Cơ sở dẫn đến quá trình hoàn thiện bộ máy trung ương tập quyền dưới thời Lê Sơ (1428 - 1527)

Triều đại Lê Sơ là một triều đại mà nho giáo đã trở nên cốt lõi trong xã hội, chi phối mạnh mẽ đời sống xã hội. Mà tư tưởng Nho giáo là mang tính chất trị nước sâu sắc, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền dựa vào nó. Thời Lê Sơ, nhất là Lê Thánh Tông nhà nước trung ương tập quyền về cơ bản đã hình thành. Việc hình thành nên một nhà nước trung ương tập quyền đó là một quá trình hoàn thiện diễn ra trên những điều kiện khách quan và chủ quan. Quá trình hoàn thiện đó được thể hiện qua cơ chế tổ chức bộ máy dưới thời các vua Lê Sơ và được những vương triều sau tiếp nối và phát huy. Và mô hình nhà nước này cũng là sự kế thừa và phát huy của những gì trước nó. Trong vòng 100 năm tồn tại, những ảnh hưởng của nhà Lê, nhất là về cơ cấu bộ máy quan lại cho đến đời sau ngày càng sâu sắc. Chỉ có thể đặt nó vào đúng hoàn cảnh lịch sử thì mới hiểu đúng vị trí, vai trò của nó.

1. Cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, nhà Lê Sơ ra đời.
Cuối thời Trần, do tình hình đất nước loạn lạc, triều đình không yên. Nhất là từ thời Trần Dụ Tông rồi đến hết đời, nhà Trần luôn xuất hiện những cuộc nội chiến trong hoàng tộc, và cuộc khởi nghĩa của nông dân. Do nhà Trần đang trên đà suy thoái, Hồ Quý Ly quyền cao rất lớn đã lộng quyền, ép vua dời đô, chuẩn bị mưu kế soán vị. Đến năm 1400, Hồ Quý Ly soán vị hoàng đế là cháu của mình, lên làm vua, lập ra triều Hồ. Rồi sau đó, ông nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương lên làm Thái Thượng hoàng. Tuy nhiên, do tính chất như vậy mà nhà Hồ không được lòng dân. Chỉ được 7 năm thì đến năm 1407, lấy danh nghĩa phò Trần, quân Minh xâm lược và chính quyền nhà Hồ bị thất bại mau chóng cho dù các được vũ khí cấp tiến. Nước ta lại rơi vào tay phương Bắc hơn 20 năm.
Tiếp sau đó, là hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nổi lên, các cuộc đấu của nhà Hậu Trần, là những người nuôi mộng khôi phục vương triều do con cháu nhà Trần lãnh đạo. Nhưng do mâu thuẫn nội bộ, sự đoàn kết của dòng tộc đã không còn như xưa, quyền lực được đặt lên đầu nên cũng mau chóng thất bại. Rồi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã thắng lợi và đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, khôi phục lại nền độc lập hơn 20 năm bị đô hộ. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra nhà Lê và quá trình xây dựng bộ máy trung ương được tiến hành.
Như vậy, nhà Lê Sơ ra đời là do sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi trước quân Minh đô hộ. Chiến thắng này là đã đáp ứng được nhu cầu giành độc lập dân tộc. “Lê Lợi là người mưu trí và hào hiệp, giao lưu rất rộng, đãi người rất hậu, không những trong nhà tụ tập gia nhân rất đông và được nhân dân địa phương mến phục, lại chiêu đãi được nhiều nhân tài và được rất nhiều hào kiệt trong nước về theo. Thanh danh của Lê Lợi khiến từ khi chưa khởi nghĩa quân giặc đã phải ngờ, nhưng phải kiêng nể. Lê Lợi là người độ lượng và khôn khéo cho nên thu nạp được nhân tài đủ các tầng lớp trong xã hội”[1]. Đồng thời, ông cũng tỏ ra là người thân dân, “chăm chú vỗ về, rất lưu ý gây tình đoàn kết”, rất được nhân dân ủng hộ; tài dụng binh; sự lãnh đạo sáng suốt đã làm nên chiến thắng vang dọi trước kẻ thù xâm lượng, đô hộ giặc Minh.
2. Cơ sở kinh tế
Những biến chuyển về kinh tế từ cuối thời Trần sang đầu thời Lê Sơ là điều kiện để nhà Lê tiến hành xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền cao độ hơn so với những thời trước. Thương nghiệp với kinh tế tiền tệ dần dần phát triển trong thời kì Trần đến thời Hồ đã càng “lay chuyển” mạnh lên nền kinh tế tự nhiên. Nền tự chủ được khôi phục và cuộc thống nhất được củng cố lại càng khiến công thương nghiệp phát triển thêm. Đồng thời, nhờ chính sách “trọng nông” được đặc biệt chú ý, nông nghiệp cũng phát đạt.
Tình hình chiếm hữu ruộng đất cũng có những biến đổi. Trải qua sự suy tàn của chế độ đại điền trang cùng các chính sách kinh tế và xã hội của nhà Hồ, như phép “hạn điền”, phép “đạc điền” một phần lớn ruộng đất của vương hầu quí tộc cùng một phần ít ruộng đất của địa chủ thường và có lẽ một phần ruộng đất của nhà chùa đã chuyển thành công điền. Đến thời Minh thuộc, phần lớn ruộng công lại bị bọn quan lại đầu hàng và bọn cường hào chiếm lấy. Đến năm 1429, Lê Thái Tổ đã định phép “quân điền”. “phàm ruộng công ai đã nhận loạn ly mà chấp chiếm đều phải trả lại, các ruộng đất của các ngụy quan (làm quan cho giặc), ruộng đất trang trại của các thế gia nhà Trần mà đã tuyệt nghiệp (trải qua thời nhà Hồ và thời đô hộ của nhà Minh. Một phần lớn các thế gia cũ đã điêu tàn), ruộng đất tư và chủ nhân lưu tán hay chết chóc mà bỏ hoang, đều bị sung làm của công, cùng với ruộng nhà nước (quan điền, ruộng quốc khố…) thời trước và ruộng đất hoang nhàn, để làm công sản của Nhà nước đem phân cấp cho quan và dân”[2].
Bên cạnh đó, quyền sở hữu ruộng tư cũng đã dần được xác lập. Trải qua thời Lý- Trần, “chế độ thổ địa tư hữu” đã phát triển. Số địa chủ và nông dân tự canh có tư điền sang thời Lê Sơ lại đông thêm. Các quan được triều đình cấp ruộng công, dần dần chiếm nó làm ruộng tư. Theo luật nhà Lê mà đỉnh cao là luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông quy định về việc mua bán, cầm cố, chuộc,… ruộng đất thuộc quyền sở hữu. Điều đó chứng minh rằng, ruộng đất tư hữu ở thời Lê Sơ đã chiếm phần quan trọng. Tuy nhiên so với ruộng công thì diện tích vẫn còn hẹp hơn. Nhưng trong giai đoạn đầu, để hạn chế “chế độ đại điền trang”, đồng thời phát triển “chế độ tư hữu thổ địa”, nên buổi đầu còn miễn thuế cho tư điền.
Nhưng cho dù là ruộng công hay ruộng tư, ruộng công của nhà nước hay ruộng cấp cho quí tộc và quan liêu hay cho đến ruộng tư của các hạng địa chủ đều do nông dân nghèo lãnh canh theo “chế độ tá điền”. Phần vì do sự điêu tán của các đại điền trang và do phép “hạn nô” của nhà Hồ, nên “chế độ nông nô” trên thực tế đã suy tàn. Người lãnh canh phải nộp tô, có khi lại phải làm việc không công (một hình thức lực dịch) cho địa chủ, nhưng theo phép ấy thì thân phận của họ là tự do, họ không phải suốt đời bám chặt với đất cày như ruộng nô. “Quan hệ sản xuất cơ bản của chế độ phong kiến ở thời Lê Sơ là quan hệ giữa địa chủ và tá điền”.
Nhìn chung, trên lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta thấy rõ “chính sách quân điền” dường như bao trùm nền kinh tế. Phép “quân điền” được thực hiện hoàn chỉnh dưới thời Lê Thánh Tông và ruộng công làng xã được phân phối theo sự chỉ đạo của nhà nước. Quỹ đất theo đơn vị làng xã, có thể điều chỉnh chút ít giữa các xã lân cận. Đối tượng được chia ruộng kể từ các quan tam phẩm (nếu chưa có hoặc có ít lộc điền) được chia 11 phần tới các loại cô nhi, quả phụ được 3 phần. Người cày ruộng phải nộp tô cho Nhà nước (các quan tam, tứ phẩm thì được miễn). Loại công điền quân phân này trên danh nghĩa thuộc quyền sở hữu Nhà nước, do làng xã quản lý và các hộ gia đình sử dụng.
Chính sách “quân điền" thời Lê sơ là một bước trong quá trình phong kiến hóa làng xã, chuyển từ nền kinh tế điền trang quý tộc sang nền kinh tế tiểu nông. Qua đó, Nhà nước đã nắm được làng xã và dân chúng tăng nguồn thu nhập (qua nghĩa vụ tô thuế, lao dịch, binh dịch). Mặt khác, phát triển được sản xuất và ổn định được đời sống nhân dân. Đó là một biện pháp tích cực trong chính sách ruộng đất thời Lê sơ, nhưng sau đã dần dần mất tác đụng do nạn chấp chiếm ruộng đất. Bên cạnh ruộng công, ruộng tư thời Lê cũng đã phát triển, một số là của địa chủ quan liêu và đại bộ phận là của địa chủ bình dân. Ruộng tư không phải nộp tô cho Nhà nước. Nhà nước thừa nhận nhưng không khuyến khích loại ruộng này. Bộ luật nhà Lê, nhất là chương Điền sản đã nói đến các thủ tục làm văn tự khế ước trong vấn đề bán nhượng, tranh chấp kiện tụng hoặc thừa kế về ruộng đất. Sự phát triển của ruộng tư thời Lê sơ phản ánh xu thế phát triển khách quan về ruộng đất trong lịch sử Việt Nam, xác lập quan hệ sản xuất phong kiến phổ biến địa chủ - tá điền trong xã hội. Tuy nhiên, đây là một quá trình tư hữu hóa không tự nhiên, không được Nhà nước khuyến khích, nên đã dẫn đến những tệ nạn như chiếm công vi tư, chấp chiếm ruộng đất... dần dần đi tới tình trạng khủng hoảng ruộng đất.[3]
Nhà nước Lê một mặt dung dưỡng nền sản xuất nhỏ thủ công nghiệp trong các làng xã, mặt khác đẩy mạnh hoạt động của các quan xưởng thuộc thủ công nghiệp Nhà nước. Ở nông thôn, đã xuất hiện nhiều làng chuyên nghề như Bát Tràng (gốm sứ), Huê Cầu (nhuộm thâm). kinh thành Thăng Long, Dư địa chí  ghi lại một số phường chuyên nghề nổi tiếng như Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, Yên Thái làm giấy, Nghi Tàm và Thuỵ Chương dệt vải lụa, Hà Tân nung vôi, Hàng Đào nhuộm điều, Tả Nhất làm quạt, Đường Nhân bán áo diệp y. Các quan xưởng hay Cục bách tác là những xưởng thủ công do Nhà nước trực tiếp quản lý và điều hành sản xuất, phục vụ cho nhu cầu của quan liêu, quân sĩ và dân chúng như các xưởng đúc tiền, chế tạo vũ khí, đóng thuyền, sản xuất các đồ dùng nghi lễ, phẩm phục. Trong các quan xưởng, Nhà nước áp dụng chính sách "công tượng". Các thợ khéo bị trưng lập theo nghĩa vụ lao dịch, được phiên chế thành đội ngũ như binh lính, phải cưỡng bức lao động dưới sự đôn đốc của các giám đương và chủ ty. Đó là một nền sản xuất bao cấp, không tiếp cận với thị trường trao đổi buôn bán.
Hoạt động thương nghiệp chủ yếu ở thời Lê sơ là nền buôn bán nhỏ thông qua mạng lưới chợ ở nông thôn và thành thị. Nhà Lê đã ban hành lệ lập chợ, khẳng định “trong dân gian hễ có dân là có chợ, để lưu thông hàng hoá”, quy định nguyên tắc họp chợ luân phiên. Ở Thăng Long - Đông Kinh, các thương nhân từ các nơi về, đua nhau mở hàng quán phố xá buôn bán. Lúc đầu, chính quyền địa phương định đuổi họ về nguyên quán, sau theo đề nghị của Quách Đình Bảo đã đồng ý cho họ ở lại sinh nhai, để cho hàng hóa lưu thông và nhà nước cũng có được khoản thu từ thuế (1481). Thời Lê sơ, Nhà nước bỏ lệ tiêu tiền giấy của nhà Hồ, cho lưu thông tiền đồng. Lê Lợi nói: “Tiền là huyết mạch của dân, không thể không có”. Nhà nước quy định 1 quan là 10 tiền, 1 tiền là 60 đồng, tức 1 quan = 600 đồng. Riêng việc buôn bán với nước ngoài, Nhà nước đã kiểm soát nghiêm ngặt các cáng khẩu, như Vân Đồn, Vạn Ninh, (Quảng Ninh), Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), cấm dân chúng tự tiện buôn bán trao đổi hàng hóa với các tàu buôn ngoại quốc, thi hành chính sách bế quan toả cảng".
3. Cơ sở xã hội
Xã hội Đại Việt thời Lê Sơ là một xã hội tương đối ổn đỉnh và phát triển, đồng thời là “một xã hội mang tính đẳng cấp đã chín muối”. Có hai đẳng cấp là quan liêu và thứ dân (chia thành 4 bốn tầng lớp: sĩ, nông, công, thương). Đồng thời, quan hệ giai cấp (địa chủ phong kiến và nông dân) đã đan xen vào các quan hệ đẳng cấp.
Giai cấp đại quí tộc cũ đã bị cải cách của nhà Hồ và cuộc xâm lược của nhà Minh đánh đổ. Thế lực phong kiến tôn giáo cũng bị suy yếu từ cuối thời Trần. “Đẳng cấp quan liêu là lớp quí tộc mới do nhà Lê xây dựng là xuất thân từ giai cấp bình dân. Trước hết là những công thần, những tướng sĩ, những liêu thuộc đã giúp Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa cùng con cháu của họ, về sau là những con em của các địa chủ phú thương có tài năng và học vấn trúng tuyển ở các khoa thi văn và võ”[4]. Đây là tầng lớp quan liêu được hình thành thông qua khoa cử, nhờ con đường khoa cử mà tầng lớp bình dân được tham gia chính quyền, nhân thế cơ sở xã hội của nhà nước phong kiến đã được mở rộng. “Giữa đẳng cấp quan liêu mới và đẳng cấp bình dân không có sự phân cách huyền tuyệt như thời Lý - Trần. Sự phân biệt thân phận trở nên lỏng lẻo”.
Đảng cấp thứ dân được chia thành 4 tầng lớp: sĩ, nông, công, thương, là đẳng cấp bị cai trị. Nho sĩ là cầu nối giữa bình dân và quan liêu. Nông dân là tầng lớp xã hội đông đảo nhất đã phân hóa thành nhiều bộ phận: địa chủ bình dân, nông dân tự lãnh canh, tá điền, Một số cường hào có thể đã xuất hiện trong làng xã. Địa chủ bình dân cùng với địa chủ quan liêu đã hợp thành giai cấp phong kiến. Thợ thủ công gồm một số công tượng và chủ yếu là thợ thủ công trong làng xã. Do quan điểm “trọng nông ức thương” nên thương nhân là tầng lớp bị xã hội coi “rẻ hơn”, bị coi là “phi nghĩa”, “bất nhân”, bị xem là “con buôn”.
Cũng như đã nói trên, “chế độ tá điền” được hình thành và thể hiện rõ mối quan hệ giữa địa chủ và nông dân. Cho dù về tư liệu sản xuất là ruộng công hay ruộng tư, ruộng công của nhà nước hay ruộng cấp cho quí tộc và quan liêu hay cho đến ruộng tư của các hạng địa chủ đều do nông dân nghèo lãnh canh theo “chế độ tá điền”. Phần vì do sự điêu tán của các đại điền trang và do phép “hạn nô” của nhà Hồ, nên “chế độ nông nô” trên thực tế đã suy tàn. Người lãnh canh phải nộp tô, có khi lại phải làm việc không công (một hình thức lực dịch) cho địa chủ, nhưng theo phép ấy thì thân phận của họ là tự do, họ không phải suốt đời bám chặt với đất cày như ruộng nô. “Quan hệ sản xuất cơ bản của chế độ phong kiến ở thời Lê Sơ là quan hệ giữa địa chủ và tá điền”.
Chế độ nô lệ ở thời kì này vẫn còn hiện diện nhưng mang tính hạn chế so với thời Trần. Nhà nước cũng như trong nhà quí tộc, quan liêu, hào cường, địa chủ vẫn nuôi nô tỳ nhưng số lượng có hạn. “Pháp luật nghiêm cấm các nhà thế gia chứa chấp các dân nghèo lưu vong làm nô tỳ. Tư Thành cấm các quan và tư nhân không được nuôi những người Chiêm qui phục làm nô tỳ mà phải phân tháp họ vào các đạo cho cày ruộng. Tư Thành còn lại hạ chiếu cho người đạo Quảng Nam không được cướp người Mọi để bán làm nô tỳ cho tư nhân. Nô tỳ cũng có làm ruộng chút ít nhưng phần nhiều làm công việc phi sản xuất ở trong nhà”[5].
4. Cơ sở tư tưởng văn hóa
Do điều kiện phát triển và sự cai trị của triều đình mà trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa cũng bị ảnh hưởng. Và việc chọn lấy tư tưởng Nho giáo làm độc tôn cũng là cơ sở vững chắc cho nhà Lê Sơ hoàn thiện bộ máy trung ương tập quyền. “Ở thời Lê Sơ, Nho giáo là độc tôn nên Đạo giáo và Phật giáo đều bị xem là tà giáo”2. Sự độc tôn Nho giáo của nhà Lê Sơ đã có cơ sở từ lâu và đến lúc này nó đã trở thành tất yếu.
Như chúng ta biết rằng, từ thời Lý – Trần, Phật giáo là chủ đạo, là cơ sở tư tưởng chính thống. Đến năm 1370 đời Trần Nghệ Tông, Lê Quát nhận xét: “Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động đến con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật thì đâu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay, gửi gấm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu dài chiếm đến nửa phần so với dân cư, đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng”[6].Thông qua đó, chúng ta thấy rằng, Phật giáo cho đến gần cuối thời Trần đã có niềm tin sâu sắc. Nhưng mầm móng của Nho giáo đã xuất hiện từ rất lâu, nhất là từ đầu thời Trần. Phật giáo có nhiều tông phái khác nhau, trong số đó có Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông là những tông phái được người Việt và người Á Đông thích thú. Mật tông thì sở trường về phía chú niệm thần bí, có ưu điểm là gần gũi với ma thuật dân gian, một tín ngưỡng quen thuộc của người dân; Tịnh độ tông thì cầu mong vãng sanh tịnh thổ (đất Phật), phù hợp với khát khao hạnh phúc của người; Thiền tông thì lấy thiền định làm phương tiện tu tập chủ tính là có thể “kiến tính thành phật”. Tính chất đó, khiến người Việt Nam chấp nhận cả ba tông phái trên, nhưng không phải là tách rời, mà là ba trong một, với một trong số đó là nền tảng cơ bản. Đó chỉ thể là Thiền tông, bởi từ gốc của nó. Thiền tông đã chứa đựng các yếu tố của Mật tông và Tịnh độ tông. Lý do trên đã khiến cho người thời Lý – Trần tin theo Thiền Tông mà ở đó đã bao gồm cả Mật tông và Tịnh độ tông. Thiền học được phát triển mạnh mẽ từ thời Lý sang thời Trần với sự xuất hiện của những bậc hiền triết, với những tư tưởng khác nhau làm cho Thiền học phát trển. Nhưng Phật giáo thời Trần là phật giáo “đa nguyên”, phật giáo có sự kết hợp giữa Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông, Phật giáo giải thích những vấn đề về họa phúc, may rủi, Phật giáo hứa hẹn đền bù ở thế giới mai sau, điều này là do chế độ chính trị - xã hội thời Trần tạo ra.
Chế độ chính trị - xã hội nhà Trần là “chế độ phong kiến tông pháp quân chủ trung ương tập quyền”. “Chế độ này lấy tông tộc làm cơ sở pháp chế để phân định quyền lợi, ngôi thứ, cấp bậc trong xã hội, trong dòng họ thống trị cũng như trong dòng họ khác trong cả nước. Ở đó quy định người tộc trưởng, do người con trai trưởng đảm nhiệm, có vai trò chi phối tuyệt đối đối với mọi quyền lợi, kể cả quyền thế tập và quyền ban phát lợi lộc; ở dòng họ thống trị thì đó là thái tử, nếu gia tộc thì đó là tộc trưởng, ở gia đình thì đó là gia trưởng. Sự thống trị trong xã hội đó thực chất là sự thống trị của một họ đối với trăm họ, là sự cai trị của ông vua thuộc dòng họ thống trị đối với thiên hạ. Đã là dòng họ thống trị thì con cháu đời đời kế nghiệp thống trị, đã là ông vua thì dù thông minh hay đần độn, khỏe mạnh hay yếu đuối cũng đều có đủ mọi quyền”[7]. Chế độ này điển hình ở Trung Quốc từ đời Tần và sang đời Hán thì ổn đinh, lấy tư tưởng Nho giáo làm nền tảng, vì trong nó xuất hiện lý thuyết hỗ trợ chơ sự thống trị như vậy. Cùng với Phật giáo và Đạo giáo, Nho giáo cũng được truyền vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Như tính chất cưỡng bức của chính quyền đô hộ mà nó không được xã hội xem trọng. Ở các vương triều Ngô, Đình, Tiền Lê, Lý tuy xem trọng Phật giáo nhưng cũng xây dựng một chế độ mang màu sắc theo dạng chế độ này. Đến thời Trần, nó đã trở nên hoàn thiện và vững vàng. Vì vậy, Thiền tông phải nhường chỗ cho Nho giáo trong vai trò chi phối hệ thống chính trị, tư tưởng xã hội. Từ trong khối “Tam giáo nhất thể” (Nho, Phật, Đạo) là một thể thống nhất đã tồn tại từ trước, Nho giáo được tách ra và trở thành học thuyết quan trọng nhất đối với triều đình.
Những người đặt cơ sở này đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn sau này chính là “các tôn thất quí tộc Trần. Những người đi tiên phong trong việc giác ngộ về quyền lợi của dòng họ thống trị, của giai cấp cầm quền và của dân tộc. Trong số này có những người không phải tín đồ của Thiền tông, họ đến với Nho giáo và sử dụng Nho giáo không có trở ngại về mặt tư tưởng; nhưng họ cũng chưa phải là những nhà nho thực thụ mà chỉ là những người có trách nhiệm với triều đình, bắt gặp những yếu tố tích cực của Nho giáo có thể phục vụ cho triều đại mình,, nắm bắt lấy và phát huy”[8]. Đó là Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư,… Và cũng từ vua đầu triều Trần như Thái Tông rồi đến Nhân Tông. Điều đó làm xuất hiện sự chuyển biến về ý thức trong hành động, Những thay đổi ấy điều thể hiện rõ từ các vị vua tiếp theo, mà điển hình đầu tiên là Anh Tông. Sự chuyển biến ấy còn làm thay đổi cơ cấu các tầng lớp trong xã hội, làm xuất hiện một loại “nhân cách lý tưởng mới”, một phương hướng cải tạo mới đối với con người. Đến giữa thời Trần, tầng lớp nho sĩ đã vươn lên vị trí hàng đầu và tầng lớp sư sãi phải lùi xuống hàng thứ hai, trong số họ không ai còn có được sự chú ý của triều đình. Đối với Nho sĩ, họ vẫn xem Phật giáo là phi lí, là dị đoan, là làm hại tiền của nước của dân. Lê Văn Hưu phê phán việc làm của Lý Thái Tổ mà nhắc nhở đương thời: “Tiêu phí sức lực của cải cho việc xây chùa, làm tháp biết bao nhiêu mà kể. Của cải chẳng phải trời mua cho, sức lực chẳng phải thần làm cho, như thế há chẳng phải là khơi vét máu mỡ của dân ư?”. Trương Hán Siêu: “Chùa bỏ rồi lại dựng, đã không phải ý muốn của ta. Đá dựng lên rồi khắc. Việc gì để ta phải nói. Hơn nữa đang là lúc thánh triều muốn truyền bá phong hóa của nhà vua để cứu vãn phong tục đòi bại. Dị đoan nay đáng phải truất bỏ. Chính đạo đáng phải thi hành”.
Nhưng thực tế, chúng ta thấy rằng Phật giáo đến lúc này đã đang dần mờ nhạt, tình hình đất nước cuối thời Trần ngày càng rối ren. Vai trò chấn chỉnh lại triều đình phải dựa vào tầng lớp Nho sĩ. Nhưng cũng có nhiều thành phần khác nhau: có ý thức đảm đương lấy việc xoay chuyển triều đại, họ là những con người muốn củng cố xã hội và xây dựng con người bằng các nguyên lí mà họ tiếp thu được của đạo Nho; một khuynh hướng bắt chước Trung Quốc không phù hợp với tình hình đất nước, điều đó không những không làm cho triều đại tốt đẹp hơn mà còn tạo ra một kiểu tư duy lảng tránh những vấn đề bức xúc của thời đại; một khuynh hướng bắt chước học phong Lý học thời Tống (Lý học luôn luận đàm xung quanh các phạm trù: thái cực, lý, khí, tính, mệnh và giải quyết mối quan hệ giữa lý và khí. Xem “lý” hay “khí” có trước mà quên đi thực trạng), hiện tượng này nếu cứ tiếp diễn thì những nho sĩ đương thời sẽ đi vào hướng hàn lâm, xa rời thực tế, không có lợi sự phục hưng triều đại. Chính vì thực trạng của Nho giáo Đại Việt đương thời, yêu cầu đặt ra là cần có một cuộc cải cách triệt để nhằm đưa Nho giáo trở thành một tư tưởng độc tôn, là nền tảng của một vương triều. Và chính Hồ Quý Ly là người cải cách tuy chưa thành công nhưng cơ bản cũng đã làm thay đổi phần nào.
Như vậy, chính những thay đổi của tư tưởng – văn hóa, Nho giáo từng bước vươn lên trong các triều đại trước, nhất là thời Trần – Hồ là tạo điều kiện cho nhà Lê Sơ chọn nó làm tư tưởng nền tảng xây dựng chế độ của mình. Nhà Lê Sơ từng bước độc tôn Nho giáo thông qua việc coi trọng giáo dục, ban hành luật pháp làm cho quá trình độc tôn Nho giáo diễn ra nhanh chóng và là cơ sở tư tưởng cho công cuộc hoàn thiện bộ máy trung ương tập quyền.
Trần Hoàng
Trích từ bài tiểu luận Quá trình hoàn thiện bộ máy trung ương tập quyền dưới thời Lê Sơ (1428 - 1527)




[1] Đào Duy Anh. (2013). Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỉ XIX. Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội. Tr.323.
[2] Đào Duy Anh. (2013). Sđd. Tr.336-337.
[3] Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. (2013). Sđd. Tr.154.
[4] Đào Duy Anh. (2013). Sđd. Tr.329-330.
[5], 2 Đào Duy Anh. (2013). Sđd. Tr.337-338, 345.
[6] Ngô Sĩ Liên. (1993). Đại Việt sử kí toàn thư, tập II. Hà Nội: NXB. Khoa học xã hội. Tr.153.
[7] Nguyễn Tài Đông (chủ biên). (2015). Khái lược Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam. Hà Nội: NXB. Đại học sư phạm. Tr.100
[8] [8] Nguyễn Tài Đông (chủ biên). (2015). Sđd. Tr.101.

Nhận xét