau ngày đất nước thống nhất, tháng 11-1975.
Tư liệu lịch sử đã ghi lại lời Bác Tôn kể về sự kiện này như sau: “Trời đã tối, tàu sắp qua Đác-đa-nen. Không khí trên tàu càng sôi sục. Một số anh em vận động thủy thủ mít tinh để đấu tranh với bọn chỉ huy. Anh em bảo tôi: “Trước khi mít tinh, anh ra kéo lá cờ đỏ nhé. Kéo để cho chiến hạm Hồng quân biết chúng ta là bạn, không phải là thù”. Tôi rất thích được tự tay mình làm việc đó.
Lúc đó vào quãng gần sáng, chiến hạm đã lọt vào Hắc Hải. Tiếng kèn tập hợp vừa nổi lên (cũng là tiếng kèn tập hợp thường ngày của thủy quân, nhưng lần này không phải do lệnh chỉ huy) thì ngọn cờ đỏ cũng được kéo lên trên cột cờ đô đốc.
Các bạn Nga ơi! Tàu của chúng tôi còn xa bến các bạn, các bạn còn chưa thấy ngọn cờ đỏ này. Nhưng với ngọn cờ này, giữa Hắc Hải, chúng tôi chào các bạn. Tôi mong ước với lá cờ đỏ này, chiến hạm sẽ chạy vào hải cảng các bạn, và tôi sẽ lên bộ để may ra được tham gia cách mạng và được học hỏi để về nước làm cách mạng…”.
Hành động của người thanh niên Tôn Đức Thắng với hình ảnh lá cờ đỏ tung bay trên nóc chiến hạm France đã đi vào lịch sử như một mốc son, biểu thị ý chí và tình cảm của nhân dân Việt Nam từ lúc còn là thuộc địa của Pháp, chào mừng nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười, đặt dấu mốc xây đắp tình hữu nghị Việt-Xô phát triển suốt chiều dài lịch sử...
Sau này, khi đã trở thành lãnh đạo của đất nước, nhắc lại sự kiện này, Bác Tôn nói: “Tôi tin rằng, bất cứ người Việt Nam yêu nước nào có mặt trong những giây phút lịch sử đó ở Biển Đen cũng không thể hành động khác như tôi đã làm. Bởi vì yêu Tổ quốc và căm thù đế quốc cũng có nghĩa là yêu Cách mạng Tháng Mười và căm thù những kẻ chống lại Cách mạng Tháng Mười”.
Tháng 11-1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Nhà nước Liên Xô đã trao tặng Bác Tôn Huân chương Lênin, huân chương cao quý nhất của Liên Xô, để ghi nhận công lao của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười Nga và xây đắp tình hữu nghị Xô-Việt.
Xí nghiệp Liên hợp Ba Son (nay là TCty Ba Son) đã sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, lắp ráp mô hình chiến hạm France thu nhỏ đặt tại bảo tàng. Chiến hạm France có lượng giãn nước 23.475 tấn, dài 270m, rộng 165m, mớn nước 9,04m, sức đẩy 24 nồi súp-de, cung cấp năng lượng cho 4 tuốc-bin phát triển đến 28.000 mã lực, 4 chân vịt; vận tốc tối đa 24 hải lý/giờ, vận tốc tuần dương 14 hải lý/giờ, cự ly hành trình xa lên đến 42.000 hải lý. Trên chiến hạm này có trang bị 12 khẩu pháo 350mm lắp trên 6 tháp pháo nòng, bắn xa 13.500m; 22 khẩu pháo 138mm, 4 khẩu pháo 48mm, 4 ống phóng ngư lôi cỡ 450mm; thủy thủ đoàn lên đến 1.115 người.
Những hình ảnh, tư liệu lịch sử giai đoạn Tôn Đức Thắng ở Pháp được trưng bày tại bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1, TP HCM) luôn giúp các thế hệ sau có thể hình dung được bối cảnh xã hội, công việc của những người lính thợ và tình cảm, uy tín của người thanh niên đến từ đất nước Việt Nam đối với bạn bè cùng cảnh ngộ.
Hình ảnh tư liệu cho thấy, Quân cảng Toulon lúc bấy giờ là một bến cảng rất rộng lớn, tấp nập tàu, thuyền, trên bờ san sát các khu công xưởng, máy móc công nghiệp. Điều này phần nào lý giải, Pháp phải đưa về đây số lượng công nhân, lính thợ hùng hậu từ các nước thuộc địa để đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ.
Những hình ảnh Tôn Đức Thắng chụp với bạn bè tại Quân cảng Toulon cũng cho thấy, Bác Tôn của chúng ta lúc bấy giờ là một người có uy tín, được bạn bè quý mến, nể trọng. Vì vậy, trong sự kiện phản chiến, bảo vệ Cách mạng Tháng Mười, Tôn Đức Thắng chính là người được anh em tín nhiệm giao trọng trách kéo cờ đỏ lên nóc chiến hạm.
Màu cờ đỏ kiêu hãnh trên Biển Đen, ngọn lửa đấu tranh ở cảng Ba Son là những mốc son chói lọi trong hành trình đấu tranh không mệt mỏi vì nước, vì dân của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Gần một thế kỷ trôi qua, tinh thần cách mạng, tầm nhìn sâu rộng, hành động quả quyết đầy giác ngộ của người thợ Tôn Đức Thắng năm xưa và ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn mãi là bài học thời sự quý giá cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Và các thế hệ trẻ sẽ tiếp tục noi gương cùng chung tay xây dựng đất nước mà thế hệ đi trước đã dành cả máu và tuổi thanh xuân để gìn giữ, bảo tồn.

Nhận xét