Tình hình sở hữu ruộng đất ở miền Nam từ năm 1945 đến trước ngày giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1975


Từ sau cách mạng tháng tám năm 1945 – 19533, chính quyền nhân dân đã đem chia 410000 mẫu tây ruộng đất của thực dân và địa chủ Nam Kì cho nông dân. Đó là chưa kể hàng chục vạn mẫu tây ruộng hoang của địa chủ và thực dân, nông dân tự do khai thác hưởng lợi không phải nộp tô cho địa chủ. Trong thời kì kháng chiến, ở đây thi hành chính sách giảm tô 25%, nhưng thực tế phần lớn nông dân không nộp địa tô cho địa chủ hay chỉ nộp 1/10 hoa lợi. Nhìn chung, giai cấp địa chủ miền nam nói chung, tầng lớp đại địa chủ miền nam nói riêng đã bị chính quyền nhân dân làm suy yếu thế lực về kinh tế và chính trị, Nông dân miền nam không những đã dành một phần quan trọng về ruộng đất mà địa vị chính trị đã được đề cao trong nông thôn.[1] Từ năm 1954 – 1960, dưới tác động chính sách ruộng đất của Ngô Đình Diệm, chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến và quan hệ địa chủ với tá điền đã được khôi phục lại, mặc dù mức độ, tính chất ruộng còn như thời kỳ trước cách mạng tháng Tám 1945. Cuộc kiểm tra canh nông 1960 – 1961 ở Nam Bộ có 1175829 nông hộ trực canh với diện tích canh tác là 2046872 ha, trong đó khoảng 72,5% nông hộ là tá điền và miền Nam lúc bấy giờ có đến 1871810 nông hộ trực canh với 2511783 ha, trong đó 71,28% là tá điền và 58,18% diện tích là thuê mướn.[2]
Từ năm 1960, chiến tranh ở miền nam phát triển và dần dần định hình hai vùng: vùng do quân giải phóng miền nam (gọi là vùng giải phóng) và vùng do quân Mỹ - Diệm chiếm đóng (gọi là vùng tạm chiếm). Trong vùng giải phóng, chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp phong kiến bị xóa bỏ về cơ bản; theo số liệu ở 4 xã giải phóng năm 1969 của miền Tây Nam Bộ thì địa chỉ ở đây chỉ còn 0,17% số hộ, 0,47% diện tích (88302 ha, bình quân mỗi địa chủ chỉ còn 7,35 ha, họ chỉ phát canh khoảng 31,15% diện tích. Còn trong vùng ạm chiếm, trên mặt pháp luật của chính quyền, sự phân bố quyền sở hữu ruộng đất còn rất chênh lệch, giai cấp địa chủ và đại địa chủ vẫn chiếm phần lớn diện tích canh tác: số địa chủ có trên 50 ha, chỉ có gần 2% hộ nhưng đã chiếm đến 35,4% diện tích canh tác trong vùng nông thôn tạm chiếm. Nhưng trên thực tế, chế độ sở hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến và quan hệ địa chủ - tá điền trên đà suy sụp. Đa số ruộng đất thuê mướn là của những địa chủ sống ở thành thị và ở các xã nên trong điều kiện chiến tranh lúc bấy giờ, địa chủ khó có thể thực hiện quyền sở hữu của mình như khó thu tô, thu tô thấp “thu tô được bao nhiêu là tùy theo ý muốn của tá điền”, không thể lấy lại ruộng đất cho thuê mướn “đa số tá điền nghĩ rằng họ có thể kéo dài thời gian thuê ruộng bao lâu cũng được”, địa chủ không còn có vai trì trong hệ thống sản xuất nông nghiệp ở nông thôn (không còn là người cho vay, buôn bán lúa gạo, người cung cấp công cụ sản xuất, hạt giống… khuynh hướng tư bản hóa trong giai cấp địa chủ, nhất là địa chủ sống ở thành thị rất mạnh).[3]
Sau cách mạng tháng tám, vai trò, vị trí của giai cấp địa chủ bị hạ xuống, cùng lúc đó người nông dân được nâng cao lên. Trong giai cấp nông dân, trước cách mạng tháng tám, lực lượng tá điền không ruộng và thiếu ruộng chiếm tuyệt đa số trong nông thôn Nam Bộ, còn trung nông chỉ chiếm khoảng 16% dân cư nông thôn và 9,5% diện tích canh tác; thì từ sau cách mạng tháng tám và trong những năm kháng chiến chống Pháp, chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân lao động được mở rộng, xu hướng trung nông hóa bắt đầu được xác lập, đônh đảo bần nông trở thành trung nông. Thời kì 1954 – 1960, xu hướng này bị chặn lại, nhiều trung nông mới trở lại thân phận bần nông tá điền. Từ năm 1960, cùng với sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào nông thôn và dưới tác động của chính sách ruộng đất của Đảng ta, thì xu hướng này tiếp tục được xác lập và phát triển mạnh mẽ ở vùng giải phóng, cả vùng tranh chấp và một bộ phận lớn của vùng  tạm chiếm. Theo số liệu điều tra ở 4 xã của các tỉnh Sóc Trăng, Trà Linh, Rạch Giá và Cà Mau vào năm 1969 thì trung nông là tầng lớp đông đảo và có vị trí kinh tế quan trọng nhất trong nông thôn: chiếm 81,38% số hộ, 86,96 diện tích canh tác.
Thời kì 1970 – 1975, chính quyền miền Nam của Nguyễn Văn Thiệu thực hiện chương trình “Người cày có ruộng” , thành phần kinh tế địa chủ phong kiến tiếp tục bị xóa bỏ một cách  mạnh mẽ. Đến cuối năm 1974, chương trình đã “cấp phát” đến 1290949 ha cho tá điền, trong đó hầu hết diện tích cấp phát ở đồng bằng sông Cửu Long và đã bồi thường trên 190 tỉ đồng miền Nam trên 11 vạn điền chủ. Bên cạnh đó, một tầng lớp trung nông mới dần được hình thành với quy mô sở hữu 2-3 ha, được trang bị máy móc, nông nghiệp và nắm vững kỹ thuật mới. “Chương trình cải cách hướng đến về một giai cấp nông dân sở hữu nhỏ tự canh tác rộng hơn”. Và thong qua các cuộc điều tra ở nông thôn ở 6 tỉnh Trung bộ và 10 tỉnh Nam bộ của chính quyền miền Nam năm 1971 nếu hoàn thành công cuộc này, số lượng nộng hộ có quy mô sở hữu từ 1 – 5 ha có thể chiếm khoảng 48% số nông hộ và 69,2% diện tích canh tác. Như vậy, tầng lớp trung nông dần dần chiếm tuyệt đại đa số và có vai trò ngày càng quan trọng trong nông thôn miền Nam trước năm 1975.
Một điều nữa chúng ta có thể thấy đó là tầng lớp trung nông được hình thành từ những năm 60, 70 là tầng lớp trung gian nằm giữa hai loại dân cư mới tiêu biểu cho con đường phát triển tư bản chủ nghĩa là phú nông – tư sản nông thôn và nông dân chuyên đi làm thuê (vô sản và nửa vô sản trong nông nghiệp). Cũng trong chương trình “Người cày có ruộng” của chính quyền miền Nam khi đó, thành phần kinh tế phú nông – tư sản nông nghiệp đã có sự phát triển khá rõ ràng. Nhưng chương trình này chảng những không đụng đến yêu cầu ruộng đất của những hộ nông dân kafm thuê không có ruộng đất, mà còn đặc biệt khuyến khích vueehc trywhc canh ruộng đất của địa chủ và phú nông theo phương thức bóc lột lao động làm thuê tư bản chủ nghĩa. Số lượng làm thuê ngày càng đông đảo. Đến năm 1975, theo số liệu ở An Giang thì có 4106% nông hộ không có đất, 20,95% nông hộ thiếu đất phải đi làm thuê.[4]
 Như vậy, đến ngày miền nam giải phóng, chế độ sở hữu ruộng đất của địa chủ phong kiến đã bị xóa bỏ về căn bản, do nhiều tác động đan xen của các chính sách kinh tế - xã hội của Đảng ta và chính quyền miền Nam nên tàn tích quan hệ vẫn còn bóc lột. Bên cạnh đó, nông dân bị phân hóa sâu sắc thành loại hình dân cư mới tiêu biểu cho hướng phát triển tư bản chủ nghĩa: phú nôtRng  - tư sản nông thôn và những hộ nông dân làm thuê )thường xuyên hay không thường xuyên). Đây không phải hoàn toàn là hộ phú nông và bần nông như trong kết cấu giai cấp, tầng lớp xã hội ở nông thôn thuộc địa  nủa phong kiến trước đây. Tầng lớp trung gian giữa phú nông và những người làm thuê là trung nông ngày càng chiếm đa số và đóng vai trò quan trọng trong nông thôn miền Nam. Và trong những tầng lớp lại có sự phân chia khác nhau. Nắm được tình hình như trên, sau ngày giải phóng, Đảng và Nhà nước của một Việt Nam thống nhất sẽ có căn cứ rõ ràng về tình hình thực tế của sở hữu ruộng để đưa ra cuộc điều chỉnh ruộng đất phù hợp cho mọ giai cấp, mọi tầng lớp, nhất là giai cấp nông dân nói chung, phú nông, trung nông, và những người làm thuê không có đất hoặc thiếu đất. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ tình hình đó, không thấy được vai trò, vị trí của mọi tầng lớp thì sẽ dễ dàng đến mắc những sai lầm trong việc điều chỉnh ruộng đất mà Đảng và Nhà nước sẽ tiến hành sau năm 1975, sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước.



[1] GS. Nguyễn Công Bình (2008), Đời sống xã hội ở vùng Nam Bộ, NXB. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr.31-32.
[2] Võ Văn Sen (1996), Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở miền Nam Việt Nam (1954 – 1975), NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, tr.150.
[3] Võ Văn Sen (1996), sđd, tr.151-152.
[4] Võ Văn Sen (1996), sđd, tr.151-152.

Trần Hoàng

Nhận xét