Cơ sở hình thành quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn từ thế kỉ XVII – XVIII
Từ
thế kỉ XVI, các chúa Nguyễn vào trấn thủ miền Thuận Quảng, đã thật sự quan tâm
đến biển, chuyển dần từ nền kinh tế nông nghiệp sang thương nghiệp là chủ đạo.
Chính vì vậy mà tư tưởng về biển của chúa Nguyễn so với các đời trước được xem
tiến bộ và phát triển hơn. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là tại sao đến thời chúa
Nguyễn, sự “hướng biển” lại khởi phát đến như vậy và một thành công lớn đó là sự
chính thức xác nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, quá trình
xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời chúa từ thế kỉ XVII – XVIII dựa
trên những cơ sở, những điều kiện nào. Việc tìm hiểu những điều kiện, những cơ
sở đó còn khẳng định được tính hợp thức hóa, hợp pháp hóa quá trình đó.
1. Việt Nam nằm trong một khu vực Đông Nam Á – nơi biển cả phân
lập, chia tách các quốc gia
Khu
vực Đông Nam Á nằm trong mội trường tự nhiên và không gian văn hóa đặc thù. “Biển
cả đã phân lập, chia tách các quốc gia, các trung tâm kinh tế. Nhưng dường như
là một nghịch lý của lịch sử, chính môi trường biển lại trở thành nhân tố liên
kết, cố kết các cộng đồng cư dân trong khu vực” [9, 20]. Và ngay cả trong bản
thân Việt Nam, là một quốc gia nằm cận biển, bị chia cắt mạnh bởi điều kiện tự
nhiên do những dãy núi cao từ lục địa Châu Á đổ theo hướng Tây Bắc – Đông Nam
xuống Biển Đông nên ở nước ta sớm hình thành nên những không gian kinh tế - văn
hóa tương đối biệt lập. Do địa hình bị chia cắt, lại chủ yếu sinh tụ ở vùng
tương đối ẩm trũng, các châu thổ, vùng cận biển và ven biển, với người Việt việc
đi lại, chuyển vận theo các tuyến sông, biển luôn giữ vai trò quan trọng. Chiếm
3/4 diện tích trái đất, biển khơi bao la với tiềm năng dồi dào của nó và nguồn
lợi từ hải thương đã tạo nên năng lực và nhu cầu hướng biển, chinh phục biển
khơi của nhiều quốc gia và đế chế lớn trên thế giới. Trên bình diện khu vực, từ
những thế kỉ đầu sau công nguyên, cư dân Việt cổ, Champa, Phù Nam, Java, Mã
Lai… đã nổi tiếng về kĩ thuật đóng thuyền, tàu đi biển, năng lực chinh phục biển
khơi và tiến hành các hoạt động giao thương trên biển.
Cư
dân biển ở Đông Nam Á theo sự nghiên cứu thì người ta cho rằng đây là “Bộ lạc hải
du”. Họ đã phất triển truyền thống hàng hải trước khi mở mang nông nghiệp. Đây
là quan niệm phổ biến ở những nước có chỉ số cận và hướng biển cao. Và theo
Bernard Phillippe Grosslier cũng chỉ ra rằng “Ở vùng Đông Nam Á cho dù Java có
thể là nơi con người có thể xuất hiện sớm nhất (điển hình là người vượn Java),
nhưng chính vùng Đông Dương (Indochina) mới luôn luôn là cái kho chứa nhân lực
mà từ đó tỏa đi khai phá khắp khu vực”. “Đông Nam Á thời cổ chính là nơi phát
sinh những đường hàng hải giao tiếp dọc các bờ biển. Và thời Trung đại hay thời
thời kỳ thương mại Biển Đông đây cũng chính là nơi hình thành các tuyến buôn
bán Nội Á (Intra-Asian trade) và xuyên lục địa Trans-continental)” [9, 24,25].
Như
chúng ta biết rằng, Đông Nam Á là một trong những trung tâm nông nghiệp sớm của
châu Á. Sinh hoạt nông nghiệp Đông Nam Á thường được phân lập thành hai loại:
Cư dân vùng cao và cư dân miền xuôi. Cư dân miền cao trồng các loại hoa màu hợp
với vùng đất khô; nhưng họ cũng đã khai phá các sườn đồi, vùng chân núi để làm
ruộng bậc thang và phát triển kinh tế rương rẫy. Trong khi đó, nguồn sống chính
của cư dân miền xuôi là canh tác lúa nước; do ở vùng ẩm trũng, họ phải sớm đắp
đê ngăn nước và dẫn nước vào ruộng theo phương thức “dẫn thủy nhập điền”; do tác
động của điều kiện tự nhiên và nhu cầu mà kĩ thuật canh tác phát triển, năng lực
tổ chức điều hành trên quy mô lớn; ý thức cộng đồng và cũng cố mối liên kết cộng
đồng. Và chính sự phát triển nông nghiệp như vậy đã tạo cơ sở vững chắc cho sự
ra đời của nhà nước.
Các
mô hình nhà nước Đông Nam Á được xem là một nhà nước chức năng. Nó là một nhà
nước có vai trò chủ yếu là quản lí, điều hành sản xuất. “Loại hình nhà nước này
có những đặc tính của một thiết chế xã hội dân
chủ và thân dân nhưng đồng thời
cũng có tính di biến động cao và dễ bị tổn thương” [9, 34]. Đây là một loại
hình nhà nước khác biệt so với mô hình nhà
nước thống trị của phương Tây, hay là mô hình nhà nước tập quyền, chuyên chế của nhiều xã hội Châu Á. Bởi vì, các
mô hình nhà nước như vậy được hình thành dựa trên sự phát triển của nền kinh tế
cao và xã hội phân hóa sâu sắc và đấu tranh giai cấp diễn ra gay gắt.
Văn
hóa của Đông Nam Á cũng ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa của Việt Nam. Về mặt này,
thì nước Việt Nam khi ấy là Đại Việt đã bị chịu tác động mạnh mẽ, đã thừa hưởng
và tiếp nhận những giá trị văn hóa của cả hai khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Văn hóa Đông Nam Á chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ với vai trò nổi trội
của Bà La Môn giáo, Phật giáo và Hidu giáo… Giá trị tinh thần và đức tín của
các tôn giáo đó, trên thực tế đã trở thành “những kênh truyền tải linh nghiệm”
nhiều thành tựu rực rỡ của văn minh sông Ấn – sông Hằng đến các quốc gia khu vực.
Tuy nhiên, do tác động của môi trường chính trị, mà Đại Việt dưới nhiều góc độ
vừa giữ vai trò cầu nối giữa hai thế giới Đông Bắc Á – Đông Nam Á, vừa trở
thành một hiện tượng phát triển hết sức đặc thù, một “thực thể lưỡng nguyên” của
khu vực và mau chóng trở thành một quốc gia cường thịnh Đông Nam Á. Và cũng từ
đây, “Đại Việt đã thực thi một chính sách đối ngoại mềm dẻo, có nguyên tắc với
phương Bắc, đồng thời có ý thức mạnh mẽ hơn trong viêc hoàn thiện thể chế quân
chủ quan liêu và mở rộng chủ quyền lãnh thổ về phương Nam. Chủ trương này không
chỉ nhằm đạt đến một tiềm năng khai thác rộng lớn (bao gồm nguồn nhân lực,
thương cảng và tài nguyên…) mà còn để cũng cố an ninh phía nam và lập nên một
thế chiến lược phòng thủ có chiều sâu trước những mưu toan chính trị của các đế
quốc phong kiến phương Bắc” [9, 35-36].
Như
vậy, chính là nằm trong vị trí của vùng Đông Nam Á mà Việt Nam (khi ấy là Đại
Việt) đã có những nét tương đồng trên các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế
và văn hóa so với khu vực. Do đó, văn hóa biển ở Việt Nam nói chung, ý thức biển
nói riêng đã được hình thành và tác động mạnh mẽ đến quá trình xác lập chủ quyền
biển đảo dưới thời chúa Nguyễn. Vì địa hình của Đại Việt dường như giống với
khu vực nên ý thức biển đã tồn tại từ lâu đời đã tác động mạnh mẽ đến quá trình
đó.
2. Văn hóa biển
của người Việt xưa và sự kế thừa của
chúa Nguyễn
Văn
hóa biển đã tồn tại trong ý thức của người Việt từ bao đời này. Trải qua thời
gian, nó luôn hiện rõ rệt trong ý thức và sinh hoạt của người Việt. Với sự xuất
hiện của các truyền thuyết liên quan đến biển, đến cảnh sống sinh hoạt, xuất
thân từ biển thì chúng ta có thể thấy rằng văn hóa biển đã tồn tại từ rất lâu.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, nguyên nhân nào đã đưa đến sự hình thành văn hóa
biển của người Việt? Muốn trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần xét về các yếu
tố tác động đến sự hình thành này.
Cùng
vị trí lịch sử đã được nêu lên và cho đến hiện nay, Việt Nam là một quốc gia với
ba mặt giáp biển thì người Việt ít nhiều gì cũng đã sinh hoạt trong điều kiện
biển. Theo giáo sự Ngô Đức Thịnh, “Người Việt không có nguồn gốc biển mà cơ bản
là cư dân sống ở vùng trước núi (gôm cả trung du) tràn xuống khai thác đồng bằng
lẫy trũng, rồi lấn biển và khai thác biển. Có cái gì gọi là truyền thống biển
là do, hoặc giao tiếp, tiếp thu từ các tộc người láng giềng (cư dân Nam Đào)
hay hình thành nên trong quá trình khai thác và lấn biển sau này” [16, 91]. Và
cũng trong khi “lấn biển” và “nam tiến” thì “chất biển” trong người Việt được tăng lên. Như là người Việt Cổ từ
trung du xuống khai thác đồng bằng lẫy trũng sông Hồng rồi tiến ra lấn biển làm
nông nghiệp rồi khai thác biển và vì thế mà “quai
đê lấn biển” trở thành truyền thống của ngườI Việt Cổ. Cũng có khi người Việt
trong quá trình nam tiến đã tiếp nhận truyền thống biển của người Chăm.
Từ
thời xa xưa, với những truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết Sơn
Tinh Thủy Tinh,… cùng với những hình thuyền và cá khắc trên mặt trống đồng Đông
Sơn đã cho thấy từ thuở sơ khai, người Việt Cổ đã quan tâm đến biển. Thời kì
này, nghề đánh cá, đánh bắt thủy hải sản đã từng bước hình thành và phát triển
trong những giai đoạn sau. Về nguồn gốc người Việt, chính Đại Việt sử kí toàn
thư cho rằng: Vương (Lộc Tục, con Đế Minh) lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần
Long sanh ra Lạc Long Quân”. Lạc Long Quân – ông tổ của dân tộc Việt, được mô tả
thuộc giống Rồng dưới biển, theo truyền thuyết lấy Âu Cơ sinh được 100 người
con. Và sau đó 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển.
Điều đó, đã khẳng định rằng, tổ tiên người Việt không những gắn liền với núi
non mà còn gắn liền với biển cả. Và những truyền thuyết về sau lại xuất hiện những
truyền thuyết khác nhau của người Việt cũng ít nhiều gắn hình ảnh biển. Chử Đồng
Tử, một trong só “tứ bất tử” của Việt Nam, “là biểu tượng cho ước muốn xây dựng
xã hội ổn định, cân bằng, khoan hòa trong những mối quan hệ xã hội mà trong đó
con người trở về với những trạng thái tự nhiên ban đầu của nó trong tình yêu,
hôn nhân, đối nhân xử thế, cứu độ chúng sanh, đảm bảo sự trưởng tồn của cộng đồng
trong quá trình chinh phục đồng bằng lẫy trũng, phát triển nghành nghề giao lưu
buôn bán, mang lại phồn vinh cho cộng đồng” [16, 92].
Một
minh chứng rõ ràng và thực tế hơn là hình họa khắc trên trống đồng Đông Sơn.
“Trong văn hóa vật thể, nhiều hình tượng thuyền bè được khắc trên trống đồng
Đông Sơn cũng cho thấy tổ tiên người Việt từ xa xưa không chỉ gắn bó với sông
nước, lấy thuyền làm phương tiện làm ăn sinh sống, mà còn giúp chúng ta đánh
giá chính xác trình độ thông thạo nghề biển của người Việt Cổ” [12, 30]. Ngoài
ra, các nền văn hóa như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Ốc Eo thuộc những dân tộc
khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam cũng đã minh chứng rõ ràng rằng con ngườI Việt
Nam đã gắn bó với biển từ rất lâu, một phần là do vị trí địa lí đã tác động đến.
Con
người gắn liền với biển, có cuộc sống sinh hoạt với biển, nghành nghề đánh bắt
cá và hải sản phát triển. Trong quá trình đi biển, người ta luôn tôn kính, tục
cá Voi (cá Ông) hình thành. Người ta xem cá voi là biểu tượng của một vị thần,
một “con người” biết sống bao dung, nhân ái, giúp đỡ cộng đồng khi gặp hoạn nạn.
Kiểu quan điểm đó dường như đã làm cho mối quan hệ giữa người và thần gần gũi
hơn và quan điểm huyền bí của họ cũng được lý giải một cách hiện thực hơn. Sự
tôn sùng và chôn cất xác cá Ông được tấp
vào bờ dường như là một sự trả ơn mang màu sắc huyền bí nhưng đồng thời cũng
phù hợp với đạo lý “nhớ ơn” của người Việt. Tục thờ cá Ông quả thật là một
trong những biểu hiện của tín ngưỡng dân gian độc đáo không thể thiếu được của
cư dân ven biển Việt Nam.
Chính
những yếu tố về văn hóa biển của cha ông đã góp phần vào nhận thức của chúa
Nguyễn về biển và xa hơn nữa là về đảo. Trong những năm thống lĩnh vùng Thuận
Hóa, Nguyễn Hoàng vừa lo chống lại những cuộc chinh phạt của Lê-Trịnh từ Đàng
ngoài, nhưng chủ yếu là lo củng cố quyền lực và mở nước về phương Nam. Vì thế tầm
nhìn hướng biển của Nguyễn Hoàng, do những điều kiện khách quan quy định, còn rất
hạn hẹp. Nhưng người kế vị ông, chúa Nguyễn Phúc Nguyên, không chỉ kế tục xuất
sắc hai hướng hành động của Chúa cha, mà còn vượt lên bằng tầm nhìn hướng biển
mang tính chiến lược. Sự kế thừa của truyền thống biển, văn hóa biển của người
Việt được thể hiện rõ nét qua từng hoạt động của các chúa Nguyễn. Đó là những
hành động như xây thành, chống giặc biển, lập đội Hoàng Sa. Chính những hoạt động
này đã thể hiện sự kế thừa và phát huy văn hóa biển của người Việt. Đồng thời,
việc phát triển kinh tế biển, ngoại thương dưới thời này cũng là một sự kế thừa,
đưa yếu tố biển tiếp tục vào đời sống.
Đây
là cơ sở văn hóa hình thành nên quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam
dưới thời chúa Nguyễn từ thế kỉ XVII – XVIII. Vì chúa Nguyễn đã dần dần hình
thành được tư duy hướng biển thông qua chính những tính chất chính trị trong nước,
kế thừa và phát huy truyền thống biển của tổ tiên và đều đó đã thúc dục họ càng
hướng biển và khai thác, xác lập vùng biển. “Biết đến biển, người Việt Nam dần
dần biết đến đảo. Cũng từ đó, ngườI Việt Nam biết khai thác các nguồn lợi từ đảo,
từng bước xác lập và thực hiện chủ quyền đối với đảo để bảo vệ và khai thác tiềm
năng phục vụ cho nhu cầu ổn định và phát triển đất nước” [12, 31].
Như vậy,
những ảnh hưởng của văn hóa biển của người Việt xưa đã tác động mạnh mẽ và góp
phần đưa đến sự hình thành tư duy hướng biển của chúa Nguyễn. Đồng thời, cùng với
những yếu tố chính trị cũng là những cơ sở hình thành trực tiếp dẫn đến quá
trình xác lập biển đảo. Những yếu tố chính trị đó là cuộc nội chiến trong nước,
cuộc nam tiến được kế thừa từ tổ tiên, ông cha để lại.
3. Các cuộc chống quân xâm lược bằng thủy binh, cuộc nam
tiến của người Việt và những kế thừa của chúa Nguyễn.
Như
đã nói ở trên, Đại Việt (trước là Văn Lang, Âu Lạc) là một “thực thể lưỡng
nguyên” của khu vực và mau chóng trở thành một quốc gia cường thịnh Đông Nam Á.
Và cũng từ đây, “Đại Việt đã thực thi một chính sách đối ngoại mềm dẻo, có
nguyên tắc với phương Bắc, đồng thời có ý thức mạnh mẽ hơn trong viêc hoàn thiện
thể chế quân chủ quan liêu và mở rộng chủ quyền lãnh thổ về phương Nam. Chủ
trương này không chỉ nhằm đạt đến một tiềm năng khai thác rộng lớn (bao gồm nguồn
nhân lực, thương cảng và tài nguyên…) mà còn để cũng cố an ninh phía nam và lập
nên một thế chiến lược phòng thủ có chiều sâu trước những mưu toan chính trị của
các đế quốc phong kiến phương Bắc” [9, 35-36]. Theo dó, chúng ta thấy rằng với
vị trí như vậy, cộng thêm vị trí chiến lược của Biển Đông thì đất nước ta luôn
bị các thế lực hùng mạnh dòm ngó và lâm le xâm lược. Đồng thời, công cuộc nam
tiến của người Việt cũng dựa trên tình hình chính trị từng thời mà tiến hành.
Cùng với đó, những quan tâm về biển thuở sơ khai cũng được hình thành. Đây là nền
tảng, là cơ sở cho quá trình xác lập biển đảo dưới thời chúa Nguyễn từ thế kỉ
XVII – XVIII.
Theo
nhiều tài liệu lịch sử để lại, từ thời Hùng Vương trải về sau, lực lượng thủy
quân đóng vai trò song song với lực lượng trên đất liền chống lại các thể lực
xâm lược bờ cõi. “Thủy quân Lạc Việt xưa cũng đã từng xếp vào bậc nhất nhì ở
Đông Nam Châu Á khi có những trận thủy chiến oanh liệt chống lại các thể lực
xâm lược như: chống giặc Quỳnh Châu ở phía Bắc, diệt Hồ Tôn từ phía Nam thời
Hùng Vương; chặn đánh Trần Bá Tiên ở sông Tô Lịch, hồ Điển Triệt, đằm Dã Trạch
thời Lý Nam Đế; đánh quân Đường, vây thành Đại La thời Mai Thúc Loan…” [12,
30]. Và cứ như thế, đến đời chúa Nguyễn cũng đã nổ ra những cuộc kháng chiến
trên biển như cuộc thủy chiến lịch sử vào năm 1644. Đó là ngày 7/7/1644, đoàn
thủy binh ta do thế tử Nguyễn Phúc Tần cầm đầu, tiến thẳng ra biển Đông, vây
đánh đoàn thuyền Hà Lan do Baek chỉ huy. Khi đối đầu với đoàn thủy binh của ta,
quân Hà Lan quá hoảng sợ, chống cự không nổi, phải bỏ chạy ra khơi. Trong tình
thế hoảng loạn, quân địch tự phóng lửa đốt cháy tàu Wijdenes, tướng Baek chết
theo tàu. Binh lính trên tàu sống sót chìm xuống biển, bị quân Nguyễn vớt lên
và tiêu diệt. Từ xa, các chiến thuyền khác của Hà Lan thấy chiến thuyền của Phúc
Tần nổ súng vang trời, không dám tiến đến sông Gianh nữa, chúng chạy ra trốn ra
đảo xa.
Bên
cạnh những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ đường biển, bước độc lập, tự chủ,
các triều đại phong kiến vừa tập trung phát triển kinh tế có khi dựa vào biển,
vừa xây dựng đội thủy binh, xác định hải phận… “Canh Dần, /Hưng Thống/ năm thứ
2 [năm 990] (Tống Thuần Hoá năm thứ 1). Nhà Tống sai Tả chính ngôn là Tống Cảo,
Hữu chính ngôn là Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho vua hai chữ
là "Đặc tiến". Vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa, Chính đem 9
chiếc thuyền dẫn 300 người đến quân Thái Bình đón, theo cửa biển mà vào, nửa
tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại
Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao để đón, bày thủy quân và chiến cụ để
khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần” [8, 144]. Từ đó, chúng ta thấy rằng,
triều Tiền Lê đã quan tâm và kiểm soát vùng biên giới trên đất liền và vùng biển,
xác định hải phận ban đầu của biển đảo Việt Nam. Đến thời Lý, vua Lý Anh Tông
được xem là vị vua tuần biển đầu tiên. “Nhâm Thìn, [Chính Long Bảo Ứng] năm thứ
10 [năm 1172], (Tống Càn Đạo năm thứ 8). mùa xuân, tháng 2, vua lại đi tuần các
hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi
về” [8, 246]. Ngoài ra, các vua nhà Lý còn cho xây dựng thủy binh. Thủy binh Đại
Việt rất hùng mạnh, thủy binh có rất nhiều các loại chiến thuyền khác nhau như
thuyền mông đồng, lâu thuyền, thuyền hai lòng (lưỡng phúc thuyền – cũng có thể
hiểu là có hai đáy). Khi giao chiến, thuyền “Mẫu tử” được chèo nhanh lao mạnh
vào thuyền đối phương khiến cho đinh nhọn cắm ở thuyền giả đâm vào thuyền đối
phương, sau đó đốt chất cháy trên thuyền giả, rồi rút thuyền thật ra khỏi thuyền
giả. Thuyền giả bị cháy sẽ đốt luôn thuyền đối phương.
Đó
là những cơ sở ban đầu cho việc xác định quyền chủ quyền trên biển của Đại Việt.
Hầu hết các triều đại phong kiến chỉ dựa vào biển để khai thác kinh tế. Đến thời
Lê Sơ với Lê Thánh Tông, Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo đã được vị vua
này đưa vào bản đồ Đại Việt, “Hồng Đức bản đồ” vào năm 1490. Sự hiện diện của Hoàng
Sa và Trường Sa trong Hồng Đức Bản Đồ cho thấy trước đó hai quần đảo này đã thuộc
chủ quyền của Đại Việt và nhà Hậu Lê sau khi chiến thắng quân Minh đã hết sức
quan tâm tới việc xác lập biên giới quốc gia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ
trong đó có vùng biển, đảo.
Sự
xác lập biển đảo Việt Nam cũng dựa trên cuộc nam tiến của các triều đại phong
kiến về phía Nam, mà đối tương ở đây chính là nước Champa (Chiêm Thành). Champa
là một quốc gia phía nam Đại Việt, có nguồn gốc từ Văn hóa Sa Huỳnh, được thành
lập vào những thế kỉ đầu công nguyên. “Cư dân Champa là tộc người có truyền thống
thương mại, cho nên thương mại là nền tảng kinh tế của Vương quốc Chămpa. Sản vật,
hàng hóa, thị trường có sức hấp dẫn đối với những người có quyền lực ở những tiểu
quốc Chămpa. Cho nên, họ sẵn sàng ra đi với gia sản gọn nhẹ trên chiếc thuyền
buôn, để tìm thị trường ổn định hơn khi tình hình chiến tranh, quân sự không
còn thuận lợi cho thế nghiệp kinh doanh của họ” [12, 33]. Theo đó, một điều là
chúng ta thấy, chính do cuộc nam tiến đã giúp chúa Nguyễn một phần nào trong việc
phát triển ngoại thương Đàng Trong – một cơ sở dẫn đến quá trình xác lập chủ
quyền biển đảo dưới thời chúa Nguyễn. Và theo nhiều tài liệu khác nhau thì người
Chămpa nói riêng, các tộc người Mã Lai – Đa Đảo “những nhóm người đầu tiên biết
đến và đặt chân lên khai phá hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Biển Đông
trong quá trình di cư của mình”[12, 31]. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, hoặc
là hòa bình (trong đó có hôn nhân lịch sử), hoặc là chiến tranh (đem quân phản
kháng hay đem quân chiếm giữ) của các triều đại Phong kiến Đại Việt, lãnh thổ
tiếp tục được mở rộng về phía Nam. Đến cuối thời chúa Nguyễn, công cuộc nam tiến
đã chấm dứt với lãnh thổ Đại Việt khi đó bao gồm các tỉnh Nam Bộ ngày nay. Các
cuộc di dân vào những vùng đất mới, kết hợp với những dân tộc địa phương để
phát triển mọi mặt, tăng cường xây dựng toàn bộ Đàng Trong ngang tầm với Đàng
Ngoài.
Riêng
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Truờng Sa, từ thời Trần đã thuộc quyền quản lí
của Đại Việt. Sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa Chế Mân và công chúa Huyền Trân (đời
Trần, thế kỉ XIV), hai châu Châu Ô, Châu Lý đã được vua Chămpa trao “sánh lễ”
cho Đại Việt. Tương ứng với vùng lãnh thổ trên đất liền, vùng Biển Đông nói
chung, vùng quần đảo Cát Vàng (Hoàng Sa) nói riêng cũng đã thuộc sự quản lí của
Đại Việt. Tới đầu thế kỉ XV, dưới triều Hồ, khi Hồ Quý Ly mang quân tiến đánh
Chămpa, vua nước này dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Hoa, nay thuộc Quảng Nam)
và Cổ Lũy (nay thuộc Quảng Ngãi) cho Đại Ngu (quốc hiệu mới đổi từ thời Hồ Quý
Ly). Nhà Hồ đổi thành các châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt lộ Thăng Hoa thống hạt
4 châu. Do đó, quần đảo Trường Sa ngày nay đã thuộc sự quản lý của Đại Việt từ
đó tới nay. Chính sự xác lập trên đất liền như vậy, dẫn đến sự quản lí vùng biển
theo chiều ngang hướng ra biển như vậy đã tạo nên cơ sở cho các chúa Nguyễn sau
này khi xác lập vùng biển, hai quần đảo ngoài biển khơi.
Như vậy,
công cuộc kháng chiến bằng con đường biển, công cuộc nam tiến của người Việt xưa
đã được chúa Nguyễn kế thừa và phát triển mạnh mẽ, làm cơ sở cho quá trình xác
lập chủ quyền biển đảo Việt Nam thế kỉ XVII – XVIII. Do đó, càng tiếp xúc với
biển, tư duy hướng biển của chúa Nguyễn càng phát triển. Từ đó, đưa ra những
chính sách phát triển mạnh mẽ đối với đất nước trên mọi lĩnh vực.
4. Sự phát triển của ngoại thương Đàng Trong – một cơ sở
quan trọng
Trong
các lĩnh vực kinh tế mà chúa Nguyễn xây dựng ở Đàng Trong thì ngoài nông nghiệp
và thủ công nghiệp ra, nền thương nghiệp đang dần được xem trọng và đạt mức
phát triển cao. Về nông nghiệp, “đất đai màu mỡ và sinh lợi… mỗi năm họ gặt ba
lần, thu được lượng thóc lúa dồi dào đến mức không phải làm gì thêm để kiếm sống.
Mỗi vùng đều có đặc sản riêng: hồ tiêu ở Hà Tiên, mía ở Bình Thuận và Quảng
Nam, bông ở Quảng Ngãi, quế ở Quy Nhơn, Thăng Hoa, Điện Bàn… Những đặc sản này
cũng trở thành thương phẩm của Đàng Trong trao đổi với lái buôn nước ngoài” [2,
144]. Bên cạnh những nghành nghề thủ công truyền thống như: gốm, dệt vải, mía
đường,… các nghề khác làm giấy, rèn sắt, đúc đồng, dệt chiếu, làm nón… cũng có
những bước phát triển.
Chính
những phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp, thương nghiệp đang phát triển
một bước so với trước đây, nhất là ngoại thương. “Các chúa Đàng Trong không
đóng cửa với một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại
quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều
hàng hóa của họ. Phương chăm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một
quốc gia nào trên thế giới” [2, 145]. So với các triều đại phong kiến trước
đây, thì ngoại thương Đàng Trong “phát triển rực rỡ” vì “do tác động của luồng
thương nghiệp thế giới và các nước trong khu vực, do yêu cầu xây dựng tiềm lực
kinh tế - quân sự - chính trị lớn mạnh để mưu định nghiệp lớn, chúa Nguyễn trước
tiên là Nguyễn Hoàng, sau đó được kế tục bởi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thực
thi một chính sách ngoại thương “mở cửa”. Sẵn sàng mời gọi thương nhân nước
ngoài đến đầu tư buôn bán” [2, 145].
Trong
giai đoạn này, trên bình diện quốc tế đang diễn ra “kỷ nguyên đại thương”. “Kỷ
nguyên đại thương” được xác định trong khoảng giữa thế kỉ XV đến khoảng cuối thế
kỉ XVII. Đó là một thời kì mà nền thương mại thế giới phát triển mạnh mẽ. Đến
thế kỉ XVII, các cường quốc hải thương mới trỗi dậy, đặc biệt là sự thành lập của
Công ty Đông Ấn Anh (EIC) năm 1600, Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), rồi Công ty
Đông Ấn Pháp (CIO) năm 1602. Mối giao thương truyền thống Đông Á từ giữa thé kỉ
XVI đã bị phá vỡ với sự thâm nhập của người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. “Trước
thế kỉ XV, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm
La… đã có nền thương mại phát đạt. Các quốc gia Đông Á đã tự thiết lập nên mạng
lưới giao thương Nội Á. Bước sang thế kỉ XVI, tình hình kinh tế bắt đầu có những
chuyển biến căn bản bởi sự thâm nhập của các nước phương Tây. Sự xuất hiện của
người Châu Âu và quá trình thâm nhập của công ty Đông Ấn phương Tây đã gây nên
nhiều biến động xã hội cũng như quan hệ truyền thống chung của khu vực” [9,
107]. Cùng với thời gia, người Bồ Đào Nha phải dần nhường chân cho các nền hải
thương hùng mạnh, và với sức mạnh của mình, VOC và EIC đã thay đổi diện mạo gấp
nhiều lần so với các nước Châu Âu “già nua”. Đây là một thời gian được xem xu
thế toàn cầu hóa lần thứ nhất. [9, 255] Sự chủ động tham gia vào “kỷ nguyên đại
thương” thế giới đã giúp cho Đàng Trong nhanh chóng tạo thế cân bằng với Đàng
Ngoài. Đồng thời, so với các quốc gia trong khu vực, “vào thời kì này, số thuyền
tới buôn bán với Đàng Trong đầu thế kỉ XVII vượt xa số thương thuyền với Xiêm
và Cao Miên, là một trong các đối tác thương mại hàng đầu trong các nước Đông
Nam Á với Nhật Bản” [6, 85].
“Một
số nghiên cứu đã chỉ ra khá rõ “thế tương tác quyền lực khu vực” của chính quyền
Đàng Trong. Theo đó, chính quyền Đàng Trong được nhìn nhận là một chính quyền mở,
nắm chủ động trong thế ứng đối với bên ngoài, trở thành một “thể chế biển”.
Chính điều kiện đó đã cũng cố vững chắc cho chính quyền họ Nguyễn, mặt khác tạo
điều kiện cho kinh tế ngoại thương phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết – một yếu
tố mà theo Lita là vấn đề sống còn đối với Đàng Trong” [9, 253]. Và chúng ta thấy
rằng, Đàng Trong thật sự đã thay đổi, biến mình thành một thế lực nổi lên trong
khu vực về tiềm lực hải thương, quân sự.
Sự
thay đổi như vậy là do sự tác động mạnh mẽ về mặt chính trị. Vốn xuất phát từ
tư tưởng quan phương chính thống Nho giáo nên vấn đề đối ngoại với Thiên triều
Trung Hoa không được đặt ra với các “tổng trấn tướng quân” họ Nguyễn. Đồng thời
việc Nguyễn Hoàng vào nam trấn thủ vùng Thuận Hóa diễn ra trên quy mô không
gian và thời gian hết sức đặc biệt. “Do vậy, những gì gọi là hạn chế, lực cản
mang tính truyền thống đã bị thay thế bởi xu thuế mới của thời đại. Chính điều
này chi phối đến khuynh hướng đối ngoại của chính quyền Đàng Trong” [9,
252-253]. Cho nên khi Nguyễn Hoàng trở vào Nam năm 1600, trên cơ sở tham khảo,
suy tính đến nhiều mặt khác, nhất là về tài lực và vật lực (các nguồn tài
nguyên tài nguyên) để có thể nâng cao sức mạnh của Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã
“tìm thấy giải pháp cho suy tính của ông trong việc đẩy mạnh nền thương mại với
các thương gia nước ngoài” [6, 87].
Với
những điều như trên, ngoại thương Đàng Trong của chúa Nguyễn phát triển mạnh mẽ
so với các đời trước. Ngoài thương nhân Trung Quốc, “Ở Hội An có đến 6000 Hoa
Kiều mà phần lớn là các lái buôn giàu có, vừa mua bán hàng hóa, vừa làm môi giới
cho khách phương Tây, giữ các chức vụ trong tàu ti…”, còn có những chính sách
khuyến khích thương nhân Nhật Bản và “chưa có nơi nào trên đất Châu Á mà thương
điểm của người Nhật có quy mô và năng lực hoạt động có hiệu quả như thương điểm
đặt tại Hội An”. Bên cạnh các đối tác thương nhân ở trong khu vực phương Đông,
chúa Nguyễn còn tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân phương Tây. Đối với
Đại Việt, phương Tây là một khu vực mới, họ đem hàng hóa đến trao đổi mua bán.
Và cũng chính vì vậy, kitô giáo đang tiềm ẩn hình thành. Chính sự phát triển của
kinh tế ngoại thương đã đưa Đàng Trong đạt mức phát triển tương đối. Về việc bố
trí hải cảng, theo Borri thì: “các hải cảng thì thật lạ lùng, chỉ trong khoảng
hơn 1000 dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi hảng cảng, tất cả đều rất
thuận tiện để cập bến và lên đất liền. Là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn”
[9, 254]. Bến cảng Hội An được xem là nơi hội tụ lớn của thuyền buôn nước
ngoài.
Như vậy,
chính sự phát triển mạnh mẽ của ngoại thương Đàng Trong trong thời kì này đã là
một trong những cơ sở hình thành quá trình xác lập chủ quyền biển đảo. Bởi vì,
khi ngoại thương được xem trọng thì việc quan tâm đến biển sẽ được đẩy mạnh rất
nhiều. Các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đều lui tới đây để buôn
bán, trao đổi. Chính những phát triển như vậy, mà việc hỗ trợ các thuyền buồn gặp
nạn khi lui tới “Bãi Cát vàng”, chúa Nguyễn và những bề tôi dễ dàng cứu sống,
trục vớt tài sản, bởi vì dường như sự thông thạo đường biển đã được hình thành
qua ngoại thương.
Tóm lại, việc họ Nguyễn dựng nghiệp Đàng Trong cùng với những điều
kiện, cơ sở (điều kiện tự nhiên, văn hóa, chính trị-xã hội, kinh tế) từ lâu đời
nay và sự kế thừa, phát huy của chúa Nguyễn trong thời kì lúc bấy giờ đã góp phần
hình thành nên quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam từ thế kỉ XVII –
XVIII.
Trần Hoàng
Trích từ Quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn thế kỉ XVII – XVIII (11/2017)
Trích từ Quá trình xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn thế kỉ XVII – XVIII (11/2017)
Chú thích
[2] Dương Thị Huyền (2010), Chính sách giao thương cởi mở của chúa Nguyễn
ở Đàng Trong (thế kỉ XVI – XVIII), Tạp chí Khoa học và công nghệ, số 112
(12)/1.
[6] Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII,
NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
[8] Ngô Sĩ Liên và các ửu thần triều Lê
(2013), Đại Việt Sử kí toàn thư, (Cao
Huy Giu dịch), NXB Thời đại, Hà Nội.
[9] Nguyễn Mạnh Dũng (2013), Việt Nam trong quá khứ - Tư liệu và nghiên cứu,
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[12] PGS.TS. Trương Minh Dục (2014), Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa – qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài, NXB Thông tin và
truyền thông.
[16] Trần Thị Mai An (2010), Phác thảo yếu tố biển trong văn hóa Việt Nam,
Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 6(41).
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.