Quan hệ Liên Xô và Mĩ được cải thiện từ giữa thập niên 80 thế kỉ XX - một trong những cơ sở tác động đến quá trình bình thường hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc



Đầu thập niên 80 của thế kỉ XX, tình hình căng thẳng giữa hai siêu cường Xô – Mĩ trở nên căng thẳng. Mĩ đề ra chính sách cứng rắn chạy đua ũ trang nhằm lấy lại vị trí đứng đầu về quân sự của Mỹ trên trường quốc tế. Trong khoảng năm 1980 – 1986 ngăn sách quân sự tăng đến 50%, tên lửa tầm trung được đặt ở Tây Đức, Bỉ, Hà Lan và một vài nước khác xung quanh Liên Xô. Đồng thời, Mĩ cũng đề ra kế hoạch “sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) với chi phí 26 tỷ USD trong 5 năm. Cùng thời gian này, Mĩ tiến hành các chiến dịch chống phong trào cách mạng ở Grênađa, Panama, Libi và cung cấp vũ khi cho lực lượng đối lập ở Ápganixtan. Để đói phó lại, Liên Xô cũng tăng ngân sách quốc phòng chiếm tới 25% GDP, đặt tên lửa tầm trung ở các nước Đông Âu và phần Trung Á thuộc Liên Xô. Nhưng tình trạng đối đầu, chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Mĩ đã đem lại nhiều bất lợi cho chính hai siêu cường đó. Những tốn phí về chạy đua vũ trang từ sau chiến tranh thế giới đã làm suy giảm nghiêm trọng tiềm lực kinh tế của hai nước, tốc độ tăng trưởng bị giảm sút. Trong khi đó, sụ phát triển vượt bậc của Đức, Nhật Bản và Khối thị trường chung Châu Âu (EEC) đã làm xuất hiện các thế lực cạnh tranh hùng mạnh, đe dọa vị thế của Mĩ và Liên Xô. (GS. Vũ Dương Ninh, 2014, trang 262-263)
Trước tình hình đó, từ năm 1985, hai bên đã có những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ để bàn về việc hạn chế chạy đua vũ trang và hợp tác kinh tế, khoa học – kĩ thuật. Đến năm 1989, tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô M.Gorbachev và tổng thống Mĩ G.Bush ra tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh lạnh giữa hai nước sau hơn 40 năm đối đầu căng thẳng. Tháng 11 – 1990, tại Pari, hai nguyên thủ Liên Xô và Mĩ cùng các nhà lãnh đạo 20 nước thành viên khối NATO và khối Warsaw kí kết hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, đưa ra Hiến chương Paris tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh.
Trước quan hệ giữa Liên Xô và Mĩ có những thay đổi như vậy, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với hai nước này cũng thay đổi mạnh mẽ. Bởi từ những năm 50, mối quan hệ giữa hai nước Liên Xô và Mĩ đã có sự ảnh hưởng lớn đến hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc từ những năm 50, 60 của thế kỉ XX có mối quan hệ thân thiết với Liên Xô.
Trung Quốc và Liên Xô ban đầu là hai quốc gia thân thiện, nhưng đến năm 1955 thì cả hai đã bộc lộ những mâu thuẫn về ý thức hệ. Điều này thể hiện rõ trong chiến lược phản đế, phản tu và cách mạng thế giới đầu thập niên 60. Năm 1956, tại Đại hội Đại biểu Đảng cộng Sản Liên Xô tại Mátxcơva, Tổng bí thư N.Khrútxốp đã trình bày bảng báo cáo của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, và vạch ra con đường “chung sống hòa bình, cạnh tranh hòa bình, quá độ hòa bình”. Chính sự kiện này mà Trung Quốc cho rằng ở Liên Xô đang tồn tại chủ nghĩa xét lại, và đề ra phong trào “phản tu”. Chúng ta có thể thấy rõ qua việc “Trung Quốc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, ngoài đóng góp thiết thực cho phong trào cách mạng thế giới, ngoài vấn đề ý thức hệ và lợi ích chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hoà bình, còn có ý nghĩa chiến lược trực tiếp: Mỹ là kẻ thù của Trung Quốc, tiến hành chiến tranh sát nách Trung Quốc, đe dọa trực tiếp an ninh của Trung Quốc từ phía Nam. Giúp Việt Nam chống Mỹ, Trung Quốc có lợi ích kiềm chế Mỹ, bảo đảm an ninh của Trung Quốc, bảo đảm một số điều kiện cho Trung Quốc nhanh chóng trỗi dậy trở thành cường quốc ở khu vực.” (Nguyễn Thị Mai Hoa, Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, 2013). Cũng có thể nói đây là giai đoạn mà sự viện trợ của Trung Quốc và Liên Xô đối với Việt Nam có những thay đổi rất lớn.
Từ mâu thuẫn về ý thức hệ tuy sau này Liên Xô cũng tỏ ra “cứng rắn” với phương tây nhưng Trung Quốc và Liên Xô đã xuất hiện sự rạn nức lớn. “Sự kiện đánh dấu sự chia rẻ Trung – Xô là trong cuộc chiến tranh Trung - Ấn, Liên Xô công khai đứng về phía Ân Độ, chỉ trích và phê phán Trung Quốc. Nhưng sự đối kháng thực sự giữa hai nước bắt đầu từ năm 1969 trong sự kiện đảo Trân Bảo, bất đồng về ý thức hệ giữa hai đảng Trung – Xô cuối cùng đã dẫn đến cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên” (Sở Thụ Long, Kim Uy (chủ biên), 2013, trang 156). Bước sang những năm 70, Trung Quốc đã xem Liên Xô là “mối đe dọa đến lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc”, xem mâu thuẫn Trung – Xô lớn hơn những mâu thuẫn khác đang tồn tại trên trường quốc tế. Cũng từ đây, Mĩ và Trung Quốc bắt đầu có những tiếp xúc để cải thiện mối quan hệ với nhau để “chống chủ nghĩa bá quyền, phản đối sự bành trướng chống lại chủ nghĩa bá quyền của Liên Xô” (Sở Thụ Long, Kim Uy (chủ biên), 2013, trang 159).
Bước sang đầu thập niên 1980, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, không nên tạo ra cục diện đối địch, cắt đứt quan hệ giao lưu song phương nữa. Cho nên khi Liên Xô bắt đầu bày tỏ mong muốn cải thiện mối quan hệ Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng đã phản ứng một cách thiện chí và tích cực chuẩn bị tiến hành đối thoại Trung – Xô. Khi các nhà lãnh đạo của Liên Xô qua đời, Trung Quốc điều cử người với cương vị phó thủ tương sang viếng thăm, chia buồn. “Việc vận dụng một cách khéo léo hình thức ngoại giao “viếng thăm, chia buồn” và sự kiện Goócbachốp. người lãnh đạo có quan điểm “tư duy hoàn toàn mới” lên nắm quyền đã tạo điều kiện tốt đẹp cho việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước” (Sở Thụ Long, Kim Uy (chủ biên), 2013, trang 91). Tuy nhiên, từ năm 1987, khi quan hệ Xô – Mĩ được cải thiện thì quan hệ Trung – Xô cải thiện chậm hơn, làm cho vị trí của Trung Quốc bị suy yếu trong quan hệ giữa ba nước (Mĩ- Trung- Xô).
Về phía Việt Nam, thì quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trong giai đoạn này tương đối tốt đẹp. Trong những năm 1954 – 1975, do mâu thuẫn Trung – Xô mà Liên Xô có khi ủng hộ Việt Nam có khi là trở cản của Việt Nam. Sau năm 1975, quan hệ giữa hai nước đầy tiến chuyển và là “cái cớ” cho Trung Quốc tấn công Việt Nam vào năm 1979. “Trong quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, tháng 6-1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng tương trợ kinh tế, tháng 11 ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Liên Xô, có giá trị trong 25 năm. Tháng 5-1979, chính phủ hai nước thỏa thuận cho phép tàu hải quân Liên Xô được ra vào, ghé đậu và máy bay Liên Xô được hạ cánh ở Cam Ranh (thuộc tỉnh Khánh Hòa)” (GS. Vũ Dương Ninh, 2014, trang 272).
Nước Mĩ được xem là kẻ thù chung của Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 1950 – 1960. Song do mâu thuẫn với Liên Xô mà Trung Quốc và Mĩ đã từng bước cải thiện mối quan hệ ngoại giao trong những năm 1970. Về Việt Nam sau năm 1975, luôn tiến hành đối ngoại và mong muốn sự hợp tác, bình thường hóa quan hệ với Mĩ sau chiến tranh.
Từ thập niên 1970, Trung Quốc và Mĩ từng bước cải thiện quan hệ và trong vòng 10 năm hai nước đã tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau cuộc đụng độ với Liên Xô, Trung Quốc nhận ra rằng “Chúng ta bị cô lập rồi, bây giờ không còn ai quan tâm đến chúng ta nữa” (Mao Trạch Đông, 1969). Trước nhu cầu đó, thì việc tìm kiếm một đồng minh để chống Liên Xô là yêu cầu mà Trung Quốc cần phải làm. Cũng như đã nói thì Liên Xô là kẻ thù của Mĩ nên hai nước bây giờ có chung một kẻ thù thì chống lại kẻ thù chung đó là tất yếu. Cho nên, khi Mỹ “truyền đi tín hiệu mong muốn cải thiện mối quan hệ Trung – Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã căn cứ vào diễn biến về thời thế, đưa ra phản ứng tích cực, cuối cùng đã dẫn đến cuộc viếng thăm bí mật tới Trung Quốc vào tháng 7 năm 1971 của Kissinger và cuộc viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon vào tháng 2 năm 1972, góp phần tích cực vào việc bình thường hóa quan hệ Trung – Mĩ” (Sở Thụ Long, Kim Uy (chủ biên), 2013, trang 159). Đồng thời, Mĩ cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ “ổn định, chắc chắn, lâu dài” với Trung Quốc.
Nhìn chung, “trong thời gian đó, mặc dù hai bên phải đối mặt với với nhiều sóng gió do vấn đề Đài Loan gây ra, nhưng nói chung quan hệ Trung – Mĩ phát triển tương đối ổn định, thậm chí hai bên còn hợp tác với nhau trong cả lĩnh vực quân sự, thỏa thuận được một loạt các hạng mục hợp tác về trang thiết bị kĩ thuật quan sự” (Sở Thụ Long, Kim Uy (chủ biên), 2013, trang 92). Có thể thấy rằng, Đài Loan là vấn đề xuyên suốt trong quan hệ đối ngoại của hai nước. Tuy trong Tuyên bố Thượng Hải năm 1972, Mĩ lần đầu tiên bày tỏ quan điểm thừa nhận trên thế giới chỉ có một nước Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quố, thậm chí còn khẳng định nhất định sẽ rút hết lực lượng vũ trang và các thiết bị quân sự của Mĩ ra khỏi Đài Loan. Tuy nhiên mãi sau khi thết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979, khi quốc hội Mỹ bàn đến “luật về quan hệ với Đài Loan” thì vẫn “tuyên bố để phòng ngừa mọi hành vi dùng vũ lực đe dọa đến an ninh nhân dâ và xã hội Đài Loan, Mĩ sẽ cung cấp đủ các vũ khí và trang bị phòng ngự để Đài Loan có thể duy trì khả năng tự vệ…” (Sở Thụ Long, Kim Uy (chủ biên), 2013, trang 162).
Về phía Việt Nam với Mĩ thì hai bên đã có những thông điệp về việc duy trì quan hệ lẫn nhau trên tinh thần hiệp định Pari năm 1973 và nguyên tắc không thù địch. Quan hệ Việt Nam với Mĩ xoay quanh với vấn đề bình thường hóa quan hệ với điều kiện tiên quyết là “hàn gắn chiến tranh”. Song đến năm 1978, Việt Nam đồng ý với Mỹ “bình thường hóa không điều kiện” quan hệ giữa hai nước, Việt Nam không đặt vấn đề “bồi thường chiến tranh” làm điều kiện tiên quyết. Nhưng trong thời kì này, quan hệ Mĩ và Trung Quốc đang tiến triển rất tốt nên đối với Việt Nam, Mĩ “không thay đổi lập trường bình thường hóa quan hệ nhưng phải chậm lại”, Mĩ cũng đưa ra cho Việt Nam cần giải quyết rõ “vấn đề Campuchia”.
Như vậy, quan hệ Xô – Mĩ từ giữa thập niên 80 của thế kỉ XX đã tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với hai nước này. Vì sự ảnh hưởng của Mĩ và Liên Xô còn ở một mức độ nhất định. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng từ đó bị tác động, sự tác động này đã diễn ra từ lâu đến những năm 80 của thế kỉ XX vẫn còn hiện diện.


TÀI LIỆU THAM KHẢO



1.      GS. Vũ Dương Ninh. (2014). Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam 1940 - 2010. Hà Nội: NXB. Chính trị quốc gia.
2.      Nguyễn Thị Mai Hoa. (2013, 08 11). Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Được truy lục từ amgiautrithuc.blogspot.com: http://lamgiautrithuc.blogspot.com/2013/08/quan-he-viet-nam-trung-quoc-trong-khang.html
3.      Sở Thụ Long, Kim Uy (chủ biên). (2013). Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc (sách tham khảo nội bộ). Hà Nội: NXB. Chính trị quốc gia sự thật.

Trần Hoàng
Trích từ Quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (1986 - 1991)

Nhận xét