Văn hóa

1. Khái niệm về văn hóa, văn hóa Việt Nam

Theo nhà nhân học văn hóa người Anh E.B. Taylor đưa ra từ năm 1871 thì “Văn hóa hoặc văn minh hiểu theo nghĩa rộng nhất của dân tộc học, có nghĩa là một tổng thể phức hợp bao gồm các kiến thức, tín ngưỡng (tín niệm), nghệ thuật, đạo đức, luật lệ, phong tục, và tất cả những khả năng và thói quen mà con người đạt được với tư cách là một thành viên trong xã hội”[1].


Biểu diễn văn hóa dân tộc tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa: Tạp chí Làng Việt
Từ định nghĩa trên, rất nhiều định nghĩa khác đã ra đời. Song, chúng ta có thể bốn vấn đề chủ yếu từ các định nghĩa. Thứ nhất, văn hóa là một hoạt động chỉ riêng con người mới có. Thứ hai, hoạt động sáng tạo đó bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống vật chất, đời sống xã hội, đời sống tinh thần. Thứ ba, thành tựu của những hoạt động sáng tạo đó là các giá trị văn hóa; các giá trị văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng con đường giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng). Thứ tư, văn hóa của mỗi cộng đồng người có những đặc tính riêng hình thành trong lịch sử, phân biệt cộng đồng người này với cộng đồng người khác.
Do đó, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản như sau: văn hóa là một lĩnh vực trong đời sống xã hội cùng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa mang đến những giá trị cho con người và được truyền từ đời này sang đời khác. Và văn hóa là đặc tính riêng để chúng ta phân biệt giữa các cộng đồng dân tộc với nhau.
“Văn hóa Việt Nam như nó đang tồn tại, là nền văn hóa của một quốc gia dân tộc đa tộc người. Quốc gia dân tộc Việt Nam hiện nay gồm 54 tộc người, tộc người chủ thể (hay “tộc người đa số”) là tộc người Việt. Nền văn hóa thống nhất của quốc gia dân tộc Việt Nam bao gồm văn hóa của 54 tộc người; đó là một nền văn hóa đa tộc người vừa có tính thống nhất, vừa có tính đa dạng”[2].
2. Các đặc trưng và chức năng của văn hóa
Văn hóa cho dù được định nghĩa như thế nào, theo những quan điểm khác nhau thì chúng ta thấy rằng, nó luôn có bốn đặc trưng cơ bản[3]:
Tính hệ thống: Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị về văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần của một cộng đồng người. Từ những thành tố cơ bản đó lại bao gồm những tập hợp con nhiều tầng bậc tạo thành một tổng thể khá phức tạp.
Tính giá trị: Văn hóa bao gồm các giá trị (giá trị thuộc đời sống xã hội và giá trị thuộc đời sống tinh thần), nó trở thành thước đo về mức độ nhân bản của xã hội và con người.
Tính lịch sử: Văn hóa bao gồm cũng được hình thành qua một quá trình và được tích lũy qua nhiều thế hệ, nó là thành tựu do một cộng đồng người trong quá trình tương tác với môi trường mà sáng tạo ra và được hoàn thiện dần dần để đạt đến tính giá trị.
Tính nhân sinh: Văn hóa là một hiện tượng thuộc về xã hội loài người, gắn liền với hoạt động thực tiễn của con người, nó là những giá trị do một cộng đồng người sáng tạo ra, nó thuộc về con người, nằm ở bên trong con người và mang đậm dấu ấn người.
Bên cạnh đó, văn hóa có những chức năng sau[4]:
Chức năng nhận thức thế giới: Văn hóa chính là kết tinh của quá trình nhận thức và biến đổi thế giới (thế giới tự nhiên, thế giới xã hội và thế giới bản thân) của con người. Ngay cả sự nhận thức cũng là một thành tố của văn hóa. Tất cả đều đó nói lên chức năng nhận thức của văn hóa.
Chức năng động lực xã hội:Nhờ chức năng nhận thức đã khiến cho văn hóa trở thành động lực phát triển của xã hội, chỉ đạo sự nghiệp chinh phục và thích ứng tự nhiên, tổ chức xã hội, xây dựng cuộc sống. Theo ý nghĩa đó, văn hóa chính là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chức năng dự báo phát triển: Cùng với chức năng nhận thức, văn hóa chính là năng lực trí tuệ giúp con người khám phá dần dần những quy luật của tự nhiên, của xã hội, của chính bản thân. Với ý nghĩa đó, văn hóa có thể đưa ra những dự báo cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người, làm căn cứ cho các chiến lược về kinh tế, xã hội và con người. Cũng theo ý nghĩa trên, “văn hóa được xem là hệ điều tiết xã hội” (UNESCO).
Chức năng giáo dục nhân cách: Văn hóa là tổng thể các hoạt động của con người nhằm hướng đến các hoạt động của con người nhằm hướng đến những cái “chân”, cái “thiện” và cái “mỹ”. Mục tiêu cao cả nhất của văn hóa là vì con người, vì sự phát triển và hoàn thiện con người. Do đó, một chức năng cơ bản của văn hóa là giáo dục con người theo những chuẩn mực mà xã hội quy định. Với chức năng về giáo dục, văn hóa đã tạo ra sự phát triển liên tục của lịch sử.
3. Các thành tố của văn hóa
Với các tiêu chí khác nhau, văn hóa thường được chia thành các thành tố khác nhau. Văn hóa với tính cách là một hiện tượng toàn nhân loại thường được phân thành ba thành tố chính là văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần. Có cách phân loại khác cũng gồm ba thành tố như sau: thành tố kĩ thuật học, thành tố xã hội học và thành tố hệ tư tưởng hoặc kinh tế sinh hoạt, xã hội sinh hoạt, trí thức sinh hoạt. Có cách phân loại thành hai thành tố là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Lại có phân loại thành bốn thành tố: văn hóa sản xuất, văn hóa bảo đảm đời sống (được tác ra từ văn hóa vật chất) văn hóa tinh thần, văn hóa nghệ thuật (được tách từ văn hóa tinh thần). Đồng thời, bốn thành tố đó còn là văn hóa ứng xử, văn hóa tổ chức cộng đồng, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội. Ngoài ra, người ta còn phân thành: ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục – lễ tết – lễ hội,…
Văn hóa chỉ tồn tại thực tế trong những cộng đồng người cụ thể.  Do xã hội và văn hóa có mối  quan hệ hữu cơ, nên trên cơ sở những đơn vị cộng đồng xã hội khác nhau như: văn hóa gia đình, văn hóa bộ lạc, văn hóa làng và văn hóa đô thị,…Văn hóa của các cộng đồng người được hình thành trong lịch sử có những đặc điểm kinh tế - xã hội tương đồng với nhau thì trên cơ sở những nét tương đồng đó, có thể xác định được các loại hình kinh tế - văn hóa khác nhau và các khu vực văn hóa lịch sử khác nhau.
4. Giao lưu văn hóa
Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng, các dân tộc là thông qua sự tiếp xúc kinh tế - xã hội. Qua đó, một số yếu tố văn hóa ở cộng đồng người này có thể lan truyền đến cộng đồng người kia. Đối với sự lan truyền văn hóa ấy, có thể có hai phản ứng: hoặc chối từ, hoặc tiếp nhận. Trong sự tiếp nhận văn hóa, những yếu tố văn hóa lan truyền ấy có khi chỉ là những yếu tố cá biệt, tồn tại rời rạc bên cạnh nền văn hóa bản địa, có khi được cộng đồng người bản địa hóa, có khi gây ra những tác động làm đổi mới các yếu tố văn hóa ngoại sinh (do tiếp nhận từ một nền văn hóa khác) qua quá trình bản địa hóa có thể trở thành những yếu tố hữu cơ của nền văn hóa bản địa.
Do đó, chúng ta có thể thấy rằng, hiện tượng tiếp biến văn hóa (tiếp xúc và biến đổi văn hóa) đã xuất hiện, hay đan xen văn hóa, dung hợp văn hóa. “Sự tiếp xúc văn hóa khi xảy ra lâu dài và trực tiếp có thể gây ra sự biến đổi cấu trúc của một nền văn hóa. Tiếp xúc và giao lưu văn hóa đã từng diễn ra đối với văn hóa Việt Nam từ thời tiền sử và sơ sử. Nhưng đặc biệt quan trọng đối với sự biến đổi văn hóa Việt Nam là tiếp xúc và giao lưu văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, và từ thế kỉ XIX trở đi là với Pháp và các nước phương Tây khác. Do sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa mà văn hóa Việt Nam đã có những biến đổi quan trọng dẫn đến những quá trình hội nhập văn hóa của văn hóa Việt Nam, trước hết là với văn hóa khu vực, rồi với văn hóa phương Tây và hiện nay là với văn hóa thế giới”[5].
Trần Hoàng





[1] Chu Xuân Diên. (1999). Cơ sở văn hóa Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Trường ĐHKHXH&NV, tr.8.
[2] Chu Xuân Diên. (1999), sđd, tr.32.
[3] TSSH. Huỳnh Công Bá. (2012). Cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam. NXB. Thuận Hóa, tr.25.
[4] TSSH. Huỳnh Công Bá (2012), sđd, tr.26-27.
[5] Chu Xuân Diên. (1999), sđd, tr.31.

Nhận xét