Vấn đề canh tân đất nước thời Tự Đức

1. Thái độ của triều đình Tự Đức trước vấn đề canh tân
Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc là vị Hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883, ông được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Dực Tông.Triều đại của ông đánh dấu nhiều sự kiến xấu với vận mệnh Đại Nam.Vào khoảng giữa thế kỉ XIX, nhà Nguyễn dần suy yếu, cộng thêm vào đó là mưu đồ xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp, tiếng súng quân Pháp tấn công Đà Nẵng 1858 đã làm cho triều đình run sợ. Đất nước chìm đắm trong nghèo nàn lạc hậu, nhân dân khổ cực, nhiều cuộc nổi dậy bùng nổ khắp nơi, nền kinh tế trì trệ lạc hậu, cộng với chính sách hạn chế việc giao thương với nước ngoài, nạn tham những cùng với hệ tư tưởng Nho giáo lỗi thời đã làm cho khủng hoảng xã hội càng thêm trầm trọng. Tình hình đó khiến biết bao nhà yêu nước và các sĩ phu lo ngại. Có biết bao nhiêu bản điều trần, chương trình cải cách đã được đệ trình lên triều đình, liên tiếp các năm từ 1864 đến 1881, các quan là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định liên tiếp dâng sớ xin nhà vua cho cải cách toàn diện đất nước nhưng các đình thần lại không thống nhất, nhà vua cũng không đưa ra được quyết sách dứt khoát.
Sau khi xem xong văn bản “Khai hoang từ” gửi lên triều đình vào tháng 2/1866 của Nguyễn Trường Tộ, Tự Đức châu phê: “Nguyễn Trường Tộ là người có thể dùng được. Hay là cho hắn một chức quan để lấy lòng và dùng sau”. Điều này cho thấy Tự Đức muốn dùng Nguyễn Trường Tộ và các đề nghị của ông nhưng không phải trong lúc triều đình đang dồn công sức cho việc lấy lại ba tỉnh miền Đông, mà là về sau. Về sau đây có thể là lúc mối quan hệ với người Pháp đã tạm ổn. Cũng trong năm đó, triều đình gặp rắc rối trong việc giải quyết vụ tàu Luân Đôn, Tự Đức cho vời Nguyễn Trường Tộ về Huế. Rõ ràng, Tự Đức đã có sự tin tưởng nhất định vào khả năng của Nguyễn Trường Tộ nhờ vào các bản điều trần mà Nguyễn Trường Tộ gửi lên. Hay như việc Nguyễn Trường Tộ gửi cho Trần Tiễn Thành ba bức thư. Trần Tiễn Thành viết tờ tấu dâng lên Tự Đức; trong tờ tấu, Tự Đức thể hiện thái độ đánh giá cao Nguyễn Trường Tộ: “Than Ôi! Việc nước ta biết cùng ai mưu tính mà cùng chia sẻ nỗi quan tâm này ư? Trường Tộ việc gì cũng đã nghi ngờ triều đình, mày lại còn theo mà tạo nghi ngờ nữa, thì mọi việc mỗi ngày một hỏng, không trông mong gì thành công được”. Tự Đức còn yêu cầu Trần Tiễn Thành dâng các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ lên để ông xem xét: “Nếu không thì phải dâng nhiều lên xem để cùng lo liệu, bình tâm xử sự, mở lòng thành, bày lẽ công, ta với mọi người không xa cách nhau thì ai dám chống báng, việc gì chẳng thành. Nay hãy đệ nạp các bản, trong đó các khoản nên chăng như thế nào, khoản nào nên làm ngay, khoản nào nên đình lại, nhất nhất phải nói rõ. Lại phải tiến trình các bản chưa đóng hãy đóng chung lại kẻo mất”… Từ những sự kiện diễn ra trên đây, có thể thấy các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ có tác động nhất định đến vua Tự Đức. Những nhận xét cho rằng Tự Đức quay lưng với các đề nghị cải cách nói chung và của Nguyễn Trường Tộ nói riêng là không xác đáng.
Thái độ và cách làm này cho thấy nhà Nguyễn cũng rất ý thức cần phải canh tân để tồn tại chứ không phải mù quáng vứt bỏ điều trần như một số công trình trước đây đã viết.
2. Những đề nghị cải cách được nhà Nguyễn tiếp thu và thực hiện
Công thương nghiệp
Trong yêu cầu canh tân của Nguyễn Trường Tộ có nêu lên đề nghị phải điều tra cơ bản các nguồn lợi và bắt tay ngay vào khai thác. Ông đã nêu ra ba phương thức khai thác: một là, cho công ty nước ngoài khai thác rồi ta thu lợi một phần; hai là, ta với họ liên doanh; ba là, tự làm lấy. Tiếp nhận những tư tưởng đổi mới  của Nguyễn Trường Tộ, năm 1864 triều đình mở mỏ sắt ở Quảng Bình, từ năm 1867 đẩy mạnh khai thác mỏ sắt Lưu Biển ở Thừa Thiên, mỏ Phổ Lý ở Thái Nguyên, khai thác mỏ Sa Lung và Phú Xuân tại Thái Nguyên; các mỏ Tân Sơn, Hòn Ngọc và Đông Triều ở Quảng Yên, mỏ Nông Sơn ở Quảng Nam; mỏ bạc Thạch Lâm ở Cao Bằng; các mỏ vàng Tĩnh Nê ở Cao Bằng, Hòa An và Vĩnh An ở Quảng Nam. Triều đình không chỉ đứng ra tự khai thác, mà còn cho tư nhân người Việt, Pháp, Đức, Hoa lãnh trưng.
Trong hoạt động giao thương, trước các đề nghị của Bùi Viện, Phạm Phú Thứ về việc mở rộng ngoại giao, triều đình Huế thường xuyên cử các phái bộ đi Xiêm, Hồng Kông, Trung Quốc, Hạ Châu, Pháp và thậm chí sang tận Mỹ. Quan hệ buôn bán với các nước Anh, Tây Ban Nha, Đức, Trung Quốc, Hồng Kông được duy trì khá lâu. Tháng 10-1872, phái bộ triều đình Huế sang Hồng Kông thương thuyết với lãnh sự Đức.Năm 1875 phái bộ Bùi viện được cử sang Mỹ liên hệ. Để phát triển thương mại,tháng 11-1866 triều đình cho lập cửa Nhu Viễn tại sông Cấm tỉnh Hải Dương và giảm thuế để thu hút nước ngoài, nhất là Trung Quốc đến mua bán; đến tháng 9-1874 lập lại phố mở chợ từ đồn Ninh Hải trở lên hai bên sông Cấm để thu hút khách thương Trung Quốc và phương Tây. Tháng 4-1876 triều đình bãi bỏ lệnh cấm ra biển đi buôn, cho phép tự do mua bán với bên ngoài, thuê thợ đóng tàu hơi nước để vận chuyển hàng hóa
Nông nghiệp
Nông nghiệp, đặc biệt là thủy lợi, từ cuối năm 1857, nhà Nguyễn cho đào sông xuyên qua các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc ở Hà Tĩnh;  tháng 2-1858 cho đào sông Thiên Đức và đắp đê các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình; tháng 11-1868, đào sông qua các xã An Phú, Lương Điền ở Thừa Thiên; mở rộng đường sông ở huyện Hương Trà Thừa Thiên vào tháng 2-1869.
Giáo dục
Trong giáo dục và đào tạo nhân tài, nhà Nguyễn có nhiều cố gắng canh tân, như tháng 3-1863 yêu cầu các địa phương tiến cử người biết chữ và tiếng Pháp cho triều đình; đến tháng 9-1864 lại khuyến khích học trò theo học tiếng Pháp, định lễ ban thưởng bằng tiền; tháng 7-1878 nhà nước qui định cấp kinh phí 5 năm cho học sinh đi nước nước ngoài học ngoại ngữ và khi về sẽ công nhận tương đương tú tài, cử nhân rồi bổ làm quan. Tháng 5-1878 mở trường tiếng Pháp ở Hải Dương, từ 7-1879 quy định toàn dân được quyền học tiếng Pháp. Các sách khoa học của Tây như  “Bác vật tân biên”, “Vạn quốc công Pháp”. “Hàng hải kim châm”, “khai môi yếu pháp” được dịch và bán cho quan lại và học trò; từ tháng 9-1881 thì in và cấp cho các trường học ở khắp nơi.Năm 1879 triều đình cử người sang học ở trường cơ khí Toulon ở Pháp, đến cuối năm lại gửi 20 học sinh sang Tây Ban Nha học kỹ nghệ…
Trong việc đào tạo đội ngũ kĩ thuật, từ tháng 12-1864 triều đình Huế đã cử 8 người mạnh khỏe đi học nghề chế tạo tàu máy hơi nước ,  tháng 3-1866 cử 20 đi học các nghề kỹ xảo của phương Tây. Triều đình còn mệnh lệnh cho Cơ Mật Viện dịch sách kĩ thuật phương Tây để dạy cho học sinh; đến tháng 9-1866 cử người sang Tây mua tàu thủy, kính thiên văn, máy điện thoại, dụng cụ nghề in, máy phát điện Năm 1868 thuê kĩ thuật gia nước ngoài về dạy cho học sinh, đồng thời buộc các quan dạy học phải thường xuyên dạy học trò cách điều binh khiển tướng, thao lược, kiến thức về nông điền, thủy lợi.
Để chiêu mộ nhân tài , từ tháng 7-1858 nhà nước dụ cho địa phương tiến cử người hiền. Tháng 5-1861 quy định người tài gồm 10 khoản là thạo binh pháp, mạnh hơn người, võ nghệ xuất chúng, biết thiên văn, tinh địa lý, cơ biến tinh tường, ăn nói linh lợi, nghề thuốc giỏi, nghề thám thính hay, kỹ nghẹ khéo léo. Tháng 5-1876 quy định toàn dân đều được quyền tiến cử người tài không hạn chế, đó cũng là đỉnh điểm của sự chiêu mộ hiền tài của triều đình.
Về quân sự
Ý thức thua kém phương Tây khiến triều đình Nguyễn cũng có những cải tiến nhằm nâng cao sức mạnh quân đội, như mua thêm tàu hơi nước và sắm sửa, rèn đúc súng ống, như tháng 9-1865 mua tàu đồng lớn hiệu Mẫn Thỏa, tháng 4-1882 cử người sang Hồng Kông đặt làm các tàu máy hơi nước hạng trung…
Vũ khí cũng được triều đình quan tâm mua sắm, sản xuất, mở Cục Công xảo tại Sở Đốc công tập trung người biết chế tạo máy móc tàu hơi nước, máy cưa, nấu đồng đúc súng đến sản xuất. Tháng 12 năm 1875 triều đình cho dịch 16 quyển sách Tây nói về tri thức quân sự mới để dạy cho quân đội như “Cổ kim võ bị”, “Binh thư tập yếu”,..
Ngoài những cố gắng cải cách nói trên, nhà Nguyễn còn nỗ lực chiêu mộ dân chúng khẩn hoang, lập đồn điền, đặt các nha sơn phòng miền núi để tích chứa lương thực, vũ khí, chuẩn bị lực lượng quân sự làm chỗ dựa lâu dài cho cuộc chiến tranh chống Pháp.
Những việc làm trên nói lên rằng nhà Nguyễn không hề chối bỏ yêu cầu canh tân của các nhà yêu nước, cũng không phải là những việc cỏn con không đáng kể, sự tốn kém kinh phí cho từng ấy công việc cũng không hề nhỏ. Những điều trần canh tân đất nước gửi lên triều đình đều được các Bộ gửi lên cho vua Tự Đức, được Tự Đức đọc và nhận xét, có những lúc vua Tự Đức phải thừa nhận “thực sự đã khám phá ra sự tình” của đất nước,có lúc nhà vua cử người đi Luân Đôn mua tàu thủy, cử người đi Pháp thuê chuyên gia và mua sắm máy móc để thánh lập trường bách nghệ ở Huế, cử người đi học tiếng Pháp, tiếng Anh. Nhưng những việc làm đó chưa có quyết tâm cao, hay nói đúng hơn là nửa vời, mang tình chắp vá, lẻ tẻ, miễn cưỡng. Các điều sữa chữa đó chưa kịp phát huy tác dụng thì đã bị đình chỉ. Do vậy, nó chưa có kết quả cụ thể.
3. Những đề nghị cải cách hay nhưng bị triều Nguyễn bác bỏ hoặc tiếp thu nhưng không thực hiện
Về công thương nghiệp
Đặng Huy Trứ đề nghị triều đình lập “cục cơ khí” mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc, lập cục dạy học nghề, đưa thanh niên ra nước ngoài để học. Song đóng góp của ông về thương nghiệp là nhiều hơn cả. Năm 1866, ông đề nghị vua thành lập cơ quan chuyên trách việc buôn bán, lấy tên “Ty Bình Chuẩn” với số vốn ban đầu là 50 nghìn quan. Một điều lý thú, có lẽ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên ở Việt Nam mở đầu cho chủ xướng công tư lưỡng lợi trong ngành thương nghiệp đương thời. Thiếu vốn lưu động, ông kêu gọi nhân dân đóng góp vốn cùng kinh doanh và chia lãi. Ở thời điểm đó, cách làm của ông thật đáng khâm phục.
Về nông nghiệp
Nguyễn Trường Tộ liên tiếp đề ra những chính sách cải cách đặc sắc cho đất nước, đệ trình lên vua Tự Đức. Ông đã vượt lên hẳn các nhà cải cách đương thời về mọi mặt, từ những đề nghị cải cách về nông nghiệp, công nghiệp đến thương nghiệp, quân đội.
Về nông nghiệp, ở một nước coi trọng nông nghiệp như Việt Nam mới thấy lập luận của ông là đúng: “ nông nghiệp là gốc, ăn mặc và các món cần dùng cho đời sống đều nhờ vào nông nghiệp. Nếu con đường sinh sống đó không phát triển mà cứ để cho suy sút, thì dân lo chạy ăn cứu sống cho xong, rãnh đâu mà lo việc nghĩa”. Từ đó ông cho rằng nên có cơ quan Nông chính, có các Nông quan chuyên chăm lo về nông nghiệp, họ phải học các môn Thiên văn học nông nghiệp, Địa lý học nông nghiệp, Thực vật học. Không những thế, ông còn đề nghị triều đình nên “chỉnh kinh giới” (sửa sang lại ranh giới ruộng đất) để biết được “diện tích một nước rộng hẹp bao nhiêu, nếu không kinh giới theo lối mới của Tây thì chúng ta không biết rõ hình thế trong nước như thế nào, không biết đâu có núi rừng, đâu có sông rạch, chỗ nào có hồ, bể, chỗ nào là ruộng mương, chỗ nào bị ứ tắc, chỗ nào đang bỏ hoang”. Sau khi đo đạc điền địa, lập bản đồ, dải thửa như phương Tây, ông còn đề nghị nên khai hoang mở rộng diện tích canh tác đất đai, việc “chăm lo dời dân, mở rộng đất đai” vào phía nam của đất nước là việc làm cần thiết và khẩn cấp.
Đi đôi với việc làm trên, Nguyễn Trường Tộ còn nghĩ đến công tác làm thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp. ông đề nghị triều đình nên bắt chước các nước phương Tây đặt người chuyên trách chăm lo về mặt thủy lợi để đào kênh, vét kênh, khơi ngòi chống úng… đồng thời ông phân tích dòng chảy của các sông ngòi, nơi có đê điều ven sông và sự bất lực của các quan sở tại. Nạn lũ lụt, vỡ đê xảy ra liên miên dưới thời Tự Đức. Trước khi mất, ông vẫn còn thiết tha đề nghị nhiều điều về cải cách nông nghiệp như sau: việc định ranh giới và khai hoang được thực hiện thì chấm dứt được nạn tranh chiếm đất đai; đất đai được khai thác thì nguồn lợi sẽ dồi dào; nắm vững được tài nguyên trong nước thì quản lý được kinh tế; năm được mùa bù cho năm mất mùa thì sẽ hết nạn đói; mở “đấu xảo” để tìm cách cải tiến kĩ thuật, tăng năng suất cây trồng”.
Về giáo dục
Đối với Nguyễn Trường Tộ, ông đã đề nghị lên triều đình cần phải có những biện pháp cụ thể hơn để nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân theo hướng coi trọng khoa học kĩ thuật như : dùng quốc âm, cải cách giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, lập nhà in, xuất bản sách báo, đồng thời cũng phải kiểm soát các loại sách không phù hợp, cải cách phong tục. Thế nhưng, vương triều nhà Nguyễn lúc bấy giờ lại không nhận thức rõ được. Những vấn đề cải cách của ông trên lĩnh vực giáo dục rất đáng được quan tâm và chú ý nhưng cuối cùng lại bị triều Nguyễn bác bỏ. Không nhận được sự quan tâm của người đương thời.
Về quân sự
Nguyễn Trường Tộ đã thấy được cái lỗi thời, lạc hậu của “binh thư” xưa trong việc chống lại giặc Tây lúc bấy giờ: “tôi đã đọc nhiều binh thư và sách vở linh tinh khác nói về binh sự thì thấy rằng chiến pháp của cổ nhân ngày nay không còn thích dụng nữa”, từ đó ông kêu gọi “ngày nay ta chỉ nên rút lấy cái tâm trừ loạn của ngày xưa mà thôi” và ông mạnh dạn đề xuất “nên mua lấy binh pháp thủy bộ của phương Tây dịch ra mà tham cứu”. Ông kêu gọi phải coi trọng nhân phẩm và đời sống của người lính, đặc biệt “không nên bắt lính hầu hạ quan… trong quân đội phương Tây sự sỉ nhục ngược đãi người lính là không có hoặc rất ít”. Nguyễn Trường Tộ nhấn mạnh vai trò của người chỉ huy trong quân đội, ông cho rằng họ phải là người có học thức, có lòng gan dạ khi xung trận, phải yêu thương lính như cha con và đặc biệt phải biết luôn luôn học hỏi để tiến bộ. Nếu cần thì “nên mời quan Tây giỏi võ bị để dạy cho quan ta… mà quan ta từ ngũ trưởng trở lên đều phải biết chữ để học võ thư”. Ông còn đề nghị nên “thường khảo kiến thức các võ quan”. Nêu lên những đề nghị trên, ông đi đến một kết luận có tính cảnh báo cho triều đình Nguyễn lúc bấy giờ là “bây giờ đây nếu nước ta không gấp rút sửa đổi theo mới để cho võ bị càng suy, nhân tâm càng yếu, thì lấy gì chống giặc để bảo vệ nhân dân”.
Có thể nói đề xuất cải cách quân sự là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của chương trình canh tân đất nước mà Nguyễn Trường Tộ gửi lên triều đình nhà Nguyễn. Với bổn phận và trách nhiệm của một người dân đối với đất nước, Nguyễn Trường Tộ mong muốn đóng góp một phần trí lực vào sự cường thịnh giàu mạnh của dân tộc, đất nước. Tiếc rằng một số đề nghị cải cách của ông cũng như của các nhân vật thức thời tiến bộ khác đã không được triều Nguyễn chấp nhận.   
4. Trách nhiệm của triều đình Tự Đức
Công bằng mà nói, không phải Tự Đức quay lưng hoàn toàn với cải cách, thái độ không phải lúc nào cũng thờ ơ với những điều tâm huyết trong cải cách. Trong thực tế, nhà vua cũng đã thi hành một số cải cách trong các lĩnh vực kinh tế ( như mở các mỏ than, sắt; định ngạch thuế trong thương mại, lập Ty bình chuẩn trông coi công việc buôn bán, mua sắm vũ khí..)Tuy nhiên, ông cũng là một ông vua thiếu quyết đoán, chủ yếu dựa vào ý kiến của các triều thần. Giả thuyết cho rằng thời gian các bản điều trần được đưa ra quá muộn khi mưu đồ xâm lược của Pháp đã thể hiện bằng hành động trong thực tế và cho dù nhà vua và triều đình có muốn canh tân đi nữa thì cũng đã để lỡ chuyến tàu lịch sử.Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là, ngoài quyết định cuối cùng của nhà vua thì giới sĩ phu và dân trí nói chung lúc bấy giờ có đủ trình độ và phẩm chất trí tuệ để nhận thức đúng về tình hình, thời thế, về những chỗ yếu, chỗ mạnh của xã hội Việt Nam và của chính giai cấp mình hay không.
Công và tội của triều đình nhà Nguyễn đối với đất nước hiện vẫn còn là một vấn đề lịch sử lớn mà giới sử gia trong và ngoài nước vẫn tiếp tục nghiên cứu. Nhưng dù triều đình nhà Nguyễn có được đánh giá lại như thế nào đi nữa thì vẫn không thể phủ nhận được trách nhiệm chủ yếu của triều đình Nguyễn trước việc đất nước bị mất vào tay bọn thực dân Pháp, trước hết là trách nhiệm của vua Tự Đức và đám quần thần.
Mặc dù nhà vua là người có đạo đức và giỏi thơ văn, chữ nghĩa, nhưng tài và đức ấy không đủ để lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử dân tộc, khi mà hai nền văn minh Âu Á bắt đầu đối chọi nhau trên vũ đài lịch sử. Nhà vua lại thiếu hẳn tầm nhìn rộng, thiếu cương nghị và quyết đoán về những vấn đề trọng đại của quốc gia.Khi nhận được các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, nhà vua cũng có xem qua và trong ý nghĩ không phải là không có một ít nhận xét đúng đắn về nội dung của các bản điều trần, nhưng lại không có đủ tri thức và năng lực cần thiết để thực hiện các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ và tỏ ra nhu nhược khi chuyển các bản điều trần đó qua tay các quan để xem xét, thẩm định, trong khi bọn quan lại này, mặc dù có nhiều cái đầu nhưng vẫn không sao có được những tư tưởng “đồng thanh tương ứng” với Nguyễn Trường Tộ. Vì thế, những đề án cải cách thường bị cho vào ngăn tủ rồi bị lãng quên hoặc nó được thực thi ở những điểm nào đó, nhưng cũng chỉ là nửa vời, vớt vát và không mang lại kết quả. Vua Tự Đức tuy có ý cải cách đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, nhưng lại thiếu quyết đoán luôn luôn trong chờ vào ý kiến của quan lại trong triều, để rồi những cải cách của các nhà yêu nước như Nguyễn Trường Tộ với 58 bản điều trần nhưng cũng bị lãng quên trong ngăn tủ.Yêu nước nhưng không có biện pháp đúng đắn, sáng tạo để giữ nước, cuối cùng chính triều Nguyễn đặc biệt là vua Tự Đức đã làm cho việc mất nước từ không tất yếu trở thành tất yếu. Đây là trách nhiệm mà cũng là “tội”, mà triều đại phong kiến cuối cùng này phải chịu trước dân tộc .
Tài liệu tham khảo
1. Mười cuộc cải cách đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam , Văn Tạo , NXB ĐH Sư Phạm
2. Công cuộc cải cách hành chính dưới thời minh mệnh , Nguyễn Minh Tường, Luận án tiến sĩ mã số 50315 ( 1994)
3. Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn. Đỗ Bang. NXB Thuận Hóa, (1999)
4. Đại cương lịch sử Việt Nam tập 2, Đinh Xuân Lâm, NXB Giáo dục (2001)
5. Bang giao đại việt Triều Nguyễn , Nguyễn Thế Long , NXB văn hóa thông tin (2005)
6. Lịch sử Việt Nam thế kỉ XV – XVI tập 3 , viện sử học , viện khoa học xã hội Việt Nam.NXB Hà Nội ( 2007 ) 
7. Fukuzama Yukichi và Nguyễn Trường Tộ - tư tưởng cải cách giáo dục, PGS.TS. Nguyễn Tiến Lực,NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (2013)


 Biên tập: Trần Hoàng

Nhận xét