Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, quần chúng công nông đã vùng lên phá bỏ gông cùm nô lệ, lập nên chính quyền cách mạng ở một số nơi theo hình thức Xô-viết. Đồng thời, thực hiện các chính sách tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, nhưng cao trào cách mạng 1930-1931 đã khẳng định trên thực tế đường lối cách mạng Việt Nam do Đảng ta đề ra là đúng đắn. Từ cao trào này đã để lại những bài học quý giá về xây dựng liên minh công nông, về xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, về phát động phong trào quần chúng, đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền.
Trong lúc cao trào cách mạng đang diễn ra sôi sục, rộng khắp, từ ngày 14 đến 31-10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) do đồng chí Trần Phú chủ trì. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Luận cương Chính trị, nghị quyết “về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”, các nghị quyết về công nhân vận động, về nông dân vận động, về cộng sản thanh niên vận động, về phụ nữ vận động, về quân đội vận động, về vấn đề cứu tế, về Điều lệ của Đảng Cộng sản Đông Dương và điều lệ của các tổ chức quần chúng. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành T.Ư chính thức của Đảng, bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư.
Luận cương Chính trị khẳng định những vấn đề căn bản về chiến lược cách mạng Việt Nam. Bản Luận cương đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới, tình hình trong nước; nhận định chủ nghĩa tư bản đã chấm dứt thời kỳ tạm ổn định và chuyển sang thời kỳ tổng khủng hoảng. Cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa đã phát triển tới trình độ cao. Lúc này phong trào cách mạng thế giới ảnh hưởng rất mạnh đến phong trào cách mạng ở Đông Dương. Do đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Đông Dương phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới.
Thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, đàn áp cao trào cách mạng những năm 1930-1931. Trong bối cảnh đó, Đảng ta và phong trào cách mạng chẳng những không bị tiêu diệt mà các cơ sở đảng, cơ sở quần chúng vẫn tồn tại và phát triển. Đồng chí Lê Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản, cùng các đồng chí lãnh đạo trong nước tổ chức khôi phục phong trào, khôi phục các tổ chức đảng, để chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng.
ĐẠI hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp từ ngày 27 đến 31-3-1935, tại Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự Đại hội, có 13 đại biểu thay mặt gần 6.000 đảng viên đang hoạt động ở trong nước và ngoài nước. Căn cứ tình hình cụ thể và dự báo tình hình trong nước, thế giới, Đại hội đề ra ba nhiệm vụ chủ yếu: Củng cố và phát triển Đảng, tranh thủ quần chúng rộng rãi; đẩy mạnh chống chiến tranh đế quốc; thông qua Nghị quyết chính trị và Điều lệ Đảng, các Nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ...
Đại hội bầu Ban Chấp hành T.Ư gồm 13 đồng chí, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản. Tháng 7-1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư. Gần hai năm sau, tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng là dấu mốc lịch sử quan trọng, được tổ chức sau 5 năm tổ chức Hội nghị hợp nhất các Đảng, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội đánh dấu sự khôi phục các tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước. Đồng thời, thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng.
Nhận xét
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã nhận xét bài viết.