Ai được xem là “tổng công trình” sư của công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Phân tích các nội dung của “Chương trình hành động đầu tiên”?

Cuối thế kỷ 19, sau khi phong trào Cần Vương kết thúc, thực dân Pháp gần như đã bình định xong Việt Nam về mặt quân sự. Lúc này đây thực dân Pháp đã có thể bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa trên bình diện và quy mô lớn hơn trước rất nhiều và người được xem là “tổng công trình sư “, người đặt những viên gạch vững chắc đầu tiên cho công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp với quy mô trên toàn cõi Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng chính là toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897 – 1902).
Vì sao Paul Doumer lại được xem là “ tổng công trình sư” của công cuộc khai thác thuộc địa? Paul Doumer được xem là “ tổng công trình sư” bởi vì trước khi ông đến thì vốn dĩ thực dân Pháp cũng đã có những bước đi đầu tiên để tiến hành khai thác thuộc địa mà nơi đầu tiên được tiến hành chính là Nam Kỳ. Tuy nhiên các chính sách của các thống đốc Nam Kỳ và sau này là toàn quyên Đông Dương đều không tạo được sức bật cho vùng đất thuộc địa mới này của nước Pháp có thể vì nhiệm kỳ của các ông quá ngắn chỉ khoảng từ 1 – 2 năm thì với khoảng thời gian ngắn như vậy thì không đủ để vạch ra một chính sách dài hơi đồng thời các vị toàn quyền trước Paul Doumer còn phải đối phó với làn sống nổi dậy của nhân dân cũng như sự phản kháng của triều đình, và chỉ đến năm 1896, khi thực dân Pháp cơ bản đã bình định xong các cuộc khởi nghĩa thì  lúc này  Pháp mới có thể rảnh tay cho công cuộc khai thác này. Paul Doumer đã được chọn và chỉ trong một thời gian ngắn độ khoảng chừng 1 tháng sau khi đi khắp các vùng đất của Đông Dương ông đã gửi một bản báo cáo về Bộ Thuộc địa Pháp nêu ra những điểm hạn chế của bộ máy thuộc địa hiện tại ở Đông Dương và  ông cũng đã đưa ra một chương trình hành động gồm 7 điểm để khắc phục cũng như tổ chức lại toàn bộ Đông Dương mà theo ông là để cung cấp cho Đông Dương:” một công cụ tổ chức, một kế hoạch tổng quan rồi sau đó thực hiện một cách có phương pháp và có tính liên tục, khi các khả năng được tạo ra, các nguồn lực cần thiết được cung cấp. Chương trình hành động đầu tiên gồm 7 điểm như sau:
1.      Tổ chức Phủ toàn quyền và các bộ máy cai trị địa phương;
2.      Cứu vãn tình hình tài chính hiện tại và thiết lập các nguồn lực cho tương lai bằng cách tạo ra một chế độ tài khóa thích hợp với từng địa phương, với tình trạng xã hội, phong tục tập quán của dân cư cũng như các yêu cầu về ngân sách của mỗi địa phương đó;
3.      Cung cấp cho Đông Dương các công cụ phát triển kinh tế, các hệ thống đường sắt, đường bộ, đường bộ và cảng để phát huy giá trị của xứ này;
4.      Tăng cường sản xuất và thương mại thuộc địa bằng cách thúc  đẩy công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp và tạo thêm việc làm cho người bản xứ;
5.      Đảm bảo việc phòng thủ ở Đông Dương bằng cách thiết lập các vùng yểm trợ của hạm đội cũng như tăng cường quân đội thuộc địa và các căn cứ hải quân tại thuộc địa;
6.      Hoàn tất công cuộc bình định Bắc Kỳ, đảm bảo hòa bình và sự ổn định trên các tuyến biên giới của vùng này;
7.      Mở rộng ảnh hưởng của Pháp, phát triển các lợi ích của Pháp tại Viễn Đông, nhất là tại các quốc gia láng giềng với thuộc địa.
(Trích “Xứ Đông Dương” – Paul Doumer)
Như vậy qua nhưng điểm của chương trình hành động này có thể nói Paul Doumer đã vạch ra một chính sách khai thác thuộc địa có chiến lược lâu dài, đặt những nền móng đầu tiên để những người kế nhiệm sau đó kế thừa trong các giai đoạn sau này mặc dù có những lúc gián đoạn nhưng vẫn dựa vào nó là chủ yếu. Và có thể thấy Paul Doumer xoay quanh vào hai mảng là kinh tế và bộ máy hành chính.
Để làm rõ sự thành công của “Chương trình hành động” mà Paul Doumer đưa ra thì chúng ta sẽ đi sâu vào từng điểm của chương trình.
Trước hết là “1. Tổ chức phủ toàn quyền và bộ máy cai trị địa phương”
Trong khoảng thời gian 1 tháng tìm hiểu Đông Dương, Paul Doumer đã đi đến quyết định thành lập một tổ chức trung ương  hay có thể nói là một Chính Phủ thuộc địa tại Đông Dương. Chính phủ này sẽ điều hành chung những vấn đề thuộc địa đồng thời cũng sẽ tổ chức những bộ máy cai trị phù hợp với đặc điểm từng vùng địa phương và đây sẽ là một hệ thống thống nhất mà như Paul Doumer đã phát biểu khi tới Đông Dương: “ cai trị khắp nơi và không quản lý nơi nào cả”. Các cơ quan hành chính riêng rẽ trước đó cũng sẽ được tổ chức lại một cách tập trung. Paul Doumer đã có một loạt hành động cho chính sách này:
Đầu tiên ông trao quyền giải quyết tất cả các vấn đề thuộc địa dù là nhỏ nhất cho Toàn quyền Đông Dương ( Toàn quyền Đông Dương trước đó chỉ là người cai quản Bắc Kỳ) và để thực hiện điều đó ông đã đưa sự hiện diện của mình ở Nam Kỳ vốn đã có bộ máy cai trị được xác lập từ năm 1861 mà theo ông hiện tại nó đang trở nên hỗn loạn nên cần phải thay đổi ở nơi này và đặt lại chức thống sứ Bắc Kỳ có nhiệm vụ quản lý hành chính Bắc Kỳ.
Kế đến ông cho thành lập một Hội đồng Tối cao Đông Dương mà ban đầu Hội đồng này bao gồm Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Bộ Binh, các Thống sứ và vị Phó Toàn quyền, các chủ tịch Phòng Thương mại, Phòng Canh nông và các phòng hợp nhất. Hội đồng này sẽ đại diện cho lợi ích chung của thuộc địa và đem đến sức mạnh cho Toàn quyền cũng như đưa ra các cải cách cần tiến hành sau này.
Sau đó,Phủ Toàn quyền đã được cơ cấu lại gồm 4 phòng đặt dưới sự quản lý của Chánh Văn phòng: Phòng chính trị, Phòng Hành chính, Phòng Quân sự, Phòng Nhân sự và Ban Thư ký. Đây là nơi tập trung kiểm soát mọi vấn đề và giải quyết các vấn đề chuyên biệt về đối ngoại và đối nội.
Ở tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ và các xứ bảo hộ, người đứng đầu sẽ là một Thống sứ hoặc Khâm sứ. Một hội đồng Bảo hộ cũng được thành lập có nhiệm vụ giúp đỡ Thống sứ đưa ra các ý kiến về các dự thảo chính sách có tầm quan trọng và ngân sách địa phương. Ngoài ra dưới Thống sứ còn có các cơ quan công quyền địa phương như Ty hành chính công, Ty thếu vụ, Kho bạc địa phương, Ty học chính, Ty nông nghiệp…
Như vậy có thể thấy điều đâu tiên mà Paul Doumer nhắm đến khi đến Đông Dương lại thiết lập lại bộ máy cai trị thiết lập sự cai trị lên toàn cõi Đông Dương chứ không đơn thuần chỉ có một vùng Nam Kỳ, vùng Bắc, Trung Kỳ , Cao Miên chỉ còn mang tên là vùng đất bảo hộ trên danh nghĩa còn thực tế đã là một chế độ trực trị với một Chính phủ Thuộc địa điều hành từ trung ương đến địa phương.
Sau khi thiết lập tổ chức hành chính thì Paul Doumer hướng đến khắc phục sự thâm hụt ngân sách và đề ra những giải pháp mới để vực dậy cũng như phát triển nền kinh tế Đông Dương hiên đang rất bấp bênh với đã được thể hiện trong những điểm tiếp theo của chương trình hành động.
Điều được hướng đến tiếp theo  là “2.Cứu vãn tình hình tài chính hiện tại và thiết lập các nguồn lực cho tương lai bằng cách tạo ra một chế độ tài khóa thích hợp với từng địa phương, với tình trạng xã hội, phong tục tập quán của dân cư cũng như các yêu cầu về ngân sách của mỗi địa phương đó;”
 Phải nói rằng Paul Doumer là người hoạch định chính sách tài năng ông không chỉ hướng đến cứu vãn nền tài chính mà ông còn muốn tạo một nguồn vốn để phát triển xứ thuộc địa Đông Dương này. Ông chỉ trong một thời gian ngắn đã nhìn ra được nguồn lực, điều kiện tự nhiên ở mỗi vùng là khác nhau cho nên không thể xây dựng một chính sách tài khóa rập khuôn theo trung ương mà cho phép mỗi địa phương có một chính sách riêng sao cho phù với diều kiện từng vùng cũng như phong tục tập quán của vùng đó.
Điều Paul Doumer đã làm ngay trong năm 1897 là ông đã thiết lập một ngân sách trung ương và đã được Bộ thuộc địa phê duyệt  vào tháng 7/1898. Ngân sách này sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của Hội đông Tối cao, đây là ngân sách chung cho các hoạt động của chính quyền nhằm xây dựng xứ Đông Dương. Không chỉ hình thành ngân sách trung ương mà đến năm 1899 ở Đông Dương có thêm các nguồn ngân sách địa phương của Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên và Ai Lao.
Kế đến là thiết lập một chế độ thuế thống nhất bao gồm thuế trực thu và thuế gián thu. Thuế trực thu được phân bổ lại cân đối hơn giữa các tỉnh và các làng, chỉ tăng thuế ở những nơi vốn cho tới hiện tại được ưu đãi để cân bằng giữa các tỉnh và các làng. Thuế gián thu được thu thông qua các mặc hàng được tiêu thụ chủ yếu là rượu, muối và thuốc phiện. Và theo như nhận định của Paul Doumer thì chính sách thuế mới đã giúp cho xứ Đông Dương khép lại năm tài khóa với thặng dư ròng là trong năm 1897 là 982.811 piastre mà trước đó mà dự báo là sẽ bị thâm hụt.
Như vậy từ các việc làm cụ thể từ chính sách trên đã giúp cho Đông Dương có một khoản thu lớn thoát khỏi sự khó khăn tài chính mà còn đem đến một nguồn thu lớn khi mà đến năm 1901 Đông Dương đã có gần 30 triệu phăng trong các quỹ dự trữ. Mặc dù chính sách thuế khóa trên đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân xứ thuộc địa nhưng nhờ nó mà nền tài chính của Đông Dương đã được vực dậy bước đầu đi vào phát triển.
Để có thể duy trì được các nguồn thu trên cũng như tạo được sức bật về phát triển kinh tế thì Paul Doumer phải: “3.Cung cấp cho Đông Dương các công cụ phát triển kinh tế, các hệ thống đường sắt, đường bộ, đường bộ và cảng để phát huy giá trị của xứ này;”
 Đây là một trong những điểm quan trọng cho việc tạo sức bật cho kính tế Đông Dương. Để có thể tiến hành khai thác thuộc địa một các có hiệu quả thì cần phải có các phương tiện khai thác mà trước hết chính là giao thông, nếu giao thông có thuận lợi thì mới có thể khai thác triệt để được xứ thuộc địa với nhiều tài nguyên khoáng sản này.
Paul Doumer đã cho thiết lập một hệ thống xe chung gồm một đường xe lửa xuyên Đông Dương (Transindochinos) nối liền Hà Nội với Nam Vang và một đường xe lửa xâm nhập tỉnh Vân Nam được khởi động vào năm 1898 với tên gọi là “chương trình Doumer” tuy nhiên cho tới khi hết nhiệm kỳ của mình thì chỉ có hai đoạn đi vào hoạt động là Sài Gòn – Mỹ Tho và Hà Nội – Lạng Sơn. Các công trình đường xá cũng được xây dừng nhiều cây cầu bằng sắt được dựng nên như cầu Doumer (sau đổi tên thành cầu Long Biên,cầu Thành Thái (tức cầu Tràng Tiền) bắc qua sông Hương ở Huế và cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn .Các hải cảng cũng được mở như cảng Hải Phòng, Đà Nẵng,Sài Gòn… các công trình này đã tạo nên sự thuận lợi cho việc khai thác thuộc địa cũng như thuận lợi cho công cuộc vận chuyển hàng hóa, nối kết thị trường ở các vùng của Đông Dương.
Như vậy có thể nói Doumer đã thiết lập nên hệ thống giao giông cơ bản cho Đông Dương để tạo ra một sức đẩy cho nền kinh tế thuộc địa, mà những người kế nhiệm ông đã được thừa hưởng những thành tựu đáng giá mà Paul Doumer đã thiết lập nên cho vùng đất viễn Đông xa xôi này.
Paul Doumer cũng đã nhìn nhận một điều cho việc phát triển kinh tế thuộc địa chính là:”4. Tăng cường sản xuất và thương mại thuộc địa bằng cách thúc  đẩy công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp và tạo thêm việc làm cho người bản xứ”.
 Nước Pháp cần phải đẩy mạnh khai thác những tài nguyên thiên nhiên vùng đất này có đồng thời cũng phải tận dụng được nguồn nhân công ở đây mà theo như Paul Doumer nhận xét thì: “người An Nam là những người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh.” Cho nên Doumer phải tận dụng được nguồn nhân công này bằng cách thiết lập các cơ sở kinh tế như các đồn điền, nhà máy để có thể tập trung được sức lao động của người bản xứ và thúc đẩy kinh tế xứ thuộc địa.
Không chỉ chú trọng đến kinh tế Paul Doumer còn chú ý đến vấn đề quân sự:” 5.Đảm bảo việc phòng thủ ở Đông Dương bằng cách thiết lập các vùng yểm trợ của hạm đội cũng như tăng cường quân đội thuộc địa và các căn cứ hải quân tại thuộc địa;”
Khi mà vào thời điểm bấy giờ khi mà các nước phương Tây đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa để mở rộng thị trường của chủ nghĩa tư bản thì đối với một vùng đất xa xôi này vấn đề phòng thủ cũng rất quan trọng. Pháp không thể để mất một vùng đất mà họ đã phải mất gần ba thập kỷ mới có thể chiếm cứ được nên giờ đây hk phải bảo vệ lấy nó đồng thời cũng là tao ảnh hưởng của Pháp đến với thế giới phương Đông này. Trong khoản thời gian từ 1897 -1901, lực lượng đồn trú ở Đông Dương được tăng cường; nhiều đơn vị quân được thành lập và được đặt trong tình trạng vừa phòng thủ thuộc địa vừa sẳn dàng hành động ra bên ngoài nếu cần thiết.
Một hệ thống phòng thủ gồm bảy ụ pháo được xây dựng tại Ô Cấp (Vũng Tàu), đây là phòng tuyến mà kẻ địch phải đánh bại nếu muốn tiến vào cửa sông Sài Gòn. Song song đó thì một công trình phòng thủ cũng được xây dựng tại cảng Hòn Gai và có ý định biến nơi đây thành một căn cứ hổ trợ chủ yếu ngang hàng với Sài Gòn – Vũng Tàu.
Như vậy đi đôi với việc phát triển kinh tế thuộc địa thì chính sách của Paul Doumer cũng rất chú trọng đến việc phòng thủ Đông Dương khi đây là một vùng thuộc địa quan trọng của nước Pháp. Hệ thông này cũng được tổ chức rất chặt chẽ.
Bên cạnh những điều trên thì vấn đề Bắc Kỳ cũng cần Paul Doumer giải quyết nếu muốn ổn định tình hình Đông Dương để có thể tiến hành khai thác bởi vì vào lúc bấy giờ vẫn còn lực lượng của phong nông dân Yên Thế của Đề Thám còn đang hoạt động kế đến là quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, nạn thảo khấu ven biên giới Trung Quốc – Việt Nam sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề khai thác thuộc địa cũng như giao thương với Trung Hoa cho nên Doumer cũng rất chú trọng đến những vấn đề còn tồn đọng ở Bắc Kỳ trước khi ông đến và được thể hiện trong chính sách của ông ở điều sáu là:”6. Hoàn tất công cuộc bình định Bắc Kỳ, đảm bảo hòa bình và sự ổn định trên các tuyến biên giới của vùng này;”. Ông đã thực hiện đi vào giải quyết vấn đề Bắc Kỳ khi mà ông đã cho tướng Pennequin trấn áp các toán thảo khấu người Trung Hoa với các đầu lĩnh là Mac và Mamang dọc biên giới ở vùng Tây Bắc. Và ông cũng cho tướng Lefevre tấn công lên Yên Thế buộc Đề Thám phải hòa hoãn lần thứ 2 để tránh tổn thất về lực lượng. Như vậy về cơ bản Doumer đã giải quyết ổn thỏa vấn đề Bắc Kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc khai thác thuộc địa của mình.
Và điều cuối cùng trong chương trình của Paul Doumer đó là: “7.Mở rộng ảnh hưởng của Pháp, phát triển các lợi ích của Pháp tại Viễn Đông, nhất là tại các quốc gia láng giềng với thuộc địa.”.
Ông là một người Pháp cho nên việc gây ảnh hưởng của nước Pháp đến các nước xung quanh Đông Dương cũng là một phần quan trọng nó cho thấy sự lớn mạnh của nước Pháp ở vùng Viễn Đông đồng thời có thể xem đây là hình thức để Pháp cạnh tranh với đối thủ truyền kiếp của mình là Anh về vấn đề thuộc địa. Và nếu gây được ảnh hưởng của Pháp sang các nước xung quanh sẽ có thể tạo một điều kiện nào đó cho Pháp mở rộng thuộc địa ở vùng Viễn Đông này đồng thời nâng cao được vị thế của nước Pháp trước các nước phương Tây đặc biệt là Anh.
Qua những điều đã phân tích trên đây dựa trên các hoạt động thực tiễn tương ứng với “Chương trình hành động” mà Paul Doumer đã đưa ra có thể nói ông thực sự là một nhà hoạch định chiến lược đại tài khi mà ông đã giải quyết các vấn đề tồn động trước đó cũng như đưa Đông Dương phát triển về kinh tế đưa về chính quốc những nguồn thu rất lớn mặc dù chính vì các chính sách của ông mà nhân dân thuộc địa đã phải chịu sự bốc lột và khổ cực. Tuy nhiên nếu nhìn nhận dưới góc độ của một người Pháp thì những điều ông làm cũng vì Tổ quốc của ông là nước Pháp, ông muốn biến xứ Đông Dương một thuộc thành niềm tự hào của người Pháp trước thế giới. Các điểm ông đã đưa ra trong “Chương trình hành động” của mình có thể nói là tương đối toàn diện về mọi mặt từ kinh tế - chính trị - quân sự. Điểm thiếu của ông có lẽ là vấn đề xã hội ông chưa thực sự chú trọng đến đời sống của nhân dân thuộc địa.”Chương trình hành động đầu tiên” này thật sự là một thành công khi giúp đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp tại Đông Dương. Nếu nói vì sao “Chương trình hành động” của ông thành công thì có thể vì ông có thời gian ở Đông Dương nhiều hơn những người trước để thực hiện những dự định của mình; thứ hai là tình hình Đông Dương lúc đó về cơ bản là hòa bình khi mà các phong trào khởi nghĩa đã bị dọn dẹp nên có điều khiện để ông viến hành. Có thể nói là Paul Doumer đã mở ra thời kỳ mới về công cuộc thuộc địa của Pháp tại Đông Dương với “Chương trình hành động” đặt nên những nền móng cho những người tiền nhiệm tiếp bước sau này và cũng đã để lại những hệ quả nhất định cho vùng đất Đông Dương này.
*Tài liệu tham khảo
1/ Việt Nam thời Pháp đô hộ - Nguyễn Thế Anh – NXB Khoa học xã hội
2/ Xứ Đông Dương (Hồi Ký) – Paul Doumer – NXB Thế Giới
3/ Việt Nam Pháp thuộc sử 1862 -1945 - Phan Khoang – Tủ sách sử học Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách văn hóa xuất bản, SG.

4/ Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỉ XX – Lê Thành Khôi – NXB Nhã Nam
Dương Minh Nhật

Nhận xét