Triều Nguyễn hạn chế sự phát triển của Thiên chúa giáo (1802 - 1884)

Thiên chúa giáo là một loại tôn giáo xuất phát từ phương Tây và đã được truyền vào. Đến thời triều Nguyễn, nhớ ơn Giám mục Bá Đa Lộc, Gia Long cho phép tự do truyền bá đạo Công giáo. Sau này, người Công giáo bắt đầu gặp nhiều cuộc cấm đạo kể từ triều vua Minh Mạng. Đặc biệt là Phong trào Văn Thân với khẩu hiệu "Bình Tây sát Tả" vào những năm 1867-1868, 1873-1874 và 1883-1885. Việc cấm đạo, sát đạo từ thời Minh Mạng trở đi và đến thời Tự Đức là đỉnh điểm, là nguyên nhân mà Pháp lấy làm cớ để xâm lược. Nhưng câu hỏi đặt ra là có phải triều đình lại cấm đạo, sát đạo là do đâu và mức độ nào, việc xem xét vấn đề này cần được làm rõ thêm.
Vua Gia Long là người có thiện cảm với Thiên chúa giáo. Nhưng ông cũng bày tỏ quan điểm về đạo này, cũng là thông qua con trai ông hoàng tử Cảnh. Chính bức thư của giám mục Bá Đa Lộc, gởi cho ông Letondal ngày 17/8/1789 có nội dung: “Từ ngày Đức Đông cung trở về nước và đã từ chối không làm lễ bái trước bàn thờ chư vị tiên đế, tôi đã mất một phen phân trần, giải thích lại với đức lịnh muôn năm. Hoàng thượng tỏ vẻ xúc động nhiều về cử chỉ kỳ lạ của thái tử. Ngài phán cho tôi biết rằng, Ngài lấy làm ngạc nhiên vì sao đạo Gia Tô có thể dung túng cho tín đồ quên hết ông bà tổ tiên đi làm vậy…”. Sau khi lắng nghe sự giải thích, biện minh hết lời của giám mục Bá Đa Lộc, Vua khẳng định: “Duy ta nhứt quyết tôn trọng tục lệ thờ phượng cha mẹ, ông bà. Ta cho đó là việc cần thiết và đứng theo như Ta đang bàn luận cùng thái phó, việc ấy không có chi là lố lăng, đáng cười. Vả lại đó là cổ tục cốt yếu của Quốc gia, dạy cho đứa con từ bé thơ phải biết thờ cha, kính mẹ, như vậy mới là “hiếu tử”. Giúp cho cha mẹ có quyền trị gia, nếu không thì trật tự trong gia đình không còn và sẽ rối loạn mất. Sự kính trọng cha mẹ ông bà, phải được phổ biến công khai, bành trướng rộng và ăn sâu tận gốc rễ…” (Bản dịch của Vương Hồng Sển, trong Khảo về Đồ sứ men lam Huế, quyển hạ, từ trang 90 – 94, nhà xuất bản TP. HCM, 1993). Ngoài ra, ông còn nói:. Ông nói: "Đạo Thiên Chúa rất hợp với đạo lý nhưng quá nghiêm khắc với tục đa thê. Đối với ta, không thể chỉ lấy một vợ, mặc dù ta thấy là trị cả nước còn dễ dàng và ít mệt mỏi hơn là giữ cho gia đình ta được yên ấm"[1]. Trước khi mất, ông cũng tỏ ra là người thiện chí với đạo Thiên chúa khi nói với người kế vị không nên đối xử phân biệt giữa đạo Nho, Phật, Thiên chúa giáo. Việc khủng bố tôn giáo sẽ là nguyên nhân dẫn đến các biến động xã hội và gây ra thù oán trong nhân dân: đôi khi làm sụp đổ cả ngôi vua.
Đến thời Minh Mạng, việc cấm đạo và sát đạo mới bắt đầu diễn ra. Kể từ khi còn là thái tử, năm 1817 ông đã tuyên bố “Nếu các thừa sai muốn giữ đạo thì về Âu châu mà giữ”. Khác với vua cha, nếu như Gia Long còn có thiện cảm với đạo Gia Tô (Thiên chúa giáo) thì ông hoàn toàn không có mối liên hệ gì cả, và cũng do nhiều nguyên nhân trong việc chọn người kế vị Gia Long trước đây có sự chống đối của giáo sĩ và giáo dân. Đồng thời, ông cũng bày tỏ quan điểm của mình về đạo này. “Cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa không kính thần minh, không thờ tiên tổ thì rất trái với chính đạo. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy quy là tà đạo hơn đạo nào hết”[2]. Năm 1934, ban hành “Thập điều giáo huấn” với nội dung: “Trai gái dung hỗn tạp, việc làm này giống như cầm thú… Đó là làm cho bại hoại luân lý, hư hỏng giáo hóa, không thể tin được. Nếu người nào bị dỗ dành thì nên mau chóng bỏ đi. Phần các việc quan hôn, tang, tế đều phải theo lễ tục nước nhà…”. Tháng 10 năm 1939, ông lại ra chỉ dụ “Buộc những người theo đạo phải bỏ đạo trong vòng một năm, xây dựng chùa chiềng vào những nơi trước đây xây dựng nhà thờ. Tất cả thần dân phải tích cực trong nôm chùa chiền”. Điều này đã gây rối loạn trong xã hội, mâu thuẫn đang lên cao. Vua Minh Mạng cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc biên thủy đối Thiên chúa giáo, ngăn cấm sự truyền đạo về quốc gia kể từ năm 1825. “Các tôn giáo sai trái của người Tây Dương làm hư hỏng lòng người. Đã từ lâu nhiều tàu Tây Dương đến đây buôn bán và đã để lại các đạo trưởng trong vương quốc này. Các đạo trưởng đã lôi kéo và làm hỏng nhân tâm, làm suy thoái thuần phong mỹ tục. Đó chẳng phải tai họa lớn cho đất nước. Vậy phải chống lại sự lạm dụng này để đưa núi, tất cả mọi ngả đường thủy bộ để ngăn không cho các đạo trưởng Tây Dương xâm nhập lén lút, trà trộn vào dân chúng để gieo rắc bóng đen trên vương quốc”[3]. Theo PGS.TS. Đỗ Bang trong bài viết “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo” trên trang web của Bảo tàng Nhân học thì trong vòng khoảng hơn 10 năm (1825 – 1838), có 4 giám mục, 9 linh mục ngoại quốc, 20 linh mục người Việt và hàng trăm giáo dân bị sát hại. Và cũng theo ông đến năm 1840, cả nước có 3 giám mục, 2 phó giám mục, 24 linh mục ngoại quốc, 144 linh mục người Việt và 420.000 giáo dân.
Đến thời Thiệu Trị, nếu so với đời Minh Mạng thì đối với Thiên chúa giáo, triều đình thoải mái và cởi mở hơn. Năm 1841, giáo sĩ Miche, Duclos, Galy,… các giáo sĩ phương tây bị bắt, nhưng Triệu Trị không cho thi hành án. Đến năm 1843, tàu chiến Pháp yêu cầu thả, Triệu Trị chấp nhận. Các phạm nhân theo đạo cũng được thả cho dù có lệnh cấm đạo. Đối với các quan theo đạo, nhà vua kiên trì thuyết phục cho họ bỏ đạo. Do chính sách khoan hồng của thời Thiệu Trị, số giáo dân tăng lên nhất là ở Trung và Nam Kì. Nhưng trong nhận thức, Thiệu Trị thể hiện rõ quan điểm của mình, xem Thiên chúa giáo (đạo Gia Tô) là nguy cơ của mất chủ quyền và đảo lộn phong hóa dân tộc, đây cũng là mầm móng gây tai họa xâm lược của giặc. Năm 1847, dụ: “Người Tây Dương lòng vốn xảo trá, nếu bỏ cấm đạo thì Anh Cát Lợi nghe thấy cũng cầu xin cấm thuốc phiện. Nhưng địch là giống sài lan, không thể thỏa mãn được nó… Vả lại đạo Gia Tô là tà giáo, là cái hại rồi sẽ đến bởi chuyện ngoài biên, mở đường cho chinh chiến. Thuốc phiện là thứ thuốc mê, cái hại của nó rồi sẽ khuynh gia bại sản, hại tới tính mạng người ta. Hai việc ấy đều nghiêm cấm trong nước…”[4]. Rồi đến năm 1847, Pháp tấn công 5 tàu thuyền của triều đình, tức giận, Thiệu Trị ra chỉ thị cho các quan địa phương nghiêm khắc thực hiện lệnh bắt đạo trong phạm vi cả nước.
Thời Tự Đức với 10 năm đầu cầm quyền, đó là khoảng thời gian mà quân Pháp lấy cớ để xâm lược. Lúc lên ngôi, ông đã ra lệnh cấm đạo: “Phàm những đạo trưởng Tây Dương đến nước ta thì cho quân dân mọi người ai ai có thể bắt được nộp quan, thưởng cho 500 lạng bạc. Còn người đạo trưởng Tây Dương ấy do quan sở tại xét hỏi rõ ràng, lý lịch, lập tức lấy việc dâng tâu, cho đem đích thân anh nhân ấy ném xuống biển. Còn những đạo trưởng và bọn theo đạo là người nước ta, xin cho nha lại xét việc hình hai ba lần mới báo cáo cho biết tội, nếu họ biết hối cái bỏ đạo bước qua cây giá chữ thập thì thả ra ngay. Ngày nào không chịu nhảy qua cây giá chữ thập thì người đạo trưởng cũng nên xử tử, các con chiên theo đạo hãy tạm thích vào mặt, đuổi về cho vào sổ dân. Nếu họ biết hối cải thì cho đến quan để trừ bỏ thích chữ ấy đi”[5]. Đến năm 1851, sau sự kiện Hồng Bảo lật đổ vua không thành, nghi có liên quan đến Thiên chúa giáo, Tự Đức ra dụ cấm gay gắt hơn “Để làm sáng tỏ chính đạo, cần phải bắt và ném xuống sông các đạo trưởng Tây Dương hoặc là người Việt Nam, dù chúng có chà đạp hay không chà đạp lên cây Thập tự giá phải chặt chúng ra làm hai để cho mọi người cùng biết sự nghiêm ngặt của pháp luật nước ta”[6]. Từ đó, cấm đạo và sát đạo ngày càng gay gắt.
Khi Pháp xâm lược Việt Nam, sự xuất hiện của một số giáo sĩ và giáo dân trong đội quân viễn chinh Pháp trong các chính trường Đà Nẵng, Gia Định năm 1858, 1859, 1861 làm cho triều đình có đủ bằng chứng chứng minh rằng Pháp sử dụng tôn giáo để gây ra chiến tranh. Nên triều đình ban hành nhiều lệnh cấm đạo với nhiều hình thức. “Giám mục Pellerin (địa phận Huế) tích cực vận động chính phủ Pháp đem quân đánh Việt Nam. Giám mục Lefebre (địa phận Sài Gòn) tích cực giúp quân Pháp tấn công Gia Định. Hưởng ứng lời kêu gọi của các giáo sĩ Pháp, nhiều giáo dân đầu quân theo giặc để chống lại triều đình. Khi quân Pháp đánh Đà Nẵng nhiều giáo dân Bắc Kỳ vào Đà Nẵng đầu quân cho Pháp. Đội quân này do tướng chỉ huy Rigaule de Genouilly thành lập đóng ở bán đảo Sơn Trà, họ đã tham gia đánh Đà Nẵng và sau đó vào Nam đánh Đại đồng Chí Hòa”[7].
Từ những đạo dụ và thái độ của các vua đầu triều Nguyễn, chúng ta thấy rằng triều Nguyễn cấm đạo là có nguyên nhân và nguyên nhân ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống sâu sắc. Theo triều Nguyễn, nó phá bỏ trật tự xã hội, không thờ cúng tổ tiên, kính trọng người đã khuất, những đạo lí thiên đường vô lý… Đồng thời, những vi phạm của các giáo dân, giáo sĩ dẫn tới cuộc cấm đạo, sát đạo gay gắt từ thời Minh Mạng đến thời Tự Đức là đỉnh điểm. Đồng thời, có xuất hiện yếu tố chính trị thể hiện trong việc chọn người kế vị của Gia Long.
Và một điều quan trọng nữa đó là sự xâm lược Việt Nam sau này có sự ủng hộ của các thừa sai ngoại quốc. Linh mục Húc trình lên Napoleong III năm 1857, đã nêu lên việc đánh chiếm Việt Nam là có lợi chiến lược, “Đà Nẵng nằm trong tay người Pháp sẽ là một hải cảng không ai tấn công nổi và là cứ điểm quan trọng nhất để chế ngự Bắc Á”; lợi ích về kinh tế và thương mại, “Lãnh thổ Cochichine màu mỡ có thể sánh được với các vùng nhiệt đới giàu có nhất. Xứ này thích hợp cho việc trồng trọt mọi sản phẩm chính và phương tiện trao đổi hiện có là đường, gạo, gỗ xây dựng, ngà voi…; sau hết là vàng và bạc mà các mỏ rất phong phú đã được khai thác từ lâu”; lợi ích tôn giáo, “Dân chúng hiền hòa, cần mẫn, rất dễ dãi, đối với việc truyền bá đức tín Gia Tô… chỉ cần một ít thời gian là có thể cải hóa toàn bộ thành tín đồ Gia Tô và con dân trung thành với Pháp”. Và ông khẳng định “Việc chiếm đóng xứ này là việc dễ nhất trên đời, không tốn kém gì cả cho nước Pháp” “dân chúng rên xiết dưới chế độ bạo tàn kinh khủng nhất… sẽ đón tiếp chúng ta như những người giải phóng và ân nhân”[8]. Theo giám mục Pellerin gửi thư lên Napoleong III “Những người mới cải đạo khốn khổ ở xứ Cochichine và các thừa sai Pháp ở nước An Nam; hiện giờ máu họ đang đổ và tình cảnh của họ khốn khổ hơn từ khi có cuộc vận động sau chót của nước Pháp. Nếu bây giờ chẳng ai làm gì cả cho chúng tôi, e rằng Gia Tô giáo sẽ bị tiên diệt tại các vùng đất sẵn sáng đón nhận ân đức của tôn giáo này và văn minh…Chúng tôi kính xin hoàng thượng đừng bỏ rơi chúng tôi. Điều mà hoàng thượng ban cho chúng tôi sẽ khiến cho ân phúc của Thiên chúa ban xuống cho Hoàng thượng và triều đại huy hoàng của Hoàng thượng…”[9]. Đó là một số lời cầu xin của các thừa sai, họ nhận thấy thực tại mà xin với Pháp giúp đỡ đạo. Nhưng điều này có phải là lỗi của các thừa sai không, Thiên chúa giáo cần có một giải pháp để cứu giãn.
Thừa sai Jooly gán cho các chính quyền Âu Châu: “Các chính quyền này, cứ nhắc nhở mãi công trình của các tông đồ trong việc chinh phục thuộc địa, không suy nghĩ sự xưng tụng bất cẩn đó đã xác nhận lời buộc tội của sĩ phu Á Châu và biện minh cho sự tàn sát của họ dưới danh nghĩa yêu nước. Xưng tụng như thế sẽ gây tai hại ở Đông Dương và ở Trung Hoa. Dân chúng ở đây sẽ khai thác luận cứu đó và rốt cuộc dân da vàng sẽ liên kết với nhau để chống dân Âu Châu, đưa đến sự suy tàng của giáo hội và của nền đô hộ Âu Châu”. Và “Phần đông các thừa sai không thấy nguy cơ đó, không từ khước những lời xưng tụng trên, còn khoái trá nhận lãnh, bổ túc thêm nữa, và tiếp tục sống nhờ lưỡi gươm của thế quyền, cho đến giờ đây, tại Viễn Đông, sự truyền đạo bị ghét, nhưng sự ghét đó lại là một tôn vinh. Bởi vì chính tên đao phủ lắm khi phải khâm phục nạn nhân mà họ xử trảm… Bây giờ, trở đi người Á Châu biết rõ rằng đụng đến thừa sai là phải trả giá đất như thế nào. Nhưng khi trả giá, họ học dược quyền khinh bỉ… Đạo chúa khi làm công cụ cho một Tổ quốc dưới trần thế, dù cho Tổ quốc đó lớn đến đâu đi nữa, dù cho vai trò đó đẹp đến đâu trong lịch sử thế giới, là một đạo chúa thấp lùn, không làm ai kính phục, cũng như sự đô hộ của Pháp ở An Nam không làm ai kính phục về tính chính đáng”2. Do đó, muốn cứu đạo chúa cần tách nó ra khỏi tính chính trị.  Louver viết: “Vấn đề có tính chính trị hơn là tính chính trị nhiều hơn tôn giáo, có thể nói hầu như hoàn toàn chính trị”. Như vậy, các thừa sai cũng đã thừa nhận việc mình làm có ảnh hưởng và là người dẫn dắt cuộc chiến. Một số giáo sĩ và giáo dân tham gia vào cuộc chiến là minh chính rõ nhất. Nhưng họ cũng xuất phát từ tâm truyền đạo nhưng họ lại bị cấm đạo, sát đạo bởi những người cầm quyền. Nhưng chưa hẳn là nguyên nhân cấm đạo mà thành vì ở thời nào cũng đã có lệnh cấm đạo, nhưng có thể thấy rằng, chính do mức độ sát đạo mà thành ra.
Từ năm 1862, nhất là từ năm 1874, do nhiều nguyên nhân từ cuộc chiến tranh với Pháp, triều đình Nguyễn đã tạo cơ hội cho Thiên chúa giáo phát triển. Trong khoản 2 hiệp ước năm 1862 quy định: “Công dân hai nước Pháp và Tây Ban Nha có thể hành đạo trong nước Việt Nam và công dân của nước này, bắt luận ai, nếu muốn theo đạo Gia Tô thì theo, không bị ngăn trở, nhưng không được cưỡng bực ai trở thành tín đồ Gia Tô nếu người ấy không muốn”[10]. Năm 1865, Tự Đức đã ra chỉ dụ chính thức cho các giáo sĩ tự do truyền đạo và dân chúng tự do theo đạo. Năm 1874, theo hiệp ước, người theo Thiên chúa giáo được tự do dự các kì thi do triều đình tổ chức và tham gia vào bộ máy nhà nước các cấp, tham dự vào các hoạt động chính trị xã hội của đất nước như một công dân bình thường như mọi công dân khác.
Như vậy, khác với ba tôn giáo truyền thống Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo đến đầu thế kỉ XIX cũng không được các vua đầu triều Nguyễn tin tưởng, thường xuyên gây khó khăn. Nhưng do những ý thức hệ và mâu thuẫn đến quyền lợi, văn hóa dân tộc bị đảo lộn nên lệnh cấm đạo luôn được ban ra. Do mức độ sát đạo gay gắt, những phần tử phản động, gián điệp, lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị đã tạo điều kiện cho Thiên chúa giáo trở thành công cụ cho kẻ xâm lược. Đến năm 1874, cơ bản Thiên chúa giáo đã được hoạt động công khai và từng bước phát triển.
Trần Hoàng





[1] Nguyễn Văn Kiệm. (2003). Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam. Hà Nội: NXB. Văn hóa - thông tin, tr.27.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 4, sđd.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 4, sđd.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 7. Hà Nội: NXB. Giáo dục.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn; (viện sử học dịch). (2007). Đại Nam Thực lục, tập 7, sđd.
[6] Phan Phát Huông. (1958). Việt Nam giáo sử, tập 1. Sài Gòn, tr.280.
[7] Nguyễn Văn Kiệm. (2001). Sự du nhập của đạo Thiên chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX. Hà Nội: Viện nghiên cứu tông giáo, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tr.235.
[8] Cao Huy Thuần. (2003). Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa tại Việt Nam (1857 - 1914). Hà Nội: NXB. Tôn giáo.
[9], 2 Cao Huy Thuần. (2003), sđd.
[10] Cao Huy Thuần. (2003), sđd.

Nhận xét