Các giai đoạn của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam

I. Giới thiệu về chữ Quốc ngữ
            Chữ Quốc ngữ hay còn gọi là bảng chữ cái tiếng Việt, là hệ thống chữ viết chính thức của tiếng Việt hiện nay, được hình thành dựa trên bảng chữ cái của các ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Roman[1].



            Chữ Quốc ngữ có cấu trúc và đặc điểm như sau[2]:
            1. Bảng chữ cái bao gồm 29 chữ: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y.
            2. Ngoài các chữ cái, do tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu nên chữ Quốc ngữ còn sử dụng thêm 5 dấu để ghi 6 thanh điệu: huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Riêng thanh ngang thì không dùng dấu.
            So với chữ viết của nhiều ngôn ngữ trên thế giới, chữ Quốc ngữ có chính tả đơn giản hơn rất nhiều. Nguyên nhân sâu xa nhất của điều này là ở chỗ chữ Quốc ngữ được xây dựng theo nguyên tắc âm vị học, nghĩa là yêu cầu giữa âm và chữ phải có quan hệ tương ứng 1-1. Để đảm bảo nguyên tắc này, chữ Quốc ngữ phải thỏa mãn ít nhất hai điều kiện:
            - Mỗi âm chỉ do một ký hiệu biểu thị.
            - Mỗi ký hiệu luôn luôn chỉ có một giá trị, tức là chỉ biểu thị một âm duy nhất ở mọi vị trí trong từ.
            Về căn bản, chữ Quốc ngữ được tạo ra có tính đến khá đầy đủ các điều kiện đó.[3]

II. Lịch sử hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam
            Chữ Quốc ngữ có một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử Việt Nam và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử diễn ra trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam từ khoảng đầu thế kỷ XVII đến nay. Để có thể tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam một cách khái quát, ta có thể chia thành 4 giai đoạn như sau:
            II.1. Chữ Quốc ngữ trong giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển (khoảng đầu thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XIX)
            Đầu thế kỷ XVII là giai đoạn Việt Nam đang ở trong tình trạng bị chia cắt thành hai miền: Đàng Ngoài từ sông Gianh (thuộc tỉnh Quảng Bình) trở ra Bắc dưới sự cai quản của chế độ phong kiến vua Lê – chúa Trịnh, Đàng Trong từ sông Gianh trở vào Nam dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn. Vào thời gian này, ở cả hai miền đều đã có nhiều giáo sĩ phương Tây đến từ nhiều quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp đến Việt Nam để truyền đạo Thiên Chúa. Để phục vụ cho mục đích truyền đạo, các giáo sĩ cần phải giao tiếp rất nhiều với người Việt, và như vậy đòi hỏi họ phải học tiếng Việt. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes mà người Việt vẫn hay gọi là linh mục Đắc Lộ, đã từng nhận xét về tiếng Việt trong một tác phẩm của mình như sau:
            “Riêng tôi xin thú nhận rằng, khi vừa tới Đàng Trong nghe người Việt nói chuyện với nhau, nhất là giữa nữ giới, tôi có cảm tưởng như mình nghe chim hót và tôi đâm thất vọng vì nghĩ rằng không bao giờ có thể học được tiếng Việt.”[4]
            Như vậy, việc học tiếng Việt gây rất nhiều khó khăn cho các giáo sĩ phương Tây, tuy vậy, họ vẫn học được tiếng Việt. Đối với linh mục Đắc Lộ, sau 10 tháng học, ông đã bắt đầu giảng thuyết.[5]
            Đối với việc học tiếng Việt thì là như vậy, nhưng việc ghi âm tiếng Việt lại là một khó khăn khác đối với các giáo sĩ. Người Việt trong thời kỳ này sử dụng hai loai chữ viết là chữ Hán và chữ Nôm, cả hai đều là chữ tượng hình nên gây ra nhiều khó khăn trong việc học cho các giáo sĩ, vốn đã quen sử dụng chữ cái tượng thanh Latin. Vì vậy, họ đã cộng tác với các thầy giảng Việt Nam và dần dần tạo nên một loại chữ sử dụng mẫu tự Latin, dựa vào một phần của chữ Bồ Đào Nha, chữ Ý và các dấu trong chữ Hy Lạp[6]. Chữ Quốc ngữ đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
            Tuy nhiên, xét một cách cụ thể, cho đến nay hầu như vẫn chưa ai biết một cách chắc chắn về năm ra đời thực sự của chữ Quốc ngữ. Trong giai đoạn từ năm 1621 đến năm 1626 đã có nhiều tài liệu viết tay bằng chữ Quốc ngữ của các giáo sĩ phương Tây[7]. Lấy ví dụ về các từ ngữ viết bằng chữ Quốc ngữ thời đó của giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri[8]: Anam (An Nam), Tunchim (Đông Kinh), Quamguya (Quảng Nghĩa), Quignin (Quy Nhơn),…
            Như vậy, ta có thể nhận thấy ở giai đoạn này, chữ Quốc ngữ vẫn còn rất sơ khai, chưa có dấu thanh và các chữ được viết dính vào nhau như trong các ngôn ngữ Latin. Rõ ràng là khi vừa mới ra đời, chữ Quốc ngữ mang nhiều đặc điểm giống các ngôn ngữ nước ngoài của các giáo sĩ phương Tây hơn là giống chữ Quốc ngữ hiện nay.
            Song, vấn đề năm ra đời thực sự của chữ Quốc ngữ vẫn chưa được giải quyết, và để giải quyết vấn đề này, người viết cho rằng ta có thể lấy mốc năm 1651, năm mà Từ điển Việt – Bồ - La (tiếng Latin là Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) được xuất bản lần đầu tiên tại Rome, Ý. Sở dĩ ta có thể lấy mốc thời gian này bởi vì sự xuất hiện của một quyển từ điển hoàn chỉnh đầu tiên của chữ Quốc ngữ cho thấy rằng chữ Quốc ngữ đã tương đối hoàn chỉnh nếu so sánh với các giai đoạn trước đó, đồng thời sự xuất hiện của tác phẩm từ điển này cũng đồng nghĩa với việc người Việt Nam cũng như người phương Tây có thể tiếp cận với chữ Quốc ngữ một cách trực tiếp mà không cần phải qua những người trung gian, do vậy mà có thể xem chữ Quốc ngữ đã chính thức ra đời.
            Từ điển Việt – Bồ - La là công trình do chính giáo sĩ Đắc Lộ biên soạn sau 12 năm làm việc ở Việt Nam[9]. Trong lời tựa cuốn từ điển của mình, ông đã tri ân công lao và đóng góp của các giáo sĩ Dòng Tên khác[10] (bản thân Đắc Lộ là giáo sĩ của Dòng Tên). Như vậy, có thể nói rằng chữ Quốc ngữ có được là nhờ công lao rất lớn của các giáo sĩ phương Tây, đặc biệt là các giáo sĩ Dòng Tên, cho dù họ tạo ra chữ Quốc ngữ nhằm mục đích truyền giáo, thế nhưng công trình của họ có thể được xem như là một thành tựu văn minh đầu tiên của phương Tây dành cho người Việt Nam, mặc dù trong suốt nhiều thế kỷ, chữ Quốc ngữ vẫn chưa phải là chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam mà chỉ được dùng một cách hạn chế trong cộng đồng giáo dân Việt Nam cùng với các giáo sĩ nước ngoài. Mãi đến khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX thì họ mới dần dần đưa chữ Quốc ngữ lên thành chữ viết chính thức của người Việt.
            II.2. Chữ Quốc ngữ trong giai đoạn Pháp thuộc và trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam (đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX)
            Đầu thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ có một mốc phát triển quan trọng. Năm 1838, từ điển “Nam Việt – Dương Hiệp tự vị” (tiếng Latin là Dictionarium Anamitico - Latinum) được xuất bản tại Ấn Độ[11]. Đây là từ điển song ngữ Việt – Latin (trong đó tiếng Việt được viết bằng cả hai loại chữ là chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Quyển từ điển này do giám mục Jean – Louis Taberd biên soạn dựa trên thủ bản do giám mục Pierre Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) viết năm 1773[12]. Từ điển Taberd cho thấy nhiều cải tiến của chữ Quốc ngữ so với từ điển Đắc Lộ năm 1651, một trong số đó là sự biến đổi của những âm "bl", "ml", "pl", "sl", và "tl" trở thành "tr", "nh", "l", "s"[13]. Chính tả của chữ Quốc ngữ trong từ điển Taberd cũng đã gần giống như chính tả ngày nay. Trong phần phụ lục của từ điển có một câu ví dụ như sau:
            “Tôi cam lòng chìu theo quốc pháp, tôi chẳng có ý làm đều gì nghịch cùng thói phép đất nầy, có tục ngữ rằng: nhập giang tùy khúc nhập gia tùy tục.”[14]
            Như vậy, ta có thể thấy được rằng ngữ pháp và chính tả của chữ Quốc ngữ trong giai đoạn này đã tương đối hoàn chỉnh và người Việt hiện nay có thể đọc hiểu được, song ở giai đoạn này thì chữ Quốc ngữ vẫn chỉ được dùng trong cộng đồng giáo dân Công giáo ở Việt Nam, khi đó chữ viết chính thức của người Việt vẫn là chữ Hán.
            Năm 1858, đế quốc Pháp tấn công xâm lược Việt Nam. Đến năm 1884, Pháp chính thức biến Việt Nam thành thuộc địa và xứ bảo hộ của mình. Nhằm phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa cũng như truyền giáo, những quan chức cũng như giáo sĩ người Pháp đã thi hành một đường lối cứng rắn trong việc xóa bỏ, tiêu diệt những phong tục, văn hóa của người dân bản xứ[15], trong đó người Pháp đã sớm chú ý đến chữ Quốc ngữ và muốn dùng loại chữ này để thay thế cho chữ viết chính thức lúc đó là chữ Hán. Do vậy, người Pháp đã thi hành nhiều biện pháp với tư cách là những người cai trị bằng cách ra nhiều nghị định quy định về việc sử dụng chữ Quốc ngữ như là chữ viết chính thức trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Các nghị định tiêu biểu[16] là:
            1. Nghị định ngày 22 tháng 2 năm 1869 do Phó đề đốc Pháp Gustave Ohier ký với nội dung về “chữ viết của tiếng An-nam bằng mẫu tự Âu-châu trở thành bó buộc trong giấy tờ chính thức.”[17]
            2. Quyết định ngày 18 tháng 3 năm 1869 cũng do Ohier ký về việc phát hành lại Gia Định báo. Thực chất Gia Định báo đã được sáng lập bởi nhà bác học Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) và được người Pháp ký nghị định cho phép xuất bản lần đầu tiên vào tháng 4 năm 1865, nhưng không phải ký cho Petrus Ký mà là cho một viên thông ngôn người Pháp tên là Ernest Potteaux, bởi vì cho đến những thập niên đầu thế kỷ 20, việc ra báo ở Nam Kỳ vẫn "phải xin phép" nếu là báo viết bằng tiếng Việt và chỉ có báo bằng tiếng Pháp mới được "tự do" xuất bản. Do đó, việc Gia Ðịnh báo trong thời gian đầu phải cấp phép cho một người Pháp làm chánh tổng tài (chức tương đương tổng biên tập ngày nay) là chuyện bình thường[18]. Mãi đến ngày 16 tháng 9 năm 1869 mới có nghị định do Ohier ký giao Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký làm "chánh tổng tài" (tiếng Pháp: rédacteur en chef)[19], nay gọi là giám đốc, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
            3. Nghị định ngày 6 tháng 4 năm 1878 về việc dùng chữ An Nam bằng mẫu tự Latinh do thống đốc Nam Kỳ Lafont ký.
            Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 1869 đến năm 1882, người Pháp đã ban hành rất nhiều nghị định, quyết định, thông tư với nội dung chính là sử dụng chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức ở Việt Nam. Như vậy, có thể nói rằng thời kỳ Pháp thuộc là thời kỳ người Việt Nam đã thay đổi chữ viết chính thức của mình từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, đánh dấu một mốc quan trọng nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Sự thay đổi của chữ Quốc ngữ từ một công cụ truyền giáo đến một địa vị chính thức trong lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam có được là nhờ công lao to lớn của những người Pháp, những người cho dù mục đích chính khi dùng chữ Quốc ngữ là để cai trị nhưng nhờ họ mà người Việt ngày nay mới có một loại chữ dễ học, hiện đại và giúp cho người Việt hiện này dễ dàng tiếp cận với các ngôn ngữ khác cùng dựa trên bảng chữ cái Latin như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức,…. Cũng không thể không kể đến công lao to lớn của những người Viêt Nam tham gia vào việc phổ biến, cải tiến chữ Quốc ngữ cho phù hợp với văn hóa Việt Nam và xuất bản những tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ, tiêu biểu như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,…
            II.3. Chữ Quốc ngữ trong giai đoạn hiện đại và đương đại (đầu thế kỷ XX đến nay)
            Kể từ khi được người Pháp công nhận là chữ viết chính thức, đến đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ đã được đón nhận nồng nhiệt bởi người Việt và phát triển mạnh mẽ, nhất là ở Nam Kỳ, nơi mà báo chí viết bằng chữ Quốc ngữ có rất nhiều như Gia Định báo (1865), Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1910). Trong khi đó, Bắc Kỳ và Trung Kỳ thì chữ Quốc ngữ vẫn chưa được đón nhận thực sự, chữ Hán vẫn là văn tự tối thượng và ngôn ngữ chính thức của giới sĩ phu[20]. Tuy nhiên, cũng có những người theo Nho học nhưng hiểu được giá trị của chữ Quốc ngữ và cổ động việc thu nhận chữ Quốc ngữ như là một cách nâng cao trình độ kiến thức đại chúng, canh tân xã hội, thức tỉnh tinh thần yêu nước và huy động động lực phản kháng của người Việt trước quyền lực của thực dân Pháp. Tiêu biểu nhất là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 với chủ trương việc theo học chữ Quốc ngữ không chỉ là phương tiện đọc và viết mà còn hàm ý vận động chính trị và vận mệnh dân tộc. Mặc dù bị thực dân Pháp đàn áp nhưng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục là tiền đề cho sự ra đời của các tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên[21] ở miền Bắc như: Đăng Cổ Tùng Báo (ra đời cùng với chính phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu năm 1907), Đông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc tân văn (1915), Nam Phong (1917). Cùng với báo chí, sự phát triển của văn học viết bằng chữ Quốc ngữ, tiêu biểu như phong trào Tự lực văn đoàn với một loạt tiểu thuyết, thơ với tư tưởng mới, phong cách mới đã chứng minh chức năng toàn diện của chữ Quốc ngữ để làm chữ viết chính thức của người Việt.
            Về phía chính quyền, người Pháp đã mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy chữ Quốc ngữ ở Bắc Kỳ vào năm 1910[22]. Ở Trung Kỳ, Thượng thư bộ Học là Cao Xuân Dục có công văn trả lời Toàn quyền Đông Dương với ý tán đồng: “cả nước cùng học chữ Quốc ngữ La Tinh, tuyển chọn các vị cử nhân, tú tài, tôn sinh, ấm sinh người bản quốc sung làm giáo sư và thành lập viện dịch chữ Quốc ngữ... Nay vâng mệnh Hoàng đế bản quốc lập ra trường chuyên dạy thứ chữ này chính là muốn thống nhất một lối dùng làm thứ chữ dạy học phổ thông.”[23]
            Như vậy, có thể nói rằng đến đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ đã đạt được vị thế cao hơn hẳn so với chữ Hán ở Việt Nam, chữ Hán dần dần được thay thế bằng chữ Quốc ngữ, các kỳ thi khoa bảng Nho học cũng dần biến mất (khoa thi cuối cùng được tổ chức ở Huế vào năm 1919). Đến năm 1945, Việt Nam giành được độc lập, chữ Quốc ngữ đã được công nhận là chữ viết chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua điều 18 trong Hiến pháp 1946: “Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”. Sau năm 1945, mặc dù Việt Nam đã trải qua nhiều biến động lịch sử với hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ, bị chia cắt thành hai miền rồi lại thống nhất vào năm 1975, thế nhưng từ đó đến nay, chữ Quốc ngữ vẫn không thay đổi nhiều và ngày càng được đón nhận, yêu thích bởi tất cả những thế hệ người Việt Nam và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của mỗi người dân Việt Nam.

           
           
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. André-Georges Haudricourt, 2010, The origin of the peculiarities of the Vietnamese alphabet, MonKhmer Studies.
2. Bùi Minh Toán (chủ biên), 1996, Tiếng Việt thực hành, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Đỗ Quang Chính, 2008, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, NXB Tôn giáo.
4. Franz Josef Hausmann, 1991, Dictionaries – An International Encylopedia of Lexicography, NXB Walter de Gruyter, Berlin.
5. Jean – Louis Taberd, 2004, Dictionarium Anamitico-Latinum, NXB Văn học, TP. HCM.
6. Nguyễn Văn Trung, 1974, Chữ, văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, NXB Nam Sơn, Sài Gòn.
7. Trần Nhật Vy, 2011, “Bếp núc” tờ Gia Định báo, Tuổi trẻ Online.
8. Trần Thị Phương Hoa, 2009, Franco – Vietnamese Schools and the transition from Confucian to a new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Viện Sử học Việt Nam, Hà Nội.
9. Cao Xuân Dục, 2012, Long Cương văn tập, NXB Lao động, Hà Nội.






[1] André-Georges Haudricourt, 2010, The origin of the peculiarities of the Vietnamese alphabet, MonKhmer
Studies, tr.89-104.
[2] Bùi Minh Toán (chủ biên), 1996, Tiếng Việt thực hành, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr. 226.
[3] Bùi Minh Toán (chủ biên), 1996, Sđd, tr. 227.
[4] Đỗ Quang Chính, 2008, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659, NXB Tôn giáo, tr. 12.
[5] Đỗ Quang Chính, 2008, Sđd, tr. 14.
[6] Đỗ Quang Chính, 2008, Sđd, tr. 22.
[7] Đỗ Quang Chính, 2008, Sđd, tr. 28.
[8] Đỗ Quang Chính, 2008, Sđd, tr. 37 – 38.
[9] Franz Josef Hausmann, 1991, Dictionaries – An International Encylopedia of Lexicography, NXB Walter de Gruyter, Berlin, tr. 2583.
[10] Franz Josef Hausmann, 1991, Sđd, tr. 2583.
[11] Jean – Louis Taberd, 2004, Dictionarium Anamitico-Latinum, NXB Văn học, TP. HCM.
[12] Jean – Louis Taberd, 2004, Sđd.
[13] Jean – Louis Taberd, 2004, Sđd.
[14] Jean – Louis Taberd, 2004, Sđd
[15] Nguyễn Văn Trung, 1974, Chữ, văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, NXB Nam Sơn, Sài Gòn, tr. 13.
[16] Nguyễn Văn Trung, 1974, Sđd, tr. 25 – 38.
[17] Nguyễn Văn Trung, 1974, Sđd, tr.25.
[18] Trần Nhật Vy, 2011, “Bếp núc” tờ Gia Định báo, Tuổi trẻ Online.
[19] Trần Nhật Vy, 2011, “Bếp núc” tờ Gia Định báo, Tuổi trẻ Online.
[20] Nguyễn Văn Trung, 1974, Sđd, tr. 162.
[21] Nguyễn Văn Trung, 1974, Sđd, tr. 163.
[22] Trần Thị Phương Hoa, 2009, Franco – Vietnamese Schools and the transition from Confucian to a new kind of intellectual in the colonial context of Tonkin, Viện Sử học Việt Nam, Hà Nội.
[23] Cao Xuân Dục, 2012, Long Cương văn tập, NXB Lao động, Hà Nội, tr. 64.
------------------------
Ngô Xuân Vinh

Nhận xét